ý nghĩa sám hối - Phật Giáo Việt Nam
03:58 +07 Thứ sáu, 10/05/2024

ý nghĩa sám hối

Thứ sáu - 17/02/2012 21:53
ý nghĩa sám hối

ý nghĩa sám hối

(HDPT) - Dựa vào mười nghiệp này, bạn có thể thấy rằng, ý thức tội lỗi trong đạo Phật bao gồm cả phần tâm thức chứ không đơn giản chỉ là hành vi phạm tội. Vì lẽ, thông thường luật pháp xã hội sẽ kết tội bạn khi nào có đầy đủ bằng chứng về hành vi phạm tội của bạn; nhưng ở đây
 

 

Từ Sám, trong Phạn ngữ (Sanskrit) được gọilà Ksamayati, tiếng Anh dịch là repentance—ăn năn, hối hận, Hán dịch là hối quá—hối hận vì những lỗi lầm đã làm (sám kỳ tiền khiên) và ăn năn chừa bỏ (hối kỳ hậu quá). Do vậy, trên căn bản, sám hối bao gồm hai phần: Sám—ăn năn lỗi cũ, và hối—nguyện chừa bỏ lỗi sau (tức là hứa với lòng mình rằng sẽ không tái phạm nữa). Nói một cách ngắn gọn khi bạn sám hối có nghĩa là bạn ý thức rằng mình đã làm điều lỗi lầm; do ý thức như vậy, bạn ăn năn và hẹn với lòng mình rằng mình sẽ không bao giờ tái phạm hay làm điều tội lỗi nữa. Đó là ý nghĩa căn bản của sám hối.



Tuy nhiên, khi thực hiện nghi thức sám hối ở Đạo Tràng hoặc ở nhà riêng của bạn, bạn phải trang nghiêm thân và nhất tâm cầu sám hối trước ba ngôi Tam Bảo. Với lòng thành kính thực thụ của bạn, sau khi sám hối, ba nghiệp—thân, miệng, và ý—của bạn sẽ được thanh tịnh. Mức độ chí thành của bạn càng sâu thẳm chừng nào thì tâm của bạn sẽ được nhẹ nhàng chừng đó, bất kể khi sám hối bạn đối trước Tam Bảo hay đối diện với chính mình trong căn phòng của mình. Đức Phật dạy rằng trên đời có hai hạng người cao qúy: một là hạng người vô tội, sống thánh thiện và không phạm phải bất kỳ một lỗi lầm nào, dù nhỏ nhoi; một hạng khác, là người có ý thức về tội lỗi, có nghĩa là khi phạm lỗi thì biết ăn năn và chí thành sám hối. Là một con người bình thường, làm sao chúng ta có thể tránh khỏi những lỗi lầm hoặc vô tình, hoặc cố ý?

Ở đây, vấn đề ý thức về tội lỗi trong đạo Phật được nhìn nhận một cách cụ thể qua ba nền tảng của một con người, đó là thân, miệng, và ý. Thân có ba nghiệp là (i) giết và làm hại chúng sinh, (ii) trộm cắp tài sản của kẻ khác, (iii) tà dâm—không chung thủy với người hôn phối, vì dục tình mà phá hoại hạnh phúc hôn nhân và gia đình của kẻ khác. Miệng có bốn nghiệp là (i) nói dối với mục đích hại người và hại mình, (ii) nói lưỡi đôi chiều, (iii) nói lời thêu dệt, và (iv) nói lời thô lỗ, xấu ác. Ý có ba nghiệp là: (i) tham lam bỏn xẻn, (ii) sân hận, thù oán, và (iii) tà kiến, cố chấp. Đó là mười ác nghiệp mà chúng ta thường phạm phải.

Dựa vào mười nghiệp này, bạn có thể thấy rằng, ý thức tội lỗi trong đạo Phật bao gồm cả phần tâm thức chứ không đơn giản chỉ là hành vi phạm tội. Vì lẽ, thông thường luật pháp xã hội sẽ kết tội bạn khi nào có đầy đủ bằng chứng về hành vi phạm tội của bạn; nhưng ở đây, cho dù bạn chưa thực hiện hành vi phạm tội, trộm cắp chẳng hạn, bạn chỉ vừa khởi niệm tham—muốn lấy tài sản của kẻ khác—như thế là bạn đã phạm tội, dầu chỉ ở mức độ khởi niệm. Vì vậy, bài kinh mà chúng ta thường tụng trong khi cử hành lễ Sám hối đó là:

Tội từ tâm khởi, đem tâm sám

Tâm được tịnh rồi, tôi liền tiêu,

Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không,

Thế mới thật là chân sám hối.

Và mục đích của sám hối, như đã đề cập, là nhằm từng bước tịnh hóa ba nghiệp của thân, miệng, vá ý (thân tâm) trên con đường tu tập của chúng ta. Những gợi ý sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự tịnh hoá thân tâm bằng phương pháp sám hối.

 

2. Con người thật của chính mình:

Trong một ý nghĩa nào đó, mỗi con người của chúng ta có ít nhất ba hiện thân khác nhau, một là con người vật lý, hai là con người danh xưng, và ba là con người thật. Đối với con người vật lý, ai cũng thể thấy được và tiếp xúc được. Đó là con người bằng xương bằng thịt, được nuôi dưỡng bởi các thực tố và được trưởng thành qua giáo dục của các môi trường như gia đình, học đường, và xã hội. Đối với con người danh xưng, nếu không thể thấy được bằng mắt thì người ta cũng có thể nghe được danh xưng, như tên tuổi trong ID card, bút danh, bút hiệu, biệt hiệu, .v.v., hay nhận biết được từ những di sản còn lại hoặc qua các phương tiện sách báo. Chẳng hạn, những gì chúng ta biết về Thánh Gandhi là nhờ vào di sản còn lại của ông, vì chúng ta không phải là người cùng thời với ông, hoặc là chỉ biết ông qua sách báo. Nhưng đối với con người thật, tức là con người của chính mình, thì không ai khác có thể biết được, ngoài trừ chính bản thân của mình. Thật vậy, những gì bạn suy nghĩ, ôm ắp, lo âu, khát vọng, hay mơ tưởng chỉ có bạn mới biết một cách đích thực mà thôi. Ở đây, câu hỏi được đặt ra là ba hiện thân này có liên quan gì đến việc sám hối? Vâng, chính khi bạn sám hối có nghĩa là bạn trở về với con người đích thực của mình, một con người “thành thật” vượt lên trên mọi hình tướng bên ngoài cũng như mọi danh xưng đối đãi.

Thực tế cho thấy rằng, một con người thường được gắn liền với một loại danh xưng nào đó chẳng hạn như bác sỹ, tiến sỹ, kỹ sư, nhà nông, công nhân, thợ thuyền .v.v. Về mặt xã hội, người có địa vị càng cao, thì danh xưng càng lớn. Nhưng bạn nên nhớ rằng, cái danh xưng chỉ phản ánh một phần nào đó của người mang danh xưng mà thôi. Danh xưng thường chỉ gắn liền với nghề nghiệp của mỗi người chứ nó không phải là tất cả những gì thuộc về con người đó. Do vậy, có khi một người nghèo khổ, không danh vọng và không có địa vị xã hội, nhưng anh ta sống chân chất, cao thượng, và đầy đủ các phẩm chất cao qúy của bốn tâm vô lượng—từ, bi, hỷ, xả. Và ngược lại, có khi một người giàu có, có địa vị cao trong xã hội, có quyền lực trong tay, có danh xưng to tát, nhưng anh ta làm những điều xấu ác, tham lam, bỏn xẻn, tà kiến, cố chấp, .v.v. Chính vì vậy, pháp bình đẳng sám hối là một pháp môn cao qúy giúp cho những ai có lòng thành muốn sửa đổi những lỗi lầm của mình mà không hề phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, hay màu da. Và do đó, một lần sám hối là một lần bạn có cơ duyên nhìn lại con người thật sự của mình, một con người vốn rất yếu đuối trước những cám dỗ của dục vọng, một con người đáng thương bởi những sợ hãi và lo toan, và trên hết là một con người của sự chân thành, có khả năng chuyển hóa mọi lỗi lầm để trở thành thánh thiện, tôn qúy.

 

3. Mặc Cảm Tội Lỗi:

Trên thế gian này, ai là người không mắc lỗi lầm? Đặt câu hỏi như thế là để thấy rõ rằng phạm lỗi không phải là điều đáng sợ, nhưng cái đáng sợ, chính là không biết ăn năn sám hối, hay nói khác hơn là đánh mất ý thức về tội lỗi. Thực tế cho thấy rằng, “không có thánh nhân nào mà không có một quá khứ lỗi lầm, cũng như không có tội nhân nào mà không có hy vọng về một tương lai tương sáng.” Trong ngày lễ Phật đản của Đức Thích Ca Mâu Ni, chúng ta xướng rằng: “A Tỳ ngục tốt, sơ phát thiện tâm.” Tức là, Đức Thích Ca Mâu Ni trong vô lượng kiếp quá khứ vốn là một sinh linh trong cõi ngục A tỳ, do phát khởi thiện tâm mà Ngài tiến tu cho đến ngày thành Phật. Hoặc trong truyện tiền thân của Phật giáo Nam Truyền (Bổn Sinh), Đức Thích Ca Mâu Ni, trong nhiều kiếp sống quá khứ đã từng là những thiện thú như voi, sư tử, .v.v. để cứu vớt đồng loại. Mặc dầu, chúng ta có thể hiểu những mẫu chuyện này theo nhiều cách khác nhau, huyền thoại, ẩn dụ, hay cổ tích .v.v., nhưng điều cơ bản ở những mẫu chuyện này là nhấn mạnh đến một tiến trình chuyển hóa tội lỗi và tu tập các công đức của chúng hữu tình. Vì thế, bao lâu bạn còn biết ăn năn sám hối, thì bấy lâu bạn còn có cơ hội để chuyển hóa và tu tập. Trong giòng luân lưu của tâm thức, sám hối không bao giờ là một việc muộn màng, trừ phi bạn đã đánh mất lương tri của mình.

Thế nhưng, có hai chướng ngại lớn lao luôn ngăn cản bạn thực hành sám hối một cách chí thành, đó là cái mặc cảm tự tôn và mặc cảm tự ty. Cả hai loại mặc cảm này đều được xem là mặc cảm tội lỗi. Đối với loại thứ nhất, mặc cảm tự tôn, bạn có thể cho rằng mình là người không có làm gì lỗi lầm, thế thì tại sao phải sám hối vá sám hối với ai? Một lối nói như thế quả thực là tội nghiệp và đáng thương. Hãy thử suy nghĩ như thế này: Để có mặt trong ngày hôm nay bạn đã thọ ơn biết bao nhiêu người—cha mẹ, anh em, sư trưởng, bằng hữu, gia đình, xã hội, đất nước, quốc gia, .v.v. Trong khi thọ ơn đó bạn đã làm được gì cho cha mẹ, thầy bạn, anh em, .v.v. Đó là chưa kể đến việc bạn đã gây ra bao lo âu, buồn bực cho cha mẹ, hay những người bên cạnh bạn trong những lúc bạn ngả bệnh, trong lúc bạn còn ở tuổi ấu thơ, những lúc bạn hành xử một cách dại khờ, hay trong những lúc bạn nổi cơn sân si, kiêu mạn, tham lam, thù hận, tranh chấp, .v.v. Thử đếm, bạn đã nói dối bao nhiêu lần vì lợi ích cho riêng mình, bao nhiêu lần bạn làm hại đến chúng hữu tình, hay bao nhiêu lần bạn có thầm ý bất chính, bao nhiêu lần bạn nổi sân si, và sự sân si của bạn đã ảnh hưởng như thế nào đến bản thân của bạn và những người chung quanh bạn, .v.v.? Càng quán niệm như thế, bạn càng thấy rõ những lỗi lầm trong con người của mình hơn. Do đó, một con người bình thường mà tự cho rằng mình không có lầm lỗi gì hết và không cần sám hối, có nghĩa là bạn đã trở thành bất bình thường. Điều này rất nguy hiểm cho cuộc sống cả hiện tại và tương lai của bạn. Vì với một tâm niệm như thế, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội điều chỉnh hay chuyển hóa những thói hư, tật xấu của bạn. Ngược lại, đối với cái mặc cảm tự ty, bạn có thể cho rằng, mình mắc nhiều lỗi lầm quá nên không thể nào sám hối được, hoặc là muốn sám hối nhưng cái nỗi ám ảnh của tội lỗi quá sâu nặng, nó lấn áp mọi thiện niệm trong tâm thức của bạn bằng cách giam giữ bạn trong bóng tối của khổ đau. Do bị ám ảnh hoặc suy nghĩ như thế mà bạn tự xa lánh mọi người, sống cô lập một mình và thường hay khóc thầm, có khi lại nghĩ đến việc kết thúc đời sống này càng sớm càng tốt. Đây quả là một điều tệ hại hết sức! Nó không những đưa bạn về với cuộc sống thụ động, bi quan, mà còn đánh mất mọi khả năng chuyển hóa con người và cuộc đời của bạn, và thậm chí có khi nó đưa đẩy bạn đến một thế giới liều lĩnh, phó mặc, sống theo kiểu “phận bèo đau quản nước xa, lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.” (Kiều) Thực chất của cả hai trường hợp trên là ở chỗ bạn không thấy được đạo lí vô thường và vô ngã của cuộc sống. Vì cả hai, mặc cảm tự tôn và tự ty, đều phát sinh trên căn bản của cái tự ngã cá thể: cái tôi, cái của tôi, và cái tự ngã của tôi. Bao lâu bạn còn đắm chìm trong sự kiêu căng của cái bản ngã của chính mình, thì bấy lâu bạn không thể sám hối bằng tất cả tấm lòng chí thành, chí kính được. Vì thế, bạn nên nhớ rằng, bản ngã bao giờ cũng là nguồn động lực làm phát sinh tội lỗi, và nó cũng đồng thời là cái động lực xúi giục bạn che dấu tội lỗi. Bạn hãy quán niệm rằng:

Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không,

Thế mới thật là chân sám hối.

 

4. Tự Ngã và Tội Lỗi:

Hẳn bạn cũng bâng khuâng rằng tại sao “tội tiêu, tâm tịnh thảy điều không, thì mới được gọi là chân sám hối”? Ở đây, “tội tiêu” có nghĩa là bạn đã rửa sạch tội lỗi bằng cách ăn năn sám hối, làm lành lánh dữ, và tu tạo công đức để đền bù những lầm lỗi của mình. “Tâm tịnh” có nghĩa là khi bạn đã đạt đến một sự thanh tịnh tuyệt đối, thì mọi pháp đều không còn tác dụng gì đối với tâm thức của bạn, vì lẽ bản chất của các pháp đều do nhân duyên sinh khởi nên chúng không thực có tự tính. Khi thành tựu pháp sám hối như thế tức là bạn đã thành tựu chân sám hối—cả tội và tâm đều vắng lặng như hư không. Tất nhiên để được thành tựu như thế, công việc đầu tiên cũng như công việc cuối cùng đó là, bạn phải loại trừ sự kiêu căng của tự ngã và gốc rễ của nó nằm sâu trong mỗi niệm tham ái và chấp thủ. Cho đến khi nào, tội lỗi đã không còn, sự ăn năn cũng không còn, cho đến cái ý niệm về sự ăn năn cũng không còn vương vấn trong tâm thức của bạn; lúc bấy giờ tâm của bạn là một tinh thể toàn bích và vô nhiễm. Chính nơi đây, bạn đã thực thụ thành tựu “chân sám hối”. Tại đây, rõ ràng khi bạn đạt đến “chân sám hối” cũng có nghĩa là bạn đạt đến “chân hạnh phúc” vốn thanh tịnh, vô nhiễm mang tính chất của Niết bàn.

Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù đã ăn năn sám hối, song cái ý thức về sự ăn năn vẫn còn bám chặt trong gốc rể của tự ngã, vì thế bạn vẫn phải tiếp tục gánh chịu đau khổ bởi chính sự ăn năn, hối hận đang mãi miết khuấy động tâm hồn của bạn. Mỗi lần nhớ đến lỗi lầm trong quá khứ bạn lại xót xa, đau khổ. Như thế có nghĩa là cái căn để của tội lỗi vẫn còn đeo bám trong tâm thức xâu xa của bạn. Do đó, sau khi đã chí thành sám hối, bạn cần có thêm thời gian để thực tập quán chiếu về tính chất vô ngã, vô thường của các pháp hiện hữu và duyên khởi chung quanh đời sống của chính bạn; đồng thời nỗ lực vun bồi các công đức vô lậu (ba la mật). Tức là làm việc công đức bằng cái tâm từ bi hỷ xả, không phân biệt, không chấp thủ, và không điều kiện. (xem thêm bài Tâm Bồ Đề)

Nói tóm lại, con đường tu tập bằng pháp bình đẳng Sám hối đóng một vao trò quan trọng trong mọi tiến trình tu tập của chúng ta. Vâng, chính sám hối là con đường duy nhất để chuyển hóa mọi lỗi lầm của mình thông qua sự tịnh hóa ba nghiệp. Nói khác đi, sám hối là con đường “thánh hoá” cuộc sống của chúng ta, nó làm cho cuộc sống lầm lỗi của chúng ta trở nên có ý nghĩa và cao đẹp. Chính vì thế, trong đạo Phật có nhiều phương thức sám hối để giúp bạn chuyển hóa nghiệp lực của chính bản thân mình, vốn đã được tích tụ từ vô lượng kiếp. Một vài phương pháp sám hối phổ thông đó là, lễ lạy hồng danh của chư Phật và chư Bồ Tát; phát lồ sám hối trước chúng tăng thanh tịnh, phát lồ sám hối với lương tâm của chính mình trước sự chứng minh của Tam Bảo trong mười phương, thực tập thiền định, tu tập các hạnh Ba la mật, vun bồi công đức thông qua các việc thiện nguyện, .v.v. Xin cầu nguyện cho bạn sớm thành tựu “chân sám hối” và xin chúc mừng bạn trong sự đạt đến “chân hạnh phúc”.

 

Thiện Tâm

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này