Phật giáo người hoa Tại TP. Hồ Chí Minh - Phật Giáo Việt Nam
15:52 +07 Thứ bảy, 20/04/2024

Phật giáo người hoa Tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ năm - 22/03/2012 07:45
(HDPT) - Từng là một thị trấn sầm uất, tập trung đông đảo cộng đồng người Hoa sinh sống, khu “phố người Hoa” nằm trên rạch Bến Nghé (nay là kênh Tàu Hủ) ra đời cùng lúc với Bến Nghé vào đầu thế kỷ XVII. Gần 400 năm qua, nhiều thế hệ người Hoa đã tạo dựng một cơ ngơi đáng tự hào của họ tại TP.Hồ Chí Minh, trong đó kiến trúc chùa chiền, tín ngưỡng đặc thù của Phật giáo người Hoa đã hòa nhập sinh động vào bản sắc văn hóa độc đáo của Việt Nam...
 

 

Quá trình du nhập của người Hoa vào Việt Nam

 

Vào cuối thế kỷ XVII, nhiều nhóm di dân người Trung Hoa từ phía Nam Trung Quốc và miền duyên hải, được nhà nước phong kiến Việt Nam thời bấy giờ cho phép định cư tại miền Nam Việt Nam, trong đó phần đông là tại Sài Gòn-Gia Định. Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cũng như theo lời kể của nhà văn Sơn Nam thì: “Cách phía Nam trấn 12 dặm, đường hai bên tả hữu quan lộ, ấy là đường phố lớn thẳng suốt ba đường giáp đến bến sông. Các đường ấy xuyên giáp nhau như hình chữ điền, phố xá liên tiếp sát nhau kéo dài ba dặm, người Tàu và người Việt ở chung... Đầu phía Bắc đường lớn có chùa Quan Thánh và ba hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu, phía Tây đường lớn là chùa Bà Thiên Hậu và hội quán Ông Lăng...”.

 

Nói đến người Hoa, ai cũng xác định được bởi những phong tục tập quán khác với người Việt. Nhưng ít ai biết hết được những thói quen hàng ngày cũng như tín ngưỡng của từng nhóm ngôn ngữ người Hoa tại TP.Hồ Chí Minh như: Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Hẹ, Nùng... Từ đó xuất hiện những phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của từng nhóm ngôn ngữ trên cũng khác nhau. Hầu hết, di dân người Hoa theo đạo Phật và tín ngưỡng dân gian chiếm đại đa số. Những ngôi chùa của người Hoa ban đầu quy tụ tại khu vực Chợ Lớn (nay bao gồm các quận 6, quận 11 và quận 5) do hội Ngũ Ban (5 nhóm ngôn ngữ người Hoa) xây dựng nên như: chùa Ông Nghĩa An, chùa Bà Tuệ Thành, chùa Ông Bổn, Quan Âm miếu... Đây là những nơi sinh hoạt tín ngưỡng, hội họp của người Hoa mới đến Việt Nam. Họ sống đoàn kết với nhau trong đoàn thể dưới hình thức Hội quán, Hội Tương tế, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Và, những ngôi chùa nêu trên cũng là nơi dừng chân cư trú của các vị Tăng sĩ người Hoa di cư theo dân chúng, để rồi sau này các vị đã mở mang tạo dựng các ngôi chùa mang nét thuần túy Phật giáo, đặt nền tảng cho Phật giáo người Hoa ở Việt Nam ngày nay.

 

Sự hình thành và phát triển của Phật giáo người Hoa

 

Vào những năm 1930, số người Hoa theo đạo Phật, sống và sinh hoạt theo từng chùa, từng nhóm chưa có tổ chức giáo hội; các chùa thời bấy giờ là các hội quán của người Hoa, chưa có ngôi chùa Phật giáo. Đến năm 1945, Hòa thượng (HT) Thống Lương và HT. Thanh Thuyền vận động xây dựng chùa Phổ Đà Sơn (quận 6),đây là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên của nhóm người Hoa di dân vào Việt Nam. Những năm sau đó, các vị Tăng sĩ ở Trung Hoa đã lần lượt sang Việt Nam và bắt đầu xây dựng các ngôi chùa Hoa tại Sài Gòn-Chợ Lớn như: chùa Quan Âm, chùa Từ Ân (quận 11), chùa Hoa Nghiêm (quận Bình Thạnh), chùa Vạn Phật (quận 5), chùa Thảo Đường (quận 6)... Tuy đã hình thành nhưng các chùa Hoa thời bấy giờ vẫn sống và tu học theo từng chùa, từng nhóm, chưa có một tổ chức Phật giáo nào của người Hoa. Cho đến năm 1958, HT. Siêu Trần từ Đài Loan sang, ngài xét thấy cần có một tổ chức Giáo hội Phật giáo của người Hoa sống tại Việt Nam, để tạo điều kiện cho các chùa Hoa đoàn kết lại tu học. Nhằm đáp ứng sự mong mỏi của tín đồ Phật giáo người Hoa, HT. Siêu Trần vận động, kêu gọi các chùa Hoa và Tăng Ni Phật tử  thành lập Giáo hội Phật giáo người Hoa. Đến năm 1968, Ban Vận động thành lập Phật giáo Hoa Việt Nam ra đời do HT. Siêu Trần và HT. Thanh Thuyền đứng đầu. Nhưng mãi đến năm 1973, Đại hội Phật giáo Hoa tông mới chính thức thành lập, khi đó lấy tên là Giáo hội Phật giáo Hoa tông Việt Nam (GHPGHTVN) và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, trụ sở đặt tại quận 7 Sài Gòn (nay là quận 8).

 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), HT. Siêu Trần và HT. Thanh Thuyền đi định cư ở nước ngoài. Lúc bấy giờ GHPGHTVN không có người đứng đầu, Ban Chấp hành GHPGHTVN thành lập Ban Vận động, đứng ra tổ chức Đại hội bất thường và suy tôn HT. Phước Quang, HT. Tăng Đức Bổn đứng ra lãnh đạo Phật giáo người Hoa. Trụ sở đặt tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Từ sau Đại hội GHPGHTVN, được bầu vào cơ quan lãnh đạo Giáo hội, HT. Phước Quang ra sức xây dựng trang nghiêm Giáo hội, vận động Tăng Ni, Phật tử người Hoa tham gia các phong trào cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy có những giai đoạn gặp nhiều khó khăn do nước nhà mới độc lập nhưng với tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc, HT. Phước Quang đã nỗ lực xây dựng, củng cố nhân sự, gìn giữ Giáo hội, tạo dựng lòng tin vững chắc cho Tăng Ni, Phật tử, qua đó thể hiện uy tín và những đóng góp của GHPGHTVN ngày càng lớn mạnh. Mãi đến đầu thập niên 80, các hệ phái Phật giáo trong cả nước tổ chức vận động thống nhất Phật giáo, HT. Phước Quang cùng chư tôn đức lãnh đạo GHPGHTVN tham gia vận động Tăng Ni Phật tử người Hoa cùng nhau đoàn kết chung ngôi nhà Phật giáo. Tháng 11-1981, Hội nghị thống nhất Phật giáo cả nước được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được thành lập, trong đó GHPGHTVN trước kia là một thành viên. Tại Đại hội, HT. Phước Quang được bầu làm Thành viên HĐCM GHPGVN. Năm 1982, Đại hội Phật giáo TP.HCM được tổ chức, thành lập Ban Trị sự Thành hội, HT. Phước Quang được cử làm Chánh đại diện Phật giáo quận 5 và là thành viên trong BTS THPG đặc trách Phật giáo người Hoa tại TP.HCM. Năm 1988, HT. Phước Quang viên tịch, Tăng Ni Phật tử người Hoa tổ chức cuộc họp tại chùa Vạn Phật, quận 5 và đề cử HT. Tăng Đức Bổn làm Trưởng đại diện Phật giáo người Hoa, sau đó THGP TP.Hồ Chí Minh cử HT. Tăng Đức Bổn làm Chánh đại diện Phật giáo quận 5, văn phòng đặt tại chùa Vạn Phật, quận 5.

 

Đến năm 1997, được sự tín nhiệm của Tăng Ni Phật tử người Hoa, TT. Thích Tôn Thật lên kế nhiệm HT. Tăng Đức Bổn, làm Trưởng đại diện Phật giáo người Hoa, và được THPG cử làm Chánh đại diện Phật giáo quận 5 cho đến ngày nay. Theo thống kê của Ban Đại diện Phật giáo quận 5 và hệ phái Hoa tông, trên cả nước hiện có hơn 60 ngôi chùa và tịnh xá của người Hoa, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh có 49 ngôi chùa, phần lớn tập trung tại quận 5, quận 6 và quận 11. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu có 6 ngôi chùa,  Đà Lạt có 3 ngôi chùa và các chi nhánh khác ở các tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ. Số lượng Tăng Ni xuất gia có hơn 100 vị, trong đó phần lớn tập trung tại TP. Hồ Chí Minh...

 

trải qua 25 năm kể từ khi ghpgvn được thành lập, phật giáo người hoa tại tp. hồ chí minh đã không ngừng phát huy truyền thống văn hóa, tín ngưỡng trong môi trường văn hóa dân tộc, luôn hoàn thành mọi công tác phật sự mà giáo hội giao phó. cho đến nay, hoạt động tín ngưỡng phật giáo của người hoa đang từng bước mở rộng mối quan hệ với tăng ni, phật tử người việt. công tác giảng dạy giáo lý phật pháp cũng được thực hiện đều khắp tại các chùa hoa ở tp. hcm. về hoạt động từ thiện xã hội (ttxh), có thể nói phật giáo người hoa hoạt động rất mạnh và rất hiệu quả trong lĩnh vực này. ngay từ buổi đầu khi còn là một tổ chức giáo hội hoạt động riêng biệt, phật giáo người hoa đã có những đóng góp to lớn trong các hoạt động ttxh, luôn quan tâm và giúp đỡ đồng bào trong cả nước khi gặp hoạn nạn, với phương châm “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư phật”, được xem là kim chỉ nam trong công tác ttxh của phật giáo người hoa. tiếp nối truyền thống tốt đạo đẹp đời của chư tôn túc tiền nhiệm, ban đại diện phật giáo q.5 phối hợp với các chùa hoa tại tp.hcm đã tích cực tham gia các hoạt động ttxh. trong đó, nổi bật nhất là tịnh xá quan âm, chùa vạn phật, quận 5 và chùa thảo đường, quận 6. một trong những tấm gương tham gia tích cực trong hoạt động ttxh mà giáo hội và tăng ni phật tử trên cả nước biết đến là tt.thích tôn thật, chánh đại diện phật giáo quận 5, trưởng ban ttxh báo giác ngộ, thường kết hợp với thành hội pg tổ chức các đại lễ trai đàn quyên góp quỹ ttxh có hiệu quả xã hội cao.                                               

            

Đối với người Hoa, vấn đề tín ngưỡng luôn được xem trọng, mang màu sắc đặc biệt và đa dạng. Các hình thức tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng  tôn giáo trong đời sống tinh thần người Hoa phần lớn tập trung ở các ngôi chùa của họ, nơi có đông người Hoa sinh sống. Nơi đây, hàng năm thường xuyên tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa dân tộc.

 

Quan niệm về tín ngưỡng của người Hoa

 

Trong nhiều thế kỷ qua, ngôi chùa thờ Phật của cộng đồng người Hoa thường bị đồng hoá với miếu thờ các vị thần linh thuộc tín ngưỡng dân gian. Danh từ “chùa” bao gồm các cơ sở tín ngưỡng dân gian và cơ sở tôn giáo. Do đó, nhiều người dân đã quen gọi miếu thờ Bà Thiên Hậu, thờ Ông Quan Thánh là chùa Bà và chùa Ông. Theo nhà nghiên cứu Phan An thì: “Xét về mặt tôn giáo tín ngưỡng của chùa Hoa ở TP.HCM như Khánh Vân Nam viện, Chỉ Trúc Lâm là những ngôi chùa đơn thuần của Đạo giáo hoặc Phật giáo, còn đa số các chùa Hoa khác là một phức thể của tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo mà trong đó tín ngưỡng dân gian có phần vượt trội hơn…”. Có lẽ vì thế, cho dù là một Phật tử đã quy y ở các chùa Phật giáo, nhưng họ cũng đến các miếu thờ ông, thờ bà, thần thánh để cúng viếng, xem đó là một nhu cầu cần thiết trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, nhu cầu tín ngưỡng của người Hoa cũng được hệ thống hóa giữa thần linh và thánh nhân. Hệ thống tín ngưỡng thánh nhân bao gồm việc thờ cúng Quan Công, Bà Thiên Hậu, Quán Âm Bồ tát, Bổn Đẩu Công, còn tín ngưỡng thần linh bao gồm việc thờ Ngọc Hoàng, Phật Di Lặc, Thần Tài, Thổ Công… Đức Quán Thế Âm Bồ tát  mà người Hoa thường gọi là Phật Bà Quan Âm là biểu tượng của sự kết hợp giữa tôn giáo và tín ngưỡng của Phật giáo người Hoa. Đối với người Hoa, Phật Bà Quán Thế Âm là một phụ nữ có đức tính cao đẹp, vị cứu khổ cứu nạn, luôn làm phúc cho mọi người. Điều này định hướng cho sự giáo dục về mối quan hệ người với người, luôn mang lại điềm lành cho nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để tìm về hạnh phúc an vui trong cuộc sống. Ngoài ra người Hoa còn có phong tục thờ cúng Ngọc Hoàng, với ý niệm mong cầu sự phù hộ bao trùm trên nhiều lĩnh vực cuộc sống. Thờ Phật Di Lặc cũng là một ý niệm mong cầu niềm vui, sự thăng hoa… Chính những phong tục thờ phụng ấy đã tạo ra màu sắc thiêng liêng của tín ngưỡng, làm tăng thêm ý chí trong cuộc sống thường ngày và là một tiềm năng về đức tin Phật giáo trong đời sống tinh thần của người Hoa.

 

Văn hóa kiến trúc và thờ tự

 

Đa số người Hoa có tín ngưỡng dân gian và theo đạo Phật nên ngôi chùa thường được xây dựng tại nơi có đông cư dân người Hoa sinh sống. Kiến trúc chùa Hoa thường khác so với chùa Việt. Màu đỏ hay màu hồng là màu chủ yếu của chùa Hoa. Mái thường lợp ngói xanh hai tầng với các đầu đao cong vút. Trang trí trên kiến trúc là các hình nhân, phong cảnh thiên nhiên, đó cũng là nét đặc trưng của chùa Hoa. Cổng tam quan cũng rất đa dạng, thường làm hai tầng mái, các đầu mái cong vút, trên có gắn phù điêu “lưỡng long triều nguyệt” hoặc tứ linh. Đặc biệt cũng có dạng trang trí nai, nghê đứng đối diện, giữa là bánh xe Pháp. Sân chùa thường đặt cặp lân chầu hầu ngay lối đi. Dù cho kiến trúc từng chùa có khác nhau, song những đặc điểm chủ yếu nêu trên chính là sự khác biệt giữa chùa Hoa và chùa Việt.

 

Về cách thờ tự, tuy chưa có quy cách chung trong việc bài trí nhưng mỗi ngôi chùa Hoa đều có nhiều điểm chung khá giống nhau. Chánh điện là nơi thờ Phật Thích Ca hay Phật A Di Đà, là nơi quan trọng nhất, nên thường được trang trí nhiều gam màu sặc sỡ. Nếu chùa xây cất nhiều tầng thì  chánh điện thờ Phật nằm trên tầng cao nhất, kế tiếp là điện thờ Quán Thế Âm Bồ tát và tầng cuối thờ Địa Tạng Vương Bồ tát. Bàn thờ Tổ được đặt sau lưng chánh điện thờ Phật. Các pho tượng thờ thường được trưng bày trong lồng kính lớn để bảo đảm tinh khiết, không bám bụi. Ngoài các tượng thờ Phật, Bồ tát như các chùa Phật giáo Bắc tông của người Việt, chùa Hoa cũng thờ hai vị Hộ pháp Vi Đà và Già Lam thánh chúng, và tại nhà trù (nhà bếp) ở các chùa Hoa thường thờ vị Khẩn Na La Vương Bồ tát. Theo Phật Quang đại từ điển, tại nhà trù ở các chùa Hoa khi xưa thường thờ vị Bồ tát Hồng Sơn Đại Thánh, nhưng từ đời Nguyên về sau, đại đa số chùa Hoa thờ Đại Thừa Khẩn Na La Vương Bồ tát, với ý niệm mong cầu được giám hộ. Một đặc điểm nữa ở các chùa Hoa là nơi thờ các vị cư sĩ có công lao đối với chùa, đó là Diên sanh đường. Gọi là Diên sanh đường vì đây là nơi chú nguyện hồi hướng phước báo cho các vị cư sĩ được sống lâu, khỏe mạnh và cũng mang ý nghĩa nhà chùa không quên công lao của các vị hộ đạo, vì Phật pháp mà góp công tạo dựng ngôi chùa. Đối với những Phật tử quá vãng, chùa Hoa thường đặt bài vị của họ nơi Công đức đường. Vào những ngày giỗ của người quá vãng hay những dịp Lễ Vu lan, Tết Nguyên đán…, thân nhân của người đã khuất đến Công đức đường thắp nhang, cúng viếng tưởng niệm.

 

Cũng theo phong tục tín ngưỡng tôn giáo như các chùa Việt, chùa Hoa thường tổ chức các ngày lễ lớn trong năm như: Lễ hội Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), vào những ngày này các chùa Hoa thường tổ chức  lạy Tam thiên Phật sám (sám 3.000 vị Phật của ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai) với ý nguyện cầu cho quốc thái dân an, nhân dân lạc nghiệp, phước đức tròn đầy cho một năm. Lễ hội Rằm tháng Tư, tức Lễ Phật đản, các chùa Hoa tổ chức sám Vạn Phật (sám mười ngàn vị Phật trong Phật Danh kinh), được tổ chức tùy theo từng chùa, thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Lễ hội Vu lan - rằm tháng 7, cũng gọi là Trung ngươn là một lễ hội có ảnh hưởng rất quan trọng trong cộng đồng Phật giáo người Hoa. Lễ hội thu hút rất nhiều người đến tham dự tại các chùa Hoa. Đây là dịp để họ tưởng nhớ đến những người đã khuất, cho dù không có thân nhân cúng viếng, những người hoạn nạn và chăm sóc giúp đỡ những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống… Vào dịp tháng 10 âm lịch gọi là lễ Hạ ngươn, các chùa Hoa tổ chức lễ sám Lương Hoàng, lạy Thủy Sám, với ý niệm cầu mong sám hối hết tội lỗi nghiệp chướng. Ngoài các ngày lễ lớn trong năm, chùa Hoa còn tổ chức các ngày vía Phật, Bồ tát và các vị thánh nhân, thần linh mà họ đang thờ phụng.

 

Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, cộng đồng người Hoa tại TP.HCM đã trở thành một bộ phận của cư dân thành phố. Quan niệm “Quê hương cha là Trung Quốc, quê hương mẹ là Việt Nam”  đã nói lên tinh thần dân tộc của người Hoa gắn bó với quê hương thứ hai của mình. Chính vì thế, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo và văn hóa dân tộc của người Hoa ở Việt Nam không hoàn toàn là dấu ấn đặc thù của văn hóa Trung Quốc. Phật giáo người Hoa do vậy, dù vẫn mang nét truyền thống do chư Tổ bản địa truyền thừa nhưng đã hòa nhập vào hoạt động tín ngưỡng của người Việt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện và các công tác do GHPGVN đề xuất. Phật giáo người Hoa đã và đang là một nhân tố ổn định trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam nói riêng, và văn hóa-tín ngưỡng của người Hoa tại TP.HCM trên thực tế là một trong những bộ phận văn hóa quan trọng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: người hoa

Những tin mới hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này