Nghệ An: Chùa Hà Hoằng pháp với giới trẻ thời hiện đại - Phật Giáo Việt Nam
09:36 +07 Thứ ba, 30/04/2024

Nghệ An: Chùa Hà Hoằng pháp với giới trẻ thời hiện đại

Thứ sáu - 29/01/2016 17:41
(HDPT) - Chùa Hà đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận cho phục hồi sinh hoạt tại Quyết định số 6016/QĐ - UBND.NC ký ngày 13-12-2013; Theo nguyện vọng của Phật tử nhân dân và chính quyền địa phương đã thỉnh mời Đại đức Thích Đồng Tuệ về chùa hướng dẫn tu học chánh pháp, để giúp cho Phật tử, nhân dân có nơi nương tựa phục vụ bà con hướng đến đời sống an lạc, hạnh phúc.
 
Sau hơn một năm gieo duyên tại nơi đây, với nguyện vọng đó, ĐĐ.Thích Đồng Tuệ đã được BTS GHPGVN  tỉnh Nghệ An bổ nhiệm trụ trì theo Quyết định số 93/QĐ - BTS ngày 3-12-2014; và ngày 26/5/2015 ( nhằm ngày 09/4/ Ất Mùi) tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, Nghệ An - BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An và Ban hộ tự Chùa Hà đã long trọng tổ chức lễ bổ nhiệm trụ trì cho Đại đức và đúc đại hồng chung của chùa.

Mỗi sáng, mỗi chiều tiếng chuông được gióng lên, lan tỏa khắp thôn làng, bao phiền não tối tăm dần tan biến, vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi, tiếng chuông như khẳng định sự hiện diện giáo lý từ bi giữa bao nhiêu biến động, âu lo của cuộc sống đời thường.
 
ĐĐ.Thích Đồng Tuệ chia sẻ giáo lý cho Thanh thiếu niên Phật tử.
 


Từ ngày chùa có thầy Thích Đồng Tuệ, bổn tự đã thành lập đạo tràng và một gia đình thanh thiếu niên Phật tử để cùng tu tập. Khi mái chùa đã được khôi phục xây dựng ngày một khang trang dưới sự nỗ lực của thầy trụ trì nơi đây, các bậc phụ huynh tại xã Hùng Tiến và con em các xã lân cận đã đến gửi các cháu cho tham gia sinh hoạt trong các tổ chức tuổi trẻ Phật giáo tại chùa Hà như Gia Đình thanh thiếu niên Phật tử, hay các đoàn thể Phật tử sinh hoạt tại các chùa. Đặc biệt là dưới sự hướng dẫn của thầy trụ trì, cũng đã có xu hướng các tầng lớp đều đến chùa lễ Phật chứ không bó hẹp trong quan niệm già mới đến chùa, phụ nữ mới đến chùa nữa. Vấn đề hoằng pháp đối với thanh thiếu niên và sinh viên đã được Thầy trụ trì đặc biệt chú trọng.

“Ai cũng biết rằng Đạo Phật là đạo của trí tuệ, là một nền giáo dục chứ không đơn thuần như một văn hóa tín ngưỡng. Việc hoằng truyền chánh pháp xưa nay chúng ta đều chú trọng vào thế hệ Phật tử từ trung niên trở lên, chứ ít khi chú ý tới một đối tượng mà có thể tiếp nhận nguồn chánh pháp một cách tốt nhất  - đó là thế hệ trẻ - một thế hệ năng động đầy đủ thể chất và trí tuệ  chèo lái con thuyền Phật pháp ra ngoài khơi xa”. - Thầy Thích Đồng Tuệ chia sẻ thêm.

Trong nhiều năm gần đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) chủ trương hoạt động Hoằng pháp Phật giáo hướng vào các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cùng với chân giá trị của Phật pháp để xây dựng lối sống tốt đời đẹp đạo trong cộng đồng phật tử, khi chính bản thân chúng ta nhận thức rõ rằng Phật Pháp không những là diệu dược chữa lành bệnh khổ cho từng cá nhân con người mà còn là giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội, thì chúng ta không thể không góp phần vào việc đem Phật Pháp đến cho thế hệ con cháu chúng ta, vì thế hệ trẻ là tương lai của cộng đồng xã hội.

Trong dịp hè 2015, Tại chùa Hà đã tổ chức nhiều khóa tu mùa hè cho các em trẻ, các khóa tu sinh viên và đặc biệt là trong việc thực hiện tiếp sức mùa thi, tư vấn mùa thi đã đáp ứng được nhu cầu của số trẻ muốn tìm đến chùa họ như tìm đến về cái khoảng lặng của cuộc sống. Hiện nay chưa thống kê được hết nhưng đã có hàng ngàn thanh thiếu niên và sinh viên được về chùa tu tập. Việc tổ chức các khóa tu ngắn, các sinh hoạt vui chơi lành mạnh đã đưa chùa Hà trở thành địa điểm đến, sân chơi cho thanh thiếu niên, sinh viên vào các ngày nghỉ hè, lễ, Tết, từ đó có ích cho tuổi trẻ giảm thiểu vi phạm pháp luật, phạm tội. Đây là một thành công lớn của Thầy trụ trì hướng dẫn tu học trong vài năm trở lại đây. Trong các khóa tu, các em có cơ hội nhìn nhận rõ hơn về tình thương của cha mẹ và nhiều em đã có những giọt nước mắt ăn năn, hối hận, có khi chỉ vì những việc nhỏ như không giúp mẹ quét nhà, rửa bát. Trong các khóa tu này, các em cũng được thầy trụ trì dạy và hướng dẫn các kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội, biết chọn bạn mà chơi, chọn việc tốt mà làm, biết việc xấu mà tránh.

Khóa học giáo lý và võ thuật được tổ chức thường xuyên vào buổi chiều thứ ba, thứ năm và ngày chủ nhật trong tuần với số lượng tham gia từ 60 – 100 em. Khi tham gia những hoạt động này các em xa rời được một số tật xấu do tác động từ môi trường bạn bè. Các em không được dùng điện thoại, không tiếp cận với các trang mạng, trang báo xấu, các em được sống trong tinh thần đoàn kết trong tình thương yêu nhau dưới mái chùa thân thương của mình. Điều đặc biệt là thầy dạy các em cách sống để các em được cảm nhận cuộc sống mới trong tình yêu thương. Trong khoảng thời gian này các bạn sinh viên cùng nhau trao đổi, đề cập đến những tệ nạn xã hội và cách làm sao để có cuộc sống phẳng lặng, làm sao để tìm được cuộc sống bình yên, cách để tránh được những cạm bẫy của cuộc sống.

Trong khi vấn đề tội phạm ngày càng gia tăng, đặc biệt trong lớp trẻ và vị thành niên thì việc mọi nỗ lực đưa các bài giảng hay cuốn hút được thanh thiếu niên về chùa tu tập được học giáo lý và nghe các buổi thuyết giảng về Phật pháp, về nhân quả, nghiệp báo đến nhiều đối tượng, mọi người tăng trưởng trí tuệ, nhận thức đúng đắn về các hành vi của mình. Từ đó, họ sợ, không dám làm điều xấu, điều ác mà tích cực làm việc thiện, việc có ích. Trong khi xã hội đang bàn nhiều hơn về "chống”, mà chưa chú trọng đúng mức đến "phòng”, nhất là phòng từ gốc, trước hết từ gia đình, thì Phật giáo lại bắt đầu từ việc làm con người sợ điều ác, tránh điều ác, hướng tới việc thiện từ trong tâm tới lời nói, hành động. Đây là chính là cái gốc của đạo đức xã hội. Có thể khẳng định tinh thần nhập thế của Phật giáo đã đi vào với cộng đồng nhân dân để xây dựng cuộc sống bình an cho nhân dân – thầy Đồng Tuệ chia sẻ trăn trở. Nhìn nhận về đời sống Hoằng pháp trong cộng đồng thời gian gần đây, dấu hiệu đáng mừng là nhiều khóa tu mùa hè của Phật giáo đã được cả cộng đồng đón nhận như một hiện tượng của đời sống đạo đức xã hội.
 
Lớp ​học võ thuật được tổ chức vào thứ 3-5-CN hàng tuần tại chùa.




Như vậy, để Phật pháp đi vào lòng giới trẻ tại vùng quê Nam Đàn nơi đây không hề đơn giản, nhưng tất cả đều có một lòng quyết tâm hoằng dương chính pháp. Muốn làm được điều này, ngôi nhà tâm linh cần có sự chung sức chung lòng của các nhà mạnh thường quân, các hoằng pháp viên nhiệt huyết và đặc biệt sự sáng tạo của tuổi trẻ để tạo nên một nền tảng Phật pháp vững chắc. Không chỉ có thế, để hoằng pháp được tốt hơn cũng cần sự giúp đỡ của quý lãnh đạo giáo hội và qúy lãnh đạo các cấp tại địa phương tất cả cùng vì thế hệ trẻ ngày một phát triển về mặt đạo đức nhân cách được tốt hơn.

Đối với cách hoằng pháp dành cho giới trẻ hiện nay, trong cuộc sống hiện đại giới trẻ đang rất cần sự quan tâm, chia sẻ của gia đình và xã hội. Chính vì vậy, Phật giáo cũng đã tham gia vào cuộc sống song hành cùng giới trẻ, đang được đông đảo phụ huynh quan tâm, giới trẻ ngày nay đang rất cần được sự quan tâm đúng mức của gia đình và một nền giáo dục mang tính toàn diện cao. Đối với hoằng pháp giới trẻ của Phật giáo, định kỳ hàng tháng cũng nhắm đến mục đích "Gieo hạt từ bi, gieo mầm trí tuệ” vào tâm hồn non trẻ với mong muốn các em hoàn thiện nhân cách hướng đến tương lai một cách tốt đẹp, đóng góp cho cộng đồng xã hội một thế hệ tương lai của Đất nước tài đức lưỡng toàn.

Vũ Thái Quảng 
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này