Chùa Thiên Tôn Q5 TPHCM tổ chức Lễ Hằng thuận - Phật Giáo Việt Nam
10:02 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Chùa Thiên Tôn Q5 TPHCM tổ chức Lễ Hằng thuận

Thứ hai - 25/04/2016 20:06
(HDPT) - Theo tục lệ xưa nay, trai lớn lên cưới vợ, gái lớn lên lấy chồng đó là lẽ tự nhiên trong đời sống con người. Tuy nhiên, hôn nhân là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong đời sống lứa đôi, bất cứ thanh niên nam nữ nào cũng mong muốn ngày thành hôn của mình phải là ngày thật ý nghĩa, ấn tượng để ghi nhớ mãi trong lòng. Thế nên, nhiều đôi bạn trẻ đã đưa nhau đến chùa đăng ký tổ chức Lễ Hằng Thuận.
 
          Ngày 24/4/2016, Ban Hướng dẫn Phật tử TPHCM kết hợp chùa Thiên Tôn Q.5 tổ chức Lễ Hằng thuận cho Phật tử Minh Bình-Phạm Thanh Bình và Phật tử Diệu Liên-La Ngọc Châu dưới sự chứng minh của HT. Thích Chơn Không – Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký BHDPT Trung ương, Quyền Trưởng ban BHDPT/TPHCM, Trụ trì chùa Thiên Tôn – Di tích Lịch sử TPHCM, chư Tôn đức với sự chứng kiến của cha mẹ đôi bên, bà con hai họ và bạn đạo.
Xin giới thiệu đến bạn đọc chùm ảnh và lời chú thích Lễ Hằng thuận tại chùa Thiên Tôn: 
 



Tân lang – Tân nương tác bạch cung thỉnh Chư Tôn đức





Chư Tôn đức quan lâm đại hùng bửu điện để tác lễ Hằng Thuận









HT. Thích Thích Chơn Không chủ lễ ngâm kệ Dâng hoa quả:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.
Hoa thơm ngào ngạt khắp muôn phương,
Quả chín xinh tươi nguyện cúng dường,
Chí thành dâng hiến Ba ngôi báu,
Cầu mong đôi trẻ vẹn một đường.
Nam mô Phổ Cúng Dường Bồ tát Ma ha tát (3 lần).





Chư Tăng, Tân lang – Tân nương nguyện hương
“Đồng cầu nguyện chúng con và tất cả chúng sanh, đầy đủ duyên lành, tuân hành lời Phật, noi gương cổ đức, tư cách giữ tròn, tinh tấn tu hành, sớm thành Phật quả”.











HT Thích Chơn Không - Chủ lễ, sái tịnh.







ĐĐ Thích Trung San huấn thị:
         Vợ chồng tốt, trăm năm hòa hợp,
           Con cháu hiền, bảy kiếp vinh quang.
Của quý, nhờ gian nan siêng năng mới có,
Đời vinh, do nhẫn nại khó nhọc mà nên.


ĐĐ Thích Từ Minh huấn thị:
* Bổn phận vợ đối với chồng có năm việc phải làm
1.    Khi chồng đi hay về, phải đưa đón niềm nở.
2.    Khi chồng đi vắng, phải lo nấu nướng, quét dọn nhà cửa.
3.    Không được ngoại tình. Của cải đồ vật không được giấu riêng.
4.    Phải nghe lời chồng chỉ bảo. Chồng có la rầy, không nên nóng giận cự lại.
5.    Chồng nghỉ ngơi trước, vợ dọn dẹp nghỉ sau.
 
          *Bổn phận chồng đối với vợ cũng có năm việc phải làm:
1.    Khi vợ đi hay về, phải đưa đón niềm nở.
2.    Chăm sóc việc ăn uống và áo mền theo thời tiết.
3.    Tùy phận giàu nghèo, cấp cho vợ vàng bạc trang sức.
4.    Trong nhà có tiền của ít nhiều, nên giao cho vợ cất giữ để tiêu dùng,
       không được tiêu xài lãng phí.
5.    Phải có lòng chung thủy, không được ngoại tình.
 
                     *Trong tương lai hai cháu sẽ làm cha làm mẹ, thế nên hai cháu có năm việc phải lo cho con cái:
1.    Phải nhớ dạy con bỏ dữ làm lành.
2.    Phải dạy con thông suốt mọi việc.
3.    Phải dạy con tụng kinh giữ giới.
4.    Phải lo việc cưới gả hợp thời.
5.    Trong nhà có tiền của nên giúp con cái làm ăn.



ĐĐ Thích Thiền Quang huấn thị:
*Về bổn phận làm dâu đối với cha mẹ chồng, nên như thế này:
1.    Phải có lòng hiếu kính cha mẹ chồng, tùy thuận lời cha mẹ dạy bảo, không được cãi lại.
2.    Phải luôn luôn nhớ đến công ơn cha mẹ sanh thành dưỡng dục chồng mình nên người tốt,
mà bổn phận làm dâu con phải có trách nhiệm nối dòng nối dõi cho gia nghiệp chồng.
3.    Nếu ở nhà trông nôm công việc thì phải ngủ sau dậy trước, lo cơm nước cho chu đáo, chăm sóc cha mẹ chồng tử tế.
Nếu bận làm việc ở cơ quan thì tùy nghi linh động, mọi người cùng nhau san sẻ việc nhà.
4.    Khi cha mẹ chồng có đau ốm, làm dâu con phải chăm nom thuốc thang, thay đổi món ăn thức uống,
cầu cho cha mẹ sớm mạnh khỏe, an vui.
5.    Nếu thấy cha mẹ chồng làm điều bất thiện, phải hết lòng khuyên can.
Khuyến hóa cha mẹ phát tâm bồ đề, cầu đạo giải thoát. Bỏ ác làm lành, được vậy mới trọn lòng hiếu đạo.
          Đó là bổn phận làm con dâu thảo đối với cha mẹ chồng. 

*Về bổn phận làm rể đối với cha mẹ vợ nên như thế này:

1.    Phải có lòng kính yêu cha mẹ vợ như cha mẹ mình. Có mặt hay vắng mặt cha mẹ, đều phải tôn trọng, không được có một lời bất bình, bất kính.
2.    Phải nhớ công ơn cha mẹ vợ, có công sanh thành dưỡng dục vợ mình, coi như vàng như ngọc lại ban cho mình.
3.    Khi cha mẹ vợ có việc gì cần nhờ, con rể hãy hoan hỷ sẵn sàng, không sợ khó khăn, tốn kém.
4.    Khi cha mẹ vợ đau bệnh phải thường tới lui thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ. Cầu mong cha mẹ sớm được bình phục.
5.    Nếu thấy cha mẹ vợ làm điều bất thiện, phải hết lòng khuyên can. Khuyến hóa cha mẹ vợ phát tâm bồ đề, cầu đạo giải thoát. Bỏ ác làm lành, được vậy mới trọn lòng hiếu đạo.
Đó là bổn phận làm con rể hiền đối với cha mẹ vợ. 
          Cổ nhân có dạy rằng:
          Một chữ “siêng”, khắp thiên hạ không còn việc khó,
          Trăm điều “nhịn”, trong gia đình luôn có niềm vui


Tân lang Tân nương lắng nghe chư Tăng huấn thị

HT Thích Chơn Không giải thích ý nghĩa:
“Hai cháu quý mến! Đây là 2 món trang sức quý giá biểu thị đạo lý hôn nhân, nó tên là “nhẫn” đeo ở ngón tay, để hai cháu luôn nhìn thấy, nhằm nhắc nhở những điều hay ý đẹp như sau:
1.    Nhẫn, có nghĩa là nhường nhịn. Muốn trong nhà vui vẻ đầm ấm hạnh phúc, trước phải biết nhường nhịn lẫn nhau, không nên hơn thua, lời qua tiếng lại. Chiếc nhẫn lại được đeo vào ngón tay, để hai cháu dễ nhìn dễ thấy, để tự nhắc mình về sự nhẫn nhịn.
2.    Chiếc nhẫn hình tròn: Tiêu biểu cho phước báo và tiền của đầy đủ, nhà đất thịnh vượng. Tuy nhiên, muốn được như thế, vợ chồng phải siêng năng làm lụng, dành dụm tiền bạc, tiêu xài chừng mực, không được phung phí và phải biết cúng dường bố thí thì mới được hưởng phước lâu dài.
 
 



3.    Chiếc nhẫn này được làm bằng vàng, chất vàng có đặc tính thứ nhất là “tùy duyên bất biến”, nghĩa là hình dạng tuy có thay đổi, nhưng tính chất vẫn nguyên vẹn. Hay nói rõ hơn, dù ai có vo tròn bóp méo, kéo dài cán mỏng đi nữa. Hình dạng tuy đã thay đổi, nhưng tính chất giá trị của vàng vẫn nguyên vẹn. Đạo vợ chồng cũng thế! Hai cháu chung sống bên nhau, dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa, cũng phải giữ vẹn lòng chung thủy trước sau như một. Cổ nhân có dạy: “Ngọc càng dồi càng sáng, vàng càng luyện càng tinh” đừng vì nghịch cảnh, cũng đừng vì: danh lợi, tiền của, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ, v.v… mà thay lòng đổi dạ.


Tân lang và Tân nương đeo nhẫn cho nhau

4. Chất vàng có đặc tính thứ hai là màu sắc “tươi đẹp”, không bao giờ phai nhạt dù trải qua bao lần mưa nắng, dù có rơi rớt, vùi dập nơi nào, nhưng nó vẫn mãi tươi đẹp. Đạo vợ chồng cũng thế! Hai cháu đã thệ nguyện chung sống bên nhau, dù gặp cảnh ngộ nào đi nữa, hoặc mai kia có già nua, bệnh tật, nhưng tình nghĩa vợ chồng cũng phải nồng nàn tươi đẹp như thuở ban đầu mới cưới nhau.
5. Trên chiếc nhẫn này lại có đính hạt kim cương xinh đẹp. Trong các loại ngọc, kim cương rắn chắc, bền vững và quý hiếm hơn hết. Kim cương tiêu biểu cho ý chí, niềm tin, sức sống và tình yêu vĩnh cửu. Thầy mong tình nghĩa vợ chồng của hai cháu bền vững như kim cương vậy.”.





Tân lang và Tân nương phát nguyện: trọn lòng chung thủy, giữ gìn năm giới, làm người Phật tử chân chính, để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc an vui. 











HT Thích Chơn Không trao Giấy Chứng nhận Lễ Hằng thuận.



HT Thích Chơn Không tặng quà lưu niệm và mong rằng những lời Phật dạy trong món quà này sẽ mang lại niềm an vui cho hai Phật tử.












 


 

Diệu Chơn, Huệ Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này