GÓP Ý TU CHỈNH HIẾN CHƯƠNG GHPGVN - TT THÍCH THANH NHÃ - Phật Giáo Việt Nam
16:30 +07 Thứ hai, 29/04/2024

GÓP Ý TU CHỈNH HIẾN CHƯƠNG GHPGVN - TT THÍCH THANH NHÃ

Thứ hai - 28/05/2012 12:05
(HDPT) - Thượng tọa Thích Thanh Nhã - Phó Trường ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tham luận: Trước yêu cầu tiếp tục phát huy những hiệu năng quản lý, điều hành cả hệ thống Giáo hội, khắc phục hạn chế nhất định của bản Hiến chương hiện hành, do vậy, đặt vấn đề về sửa đổi, bổ sung Hiến chương tại Đại hội đại biểu toàn quốc Phật giáo lần thứ VII sắp tới là việc làm cần thiết cho phù hợp với tình hình mới
 

 

 

 

 

 

GÓP Ý VỀ TU CHỈNH HIẾN CHƯƠNG

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM LẦN THỨ 5

TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI

BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ VII 

 

 

Thượng tọa Thích Thanh Nhã

Phó Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương - Trưởng Tiểu ban Bảo trợ

Trụ trì Chùa Trấn Quốc, Tây Hồ, Hà Nội

 

Hiến chương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam được tu chỉnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của GHPGVN, ngày 14/12/2007. Với tư cách là một văn bản có địa vị pháp lý quan trọng bậc nhất, thể hiện kỷ cương, là nền tảng xác lập quyền và nghĩa vụ của chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý, quyết định cương lĩnh và chiến lược phát triển của các cấp Giáo hội, qua gần 5 năm thực hiện, góp phần cho tổ chức và hoạt động của GHPGVN có những  bước phát triển tiến bộ. Vai trò của tổ chức Phật giáo các cấp, Hội đồng chứng minh, Hội trị sự, các ngành của Giáo hội được thể hiện ngày càng rõ nét trong các hoạt động theo nhiệm vụ và quyền hạn của mình. Tổ chức Phật giáo các cấp đã từng bước tăng cường về tổ chức, vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin Đạo pháp của các thành viên Tăng Ni, Phật tử cả nước đã có những hoạt động mở rộng về số lượng và chiều sâu chất lượng, đạt được những thành tựu to lớn trên các mặt.

Trước yêu cầu tiếp tục phát huy những hiệu năng quản lý, điều hành cả hệ thống Giáo hội, khắc phục hạn chế nhất định của bản Hiến chương hiện hành, do vậy, đặt vấn đề về sửa đổi, bổ sung Hiến chương tại Đại hội đại biểu toàn quốc Phật giáo lần thứ VII sắp tới là việc làm cần thiết cho phù hợp với tình hình mới

* Sự cần thiết sửa đổi

- Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo … của nhân dân theo quy định của pháp luật

- Trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI gần đây đã tiếp tục quan tâm và đề cao vai trò của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng trong giai đoạn mới của đất nước; tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của tôn giáo; động viên chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

* Quan điểm tu chỉnh nên theo hướng:

          1.Giữ nguyên và tôn trọng những tôn chỉ, đường lối, mục đích, quy định có tính chất cơ bản của Hiến chương hiện hành.

          Về cơ bản vẫn giữ nguyên bố cục chương, điều như Hiến chương hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua. Nghiên cứu, bổ sung về mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với cơ quan nhà nước.

          2.Thể chế hoá những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          * Về một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung:

          I. Về Chương III

          Trong Chương này có duy nhất một điều là điều 11 quy định về hệ thống tổ chức hành chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đề nghị bổ sung thêm một điều trước điều 11 của Hiến chương hiện hành quy định về Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với tư cách là một tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trước tới nay luôn hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và có tính độc lập rõ nét về mặt tổ chức. Do đó, bổ sung một điều trong chương này để khẳng định về nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của mình là cần thiết. Như vậy, tên gọi của chương cũng cần bổ sung là: “Nguyên tắc tổ chức, hoạt động và hệ thống tổ chức” cho phù hợp.

          II. Về Chương IV

          1. Điều 12

          Đề nghị bổ sung từ “năm” vào các cụm từ sau: “ 70 tuổi đời, 50 tuổi đạo trở lên” như vậy cụm từ này sẽ là: “…70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi đạo cho chuẩn xác.

            2. Điều 15.

            Hiến chương hiện hành quy định: “Nhiệm kỳ của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh là 5 năm theo cùng với nhiệm kỳ của Hội đồng trị sự”. Đề nghị sửa lại như sau: “Nhiệm kỳ của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh là 5 năm theo nhiệm kỳ của Đại hội.

            3.Điều 16.

            Đề nghị cân nhắc có nên quy định có tính ấn định cứng về số lượng thành phần Hội đồng trị sự như Hiến chương hiện hành (147 vị) hay không? Nên chăng quy định như sau: “Hội đồng trị sự gồm các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Cư sĩ của Giáo hội, số lượng do Ban Thường trực Hội đồng trị sự tiền nhiệm đề cử và Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam suy cử”. Còn số lượng và danh sách cụ thể sẽ quy định ở các văn bản về nhân sự của Đại hội sẽ hợp lý hơn.

            Cũng trong Điều 16 quy định: “Thành viên của Hội đồng trị sự có thể bị bãi miễn nếu quá bán tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành” quy định hiện hành này về mặt nguyên tắc là đúng, tuy nhiên thiếu chặt chẽ, đề nghị bổ sung thêm quy định trong những trường hợp nào thì Thành viên của Hội đồng trị sự có thể bị bãi miễn, để quá trình áp dụng trên thực tiễn nếu có được thống nhất, rõ ràng.

            Đơn cử, quy định này đề xuất sửa đổi như sau: “Thành viên của Hội đồng trị sự không còn xứng đáng với sự suy cử thì tùy mức độ có thể bị miễn nhiệm nếu quá bán tổng số thành viên Hội đồng biểu quyết tán thành

            4.  Điều 19 và Điều 20

            - Nội dung ở hai điều này nên chăng gộp vào làm một quy định chung về Ban Thường trực Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam, gồm những nội dung như: là cơ quan gì, chức năng ra sao, số lượng như thế nào sẽ khoa học hơn. Ví dụ:

            “Ban Thường trực Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam là cơ quan đại diện của của Hội đồng trị sự giữa hai kỳ họp, thành viên tối đa không quá 45 người. Thay mặt Hội đồng trị sự điều hành các hoạt động của Giáo hội. Hoạt động theo nội quy đã đệ trình Hội đồng chứng minh kính tường”.

            -  Nên chăng Điều 20 quy định về nhiệm vụ của Ban Thường trực cần được cụ thể hóa, vì đây là cơ quan hoạt động có tính chuyên trách của Giáo hội thay mặt Hội đồng trị sự thực hiện những nhiệm vụ có tính thường xuyên, cơ bản. ví dụ như các nhiệm vụ: Chuẩn bị các hội nghị; Tổ chức thực hiện chương trình hoạt động 5 năm của Giáo hội; Tập hợp ý kiến kiến nghị của tổ chức mình để phản ánh với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; giải thích Hiến chương; Xem xét việc công nhận, đề cử, suy tôn…

            5.  Điều 21

            - Về các ngành của Giáo hội, đề nghị thành lập thêm một số Ban như Ban Pháp chế, Ban Kiểm soát … và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các Ban này. Đây là những mảng nội dung quan trọng, Giáo hội cần có sự quan tâm kiện toàn để có đủ nguồn nhân lực đảm nhận và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của Giáo hội đặt ra trong tình hình mới.

            - Trong Ban Hướng dẫn Phật tử có hai phân ban là Phân Ban Cư sĩ Phật tử, Phân Ban Gia đình Phật tử, đề nghị cần nhắc bổ sung thêm Phân ban Thanh thiếu niên Phật tử và Ban Di cư, vì những lý do sau:

          + Đối với Phân ban Thanh thiếu niên Phật tử, hiện nay xuất phát từ vai trò và ý nghĩa to lớn của Phật giáo đối với đời sống xã hội vì tư tưởng giáo lý của Đạo Phật phù hợp với tư tưởng cuộc sống và đem lại lợi ích cho người theo đạo Phật nói riêng, xã hội nói chung. Phật giáo là nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân, không phân biệt ngành nghề, giới tính, độ tuổi. Đối với thế hệ thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tương lai của đất nước, có tri thức, có hoài bão nếu như được tiếp cận học tập và thực hành giáo lý của đức Phật sẽ là lớp người cống hiến cho tổ quốc, cho công cuộc đổi mới đất nước. Mặt khác, trong xu thế hội nhập, bên cạnh những tiến bộ của nhân loại, sẽ không tránh khỏi những hệ lụy khi du nhập những nền văn hóa ngoại lai, và giới trẻ cũng là đối tượng dễ hấp thụ nhất, thích ứng nhanh nhất. Nếu đạo Phật đến được với giới trẻ, cảm hóa giới trẻ sống theo tinh thần của đạo Phật sẽ tránh xa sự sa ngã, tệ nạn, tội phạm; góp phần rất lớn cho xã hội hạn chế được những tiêu cực. Con người sống với nhau nhân văn hơn.

          + Đối với Ban Di cư, hiện nay xu hướng rõ rệt là đông đảo người dân trong độ tuổi lao động từ khu vực nông thôn chuyển dịch ra thành phố, nhất là những trung tâm lớp như: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, hay những thành phố có nhiều khu công nghiệp… Hiện nay những tầng lớp người này, số lượng rất lớn, nhưng tôn giáo nói chung, đạo Phật nói riêng đến với họ còn ở tình trạng bỏ ngỏ.

          Như vậy, từ những lý do trên, đây, việc nghiên cứu để thành lập thêm hai Phân Ban trong Ban hướng dẫn Phật tử là việc làm cần thiết, cần có sự nghiên cứu để đạo Phật có cơ hội đến với đông đảo quần chúng nhân dân hơn.

            - Bên cạnh đó, nghiên cứu cân nhắc thêm việc thành lập một số Ban như:

            + Ban Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo để có sự chuyên sâu định hướng về kiến trúc Chùa cảnh, Tự viện, Bảo tháp, … làm sao vừa đảm bảo được yếu tố lịch sử, vừa gắn với những đặc điểm văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa gắn bó với đời sống nhân dân, đảm bảo tính thống nhất hài hòa và chuẩn mực nhất định về kiến trúc của các vùng miền trong cả nước.

            + Ban Dân tộc, miền núi, hải đảo…: những tỉnh thuộc khu vực này thường có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh đồng bằng do điều kiện về địa lý cách trở,  đường xá đi lại khó khăn, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, ngôn ngữ, tiếng nói riêng, nơi mà yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo có tính đa dạng, phức tạp. Xu hướng xuất hiện nhiều tổ chức, hệ phái tôn giáo mới ngày càng gia tăng, trong điều kiện sự quan tâm và phát triển tổ chức cơ sở giáo hội Phật giáo ở những nơi này còn ở mức độ nhất định.Do đó, thành lập Ban mới này để có sự quan tâm chung của Giáo hội và hướng phát triển tập trung của Giáo hội đến vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là việc nên cân nhắc trong xu hướng phát triển chung của Giáo hội thời gian tới.

             6. Điều 22

            Chuyển vị trí điều này lên trước điều 21, sau điều 20 cho đảm bảo tính logic vì đang liền mạch quy định về Ban Thường trực Hội đồng trị sự giáo hội và nên viết gọn lại như sau (và không nên quy định cụ thể số lượng cho một số chức danh, vấn đề số lượng nên để ở quy định khác dưới Hiến Chương):

            “Thành phần Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội gồm có: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch thường trực và Phó Chủ tịch …, Tổng Thư ký, các Phó Tổng Thư ký, Trưởng các Ban, viện trưởng Viện nghiên cứu, các Ủy viên Thường trực, các Ủy viên Thư ký và các Ủy viên Thủ quỹ”.

            Bỏ các Ủy viên Pháp chế, Ủy viên Kiểm soát vì trên đã đề nghị thành lập thêm ban Pháp chế, Ban Kiểm soát và do vậy thành phần trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội sẽ bao gồm Trưởng các Ban đề xuất thành lập trên.

            7.  Điều 23.Đề nghị bổ sung quy định “theo nhiệm kỳ Đại hội” cho chặt chẽ. Vậy nôi dung của Điều này sẽ là: “Nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự là 5 năm theo nhiệm kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc”.

            8.Điều 26

            Đề nghị cũng nên quy định có tính khái quát theo đề nghị giống điều 22 ở trên

            9.Điều 28

            “Nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự là 5 năm theo nhiệm kỳ Đại hội Phật giáo cấp tỉnh”.

            10.Điều 30

          Hiện nay, theo quy định tại Điều 30 của Hiến Chương: Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là các Tự, Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật đường, quy định như vậy là rất rõ ràng, song lại không thống nhất với quy định tại khoản 4, Điều 3 Pháp lệnh tín ngưỡng  tôn giáo năm 2004 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định: Tổ chức tôn giáo cơ sở của tổ chức tôn giáo bao gồm ban hộ tự hoặc ban quản trị chùa của Đạo Phật…

          Như vậy, đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam tới đây kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo cần quan tâm sửa đổi nội dung này để có sự thống nhất chung trong nhận thức và thực hiện.

          11. Điều 31

          Đề nghị bổ sung một khoản là khoản thứ 5:

          5. Thông qua Nghị quyết Đại hội

          Đây là nội dung quan trọng trong mỗi kỳ Đại hội.

          12. Đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định về mối quan hệ của Giáo hội với Nhà nước và nhân dân.

            Trên  đây, là một số góp ý bước đầu tu chỉnh Hiến chương kính trình Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam nghiên cứu,xem xét.

 

Hà Nội, tháng 5 năm 2012    

 

TT Thích Thanh Nhã (Cộng tác viên)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này