Giáo thọ sư - Tăng Ni sinh giảng viên - học viên lớn tuổi Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam - Phật Giáo Việt Nam
06:09 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Giáo thọ sư - Tăng Ni sinh giảng viên - học viên lớn tuổi Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam

Thứ ba - 20/11/2012 09:06
(HDPT) - Điều chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay và luôn luôn nguyện cầu Phật lực gia hộ để chúng ta có được một sức mạnh tổng hợp từ nhân sự lãnh đạo, điều hành, giảng dạy và đối tượng đào tạo (Tăng Ni sinh)...
 

HÒA THƯỢNG: THÍCH GIÁC TOÀN 

Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự - kiêm Phó Trưởng Ban Thường Trực Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương - Phó Viện Trưởng Học Viện PGVN Tại TP.HCM.

“Điều chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay và luôn luôn nguyện cầu Phật lực gia hộ để chúng ta có được một sức mạnh tổng hợp từ nhân sự lãnh đạo, điều hành, giảng dạy và đối tượng đào tạo (Tăng Ni sinh). Dù ở vị trí nào đều có chung một ý chí, một mục tiêu hướng đến là kế tục sứ mạng “Tục Diệm Truyền Đăng” một cách thật sự xứng đáng nhất để đền ơn chư Phật, Thầy Tổ và phụng sự nhân sinh trong thời đại mà thế giới và xã hội rất cần những "Sứ Giả Như Lai" đủ năng lực trí tuệ và phẩm hạnh, có tâm, có tầm để chia sẻ trước cuộc sống vốn nhiều thử thách của văn minh khoa học… như hiện nay”.

 

Hoa Sen Gió: Kính bạch hòa thượng, nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 (một trong tứ trọng ân đối với người xuất gia), ngưỡng mong hòa thượng chia sẻ - nhận xét - đánh giá chung thực trạng về ban nghành giáo dục tăng ni hiện nay? 

 

Hòa Thượng: Thích Giác Toàn: Từ ngày GHPGVN được thành lập đến nay tròn 31 năm, trải qua 6 nhiệm kỳ (1981-2012). Điều tất yếu là công tác giáo dục Tăng Ni của Giáo Hội cũng trải qua ngần ấy thời gian. Chúng ta có thể tổng hợp những thành tựu của nền giáo dục Phật học và những kém khuyết tồn đọng trong hơn 30 năm qua.

Hiện nay, Giáo Hội có 4 Học viện PGVN tại Hà Nội, TP. Huế, TP. Hồ Chí Minh và 1 Học viện dành riêng cho chư Tăng Nam tông Khơme tại TP. Cần Thơ. Từ ngày thành lập đến nay, các Học viện đã và đang đào tạo hơn 5.500 Tăng Ni hệ Cử nhân. Trong số này đã tốt nghiệp ra trường hơn 4.000 Tăng Ni sinh; có hơn 400 Tăng Ni sinh du học chương trình sau Đại học tại các nước: Ấn Độ, Thái Lan, Tích Lan, Myanmar, Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ v.v... Và đã có hàng trăm vị đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ về nước tham gia giảng dạy hoặc phục vụ một số ban, nghành, viện tại trung ương và các tỉnh, thành hội Phật Giáo.

Đồng thời, bên cạnh 4 Học viện, Giáo Hội có 32 Trường Trung cấp Phật Học và 8 lớp Cao đẳng Phật Học; bên dưới nữa có hơn nhiều lớp Sơ cấp Phật Học tại một số tỉnh, thành có đông Tăng Ni sinh trẻ xuất gia. Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ có nhiều Trường Trung cấp, Sơ cấp Pali dành cho chư Tăng Nam tông Khơme.

Như vậy, có thể nói về số lượng, chúng ta rất hài lòng với những thành tựu đã đạt được. Nhưng cũng rất rõ ràng, do còn nhiều yếu tố khách quan như thiếu thốn về cơ sở vật chất (chưa tổ chức nội trú đồng bộ), về nhân sự điều hành và giảng dạy, tùy tình hình thực tế tại mỗi địa phương có được, ứng dụng uyển chuyển trong quá trình đào tạo cho nên kết qủa đưa đến là điều tất yếu. Có nơi đào tạo rất chuẩn, rất tốt nhưng cũng có nơi còn yếu kém.

Thực tế, những thành tựu về giáo dục Tăng Ni cho chúng ta thấy rất rõ. Có những Tăng Ni sinh đi du học về rất giỏi, rất vững vàng trong công tác điều hành, làm việc và giảng dạy. Bên cạnh đó, cũng có một số vị dù tốt nghiệp nhưng lại yếu kém trong phục vụ và giảng dạy.

Chúng tôi tin rằng những yếu kém này, nghành giáo dục Tăng Ni của Giáo Hội sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để khắc phục, cân đối và nâng cao hiệu quả trong các nhiệm kỳ tới.

 

Hoa Sen Gió: Ngày 04/11/2012, tại huyện Bình Chánh đã diễn ra lễ đặt đá khởi công xây dựng Học viện Phật giáo, vậy trong sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng ni tài đức cho nền đạo pháp dân tộc, ưu tư lớn nhất của hòa thượng là gì ạ?

Hòa Thượng Thích Giác Toàn: Những hình ảnh sinh động và những thành tựu trong ngày lễ đặt đá xây dựng Học viện PGVN tại TP.HCM trong ngày 04/11 vừa qua cho chúng ta thấy niềm mong ước, hoài bão của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Với sự kiện đã và đang diễn ra, chúng tôi có niềm tin vững chắc rằng dù gặp phải thời buổi kinh tế khủng hoảng với vô vàn khó khăn nhưng HT. Viện trưởng Thích Trí Quảng, chư tôn đức Học viện PGVN tại TP.HCM đặt đá dưới sự chứng minh của Đức Pháp chủ HĐCM Đại lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ, Đại lão Hòa thượng Chủ tịch HĐTS Thích Trí Tịnh cùng chư tôn đức giáo phẩm các cấp Giáo Hội. Đồng thời được chư Phật, chư Tổ gia hộ, chư thiên Long thần Hộ pháp hộ trì, sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền các cấp... các công trình cơ sở của Học viện sẽ từng bước được hoàn thành đưa vào hoạt động.

Điều chúng tôi băn khoăn nhất hiện nay và luôn luôn nguyện cầu Phật lực gia hộ để chúng ta có được một sức mạnh tổng hợp từ nhân sự lãnh đạo, điều hành, giảng dạy và đối tượng đào tạo (Tăng Ni sinh). Dù ở vị trí nào đều có chung một ý chí, một mục tiêu hướng đến là kế tục sứ mạng “Tục Diệm Truyền Đăng” một cách thật sự xứng đáng nhất để đền ơn chư Phật, Thầy Tổ và phụng sự nhân sinh trong thời đại mà thế giới và xã hội rất cần những "Sứ Giả Như Lai" đủ năng lực trí tuệ và phẩm hạnh, có tâm, có tầm để chia sẻ trước cuộc sống vốn nhiều thử thách của văn minh khoa học… như hiện nay.

 

 

HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC QUANG

Phó Hiệu Trưởng Trung Cấp Phật Học Tỉnh Đồng Nai

Học tập cái hay cái giỏi, văn minh của người, nhưng không quá đà theo ý tưởng mới mà quên mất nước nonĐối với Tăng Ni, học đạo thì học đạo, đời cho ra đời, không nên xen tạp đời đạo lẫn lộn trở nên phức tạp trong tâm hồn, ảnh hưởng đến cuộc sống nhà đạoTăng Ni sinh sống trên nếp sống mới ngày nay tức là củng cố lại tác phong của nhà đạo, như thuở nào làm "sơn tăng", hay "tiểu đồng trên núi", cộng thêm kiến thức tân học thì xứng đáng là một pháp sư, một đại sư thiền gia chân chánh”.

Hoa Sen Gió: Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng chia sẻ tâm tư nguyện vọng về giáo dục Tăng Ni ngày nay?

Hòa Thượng Thích Giác Quang: Nền giáo dục Phật giáo có những bước đi vững chắc trong giai đoạn chuyển tiếp truyền thừa từ ba năm qua, nhất là từ khóa VI của trường Trung cấp Phật Học Đồng Nai. Những kiến thức trí tuệ của chư Tôn Đức giáo thọ lần lượt được truyền đạt một các tỉ mỉ, trong đó có cả về thân giáo. Cụ thể như các vị Đại Đức giáo thọ trẻ được đào tại từ nhà trường, nay đã về phục vụ nhà trường, phục vụ nghiêm túc không vụ lợi. Trí tuệ thì vượt bậc, vừa là giáo thọ cũng vừa là nhà văn, nhà dịch giả công hiến toàn bộ công sức của mình cho các thế hệ kế tiếp. Trường Trung cấp Phật Học đồng Nai thì như vậy.

 

Hoa Sen Gió: Hòa thượng nghĩ như thế nào về vai trò trọng trách của giáo thọ sư theo đúng nghĩa“Lương Sư Hưng Quốc”?

Hòa Thượng Thích Giác QuangLẽ dĩ nhiên: Việc có nhiều thầy hiền giỏi đào tạo nhiều hiền tài phục vụ cho đất nước, thì đất nước hưng thịnh, thiên hạ thái bình thịnh trị, nhưng việc đó là việc đời. Việc đạo còn hơn thế nữa, hiện nay Phật giáo được nhà nước tôn vinh với bốn chữ vàng là "hộ quốc an dân"...người tu hành vừa trau thân sửa mình mình, vừa tiếp thu kiến thức Phật học, tiếp thu ý tưởng từ bi trí tuệ của Phật để tu sửa cả ý tưởng của mình theo tinh thần giác ngộ cho đến khi thành Phật độ đời. Như nghệ nhân đẽo gọt khúc gỗ trầm hương thành vị Phật thế tôn, mọi người đều lạy, chừng đó có nhiều người hiền tài môn đệ của Phật, thân khẩu ý chân thiện mỹ một lòng giúp cho nước non thêm nhiều sự hưng thịnh gấp mười lần hơn thế nữa. Cụ thể Phật giáo đóng vai trò không nhỏ trong các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần và nhà Nguyễn, nhưng đã hộ trì cho các triều đại ấy đời đời bền vững theo ý nguyện của các nghiệp đế...

 

Hoa Sen Gió: Hòa thượng nhận xét ra sao về thế hệ hậu học ngày nay?

Hòa Thượng Thích Giác QuangTốt! Nhưng cần chấn chỉnh không nên đi quá đà theo tây học, cần có sự kết hợïp giữa cũ và mới, nghĩa là giữa đạo đức ngàn đời của ông cha, đạo đức dựng nước giữ nước. Có như thế hậu học mới không bị phê phán.

Học tập cái hay cái giỏi, văn minh của người, nhưng không quá đà theo ý tưởng mới mà quên mất nước non, ham giàu nhưng không mất nghèo, ham tiền nhưng vẫn thiếu; chỉ có cuộc sống tri túc, ta về ta tắm ao ta - dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn mới mang lại cho con người, cho tổ quốc non sông như gấm hoa.

Đối với Tăng Ni, học đạo thì học đạo, đời cho ra đời, không nên xen tạp đời đạo lẫn lộn trở nên phức tạp trong tâm hồn, ảnh hưởng đến cuộc sống nhà đạo.

Tăng Ni sinh sống trên nếp sống mới ngày nay tức là củng cố lại tác phong của nhà đạo, như thuở nào làm "sơn tăng", hay "tiểu đồng trên núi", cộng thêm kiến thức tân học thì xứng đáng là một pháp sư, một đại sư thiền gia chân chánh như cọp mọc thêm sừng hiện thế làm thầy trời người, tương lai làm Phật tổ...

 

Hoa Sen Gió: Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, Hòa thượng có lời khuyên gì cho Tăng Ni sinh?

Hòa Thượng Thích Giác Quang20 tháng 11 là ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, một sinh hoạt lớn của cộng đồng học sinh, sinh viên ngoài đời, không ảnh hưởng nhiều đến Tăng Ni sinh. Tại sao chúng ta không tìm một ngày nào đó trong Phật giáo làm ngày "tôn sự trọng đạo" của Phật giáo? chẳng hạn như ngày mùng 8/4 âl hay ngày mùng 8/12 âl, hay một ngày khác có ý nghĩa trong lịch sử văn học, lịch sử đào tạo Tăng Ni của ngành Phật học. Có chăng chúng ta cầu nguyện cho nghành giáo dục đào tạo Việt Nam ngày càng tạo thêm nhiều hiền tài để hộ trì cho nước non nầy đời đời độc lập tự do hạnh phúc, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Cầu cho Phật giáo ngày càng hưng thịnh, đông tín đồ thêm lên cả vô biên lượng lẫn chất? âm vang mãi hôm nay cũng như muôn đời sau.

Nhân ngày hiến chương nhà giáo kính chúc chư vị giảng sư, giáo sư, giáo viên, giáo thọ trong quá khứ cũng như hôm nay luôn luôn dồi dào sức khỏe để làm tròn nhiệm vụ "vạn thế sư biểu".

 

THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN HẠNH

Giảng Viên Phật Học - PGVN

 

“Sư chỉ mong muốn rằng: “Thầy Hãy Cho Ra Thầy” - “Trò Phải Cho Ra Trò”. Mọi người đều biết mình ở vị trí nào trong cuộc đời để thể hiện hành vi ứng xử phù hợp trong khoảng không gian và thời gian cho phép theo đúng giới luật khi thầy và trò đều là những Thích Tử Như Lai”.

 

Hoa Sen Gió: Kính bạch Sư, xin Sư chia sẻ tâm tư nguyện vọng về giáo dục tăng ni ngày nay?

Thượng Tọa: Thích Thiện Hạnh: Sư rất mong muốn tăng ni Phật giáo Việt Nam phát huy nhiều hơn nữa về truyền thống học tập giáo pháp của nhà Phật, đặc biệt là giáo lý Phật giáo phát triển ( phật giáo bắc tông ) và tam tạng Phật giáo Nguyên thủy ( phật giáo nam tông )để có kiến thức về giáo lý trọn vẹn vững chắc hơn. Vì nếu chỉ học có một trong hai giáo lý nói trên sẽ không nắm chắc kiến thức một cách vững vàng.

 

Hoa Sen Gió: Sư nghĩ như thế nào về vai trò trọng trách của giáo thọ sư theo đúng nghĩa “ Lương Sư Hưng Quốc ”?

Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh: Giáo thọ sư cố gắng truyền đạt kiến thức Phật giáo cho tăng ni sinh, đặc biệt là mong muốn tăng ni sinh áp dụng giáo lý vào đời sống tu tập hơn là có những bằng cấp kiến thức “thế gian”. Có được kết qủa như vậy - thì vai trò trọng trách của giáo thọ sư mới thật sự có ý nghĩa và có giá trị đúng nghĩa thỏa lòng mong mỏi của Đức Phật.

Hiền tài là nguyên khí quốc gia, một vị thầy có học trò giỏi hay dở thì cũng là cách vị thầy đó đang thực hành dậy cho mình chữ NHẪN, cho nên Lương Sư Hưng Quốc là bao gồm tất cả về mặt tài - đức - giới - định - tuệ thì mới thật sự có những học trò “Tôn Sư Trọng Đạo”.

 

Hoa Sen Gió: Sư nhận xét ra sao về thế hệ hậu học ngày nay?

Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh: Sư xét thấy tăng ni trẻ ngày nay muốn dấn thân để phụng sự Đạo Pháp - dân tộc, cho nên tích cực học tập rất nhiều - nhưng chính sự học tập qúa nhiều như thế đã làm hạn chế việc tu hành… Đấy cũng là lí do làm cho quần chúng nhìn nhận không đúng nếp sống đạo hạnh của nhà Phật, cho nên đó chính là nguyên nhân hoằng pháp của phật giáo có phần nào khó khăn.

 

Hoa Sen Gió: Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, Sư có lời khuyên gì cho tăng ni sinh?

Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh: Sư chỉ mong muốn rằng: “Thầy Hãy Cho Ra Thầy” - “Trò Phải Cho Ra Trò”. Mọi người đều biết mình ở vị trí nào trong cuộc đời để thể hiện hành vi ứng xử phù hợp trong khoảng không gian và thời gian cho phép theo đúng giới luật khi thầy và trò đều là những Thích Tử Như Lai.

 

 

NI SƯ THÍCH NỮ TỊNH VÂN

Giáo Thọ Sư - Khoa Pali, Anh văn Phật pháp

“Tuổi đẹp nhất của thời học sinh là tuổi trẻ. Các Tăng Ni sinh đừng bao giờ đánh mất tuổi trân qúy này. Các Tăng Ni trẻ hãy thay vào bằng sự tinh tấn - nỗ lực - đam mê trong tìm tòi - khám phá lời đức Phật dạy -  đừng lãng phí thời gian. Chúng ta hãy cùng nhau đem hết tâm lực và trí lực của tuổi trẻ phụng sự Tam Bảo và Dân tộc. Phụ mẫu, Sư tăng và Tổ quốc đang trông chờ vào thế hệ trẻ ngày nay”.  

Hoa Sen Gió: Kính bạch Ni sư, xin Ni sư chia sẻ tâm tư nguyện vọng về sự nghiệp giáo dục tăng ni ngày nay?

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Vân: Môi trường chúng tôi tiếp cận hàng ngày, hầu như là ngôi trường Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Đối tượng chúng tôi giao tiếp phần lớn là những Tăng Ni sinh trẻ đang theo học. Sở nguyện của chúng tôi là mãi được cùng nhau học tập những lời dạy của đức Phật. Do vì lời đức Phật dạy thậm thâm và vi diệu, lại giáo lý ấy thật khó diễn đạt hết bằng ngôn từ. Chỉ có thể tạm nói rằng với giáo lý đức Phật truyền trao, tuy khó hiểu khó biết hết nhưng đối với những ai tinh cần, đều đặn học hỏi, tư duy và hành trì, nhất định vị ấy sẽ tận hưởng vị ngọt của Pháp. Vị ấy có thể vượt lên tất cả, làm được việc khó làm khiến những người thân cận, vững niềm tin trong cuộc sống đời thường, sở hữu bình an nội tâm.

 

Hoa Sen Gió: Ni sư nghĩ như thế nào về vai trò trọng trách của giáo thọ sư theo đúng nghĩa “ Lương Sư Hưng Quốc ”?

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Vân: Tôi không bao giờ nghĩ mình là người giáo thọ, chỉ vì trong muôn vàn thứ phụng sự để báo đền bốn ân trong muôn một. Tôi chọn cho mình lý tưởng xuất gia, học lời đức Phật dạy. May thay tại môi trường Học viện chúng tôi gặp gỡ Tăng Ni. Chúng tôi rất biết ơn quý Tăng Ni trẻ, những người cho chúng tôi cơ hội tiếp cận để cùng nhau thấu hiểu cái đẹp chân thiện mỹ qua lời dạy của đức Phật. Chúng tôi thiết nghĩ, hiện tại nếu ai cũng nghĩ sâu, quán kỹ để rồi bằng hết tâm mình, bằng tình chơn thật và tấm lòng rộng mở sẻ chia, đầy nhiệt huyết, thì nhà nhà, xã hội, đất nước tất an lạc.

 

Hoa Sen Gió: Ni sư nhận xét ra sao về thế hệ hậu học ngày nay?

Ni Sư Thích Nữ Tịnh VânThế hệ hậu học ngày nay chiếm phần lớn thời gian nơi trường lớp, ít có thời gian ở chùa rèn luyện nội tâm. Trong khi giới tu sĩ trẻ lại gồm nhiều thành phần, khác nhau về hoàn cảnh, trình độ không đồng. Hết áp lực bổn phận việc chùa, lại trách nhiệm bài vở hàng ngày, lúc giữa kỳ, cuối kỳ, của các môn học lại thêm phần thi đua các phong trào, khiến các em không đủ thời gian chuẩn bị, đào sâu. Do vậy, đa phần các em hình như học để đối phó, học cho qua ngày vì không biết mình phải làm gì. Một số ít những em có hoàn cảnh tốt, ý thức lành mạnh, là những em biết cầu học và thật học.

 

Hoa Sen Gió: Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, Ni sư có lời khuyên gì cho tăng ni sinh?

Ni Sư Thích Nữ Tịnh Vân: Tuổi đẹp nhất của thời học sinh là tuổi trẻ. Các Tăng Ni sinh đừng bao giờ đánh mất tuổi trân qúy này. Các Tăng Ni trẻ hãy thay vào bằng sự tinh tấn, nỗ lực, đam mê trong tìm tòi, khám phá lời đức Phật dạy, đừng lãng phí thời gian. Chúng ta hãy cùng nhau đem hết tâm lực và trí lực của tuổi trẻ phụng sự Tam Bảo và Dân tộc. Phụ mẫu, Sư tăng và Tổ quốc đang trông chờ vào thế hệ trẻ ngày nay.

 

 

GIẢNG VIÊN - THẠC SĨ

NHÀ THIẾT KẾ THỜI TRANG: LÊ SĨ HOÀNG

 

“Trò giỏi và ngoan, là sự dễ dàng cho người thầy hoàn toàn.

Trò giỏi nhưng chưa ngoan, hay trò ngoan mà chưa giỏi, cần đến công người thầy một nửa.

Trò không giỏi không ngoan, mới cần đến người thầy dạy dỗ trọn vẹn

Giờ đây mỗi khi đứng trước học trò, tôi luôn tâm niệm phải truyền hết những kiến thức mình biết một cách trọn vẹn nhiệt lòng. Dù đó là khi đứng trên bục giảng, hay chỉ là một thắc mắc đến từ cuộc gọi điện thoại giữa lúc đêm khuya”.

 

Hoa Sen Gió: Cháu chào Chú, thưa chú - là một giảng viên kiêm nhà thiết kế thời trang, có được thành công như ngày hôm nay - vậy người giáo viên nào đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong quãng đời học sinh - sinh viên của chú?

Giảng Viên: Lê Sĩ Hoàng: Thầy Nguyễn Hoàng, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh đã định hướng cho tôi nên chọn khoa Đồ họa Tạo hình - khi lúc ấy các khoa lụa - sơn dầu - sơn mài tôi đều rất thích và phân vân không biết nên theo khoa nào. Như một tiên đoán đúng khi Thầy đã hiểu cá tính cùng lực học của học trò mình. Tôi đã học rất giỏi và tạo nền tảng tốt cho hoạt động thời trang sau này. 

 

Hoa Sen Gió: Ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 chỉ có duy nhất một ngày, liệu chăng học trò chỉ biết tri ân thầy cô vào ngày này sao? Chú nghĩ gì về điều này?

Giảng Viên: Lê Sĩ Hoàng: Không chỉ thầy cô trực tiếp hướng dẫn tại trường lớp - nghĩ cho sâu rộng hơn, bất cứ ai chỉ ra cho mình sự hiểu biết đúng đắn để từ đó tránh được va vấp sai lầm trong cuộc sống, hoặc làm được một việc gì đó mau đạt sự thành tựu thì đều cũng là người Thầy của mình. Ngay cả một cuốn sách tốt cũng được ví như người Thầy tốt, khi ta được đọc và biết vận dụng vào trong chính cuộc sống sao hữu ích cho chính mình và người xung quanh.

Tôi quan niệm rằng trong đời này mọi người đều là Thầy của nhau trên nhiều phương diện, bổ sung cho nhau vì lẽ " nhân bất thập toàn ". Có thế thì sự tri ân đó sẽ hiện diện trong từng phút giây sống. Suốt thời học sinh, sinh viên và cho đến tận bây giờ, tôi đã nhận được vô vàn kiến thức chuyên môn và nhân cách sống từ biết bao người " Thầy trường lớp - Thầy trường đời "Để giờ đây mỗi khi đứng trước học trò tôi luôn tâm niệm phải truyền hết những kiến thức mình biết một cách trọn vẹn, nhiệt lòng dù đó là khi đứng trên bục giảng, hay chỉ là một thắc mắc đến từ cuộc gọi điện thoại giữa lúc đêm khuya. Mong sao con phải hơn cha, trò của mình phải giỏi tài hơn thì nhà có phúc - như một cách tỏ lòng biết ơn và đền đáp tấm lòng của biết bao người Thầy mà mình trong đời có được.

 

Hoa Sen Gió: Sự nghiệp “trồng người” không hề đơn giản, chú có lời khuyên gì khi thầy cô có những học trò tiêu cực…?

Giảng Viên Lê Sĩ Hoàng:

Trò giỏi và ngoan, là sự dễ dàng cho người thầy hoàn toàn.

Trò giỏi nhưng chưa ngoan, hay trò ngoan mà chưa giỏi, cần đến công người thầy một nửa.

Trò không giỏi không ngoan, mới cần đến người thầy dạy dỗ trọn vẹn.

Nếu nghĩ rằng, chính những người trò này sẽ cho người thầy có cơ hội thể hiện được Tài Đức của người làm sư phạm, thì sẽ không còn cảnh học trò cá biệt, tiêu cực bị thải loại như một sản phẩm hư hỏng vô dụng.

Chợt thấy, trong sản xuất còn có khâu tái chế tái sinh. Sao con người lại chẳng được đối xử bằng "Chí Nhân Thay Cường Bạo" như cổ nhân đã trao truyền.

 

 

TĂNG SINH: THÍCH NGUYÊN NHƯ

Khoa Hoằng Pháp - Khóa VIII

 

“Con được học ở Học Viện Phật Giáo tại TP.HCM là nhờ công ơn của cố đại lão Hòa Thượng Thích Minh Châu và các vị giáo sư đã sáng lập nên Học Viện này. Kế thừa tiếp theo là HT. Thích Trí Quảng, ngài là vị hiện đang là Viện trưởng Học viện. Để đền đáp công ơn đó, con xin cố gắng học tập và tu trì tinh tấn, để không phụ lòng mong mỏi của qúy thầy cô giáo”.

Đã là người học trò, là người con Phật thì tri ân là điều không thể thiếu. Người mà con nhớ nghĩ đến đó chính là: Đức Phật, vị bổn sư thế phát, cha mẹ và quý giảng viên nội điển và ngoại điển. Hôm nay, con có nhiều cảm xúc khi nghĩ đến công ơn đó, những người thầy cô đã dìu dắt con trên bước đường học vấn và tu tập.

Vị thầy đầu tiên là cha mẹ, người sinh thành ra bản thân con. Qúy thầy là người khai mở nguồn trí thức và hướng dẫn con đường đạo pháp. Con được học ở Học Viện Phật Giáo tại TP.HCM là nhờ công ơn của cố đại lão Hòa Thượng Thích Minh Châu và các vị giáo sư đã sáng lập nên Học Viện này. Kế thừa tiếp theo là HT. Thích Trí Quảng, ngài là vị hiện đang là Viện trưởng Học viện. Để đền đáp công ơn đó, con xin cố gắng học tập và tu trì tinh tấn, để không phụ lòng mong mỏi của qúy thầy cô giáo.

Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20.11, con xin kính chúc đến quý giáo thọ sư nội điển cũng như ngoại điển thân tâm thường an lạc, luôn là người thầy mẫu mực đưa đò dẫn lối vào bến bờ tri thức và tu tập.

 

NI SINH: THÍCH NỮ LIÊN HÀ

Khoa Phật Giáo Việt Nam - Khóa VIII

“Trước tiên chúng con đốt nén tâm hương tưởng niệm đến công ơn của cố Đại lão Hòa Thượng - Thượng Minh Hạ Châu - vị Viện Trưởng đầu tiên sáng lập ra học viện Phật Giáo Việt Nam, kế đó chúng con kính gởi lời tri ân đến Hòa Thượng viện trưởng đương kiêm - HT. Tiến Sĩ Thượng Trí Hạ Quảng, Thầy giáo chủ nhiệm TT - Tiến sĩ Thích Phước Đạt cùng chư vị Giáo thọ sư nội điển và ngoại điển cũng như toàn thể chư tôn Đức lãnh đạo hội đồng điều hành của học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh”.

Nhân ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, con Ni sinh Thích nữ Liên Hà đại diện cho Tăng Ni sinh khoa Phật Giáo Việt Nam - khóa 8, xin nói lên tâm tư cảm xúc của một người học trò đối với các bậc thầy của mình.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc, chúng con là những người con của nước Việt, những nầm non của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, chúng con luôn tâm niệm rằng đã là học trò thì phải vâng lời thầy, mới là con ngoan trò giỏi. Song để thể hiện nghĩa cử cao đẹp ấy một cách trọn vẹn, chúng con ngoài nỗ lực học tập thật tốt còn phải tinh tiến trong lối sống tu học mới đúng nghĩa đền đáp công ơn của Thầy.

Suốt ba năm qua chúng con đã được sự dạy khuyên của các bậc thầy, chúng con như những lãng tử lang thang gặp người dẫn lối, chúng con rất cảm trọng những kiến thức của Thầy Cô đã truyền trao vì những đứa con thơ dại ngày nào, giờ bỗng trở nên trưởng thành hơn, nhận chân cuộc sống ý nghĩa hơn, đẹp hơn khi chúng con đang từng bước đi trên con đường hướng đến giải thoát. Đồng thời thẩm thấu sâu sắc hơn về giáo lý Phật Đà - bậc đạo sư của nhân loại.

Bước sang năm cuối, chúng con nguyện phấn đấu nỗ lực hết mình để học và tu tập thật tốt hơn nữa hầu phần nào đền đáp công ơn dạy dỗ của Thầy, ơn sanh thành của cha mẹ đã tạo nên tấm hình hài này. Chúng con nguyện ghi khắc mãi trong lòng về ân đức lớn lao mà các bậc thầy khả kính đã dày công dạy dỗ, Thầy chính là người khai tâm mở trí cho chúng con khi chúng con vừa bước vào đời, vào đạo. Thầy luôn là tấm gương sáng, là ngọn đuốc trong đêm thâu “mãi soi lối con đi”.

Ân tình đó chúng con không bút mực nào tả cho hết được, không ngôn từ nào diễn cảm cho cân. Trước tiên chúng con đốt nén tâm hương tưởng niệm đến công ơn của cố Đại lão Hòa Thượng - Thượng Minh Hạ Châu - vị Viện Trưởng đầu tiên sáng lập ra học viện Phật Giáo Việt Nam, kế đó chúng con kính gởi lời tri ân đến Hòa Thượng viện trưởng đương kiêm - HT. Tiến Sĩ Thượng Trí Hạ Quảng, Thầy giáo chủ nhiệm TT - Tiến sĩ Thích Phước Đạt cùng chư vị Giáo thọ sư nội điển và ngoại điển cũng như toàn thể chư tôn Đức lãnh đạo hội đồng điều hành của học viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh.

Sau cùng, chúng con kính nguyện cầu Hồng Ân Tam Bảo gia trì cho qúy Ngài pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ, Phật sự viên thành và mãi mãi là bóng cây đại thọ che chở cho Tăng Ni sinh chúng con trên bước đường khai ngộ tri thức.

 

 

TĂNG SINH LỚN TUỔI

TĂNG SINH: THÍCH HUỆ THÀNH - 51 TUỔI

KHOA HOẰNG PHÁP - KHÓA VIII

“Hòa Thượng Thích Minh Châu là một bậc Cao Tăng đã khai sáng ra Học Viện Phật Giáo Việt Nam”.

Từ ngày học cấp một đến phổ thông, và trải qua 15 năm học từ môi trường phật học tại tỉnh Tiền Giang, mỗi năm đến ngày nhà giáo thầy thấy chương trình tổ chức ngày giáo Việt Nam được tổ chức quy mô hơn. Theo thầy, ngày nhà giáo Việt Nam phải làm sao có ý nghĩa thật sự về mặt Tôn Sư Trọng Đạo, tất cả chúng ta có tri thức đều do thầy cô dạy bảo theo như câu nói: “không thầy đố mày làm nên”.

Đây là một điều rất thiêng liêng trân quý không thể thiếu, tại thế gian chúng ta sống trong gia đình có cha mẹ, ra ngoài đời có nhiều thầy cô giáo dạy dỗ chúng ta về kiến thức.

Năm nay thầy 52 tuổi vẫn tiếp tục học, thật sự mà nói lúc đầu thầy nghĩ mình không thể học được tại học viện, nhưng nhờ hệ thống giáo dục mở rộng nên thầy hoàn tất chương trình.

Nhân ngày nhà giáo thầy kính gởi lời chúc mừng đến chư vị giáo thọ sư lớn tuổi - ban lãnh đạo nhà trường luôn là bóng cây mát cho hàng hậu tiếp theo. Tăng Ni sinh luôn luôn hướng về các bậc tôn túc hiện tại cũng như quá khứ, ước nguyện cùng thầy cô luôn hạnh phúc trong sự nghiệp giáo dục của mình.

 

 NI SINH LỚN TUỔI

Ni Sinh: Thích Nữ Tâm Liên - 61 TUỔI

Khoa Hoằng Pháp - Khóa VII - Văn Bằng II

 

“Lễ bái tán thán kính trọng đức Phật không phải là hình thức bề ngoài, mà phải sống đúng Chánh Pháp - ứng xử phù hợp với đạo, sống một đời sống chân chính đó là cách lễ bái - kính trọng - tán thán Như Lai .

Lòng tri ân và báo ân không thể thiếu được, nếu không biết tri ân báo ân thì đó là một con người không có nhân cách - phẩm cách”.

Tôi thấy ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, là ngày để tất cả học sinh - sinh viên và tăng ni sinh tri ân - báo ân đến với thầy cô giáo. Đó là bổn phận của học trò không thể thiếu, vì đó là đạo lý ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Chính nhờ các bậc thầy cô giáo, thì chúng ta mới có kiến thức - đạo đức làm người mới nuôi dưỡng được giới thân huệ mạng.

Đức Phật có dạy ngài Anan (thay cho tất cả chúng ta) trước khi Ngài nhập niết bàn: “hàng phật tử cũng như hàng xuất gia (sadi tới hàng tỳ kheo - tỳ kheo ni) lễ bái tán thán kính trọng đức Phật không phải là hình thức bề ngoài, mà phải sống đúng Chánh Pháp - ứng xử phù hợp với đạo, sống một đời sống chân chính đó là cách lễ bái - kính trọng - tán thán Như Lai”.

Bởi vì thế - để đền ơn Cha Mẹ - ơn Thầy cô giáo - ơn xã hội - ơn Tam Bảo, chúng ta phải học cho sâu - hiểu cho rộng thì mới thâm nhập được giáo pháp Như Lai. Mới có trí sáng suốt - có tâm hồn an tịnh - có tấm lòng rộng mở, ứng xử Pháp Phật tùy theo tâm tư, hoàn cảnh - nguyện vọng của mọi người làm lợi ích cho đời cho đạo. Đó là tri ân đúng cách nhất.

Lòng tri ân và báo ân không thể thiếu được, nếu không biết tri ân báo ân thì đó là một con người không có nhân cách - phẩm cách.

 

X: HỌC VIÊN LỚN TUỔI

PT: HUỲNH XUÂN LIÊN - 61 TUỔI

KHOA ĐÀO TẠO TỪ XA - KHÓA I

 

“Bác xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đối với Hòa thượng Viện trưởng đã đưa chương trình đào tạo từ xa về giảng dạy tại học viện. Mong rằng khoa đào tạo từ xa sẽ tiếp tục mở rộng để mọi người có cơ hội học tập trong những năm tới”.

Bác rời khỏi lớp học hơn 40 năm, nay trở lại vai trò là một người học trò được dự lễ hiến chương nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 tại học viện phật giáo, bác cảm thấy dạt dào tình cảm, kính trọng đối với chư vị giáo thọ sư. Hiện nay, bác đang theo học Phật Pháp, nhận thấy học viện đã xây dựng chương trình rất thích hợp để bồi dưỡng kiến thức phổ thông cho các học viên. Đặc biệt giới thiệu phương pháp giảng dạy về giáo lý, để qua đó - tự bản thân mỗi học viên tự nghiên cứu sâu hơn về giáo lý của đức Phật.

Bản thân bác, được tiếp tục theo học lớp đào tạo từ xa - khóa I, bác cảm thấy vô cùng hạnh phúc và mãn nguyện, vì chương trình này đã đáp ứng khao khát nguyện vọng của bác. Năm nay, khoa đào tạo từ xa khóa I là năm cuối cùng gần gũi với chư giáo thọ sư - học viên, vì vậy tất cả học viên trong lớp đã tích cực tham gia chương trình Sáng Mãi Ơn Thầy do ban tổ chức đề ra.

Nhân dịp này, bác xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất đối với Hòa thượng Viện trưởng đã đưa chương trình đào tạo từ xa về giảng dạy tại học viện. Xin tri ân và bày tỏ lòng biết ơn đến giáo thọ sư, đặc biệt Đại Đức khoa trưởng luôn quan tâm đến học viên trong mọi học tập của khoa.

Kính chúc chư tôn đức trong ban học viện và giáo thọ sư thân tâm an lạc - để nền giáo dục đào tạo các thế hệ đi theo con đường giáo lý của đức phật. Mong rằng khoa đào tạo từ xa sẽ tiếp tục mở rộng để mọi người có cơ hội học tập trong những năm tới.

 

 

 

XI: HOC VIÊN LỚN TUỔI

PT: NGUYỄN ĐỨC SIÊU - 71 TUỔI

KHOA ĐÀO TẠO TỪ XA - KHÓA II 

“Khoa đào tạo từ xa kết hợp nhiều thành phần trong xã hội, cùng chung một lớp ở mọi lứa tuổi, tất cả được học từ chánh tin và cập nhật kiến thức chính xác về giáo lý Phật Đà”.

Là người lớn tuổi có cơ hội được học tại khoa đào tạo từ xa với mục đích tìm hiểu sâu về Phật Pháp, hầu hết giáo thọ sư là những vị có kinh nghiệm trình độ cao, giảng dạy rất tận tâm và nhiệt tình.

Tình thầy trò tại học viện phật giáo sâu đậm hơn tại thế gian, vì nơi đây là ngôi nhà tâm linh đào tạo nhân cách sống, khoa đào tạo từ xa kết hợp nhiều thành phần trong xã hội, cùng chung một lớp ở mọi lứa tuổi, tất cả được học từ chánh tin và cập nhật kiến thức chính xác về giáo lý Phật Đà.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, tôi kính gởi lời chúc đến tất cả quý giáo thọ sư và hội đồng điều hành trong học viện phật giáo luôn sống mạnh khỏe - an vui để dẫn dắt hàng hậu học trên bước đường tu học.

 

*Chúng con kính gởi lời tri ân đến chư vị Giáo thọ sư - Tăng Ni sinh - Giảng viên - Học viên đã dành thời gian trả lời phỏng vấn. Kính chúc quý vị thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT - MA HA TÁT

 

Hoa Sen Gió

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này