Hộ quốc an dân - Phật Giáo Việt Nam
02:40 +07 Thứ bảy, 04/05/2024

Hộ quốc an dân

Thứ tư - 04/07/2012 11:48
(HDPT) - Tháng 3-2012, sự kiện 6 Tăng sĩ ra Trường Sa (Khánh Hòa) làm Phật sự, đem ánh sáng Phật pháp tới đồng bào ở đảo là một sự kiện thể hiện tinh thần ấy.
 

 

 

 

 

 

 

 

Tiếp theo, ngày 10-6 vừa qua, đại hồng chung nặng hơn 1 tấn đã được BTS THPG tỉnh Bình Thuận đúc để hiến tặng Trường Sa, đó cũng là một sự kiện thời sự thể hiện tinh thần đó.

Chùa trường sa 1.jpg

Chùa Việt trên đảo - Ảnh minh họa

Trước đó, năm 2010-2011 (và sẽ còn nhiều dịp nữa), lãnh đạo chính quyền T.Ư cũng như các tỉnh, thành phối hợp với GHPGVN và BTS Phật giáo các địa phương tổ chức nhiều Đại lễ cầu siêu anh linh liệt sĩ, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn tại các nghĩa trang, từ Bắc chí Nam, từ Tây Nguyên đến hải đảo xa xôi. Việc làm ấy, ngoài ý nghĩa tri ân - thông qua việc cầu nguyện (mang ý nghĩa tâm linh) để người chết cũng an lòng mà người sống (thân nhân, đồng bào) cũng an vui - còn thể hiện tinh thần gắn kết, hiểu biết tương thông giữa những người lãnh đạo đất nước hiện tại với GHPGVN.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam hơn hai ngàn năm. Cũng với chừng đó thời gian, đạo Phật đã gắn bó với dân tộc qua các giai đoạn thịnh suy, thăng trầm. Có giai đoạn đạo Phật là quốc giáo, nhiều vị thiền sư là quốc sư, cố vấn về văn hóa, tâm linh cho nhà vua - người lãnh đạo cao nhất thời phong kiến. Chùa chiền với tiếng chuông, kinh kệ sớm hôm là dấu hiệu của sự bình yên dù ở đâu: thị thành, nông thôn, núi rừng hay hải đảo.

Dân gian có câu nói “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, cũng để nói lên tinh thần ấy.

Sự có mặt của các ngôi chùa, việc dấn thân của chư Tăng Ni nơi biên thùy, hải đảo xa xôi không phải là việc làm nhất thời, mang tính đối phó, mà cần có một chương trình lâu dài, trở thành một trong những nội dung Phật sự quan trọng của Giáo hội, song song với công tác từ thiện, hỗ trợ người nghèo, đồng bào lũ lụt, thiên tai, tài trợ cho các hoạt động khuyến tài, khuyến học ở khắp nơi lâu nay diễn ra rầm rộ.

Hàng năm, có rất nhiều Tăng Ni tốt nghiệp chương trình cử nhân ở các Học viện Phật giáo ở cả ba miền, nhưng không biết nguồn nhân lực trẻ được đào tạo đó đi về đâu, phân bố những nơi nào. Hiện vẫn chưa có một thăm dò sơ bộ - điều mà các đại học thế tục vẫn thường làm nhằm điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu thực tế của từng giai đoạn xã hội. Là một tôn giáo gắn bó với đất nước, không lẽ nào chúng ta lại thờ ơ, không cần biết xã hội “phản hồi” như thế nào về sự hiện diện, về hoạt động của Giáo hội, việc làm của Tăng Ni… để có những điều chỉnh nhằm tiếp nối truyền thống hộ quốc, an dân có từ lâu đời trong lịch sử mà chúng ta tự hào.

Thử hỏi vùng biên giới, hải đảo hiện có được bao nhiêu ngôi chùa? Yêu cầu thực tế là như thế nào? Đã có bao nhiêu vị Tăng, Ni dấn thân đến hành đạo?... Phật sự như thế này không phải là quá xa lạ với Phật giáo ở một số nước láng giềng của chúng ta, đặc biệt trở thành một chương trình quốc gia như ở Myanmar. Không lẽ chỉ có 6 vị Tăng, như đã nói, ra các chùa trên quần đảo Trường Sa hay sao? Hy vọng câu hỏi này sẽ được trả lời cụ thể, với những con số rõ ràng trong tương lai.

Mong rằng, truyền thống hộ quốc, an dân của Phật giáo Việt Nam sẽ được thể hiện một cách sống động, cụ thể, rõ ràng trong các chương trình hoạt động của GHPGVN.

Lưu Đình Long

 
(GNO)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này