Kết thúc chuyến điền dã: Việc làm được và việc phải làm - Phật Giáo Việt Nam
22:40 +07 Chủ nhật, 05/05/2024

Kết thúc chuyến điền dã: Việc làm được và việc phải làm

Thứ tư - 31/08/2016 18:42
(HDPT) - Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa kết thúc chuyến điền dã 8 ngày, làm việc và khảo sát tại 12 tỉnh, thành phố ở Nam bộ và Trung bộ
 

Được sự đồng ý của Hôi đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đoàn công tác của Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa kết thúc chuyến điền dã 8 ngày, làm việc và khảo sát tại 12 tỉnh, thành phố ở Nam bộ và Trung bộ bao gồm: TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng và Huế. Đoàn đã tổ chức 8 cuộc tọa đàm với 4 Hệ phái của Phật giáo Việt Nam là Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer và Khất sĩ cùng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố.

Thành quả lớn nhất mà đoàn công tác đạt được là đã nhận được sự ủng hộ và thống nhất chung của các Giáo phẩm cấp cao của các Hệ phái cũng như lãnh đạo các Ban trị sự Phật giáo Việt Nam các tỉnh thành nơi đoàn đã làm việc. Tất cả các cuộc tọa đàm đều hướng đến mục tiêu thống nhất trong sự đa dạng. Trên thực tế, Phật giáo Việt Nam 35 năm qua vẫn hoạt động trên cơ sở thống nhất, đoàn kết và tôn trọng đặc trưng của từng Hệ phái, từng vùng miền. Tuy nhiên, theo thời gian, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa trên lĩnh vực văn hóa nên có nhiều sắc thái văn hóa du nhập vào Việt Nam, tác động không nhỏ đến bản sắc riêng của văn hóa Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là trên 4 lĩnh vực được Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất quan tâm là Pháp phục, Ngôn ngữ, Di sản và Kiến trúc. Thực tế, đã có nhiều đồng đạo ở nước ngoài nhầm sư Việt Nam là sư Trung Quốc hay Ấn Độ, hoặc chùa Việt Nam là chùa Đài Loan, Thái Lan..v…v.. Đây chính là lý do Hội đồng trị sự giao Ban Văn hóa trung ương triển khai thực hiện Đề án “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam: thống nhất trong đa dạng” với 4 hợp phần: Pháp phục, Ngôn ngữ, Di sản và Kiến trúc, trong đó có nhiệm vụ tham quan, khảo sát, tọa đàm và đi đến sự thống nhất giữa các Hệ phái, các Ban trị sự tại địa phương.

Tại các cuộc tọa đàm, các chư tôn Giáo phẩm, chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni đều thống nhất về mặt quan điểm: cần có một bản khóa tụng chung cho cả 4 Hệ phái khi tham gia các buổi Quốc lễ và Quốc tế lễ. Khóa tụng này cần dịch từ kinh bản tiêu biểu của Đức Phật và xuất hiện trong kinh tụng của cả 4 Hệ phái. Khóa tụng cần được Việt hóa bằng chữ quốc ngữ với âm tiết và cách tụng thống nhất. Đại điện các Hệ phái và các Ban trị sự đề nghị sau khi Hội đồng trị sự đã quyết định và hoàn thiện bản khóa tụng thống nhất thì gửi về tất cả các địa phương, các Hệ phái, các trường, viện trong giáo hội để làm tài liệu giảng dạy cho chư Tăng, chư Ni, coi đây là một phần để đánh giá học lực của chư Tăng, Ni. Đồng thời các Hệ phái và các Ban trị sự cũng phấn đấu thực hiện ý kiến của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự, rằng từ năm 2017 các chùa xây mới cố gắng sử dụng phần lớn tiếng Việt trong bảng tên chùa, hoành phi, đối liễn. Riêng các chùa đã xây từ trước đó thì nên có phần dịch bằng tiếng Việt và cả tiếng Anh để Phật tử, người dân và du khách khi đến thăm chùa có thể hiểu được Giáo lý nhà Phật cũng như lịch sử, nét đặc trưng của chùa. Đối với Pháp phục, các Hệ phái và các ban trị sự đều thống nhất lựa chọn màu vàng làm màu của pháp phục khi tham gia các buổi Quốc lễ và Quốc tế lễ, nhưng màu vàng này phải được xử lý sao cho không giống những màu đang được sử dụng ở ngoài đời cũng như không bị lẫn với chư Tăng Ni ở các nước. Nhiều ý kiến đề nghị nên thống nhất màu sắc cho cả Tăng và Ni, hoặc ít nhất là thống nhất một màu cho Tăng và một màu cho Ni, không phân biệt vùng miền, Hệ phái, còn cách đắp y thì tôn trọng đặc trưng của từng Hệ phái. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Viện mẫu thời trang Fadin cam kết sau khi màu sắc được Hội đồng trị sự lựa chọn sẽ sản xuất và bảo vệ bản quyền cho Phật giáo Việt Nam. Đối với Ngôn ngữ và Di sản, các Hệ phái và các Ban trị sự địa phương cũng thống nhất đề nghị các chuyên gia là đối tác của Ban Văn hóa trung ương sẽ phối hợp với Phật giáo để nghiên cứu và đưa ra một số khung thống nhất cho kiến trúc chùa Việt đương đại cũng như thống nhất hoạt động bảo tồn vừa tuân thủ pháp luật, vừa bả vệ được các di sản trong những ngôi chùa Việt, đồng thời không gây khó khăn cho các nhà tu hành trong hoạt động duy tu, sửa chữa, phục chế…

Trong buổi họp tổng kết chuyến công tác, đại diện của các cơ quan phối hợp thực hiện 4 đề án đã đưa ra những chương trình cụ thể nhằm hiện thực hóa kết quả đã thu nhận được, trước mắt là tổ chức 4 hội thảo chuyên đề cho 4 đề án này tại Hà Nội và TPHCM./.
Một số hình ảnh của các sự kiện trên:
 

Thu Thùy - VHPG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này