Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Hành trình trở thành di sản tư liệu thế giới - Phật Giáo Việt Nam
21:59 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Hành trình trở thành di sản tư liệu thế giới

Thứ ba - 29/05/2012 06:10
(HDPT) - Đây là niềm vui lớn đối với đất nước Việt Nam, tỉnh Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và các tăng ni phật tử Thiền phái Trúc Lâm ở trong và ngoài nước.
 

Chiều ngày 16/5/2012, tin vui được báo về từ thủ đô Bangkok (Thái Lan), tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã chính thức trở thành di sản tư liệu trong Chương trình ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.


 Đây là niềm vui lớn đối với đất nước Việt Nam, tỉnh Bắc Giang, chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) và các tăng ni phật tử Thiền phái Trúc Lâm ở trong và ngoài nước. Sau hơn 2 năm, kể từ khi lập hồ sơ lần thứ nhất, hành trình trở thành di sản ký ức Thế giới của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thật gian nan, vất vả. Đây là kết quả từ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ ngoại giao Việt Nam, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam với UBND tỉnh Bắc Giang và trực tiếp là với Ban nghiên cứu lập hồ sơ (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang). 


Một bản khắc mộc bản kinh Phật cổ vô giá.


Chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng từ thế kỉ 11, sau được tu bổ và mở rộng, đến cuối thế kỉ 13 đã trở thành trung tâm đào tạo tăng đồ của Thiền phái Trúc Lâm, một Phật phái do đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và hai đệ tử là Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái người Việt Nam sáng lập ở thế kỷ 13 có ảnh hưởng rất rộng rãi và tích cực đến sự phát triển văn hóa, giáo dục, lối sống đối với các thế hệ người dân Việt Nam xưa đến nay. Một trong những di sản văn hóa đặc biệt quí giá ở chùa Vĩnh Nghiêm, đó là kho mộc bản với số lượng hơn 3000 bản, được san khắc từ 1873 đến 1935 trên cơ sở các kinh/sách/luật được biên soạn từ thế kỉ 13 đến thế kỷ 17 để in kinh, sách, luật giới nhà Phật làm công cụ truyền bá tư tưởng, triết lý của Phật giáo Trúc Lâm. Đây là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm hiện còn lưu giữ được tại chùa Vĩnh Nghiêm để truyền bá tư tưởng cốt lõi của Thiền phái Trúc Lâm cho hàng nghìn ngôi chùa với hàng triệu tăng ni, Phật tử, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, tạo dựng tinh thần vui sống hòa bình, lạc quan, tự tin của con người ở các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh thế giới có nhiều bất an về môi trường, xã hội, chính trị. 

Để góp phần phát huy giá trị của di sản thông qua việc quảng bá rộng rãi giá trị kho mộc bản, ngày 3/3/2010, UBND tỉnh Bắc Giang có công văn gửi Bộ ngoại giao và Ủy ban Unesco Việt Nam về việc đề nghị lập hồ sơ “Các mộc bản kinh phật thiền phái Trúc Lâm” tại chùa Vĩnh Nghiêm đề nghị Unesco công nhận là di sản tư liệu thế giới. Được Bộ ngoại giao và Ủy ban Unesco Việt Nam, Cục Văn thư và Lưu trữ Quốc gia tạo điều kiện giúp đỡ, sau một thời gian ngắn, hồ sơ “Các mộc bản kinh phật Thiền phái Trúc Lâm” đã được hoàn thành. Ngày 31/3/2010, Bộ ngoại giao công bố hoàn thành hồ sơ đề nghị Unesco công nhận là di sản tư liệu trong chương trình ký ức thời gian thế giới. Song hành cùng việc triển khai bổ sung hồ sơ, công tác vận động hành lang nhằm thuyết phục Unesco cũng đã được thực hiện. Ngày 9/10/2010, ngài Apakhon, Giám đốc tổ chức Văn hóa, Giáo dục, Khảo cổ học, Nghệ thuật Asean, thành viên Hội đồng thẩm định của Unesco về Di sản tư liệu thế giới đã về làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang, thẩm định kho mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm. Tại đây, ngài Apakhon đánh giá cao giá trị kho mộc bản và tìm hiểu thêm về nguồn gốc của di sản. 

Đến cuối năm 2010, hồ sơ kho mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm được các chuyên gia trong Hội đồng xét duyệt của Unesco yêu cầu bổ sung thêm nội dung, tư liệu với lý do chưa nêu bật được sự kết nối giữa kho mộc bản với phong trào Phật giáo trên thế giới hiện nay. Đây là nội dung nhằm nêu bật giá trị toàn cầu của di sản. 

 Đầu năm 2011, Vụ Văn hóa đối ngoại và Unesco Việt Nam, Sở VHTT&DL Bắc Giang tổ chức Hội thảo khoa học “Ảnh hưởng và tác động của thiền phái Trúc Lâm trên thế giới”. Tham dự Hội thảo có các đại biểu là các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu thuộc các Trường Đại học, các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu về văn hóa; các vị hòa thượng ở các thiền viện Phật học trên toàn quốc…Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của các vị cao tăng của Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Học Viện Phật giáo Sóc Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt…và đại sứ quán các nước nên các thông tin về các thiền viện Trúc Lâm ở nước ngoài đã được cung cấp khá chi tiết. Qua đó, việc bổ sung tài liệu hoàn thiện hồ sơ đã được thực hiện chu đáo. Gửi kèm với nội dung bổ sung hồ sơ này, Ban nghiên cứu lập hồ sơ (Sở VHTT&DL Bắc Giang) đã gửi kèm 2 băng hình, một băng ghi lại chương trình Hội thảo “Ảnh hưởng và tác động của thiền phái Trúc Lâm trên thế giới”, một băng với  nội dung phỏng vấn các sinh viên quốc tế đang tham gia khoá học giáo lý và ngồi thiền tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo – Vĩnh Phúc) và Hội đồng xét duyệt của Unesco đã chấp thuận. Ngày 5/3/2011, Ban điều phối Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương do ngài Ray Edmonson Trưởng ban làm trưởng đoàn đã về làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang và đến chùa Vĩnh Nghiêm trực tiếp thẩm định kho mộc bản. Như vậy, việc lập hồ sơ, bổ sung hồ sơ, các cuộc vận động nhằm thuyết phục UNESCO vinh danh mộc bản kinh phật chùa Vĩnh nghiêm đã được triển khai chu đáo, chờ ngày UNESCO đưa ra phán quyết cuối cùng. 


Bảo quản mộc bản cổ.


Từ ngày 19 đến 21/5/2011, Hội nghị lần thứ 4 Chương trình ký ức Thế giới được tổ chức tại Vacsava (Ba Lan) để bỏ phiếu đánh giá, vinh danh một số di sản văn hoá và di sản tư liệu thế giới, trong đó có mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm. Kết quả cuối cùng đã không được như mong đợi, hồ sơ mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm đã không được công nhận là di sản tư liệu Thế giới. Không được công nhận ở nhóm 1 - cấp toàn cầu, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm chưa hết cơ hội mà có đầy niềm tin được công nhận ở nhóm 2 – di sản ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Tháng 6/2011, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã giao cho Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm đề nghị UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. So với lần thứ nhất, lần này tên hồ sơ đã có sự thay đổi với tên gọi là “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang”. Nội dung của hồ sơ lần này tập trung khai thác sâu những vấn đề về mối quan hệ, ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo tại Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác trong khu vực. Cụ thể, Ban nghiên cứu lập hồ sơ tỉnh Bắc Giang đã chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ dựa trên những lập luận khoa học về quá trình “Việt Nam hoá” Phật giáo từ Trung, Ấn thông qua tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm, trong đó nhấn mạnh 2 tiêu chí chủ yếu là tính xác thực và tính độc đáo của di sản. Cụ thể, một số yếu tố đặc biệt được khai thác bổ sung vào hồ sơ lần này như: Trên mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm có khắc một số bài thuốc Nam rất phổ biến trong khu vực; hay tập trung giới thiệu tập sách Thiền tông bản hạnh, sách này tập hợp một số tác phẩm thơ chữ Nôm thời Trần – Lê như: Bản kể hạnh về lịch sử Phật phái Trúc Lâm Yên Tử/ Thiền tịch phú/ Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca/ Cư trần lạc đạo/ Giáo tử phú/ Thiếu thất phú…được viết bằng chữ Nôm do người Việt sáng tạo, mẫu chữ Nôm từ sách “Thiền tông bản hạnh” được Hội bảo tồn di sản chữ Nôm tại Mỹ lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode và được cài đặt vào máy tính trên toàn thế giới. Hồ sơ “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang” được hoàn thiện và gửi đi vào ngày 25/11/2011 (vào đúng ngày 1/11/Tân Mão – ngày giỗ tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông) theo đúng thời gian qui định. 

Từ ngày 14 đến ngày 16/5/2012, tại Khách sạn Amari Watergate Bangkok (Thái Lan), Hội nghị toàn thể lần thứ 5 Chương trình ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chính thức diễn ra. Phía tỉnh Bắc Giang tham gia Hội nghị này có các đồng chí: Nguyễn Thế Chính, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở VHTTDL (Trưởng đoàn); Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh (thành viên) và Trần Văn Thống, Phó trưởng phòng Ngoại vụ - Văn phòng UBND tỉnh (phiên dịch). Tại hội nghị, các quốc gia có di sản đề nghị lần này đã trình bày hồ sơ. Phía Việt Nam lần này có 2 hồ sơ đề nghị là “Mộc Bản chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang” và “Sử thi Hoa Lư thi tập”. Riêng với hồ sơ “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm”, ông Phạm Cao Phong, Vụ trưởng Vụ Văn hoá đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Tổng thư ký Uỷ ban UNESCO Việt Nam đã yêu cầu các thành viên Bắc Giang tập trung phân tích, nêu bật, làm rõ tính xác thực, độc đáo duy nhất và ý nghĩa quốc tế của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Hội nghị đã nghe Tiểu ban đăng ký thuyết trình nhận xét các hồ sơ và đưa ra khuyến nghị để các đại biểu thảo luận và sau đó, tiến hành bỏ phiếu kín đối với từng hồ sơ đề nghị công nhận. Sau những ngày làm việc căng thẳng, chiều ngày 16/5, Hội nghị đã công bố kết quả bỏ phiếu, hồ sơ “Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang” đạt 100% số phiếu ủng hộ và đã chính thức trở thành di sản tư liệu trong Chương trình ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. 

Sau hơn 2 năm mong đợi, cuối cùng di sản mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm  lặng lẽ tồn tại ở chốn thiền môn từ mấy thế kỷ qua đã được vinh danh, khép lại cuộc hành trình để trở thành di sản thế giới với nhiều gian nan, vất vả. Đến thời điểm này, công tác bảo tồn, phát huy di sản, đồng thời làm thế nào để cộng đồng và bạn bề quốc tế hiểu biết nhiều hơn về di sản đã được vinh danh cũng tiếp tục là nhiệm vụ gian nan, vất vả của những người làm công tác văn hoá. 
 

 Phí Trường Giang

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này