Phật giáo Việt Nam khẳng định vị thế trong lòng dân tộc - Phật Giáo Việt Nam
03:23 +07 Thứ hai, 06/05/2024

Phật giáo Việt Nam khẳng định vị thế trong lòng dân tộc

Thứ năm - 22/11/2012 10:33
(HDPT) - Trải qua gần hai nghìn năm kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống yêu nước với tinh thần “Hộ quốc an dân”, sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước và luôn đồng hành cùng dân tộc.
 

 Khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Trong hòa bình, Phật giáo sát cánh cùng toàn dân tích cực tham gia xây dựng cuộc sống, thông qua hướng dẫn tín đồ, phật tử phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, trau dồi đạo đức, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và làm tất cả vì cuộc sống an lạc của mọi người, góp phần xây dựng đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Trong diễn văn khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc năm 2008 tại Hà Nội ngày 14-5-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm, từ gần 2.000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời đại nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Đặc biệt lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay”.

Phật giáo Việt Nam khẳng định vị thế trong lòng dân tộc.                                  Ảnh: IT
Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội với sự tham gia của 165 đại biểu, đại diện cho chín tổ chức, hệ phái Phật giáo cả nước, đã hoàn toàn nhất trí thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự kiện đó là một dấu son quan trọng trong quá trình phát triển và đã tạo nên sức mạnh to lớn của Phật giáo nước nhà. Đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trải qua sáu kì đại hội, ngày càng trưởng thành và phát triển vững chắc, thu được những thành tựu phật sự quan trọng trên mọi lĩnh vực. Hệ thống tổ chức của Giáo hội được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở và phát triển trên cả nước, với hơn 40 nghìn tăng ni và hàng chục triệu phật tử, hàng vạn chùa chiền, tu viện. Các hoạt động nghi lễ nhân dịp lễ hội truyền thống, hay những ngày lễ trọng đại của quốc gia được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo tín đồ, phật tử tham dự, như đại lễ Phật đản, mùa Vu lan báo hiếu, ngày Thương binh liệt sĩ, v.v... Các hoạt động văn hóa truyền bá đạo pháp được Giáo hội Phật giáo quan tâm, hàng triệu bản kinh sách được in hàng năm, đáp ứng nhu cầu của tín đồ. Giáo hội thường xuyên tổ chức các đoàn đi thuyết pháp, truyền bá triết lí, thực hành giáo lí nhà Phật, giúp hình thành đạo đức tốt đẹp, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giảm bớt tiêu cực và tệ nạn xã hội, hướng dẫn tín đồ tu tâm, dưỡng tính, làm những việc thiện, tránh những việc ác, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thể hiện đức tính tốt đẹp của nhà Phật. Qua đó, giúp con người tránh vô minh, chế ngự dục vọng, lòng tham lam, để mang lại sự sáng suốt, an lạc, hạnh phúc và sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân, vì cộng đồng, góp phần ổn định xã hội.

 

Bằng tấm lòng từ bi, các tăng ni, phật tử đã chia sẻ những đau thương, mất mát của đồng bào, cùng chung tay xóa đói giảm nghèo, giảm bớt nỗi thương đau. Hoạt động từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được kết quả cao nhất so với các nhiệm kì trước và là những hoạt động phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật.

Hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là cầu nối với tăng ni phật tử, kiều bào, quy tụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc. Với những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Giáo hội, nhiều tập thể, cá nhân, chức sắc, cư sĩ cũng được tặng các danh hiệu và phần thưởng cao quý trong đó có bốn hoà thượng trong ban lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đại hội toàn quốc lần thứ VII càng khẳng định sự phát triển vững mạnh, vị thế trong lòng dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là một tôn giáo “Hộ quốc an dân”.

Đặng Tài Tính

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này