Tiến trình phát triển Giáo hội thuận lợi và khó khăn - Phật Giáo Việt Nam
13:17 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Tiến trình phát triển Giáo hội thuận lợi và khó khăn

Thứ năm - 13/12/2012 10:24
(HDPT) - Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với nội dung báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VI (2007 - 2012) và chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) mà Ban Thư ký vừa trình bày.
 







TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI

THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN

Hòa thượng THÍCH HUỆ TÀI

Ủy viên Hội đồng Trị sự

Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang

 

 
Kể từ ngày thành lập đến nay, hơn 30 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực ở trong nước cũng như ngoài nước. Nhiệm kỳ VI của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được khép lại với nhiều thành tựu to lớn, nhiều sự kiện trọng đại của đất nước được diễn ra như: Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc tại Việt Nam, Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội khóa 13 và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại lễ Kỷ niệm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân tông nhập Niết bàn, Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới tại Tp. Hồ Chí Minh cùng nhiều sự kiện quan trọng khác được triển khai thực hiện,và mới đây các cấp Giáo hội đã trọng thể Đại lễ Kỷ niệm, Hội thảo 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

 

Hôm nay, một lần nữa Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và  hải ngoại hân hoan chào mừng sự kiện trọng đại của Phật giáo toàn quốc, đó là Đại hội VII Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trước hết, thay mặt Tăng Ni, Phật tử tỉnh An Giang, chúng tôi xin gởi đến chư Tôn giáo phẩm chứng minh, Chủ Tọa đoàn, chư Tôn đức Tăng Ni, Chư vị khách quý cùng toàn thể quý Đại biểu lời chào mừng trân trọng nhất. Được sự cho phép của Chủ Tọa đoàn và Đại hội, chúng tôi xin trình bày tham luận với nội dung “Tiến trình phát triển Giáo hội, thuận lợi và khó khăn” để chia sẻ những thành quả của Giáo hội đã đạt được trong 5 năm qua, cũng như đóng góp một vài ý kiến để Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII hoạch định cương lĩnh, chiến lược phát triển trong xu thế kết nối toàn cầu của đất nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kính thưa Chủ tọa Đại hội,

Kính thưa Quý Đại biểu,

Chúng tôi hoàn toàn thống nhất với nội dung báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VI (2007 - 2012) và chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) mà Ban Thư ký vừa trình bày. Thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ VI đã cho chúng ta những bài học quý báu về thượng tôn Giáo luật, tuân thủ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước; phát huy những giá trị về truyền thống đoàn kết hòa hợp nội bộ, đoàn kết tôn giáo, tinh thần dân chủ, trí huệ tập thể trong luận bàn, triển khai và thực hiện một cách thắng lợi các Phật sự trong 5 năm qua. Trong tiến trình hoạt động của nhiệm kỳ VI, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có rất nhiều thuận lợi, đó là sự quan tâm giúp đỡ tích cực của Đảng và Nhà nước các cấp từ Trung ương đến địa phương; sự đồng tâm hợp lực cùng chung chăm lo các Phật sự của các Hệ phái, Tự viện, Tăng Ni, Phật tử. Tuy nhiên, theo quy luật chung của xã hội, có thuận duyên thì cũng có những khó khăn mà mỗi thành viên trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phải phấn đấu vượt qua để vừa hoàn thành trọng trách của mình đối với Giáo hội, vừa hoàn thành trách nhiệm của người công dân đối với đất nước.

Chương trình hoạt Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) của Giáo hội gồm 6 điểm, theo chúng tôi nó mang tầm vóc cương lĩnh, chiến lược phát triển rất quy mô, có chiều rộng lẫn chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Do đó, muốn hoàn thành chương trình này, đòi hỏi cả hệ thống Giáo hội, tất cả Hệ phái thành viên, Tăng Ni, Phật tử cần phải phát huy cao độ truyền thống đoàn kết hòa hợp, tuân thủ nguyên tắc của Giáo hội, dân chủ, trí huệ tập thể; nhất là phải khẳng định vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các Phật sự, quyền lợi đất nước và Giáo hội được đặt lên trên hết trong việc xương minh đạo pháp, hộ quốc an dân trong thời đại mới.

Chúng ta có nhiều thuận lợi nhưng bên cạnh đó chúng ta sẽ có không ít khó khăn trước mắt trong nhiệm kỳ VII. Bởi lẽ, càng hội nhập sâu rộng với thế giới, chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ và quyết tâm để bảo tồn, phát huy những giá trị của “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” được thể hiện trong phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”; công tác tuyên truyền, giáo dục cần được quan tâm đúng mức về sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981; mặt trái của kinh tế thị trường sẽ làm cho sự trong sáng của Đạo pháp ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, một bộ phận Tăng Ni trẻ sẽ rơi vào vòng xoáy vật chất v.v...

Khi đề cập đến sự phát triển bền vững, có rất nhiều nguyên nhân để Giáo hội Phật giáo Việt Nam đạt được những thành quả to lớn, kế thừa xứng đáng 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian qua, vị thế của Giáo hội ở trong nước cũng như ngoài nước ngày càng được phát triển ở tầm cao, niềm tin của Tăng Ni, Phật tử đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng được củng cố. Qua đó cho thấy, Giáo hội phát triển được xây dựng trên nền tảng “Kỷ cương”, thuận lợi hay khó khăn được xây dựng trên yếu tố “Con người”. Điều này có nghĩa “Kỷ cương” là mục tiêu hướng đến của tất cả thành viên Giáo hội, của Tăng Ni, Phật tử; thuận lợi và khó khăn là trọng tâm trong việc tôi luyện về quan điểm, tư tưởng của từng thành viên Giáo hội.

Như chúng ta biết, kể từ năm 1981 lịch sử, Phật giáo cả nước có một tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, và mọi hoạt động Phật sự đều được triển khai theo tiêu chí: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức” (2), “thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong các hoạt động Phật sự”. Qua đó cho thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa là người lãnh đạo, vừa có trách nhiệm chăm lo sự phát triển về chiều rộng lẫn chiều sâu của các hệ phái thành viên, sự tu học của Tăng Ni, Phật tử; phát huy tính thống nhất và đoàn kết hòa hợp trong nội bộ Giáo hội, đó là chân lý bất di bất dịch.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nơi này nơi kia, người này người nọ chưa nhận thức đúng đắn, thực hiện thiếu nghiêm chỉnh và xa rời chân lý này, dẫn đến hậu quả là kỷ cương của Giáo hội bị sút giảm, vị thế của Giáo hội bị ảnh hưởng và chưa được xem trọng. Chúng ta thấy khi đức Phật còn tại thế, kỷ cương của Giáo hội bấy giờ cũng được thiết lập trên nền tảng các giới điều của Luật Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, nếu không chấp hành thì bị chế tài tùy theo mức độ vi phạm mà có từng giới điều tương ứng. Hôm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cần thiết lập kỷ cương theo tinh thần Giáo luật, Hiến chương Giáo hội để phát triển bền vững hơn.

Mọi người có thể đứng trên từng góc độ để đưa ra những nguyên lý làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát triển, nhưng Giáo hội muốn phát triển thì yếu tố “Kỷ cương” cần được quan tâm đúng mức để Tăng Ni, Phật tử tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Giáo hội Phật giáo Việt nam.

1/. Giáo hội phát triển được xây dựng trên nền tảng Kỷ cương:

Kỷ cương là vấn đề mang tính bao quát nhiều góc độ khác nhau, cần phải được hiểu là vấn đề chung, đòi hỏi sự quan tâm và tuân thủ của mọi người như đó là một trong những giải pháp thiết yếu để mang lại trang nghiêm cho tự thân và trang nghiêm Giáo hội. Tất nhiên kỷ cương không phải tự nhiên mà có, cũng như hạnh phúc không phải tự dưng mà có, nếu chưa được thực hiện đúng nội dung của nó thì không mang lại hiệu quả. Kỷ cương cũng không ở trong từ ngữ hoa mỹ được định nghĩa thế này hay thế khác, hoặc đó là món đồ trang sức cho trí tưởng tượng. Kỷ cương cần được xem là một nếp sống, tinh thần trách nhiệm đối với Giáo hội được thể hiện qua thái độ sống, cung cách ứng xử và giao tiếp hàng ngày của mỗi người. Giáo hội muốn phát triển, thì việc xây dựng kỷ cương là trách nhiệm của mỗi thành viên là Tăng Ni, Phật tử dù sống trong nước hay sống ở hải ngoại. Thiếu mất tinh thần trách nhiệm này, đồng nghĩa với một nếp sống thiếu kỷ cương, chẳng những tự thân mỗi người sẽ thiếu đi tính mẫu mực trong cuộc sống, mà ngay cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng không thể trang nghiêm vững mạnh và phát triển.

Vấn đề được đặt ra ở đây là kỷ cương không phải là một tín điều hay ước lệ hạn hẹp nào đó, có thể chấp nhận đối với người này mà không cần theo bởi người khác. Đó không phải là cách nhìn chung của vấn đề, và trong chừng mực nào đó, điều này nói lên tinh thần thiếu trách nhiệm đối với sự phát triển và tạo thành vị thế của Giáo hội. Chúng tôi xin đơn cử một vài vấn đề mang tính tham khảo như sau:

-   Thứ nhất: Rõ ràng ai ai cũng hiểu rằng, Giáo hội đang phát triển và đang tăng tốc trong các hoạt động Phật sự. Nhưng nếu chỉ cần một thành viên duy ý chí, chủ quan trong hành xử, dùng danh nghĩa đoàn kết nội bộ, để rồi có hành vi đi ngược lại chân lý của Giáo hội đề ra, không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, như thế là chủ động phát triển hay tạo thành một tiền lệ nguy hiểm trong thiết chế Giáo hội?. Cho nên, theo chúng tôi, các công tác Phật sự của nhiệm kỳ VII, khi triển khai Phật sự phải lấy nguyên tắc kỷ cương làm chính, tính chấp hành và phục tùng trong hệ thống tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp từ trung ương đến địa phương cần được quán triệt một cách sâu sắc.

Thứ hai: Quốc gia hay tổ chức muốn phát triển, vị thế được tăng cường hay không, yếu tố kỷ cương luôn luôn được xem là mục tiêu hàng đầu. Bởi vì, kỷ cương sẽ tạo nên những hoạt động mang tính đồng bộ, nề nếp và có tính chiều rộng lẫn chiều sâu; không kỷ cương sẽ tạo thành những hoạt động mang tính tự phát, chấp vá và vô tổ chức. Lịch sử đã để lại cho chúng ta những bài học vô giá về tính kỷ cương và không kỷ cương. Phật giáo phát triển đạt đến đỉnh cao hay suy thoái về mặt tổ chức, xuất phát điểm cũng từ yếu tố này. Qua các báo cáo hàng năm của Trung ương Giáo hội và các tỉnh, thành hội đã cho chúng ta thấy rõ sự phát triển bền vững không thể xa rời nguyên tắc kỷ cương. Phát triển theo kỷ cương là quy tắc chung của mọi quốc gia, mọi tổ chức. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, không cho thấy sự phát triển nào mà không cần đến tính kỷ cương. Và lịch sử cũng cho thấy, một khi tính kỷ cương không được tôn trọng thì quốc gia đó, tổ chức đó sẽ không thể phát triển và không thể tạo thành vị thế trong xã hội.

-   Thứ ba: Nếu từng thành viên khi làm việc chưa thực sự đoàn kết hòa hợp, thì sẽ không mang lại thành tựu to lớn, mà còn đi ngược lại chân lý “Giáo hội vừa là người lãnh đạo, vừa có trách nhiệm chăm lo sự phát triển có chiều rộng lẫn chiều sâu của các hệ phái thành viên, sự tu học của Tăng Ni, Phật tử; tính thống nhất và đoàn kết hòa hợp trong Giáo hội”. Như thế, những việc làm không gì lợi ích đất nước và Giáo hội, có ý nghĩa về mặt hô hào khẩu hiệu. Từ đó, sẽ  xây cao dần bức tường vô hình ngăn cách giữa Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử; lợi ích của đất nước và Giáo hội bị đẩy xuống hàng thứ yếu; đường lối chủ trương, chân lý để phát triển Giáo hội không được xem trọng, mất dần tính kỷ cương trong các hoạt động từ hình thức đến nội dung.

2. Yếu tố con người quyết định sự phát triển:

Như trên đã trình bày, khi xác định kỷ cương là nền tảng, trở thành chân lý cho sự phát triển của Giáo hội. Từ ý nghĩa này, kỷ cương phải được thể hiện qua cách sống, lẽ sống và lối sống mỗi thành viên Giáo hội, được như vậy thì chúng ta sẽ tranh thủ những thuận lợi, khắc phục một ít khó khăn để hoàn thành chiến lược phát triển của Giáo hội trong nhiệm kỳ VII.

Trong bối cảnh của Giáo hội đã, đang hội nhập sâu rộng với thế giới thì trách nhiệm của các thành viên Giáo hội càng nặng nề hơn, quan điểm, tư tưởng cần được tôi luyện để vừa tiếp thu một cách có chọn lọc những ưu việt của nhân loại, vừa cảnh giác và ngăn chặn kịp thời những vấn đề có thể gây nguy hại cho đất nước và Giáo hội. Theo chúng tôi thì công tác tuyên truyền, giáo dục về mặt quan điểm, tư tưởng cần được quan tâm đúng mức trong thời gian tới. Nếu công tác tuyên truyền, giáo dục về mặt quan điểm, tư tưởng không được triển khai tốt, thì những tư kiến, quan điểm chủ quan, tư tưởng chệch hướng phương châm Giáo hội sẽ là rào cản cho sự phát triển Giáo hội.

Chúng tôi xin đơn một vài vấn đề mang tính tham khảo về vấn đề con người là trọng tâm cho sự phát triển Giáo hội, đó là:

- Tuân thủ nguyên tắc tổ chức của Giáo hội: Thời gian qua, một vài Tăng Ni trẻ và Phật tử cũng có mong muốn làm cho Giáo hội phát triển, nhưng mong muốn của họ mang tính duy ý chí,  không tuân thủ kỷ cương Giáo hội, có tư duy chủ quan và cục bộ khi được Giáo hội phân công tham gia một số công tác. Qua đó, họ cho rằng mình là người có tư duy phát triển Giáo hội, là đầu tàu lãnh đạo, là trung tâm hạt nhân quan trọng bậc nhất, cho nên họ tùy tiện hình thành tổ chức này tổ chức nọ mà không theo nguyên tắc nào của Giáo hội. Điều nguy hại tiềm ẩn cho sự phân hóa Giáo hội, chính là một bộ phận Tăng Ni trẻ, Phật tử này khi giải quyết vấn đề không cần tham khảo ý kiến của hệ phái, Tông môn có liên quan, nguy hiểm hơn là lợi dụng uy tín của Lãnh đạo để áp đặt tư kiến của mình lên từng vụ việc. Vì thế, họ trở nên kiêu ngạo, lộng quyền, lạnh lùng, bất tuân thượng lịnh; không cần bận lòng đến sự an nguy của Giáo hội, và chính những người này là nguyên nhân sâu xa tạo ra sự phân hóa Giáo hội trong tương lai.

- Sự tự mãn, tư kiến, không chánh niệm của cá nhân:

Theo sự phân loại của Đức Phật, con người đưa chia thành 5 cấp độ khác nhau:

1. Do sống được sự lợi dưỡng, sự tôn kính và danh vọng, nên con người khen mình, chê người;

2. Do sống không tự mãn với sự lợi dưỡng, sự tôn kính và danh vọng, cho nên được thành tựu giới đức, nên con người khen mình, chê người;

3. Do sống không tự mãn với sự lợi dưỡng, sự tôn kính và danh vọng, cho nên được thành tựu thiền định, nên con người khen mình, chê người;

4. Do sống không tự mãn với sự lợi dưỡng, sự tôn kính và danh vọng, cho nên được thành tựu tri kiến, nên con người khen mình, chê người;

5.  Do sống không tự mãn với sự lợi dưỡng, sự tôn kính và danh vọng, con người hướng đến giải thoát bất động.

Qua lời Phật dạy, đã cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về sự tự mãn, tư kiến, không chánh niệm,cách hành xử của cá nhân trong một bộ phận Tăng Ni trẻ và Phật tử:

+ Có một số người cho rằng mình có thừa năng lực, trình độ, sự hiểu biết đúng đắn về sự phát triển, hội nhập thế giới của Giáo hội, cho nên họ dùng sự tư biện, ngụy biện để đánh lừa dư luận, qua mặt lãnh đạo Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử bằng cách thành lập tổ chức này tổ chức kia để thỏa mãn sự tự mãn, tư kiến và không chánh niệm của mình để phục vụ mục đích tư lợi cá nhân; khi bị mắc khuyết điểm, sai lầm thì họ dùng uy tín của tập thể để bao biện, che dấu, lẫn tránh trách nhiệm; họ chỉ muốn phô ra sự hoàn thiện, cái cao đẹp, vĩ đại của bản thân, cố hết sức che đậy thật kín thói xấu và nhược điểm của họ.

+ Hiện nay, một bộ phận Tăng Ni trẻ, Phật tử có quan điểm, tư tưởng chưa thực sự vững vàng, thậm chí chệch hướng phương châm Giáo hội, gây mất đoàn kết nội bộ vì danh lợi cá nhân. Hiện tượng này tuy chưa phổ biến rộng, nhưng nó sẽ trở thành nguy cơ trong Giáo hội. Vì thế, cần phải nghiên cứu và có hướng tuyên truyền, giáo dục khả thi. Bởi vì, số ít người này đã biến thái đến mức lừa phỉnh cấp trên một cách có hệ thống bằng những tư liệu được chuẩn bị khá kỷ, dùng uy tín tập thể nhằm trấn áp, dọa nạt, khống chế những cá nhân khác khi bị lên án những việc làm không đúng của họ.

3. Phát huy thành quả và khắc phục khó khăn bằng con đường giáo dục:

Như đã trình bày, khi đề cập đến tiến trình phát triển bền vững Giáo hội, thì yếu tố con người giữ một vị trí trọng yếu, những con người đó phải được giáo dục - đào tạo chính quy và có một trình độ, năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tương ứng với sự phát triển. Với quyết tâm tạo nguồn nhân lực tốt phục vụ cho các cấp Giáo hội, Lãnh đạo Giáo hội luôn luôn xem trọng vấn đề giáo dục đào tạo trong tiến trình phát triển của mình. Trong 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt nam đã đạt được nhiều thành tựu rất lớn trên các phương diện, trong đó công tác giáo dục đã có nhiều thành tựu vượt bậc: 04 Học viện, 31 trường Trung cấp Phật học, 08 lớp Cao đẳng Phật học; hàng ngàn Tăng Ni có trình độ Cử nhân Phật học và Trung cấp Phật học, hàng trăm Tăng Ni có trình độ Tiến sĩ Phật học và một số bộ môn khác.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số mặt hạn chế, nhất là đối với thế hệ Tăng Ni trẻ; hệ thống giáo dục hiện nay của Giáo hội rất phát triển, đi vào nề nếp, nhưng về mặt tổng thể thì chưa đi vào đồng bộ, có chiều rộng nhưng chiều sâu chưa đủ; hình thức và số lượng tương đối quy mô, nhưng số lượng đầu vào và chất lượng đầu ra chưa tương xứng; chương trình đào tạo, công tác dạy và học tại các cấp học chưa đồng bộ trong toàn bộ hệ thống giáo dục Phật giáo hiện nay. Từ đó dẫn đến hiệu quả không cao, Tăng Ni sinh tốt nghiệp có hòng nhưng không chuyên nên chưa đáp ứng tương đối với các hoạt động của các cấp Giáo hội và các Ban chuyên môn của Giáo hội.

Với truyền thống đoàn kết hòa hợp, dân chủ và trí huệ tập thể, sự toàn tâm toàn ý cùng chung lo Phật sự của các thành viên trong ngôi nhà chung Giáo hội, những kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền nhân và của Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ VI đã để lại, cộng với bản lĩnh và trí dũng của người đệ tử Phật, chúng tôi tin tưởng Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ VII sẽ thực hiện một cách thắng lợi các hoạt động Phật sự mà Đại hội đã thảo luận và thông qua.

Nhân đây, chúng tôi có đôi điều kiến nghị với Đại hội:

1. Trong xu thế hội nhập, phát triển của Giáo hội và đất nước, do đó tiêu chí “Đoàn kết hòa hợp nội bộ, đoàn kết tôn giáo” phải được xem là mục tiêu, là động lực hàng đầu, là nguyên nhân chính và giữ vai trò chủ đạo trong việc xương minh Đạo pháp, hộ quốc an dân, phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng tôi đề nghị Hội đồng Trị sự nên tổ chức thường xuyên các buổi học tập, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tiêu chí này đến các thành viên Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử.

2. Bên cạnh những tính ưu việt của “Văn hóa – Tinh thần dân tộc” được thể hiện trong phương châm Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, kế thừa những những kinh nghiệm quý báu của các bậc tiền nhân và của Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ VI. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần lơ là trong công tác bồi dưỡng quan điểm, tư tưởng, ngủ quên trong thắng lợi; thậm chí mất cảnh giác đối với cá nhân lợi dụng uy tín Lãnh đạo Giáo hội, một bộ phận Tự viện, Tăng Ni, Phật tử có biểu hiện chệch hướng phương châm Giáo hội thì chúng ta sẽ trả giá đắt trong tiến trình phát triển Giáo hội. Chúng tôi đề nghị, nếu tuyên truyền, vận động, giáo dục không được thì chúng ta nên kiên quyết hơn, có biện pháp đủ mạnh để răn đe đối với những cá nhân này để tạo sự ổn định, sự trong sáng và phát triển bền vững của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3. Công tác đào tạo đã bộc lộ sự thừa và thiếu trong việc quy hoạch đội ngũ Tăng Ni kế thừa. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có thể cho thấy một số vấn đề mà Hội đồng Trị sự cần quan tâm và có giải pháp.

- Tăng Ni trẻ là là tinh hoa của Đạo pháp, là người lãnh đạo Giáo hội trong tương lai. Như trên đã trình bày, có thể do mặt trái của nền kinh tế thị trường, một bộ phận Tăng Ni trẻ thiếu tinh thần cầu tiến, không giữ được khí tiết như lúc sơ tâm vào chùa, dễ bị đời sống vật chất cám dỗ, vun trồng bản ngã. Có nhiều cách lý giải khác nhau cho vấn đề này, theo tôi chính Tăng Ni trẻ chưa quán triệt sâu sắc về pháp học và pháp hành trong đời sống xuất gia. Điều này được minh chứng qua lời dạy của Cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu: “Tôi có đôi lời  gửi đến Tăng Ni trẻ nói riêng và Phật tử nói chung là đã  có tâm  xuất gia thì phải cố gắng học tập để biết đường lối tu tập đúng theo tinh thần Phật dạy. Học Phật không chỉ học lý thuyết suông mà phải thực hành vận dụng để sống, như thế mới có thể phân định điều Phật dạy và điều không phải Phật nói, vạch ra sự sai lầm có thể lan tràn do sự ngộ nhận mà lắp đi sự trong sáng vốn có của Phật pháp, có hiểu đúng mới có thể xây dựng được niềm tin trong sáng và giúp người khác được’’.

- Một yếu tố khác làm cho một bộ phận Tăng Ni trẻ hiện nay bị chi phối bởi mặt trái của kinh tế thị trường, đó là  môi trường Phật học chưa đủ hấp dẫn cho người học, chưa thỏa mãn nhu cầu học tập của Tăng Ni sinh, từ đó làm cho họ mất phương hướng, không xác định mục đích học tập của mình, vấn đề học đối với một số người gần như trở thành phong trào, thực hiện việc học tập không mang tính tự nguyện, mà làm theo sự quy định của Giáo hội. Cho nên sự phấn đấu trong học tập, dẫn đến hệ quả là sau khi tốt nghiệp mãnh bằng không tương xứng với năng lực thực tiễn, không phát huy được năng lực và sở trường của mình để phụng sự Đạo pháp, phục vụ Giáo hội. Một điều quan trọng hơn nữa là người xuất gia, học để tự hoàn thiện mình trên mọi lĩnh vực, để cống hiến.

- Khi tiếp độ đệ tử xuất gia, một số vị thầy Bổn sư thiếu sự quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đệ tử, chưa hun đúc tinh thần cho đệ tử, chưa có cái nhìn tiến bộ về xu thế phát triển của xã hội, biến đệ tử thành cái bóng của chính mình; hoặc vì lý do lợi ích, không muốn đưa đệ tử đi học ở các trường Phật học. Từ đó, Tăng Ni trẻ sinh ra chán nản, thoái thất đạo tâm, mất phương hướng, đi đến giảm sút ý chí, phai nhạt lý tưởng tu hành, đánh mất tinh thần cầu tiến.

- Trong giáo dục đào tạo, nếu Giáo hội vận dụng triệt để yếu tố: “Vị thầy tế độ - Nhà trường – Cá nhân nỗ lực”, môi trường tu – học thuần khiết và hoàn cảnh không nhiễm ô thì nhất định Tăng Ni trẻ đó, nhất định sẽ đạt được sở tu sở học, là người xứng đáng thừa tự giáo pháp của Đức Phật, làm cho đạo pháp xương minh, là những người hữu dụng cho đất nước và Giáo hội.

4. Công tác hoằng pháp thời gian qua chưa được đều khắp tại các vùng miền, nhất là các vùng có đông đồng bào dân tộc ít người, chưa đáp ứng nhu cầu học tập Phật pháp của đồng bào Phật tử. Do đó, chúng tôi kính đề nghị Hội đồng Trị sự nên tăng cường công tác Hoằng pháp một cách đều khắp đến các vùng, miền.

5. Công tác Tăng sự là một trong những công tác then chốt trong tiến trình phát triển Giáo hội, tuy nhiên việc xuất gia, thọ giới, cất mới nơi thờ tự trở thành vấn đề có nhiều điều cần được Giáo hội nghiên cứu để đề ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ và  mang tính khả thi. Để vừa có đội ngũ Tăng Ni kế thừa, vừa có một đội ngũ Tăng Ni có đầy đủ năng lực, phẩm chất để tiếp tục sự nghiệp của Chư tôn Giáo phẩm, xây dựng nơi thờ tự phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử. Chúng tôi kính đề nghị Hội đồng Trị sự nên tổ chức một Hội nghị chuyên về vấn đề vừa nêu để có sự thống nhất chung, đưa ra quyết sách hợp lý hơn và lập lại kỷ cương trong quản lý.

Kính thưa Chủ tọa đoàn,

Kính thưa Quý Đại biểu,

 

Với phần nội dung tham luận mà chúng tôi vừa trình bày, đây là ý kiến chủ quan chắc không tránh khỏi những vấn đề chưa thực sự phù hợp, nhưng vì trách nhiệm chung, chúng tôi mạo muội trình bày, rất mong được sự thông cảm của Quý Đại biểu. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự thành công của Đại hội hôm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa trong thời gian sắp tới. Chúng tôi xin hứa sẽ vận động các Hệ phái, Tự viện, Tăng Ni, Phật tử tỉnh An Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) theo những quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, pháp luật Nhà nước và phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.

Trước khi kết thúc phần tham luận, một lần nữa thay mặt các Tự viện, Tăng Ni, Phật tử tỉnh An Giang, chúng tôi xin kính chúc chư Tôn giáo phẩm Chủ Tọa đoàn, quý Đại biểu vô lượng an lạc, vô lượng cát tường và thành đạt trong mọi công tác. Kính chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII thành công viên mãn.

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát Ma ha tát tác đại chứng minh.

 
 
(GHPGVN)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này