Tổ chức, cơ cấu nhân sự GHPGVN trong thời đại đại mới - Phật Giáo Việt Nam
22:38 +07 Thứ sáu, 03/05/2024

Tổ chức, cơ cấu nhân sự GHPGVN trong thời đại đại mới

Thứ năm - 22/03/2012 11:34
(HDPT) - Như chúng ta được biết, Đạo Phật đã có mặt ở Việt Nam gần 20 thế kỷ, trong thời gian ấy, xuyên suốt quá trình truyền bá tư tưởng giáo lý, Phật giáo đã sớm gắn bó, hòa nhập với cộng đồng dân tộc Việt Nam.
 

 

Lịch sử đã chứng minh, Phật giáo có những đóng góp to lớn và luôn đồng hành cùng dân tộc, trải qua bao cuộc thăng trầm thịnh suy với Tổ quốc, Phật giáo Việt Nam là một Tôn giáo từ ý tưởng đến hành động đều thể hiện truyền thống yêu nước. Phật giáo đã mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là tinh thần đoàn kết gắn bó với dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong từng thời kỳ của đất nước, Phật giáo có những danh xưng khác nhau nhưng sự nghiệp chính vẫn là hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh. Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển phong phú và đa dạng, các hệ phái Phật giáo Việt Nam, Tăng Ni, Phật tử luôn có nguyện vọng tha thiết được thống nhất các tổ chức hệ phái cả nước thành một, với mục đích cao cả là chấn hưng đạo pháp, phục vụ dân tộc. Nguyện vọng ấy đến nay đã trở thành hiện thực, sau khi Phật giáo chính thức sáp nhập 9 hệ phái Phật giáo thành một tổ chức (lấy tên gọi là GHPGVN). Ngày 07/11/1981 đến năm 1982, Phật giáo Đồng Tháp là một trong những Tỉnh Thành được thành lập sớm nhất. Cơ sở Tự viện ở Đồng Tháp được 250 cơ sở thờ tự , số lượng Tăng Ni trên 1.000 vị. Trải qua 6 nhiệm kỳ, 30 năm Phật giáo Đồng Tháp quyết tâm vượt qua bao khó khăn, thách thức.
 
Buổi đầu mới thành lập, Phật giáo Đồng Tháp từ bộ máy tổ chức Giáo hội cho đến cơ sở thờ tự, số lượng Tăng Ni, đời sống sinh hoạt v.v... rất đơn giản, nghèo nàn, kinh tế đời sống thiếu thốn, phương tiện giao thông đi lại rất khó khăn. Nhưng nhờ vào tinh thần đoàn kết, quyết tâm phấn đấu của chư vị Tiền bối hữu công, Tăng Ni, Phật tử và sự quan tâm giúp đỡ của các cấp Chính quyền địa phương, đặc biệt là được sự quan tâm chỉ đạo của HT. Thích Trí Tịnh – Chủ tịch HĐTS GHPGVN, HT. Thích Từ Nhơn – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS. GHPGVN, HT. Thích Huệ Hưng – Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, TT. Thích Chơn Thanh – Phó VP 2 TW GHPGVN.  Đây là các vị Lãnh đạo GHPGVN, quê hương tại Đồng Tháp. Thế nên, Phật giáo Đồng Tháp sớm được đứng vững vươn lên, từng bước phát triển, đến nay đã ổn định tốt đẹp.
 
Ở thế kỷ 21, nhìn chung về các mặt như khoa học kỷ thuật công nghệ hiện đại đã phát triển toàn cầu hóa cực nhanh, nhất là ở cuối những thập niên của thế kỷ 20 đến nay. Không chỉ có ở Việt Nam, mà các nước chậm phát triển ở khu vực Đông Nam Á thật sự đã hội nhập kinh tế thế giới, bắt nhịp sự phát triển toàn cầu. Như vậy, Phật giáo muốn phát triển và đồng hành cùng dân tộc thì Phật giáo cần những trang thiết bị gì, và con người để cơ cấu vào tổ chức ra sao?. Nếu bộ máy và con người không bắt nhịp, không phù hợp, chắc chắn Phật giáo sẽ bị tụt hậu, chừng ấy Phật giáo có còn đồng hành cùng dân tộc nữa không?, có đủ khả năng tư cách hướng dẫn mọi người hướng thiện không?. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển đa dạng, không khéo đạo đức sẽ bị đẩy lùi, đạo đức bị đẩy lùi thì vai trò trách nhiệm của Phật giáo rất quan trọng trong việc đồng hành, xây dựng và phát triển đất nước.
 
Như vậy, đạo đức luôn đóng vai trò quan trọng ở mọi tổ chức, ở mọi gia đình, ở toàn xã hội. Đạo đức chính là món ăn tinh thần không thể thiếu.
 
Khi nói đến đạo đức thì ai cũng nhận ra và nghĩ đến  đạo Phật, vì đạo Phật chính là đạo từ bi, mà từ bi có nghĩa là ban vui và cứu khổ. Dù trải qua bao thời đại thăng trầm, thịnh suy của dân tộc, Phật giáo luôn xem sự thịnh suy của dân tộc chính là sự thịnh suy của Phật giáo. Thế nên, Phật giáo luôn kề vai sát cánh, gắn liền với dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc các thời đại đã qua, đất nước lâm vào hoàn cảnh chiến tranh, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc. Khi đất nước được hòa bình, Phật giáo cùng với toàn xã hội tiếp tục chống giặc dốt, giặc đói, đặc biệt là về mặt tinh thần, Phật giáo luôn trợ duyên và giúp đỡ tích cực bài trừ mê tín dị đoan, các loại tệ nạn xã hội, thường xuyên khuyên dạy con em phát huy đạo đức, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
 
Tóm lại, then chốt của tổ chức GHPGVN chính là đạo đức. Trong tổ chức Phật giáo nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung, đạo đức chính là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Để cũng cố đạo đức được bền vững, trước tiên phải cũng cố bộ máy tổ chức của Phật giáo Việt Nam.
 
Nhân dịp Hội thảo chủ đề về việc hình thành và phát triển GHPGVN 30 năm qua, thay mặt cho Phật giáo Đồng Tháp, tôi xin được phát biểu với chủ đề: “Về tổ chức cơ cấu nhân sự GHPGVN trong thời đại mới, mục 17 qua đề dẫn của HĐTS GHPGVN”.
 
VỀ TỔ CHỨC, CƠ CẤU NHÂN SỰ CHO GHPGVN TRONG THỜI ĐẠI MỚI
 
1). Danh xưng của GHPGVN
 
- Danh xưng cấp TW. GHPGVN gồm có 2 Hội đồng: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị Sự (xin được giữ nguyên)
- Danh xưng cấp Phật giáo Tỉnh, Thành là: Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo (xin được thay từ: Chủ tịch và Phó Chủ tịch Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh, Thành)
- Các Ban ngành trực thuộc và Ban Đại Diện PG Huyện, Thị, Thành  (xin được giữ nguyên)
 
Một số lý do xin thay đổi:
 
- Nhằm tuyệt đối tôn vinh uy phong của một tổ chức.
- Tránh bị ngộ nhận sự chồng chéo giữa Ban Trị Sự với các Ban ngành như:  Ban Trị Sự, Ban Tăng Sự, Ban Giáo Dục Tăng Ni, Ban Hoằng Pháp V.v... Sự ngộ nhận này hiện nay chiếm tỷ lệ 60 - 70% (chỉ tính trong giới Phật giáo)
- Trùng danh xưng với Tôn giáo bạn như: Ban Trị Sự PG Tỉnh, Ban Trị Sự PG Hòa Hảo Xã, Phường, Thị Trấn.
 
2). Cơ cấu nhân sự trong thời đại mới.
 
a. Thành phần:
- Chư Tăng 70%
- Chư Ni 30%
b. Nhân sự cơ cấu:  Xin đề nghị như sau:
 
- 20% là nhân sự cao niên, lạp trưởng, đủ uy tín làm nồng cốt lãnh đạo Giáo hội.
- 50% là nhân sự trẻ, có trình độ nghiệp vụ, có năng lực, uy tín để tham mưu giúp việc, xử lý kịp thời các hoạt động không bị đình trệ, gây phiền hà cho Tăng Ni, Phật tử.
- 30% là nhân sự trợ lý, giúp việc, tiêu biểu danh dự.
 
Theo số lượng nhân sự, thành phần cơ cấu vừa đề nghị nếu được, chắc chắn sẽ đem lại những thành quả tốt đẹp.
 
Đất nước ngày càng phát triển, tổ chức được lớn mạnh, danh càng cao, lợi lộc càng nhiều, ngũ dục lạc càng sung mãn, chắc chắn trong tổ chức khó tránh khỏi sự nảy sanh tiêu cực. Hiện nay trong giới Phật giáo đã có nhiều tệ nạn xảy ra, gây mất uy tín, tổn giảm đến thanh danh Giáo hội.
 
Như vậy, trong tổ chức Giáo hội ta nên đặt nặng về quy chế, kỷ cương, giới luật, mà người chấp pháp, nắm giữ kỷ cương này chính là những vị đạo cao, đức trọng đang lãnh đạo Giáo hội mới có thể kìm lái được con tàu Giáo hội vượt qua khổ ải trần gian đầy cám dỗ, thách thức. Tổ chức Giáo hội được ổn định thì Tăng - Ni, Trụ trì cơ sở Tự viện sẽ được ổn định, như vậy Phật giáo mới có thể phát triển tốt đẹp và bền vững đồng hành cùng dân tộc./.
 
 
(GHPGVN)
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này