Chuyện bức ảnh chùa Trường Sa - Phật Giáo Việt Nam
11:11 +07 Thứ bảy, 04/05/2024

Chuyện bức ảnh chùa Trường Sa

Thứ năm - 03/05/2012 06:57
Chuyện bức ảnh chùa Trường Sa

Chuyện bức ảnh chùa Trường Sa

(HDPT) - Tôi đã đi lễ rất nhiều chùa chiền, miếu mạo khắp nơi trong cả nước, nhưng ở đâu cũng thấy chỉ sử dụng chữ Hán hoặc Hán -Nôm. Cha ông ta, sau nhiều năm Bắc thuộc, vẫn ý thức được cần tạo lập và giữ gìn nền văn hóa riêng của dân tộc mình nên đã sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán.
 

 

Năm trước, chồng tôi ra công tác tại quần đảo Trường Sa, khi về đất liền có mang một vài bức ảnh chụp ở chùa Song Tử Tây. Bức ảnh để lại trong tôi một ấn tượng đặc biệt. Đó là một ngôi chùa mà chữ viết sử dụng hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ. Xem bức ảnh, tôi chợt nhớ đến chuyện bức hoành phi, câu đối treo trên bàn thờ gia tiên ở quê mình…

Tôi đã đi lễ rất nhiều chùa chiền, miếu mạo khắp nơi trong cả nước, nhưng ở đâu cũng thấy chỉ sử dụng chữ Hán hoặc Hán -Nôm. Cha ông ta, sau nhiều năm Bắc thuộc, vẫn ý thức được cần tạo lập và giữ gìn nền văn hóa riêng của dân tộc mình nên đã sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán.

Dù vậy, chữ Nôm dường như vẫn không phải là chữ của riêng Việt Nam do chịu ảnh hưởng của chữ Hán quá nhiều và phần lớn người Việt không đọc được. Cho đến giữa thế kỷ 17, khi ký tự La -tinh được ông Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ) đưa vào Việt Nam và sáng tạo thành chữ Quốc ngữ, trải qua hơn ba trăm năm, chữ Quốc ngữ đã gắn bó với dân tộc ta. Ai cũng biết giá trị của chữ Quốc ngữ đối với dân tộc ta to lớn nhường nào.

Gìn giữ và phát triển chữ Quốc ngữ - tiếng Việt chẳng phải là việc mà mỗi nhà, mỗi người đều nên làm hay sao?

Tại chùa Song Tử Tây, tất cả câu đối, hoành phi đều dùng chữ Quốc ngữ. Ảnh: Lương Đình

Nhà tôi, tứ đại đồng đường, chữ Quốc ngữ thì ai cũng biết rồi. Nhưng chữ Hán chỉ mình tôi biết. ông chú và hai đứa em biết tiếng Nhật, vậy cũng tạm gọi là biết chút ý nghĩa của các Hán tự. Số còn lại, không ai biết gì về chữ Hán hay chữ Nôm. ấy vậy mà khi làm nhà thờ, bố tôi vẫn nhờ bạn ở Viện Hán Nôm tìm và chọn chữ để làm hoành phi, câu đối. Làm xong rồi, bố tôi mới kêu tôi đến đọc xem ý nghĩa là gì. Có lẽ bố tôi chỉ muốn kiểm tra trình độ tiếng Trung của tôi, hoặc cũng là một lần giáo dục ý thức về gia tộc. Tôi băn khoăn hỏi bố tôi, chẳng phải làm hoành phi câu đối có ý nghĩa hay như vậy và treo ở phòng thờ là muốn giáo dục các con cháu muôn đời sau về niềm tự hào, ý thức gia tộc hay sao? Vậy tại sao lại dùng chữ Hán? Tại sao không dùng chữ Quốc ngữ - tiếng Việt? Có phải vì nhìn chữ Hán sẽ cho cảm giác trang nghiêm hơn hay linh thiêng hơn chăng? Lẽ nào lại là như vậy? Hay đi cùng với những đồ vật cổ thì cũng phải dùng chữ đó cho hợp cảnh?

Các chùa chiền, miếu mạo của chúng ta cũng vậy. Khắp nơi đều thấy các Hán tự. Những câu răn dạy từ ngàn đời của cha ông ta để lại, chẳng phải mục đích là muốn con cháu muôn đời sau ghi nhớ hay sao? Vậy thử hỏi rằng: Chữ đó có bao nhiêu phần trăm người Việt có thể hiểu được? Đối với các cổ vật cha ông để lại đã đành. Nhiều nơi xây mới vẫn dùng chữ Hán hoặc chữ Nôm. Nên chăng, hãy dùng chữ Quốc ngữ - tiếng Việt của chúng ta?

Có trào lưu của một số người sính chữ Hán nữa. Mấy người chẳng biết một chữ Nôm nào, chữ Hán lại càng không biết. ấy vậy mà Tết đến, Xuân sang, cũng hớn hở đi xin chữ, hớn hở khoe rằng cụ này, cụ nọ viết cho, hân hoan đóng khung đẹp treo lên tường. Nâng niu như là vật báu. Nhưng vẫn phải cẩn thận hỏi lại tôi xem treo như vậy đã đúng chiều hay chưa và thỉnh thoảng vẫn phải hỏi lại: Chữ này là chữ gì ấy nhỉ? Có lẽ họ muốn tỏ ra mình là người am hiểu thư pháp chăng?

Tôi rất xúc động và thêm nhiều suy nghĩ, ý tưởng khi nhìn thấy bức ảnh chùa Song Tử Tây trên quần đảo Trường Sa. Rất nhiều câu đối, hoành phi nhưng hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ mà nhìn vẫn uy nghiêm, trang trọng. Tôi thầm mong nhiều ngôi chùa, nhiều bàn thờ gia tiên cũng làm được điều như chùa Song Tử Tây đã làm. 

Theo: Quân Đội Nhân dân
 

Thảo Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này