Côn Sơn Tự ngày Phật “trở về” - Phật Giáo Việt Nam
19:47 +07 Thứ sáu, 10/05/2024

Côn Sơn Tự ngày Phật “trở về”

Thứ tư - 25/07/2012 09:49
(HDPT) - Côn Sơn Tự đó là tên của ngôi chùa cổ, tọa lạc trong một khuôn viên rộng 6.548 m2 thuộc xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cách ngọn núi Hoàng Tâm, địa điểm chính của thành Lục Niên khoảng 2km
 

 

Nhận được điện thoại của thầy Thích Tâm Phương từ 5h sáng, vội xách chiếc máy ảnh cà tàng từ thành phố Hà Tĩnh, chúng tôi ngược về huyện miền núi Hương Sơn.


 

 

Xe đi hết địa phận thị xã Hồng Lĩnh rẽ sang đường 8, con đường đẹp nhất Việt Nam ngày xưa giờ chỉ còn trong dĩ vãng. Những ổ gà ổ voi cát bụi bay mịt mù. Mấy thầy trò như nhảy múa trong xe. Cuối cùng thì xe cũng về đến chùa Nhiễu Long, văn phòng Ban Đại diện của PG huyện.

 

 

Hôm nay có một Phật sự vô cùng quan trọng đối với thầy Tâm Phương. Mặc dù đã được chia sẻ lúc ngồi trên xe nhưng khi thấy các Phật tử và quý thầy trong chùa lo lắng cho chuyến đi chúng tôi ăn vội gói mì và tiếp tục lên đường.

 

Từ chùa Nhiễu Long chiếc xe luồn lách ngoằn ngoèo trong thôn xóm dù đường bê tông tốt, nhưng quá hẹp, lại nhằm vào ngày chủ nhật nên giáo dân đi lễ nhà thờ về rất đông. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới đến được xã Sơn Tiến. Trước mắt chúng tôi mênh mông là lúa nước. Hình ảnh một xã nghèo nằm lọt thỏm bao quanh là đồi núi, giáp ranh với địa bàn tỉnh Nghệ An.

 

đường rẻ vào chùa Côn Sơn

 
cây Đa trước cổng chùa
 
cổng Tam quan

 

 

 

 
chánh điện 
 
 
 
 
lãnh đạo xã cùng quý thầy tại nhà khách 
 
 
phòng chư Tăng 

 

 

 

Vượt hơn 100km cuối cùng cũng đã đến với nơi cần đến. Đón chúng tôi đầu làng là anh cán bộ tư pháp xã Sơn Tiến. Từ xa quan sát thật bất ngờ và xúc động khi nhìn thấy cây Đa già với những là cờ Phật giáo tung bay, sừng sững cao ngút. Gần chùa là nhà thờ họ Kẻ Trúa và những công trình nhà thờ khác đang xây dựng bề thế với kinh phí ước chừng đến hàng chục tỷ đồng. Trên đường vào chùa rất đông những tà áo dài của các thiếu nữ tan lễ ra về.

 

Côn Sơn Tự đó là tên của ngôi chùa cổ, tọa lạc trong một khuôn viên rộng 6.548 m2 thuộc xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, cách ngọn núi Hoàng Tâm, địa điểm chính của thành Lục Niên khoảng 2km.

 

Tương truyền, khu vực Chùa hiện nay thuộc vào hệ thống di tích, thành lũy khu căn cứ Đỗ Gia của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chùa được xây dựng vào khoảng nữa đầu thế kỷ XV, tên Côn Sơn là do Nguyễn Trãi đặt để tưởng nhớ tới quê hương ông.

 

 

Tài liệu viết về ngôi Chùa Côn Sơn không có nhiều. Theo văn hóa dân gian địa phương, ngày xưa địa điểm này là nơi cất giấu lương thực, của cải và vũ khí chiến đấu phục vụ nghĩa quân Lam Sơn. Khi đất nước thái bình, Nguyễn Trãi đã cho xây dựng Chùa Côn Sơn tại vị trí này như một nghĩa cử đền đáp dành cho nhân dân đã cưu mang giúp đỡ nghĩa quân trong những ngày tháng gian khổ chiến đấu chống quân thù ở mãnh đất này.

 

Để tưởng niệm công đức của vị danh nhân ấy, nhân dân trong vùng đã tạc hai pho tượng gỗ Nguyễn Trãi và vợ là bà Nguyễn Thị Lộ thờ bên phải, và trái của chánh điện. Những gì còn lại hiện nay của chùa là điện thờ xây bằng vôi, đá, lợp ngói vảy, diện tích khoảng 30m2 và 5 pho tượng Phật bằng gỗ.

 

“Bẵng đi hàng trăm năm nay với sự tàn phá của thời gian nay mọi thứ đã mục nát và xuống cấp trầm trọng, mùa mưa bão sắp đến không biết chùa còn trụ được không…?” – một Phật tử than thở với chúng tôi.

 

 

Thời gian gần đây một số ít Phật tử nông thôn trong vùng âm thầm dùng những đồng tiền còm cỏi của mình kiếm được từ ruộng lúa, trong đó có anh Trung (tức là anh cán bộ tư Pháp xã Sơn Tiến - PV) được bầu là trưởng ban hộ tự mặc dù tuổi đời còn trẻ.

 

 

Có lẽ do được ăn học đầy đủ, được đi nhiều nơi nên anh hiểu được giá trị của ánh sáng Phật pháp, giá trị lịch sử, và lợi ích mà ngôi chùa mang lại cho các Phật tử, cho cộng đồng. Ở đây mọi người vẫn thường đùa "muốn tìm cán bộ tư pháp thì ra chùa Côn Sơn mà gặp".

 

 

Mấy tháng nay anh âm thầm đúc gạch dựng nhà nấu ăn, bỏ tiền mua dây kéo điện …rồi sang chùa Nhiễu Long mượn cờ mượn rạp, mượn loa, áo tràng.. nhờ các Phật tử bên ấy về phục vụ cho buổi lễ hôm nay.

 

“Một xã có 7000 dân thì hơn một nửa là giáo dân với 4 nhà thờ họ và một nhà thờ xứ. Phật tử nơi đây khoảng hơn 50 người, nhưng tất cả  một tâm một lòng hướng về Phật pháp nên khi cần lao động công quả cho chùa họ luôn sẵn sàng ủng hộ” - Trưởng ban hộ tự chia sẻ.

 

Theo đề xuất của thầy Tâm Phương, hôm nay ngày 22/7/2012 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh về đây hướng dẫn oai nghi, giảng kinh thuyết pháp cho bà con tu tập một ngày.

 

 

Lần đầu được BTSPG tỉnh Hà Tĩnh quan tâm về thăm nên dù thời tiết nóng đến 37 độ C, nhưng các lãnh đạo xã từ chủ tịch, phó chủ tịch đến cán bộ bí thư các thôn, xóm, lân cận đều đến tham dự nhiệt tình.

 

 

Tại khuôn viên chùa hơn hai trăm bà con Phật tử, trong đó các Phật tử đến từ tỉnh Nghệ An, và các chùa trong huyện cùng người dân lân cận.Thầy Hạnh Nhẫn, Trưởng ban Hoằng pháp PG tỉnh Hà Tĩnh làm lễ sám hối, hướng dẫn các Phật tử oai nghi đi đứng, xưng hô, ăn uống, đến những cách cư xử trong gia đình theo tinh thần giáo lý nhà Phật…

 

 

Chiều cùng ngày Đại đức Thích Đồng Từ, ủy viên Ban trị sự PG tỉnh Hà Tĩnh thuyết giảng cho bà con đề tài Bát Chánh Đạo

 

 

 

 

 

 

 

 
thầy Tâm Phương giới thiệu với quý thầy và quan khách về buổi lễ hôm nay
 
 
Đại đức Thích Hạnh Nhẫn niệm hương bạch Phật
 
 
...và chia sẽ Phật pháp với bà con
 
 
....hướng dẫn Phật tử thọ trai
 
 
 
lễ động thổ 
 
 
thầy trụ trì sái tịnh 
 

 

 

Được sự ủng hộ quan tâm từ các cấp chính quyền thời gian gần đây, nên hôm nay nhân ngày tu an lạc thầy Tâm Phương, Chánh đại diện PG huyện Hương Sơn, cũng là trụ trì bổn tự cùng chư tôn đức trong Ban trị sự PG tỉnh đứng ra làm lễ động thổ, để cùng bà con Phật tử xây dựng trùng tu lại ngôi Tam Bảo di tích quý giá này.

 

Vẫn còn nhiều bộn bề khó khăn, đặc biêt trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, trong buổi lễ thầy không dám kêu gọi sự đóng góp của mọi người, nhưng chúng tôi hiểu được tâm nguyện và mong muốn cháy bỏng của thầy và quý Phật tử là ánh sáng Phật pháp sẽ sớm trở lại vùng đất lịch sử này, và ít nhất cũng được sánh vai cùng tôn giáo bạn. Đó là niềm khích lệ động viên dành cho các Phật tử cũng như khơi dậy cội nguồn nhân duyên hưng thịnh từ nhiều thế kỷ trước.

 

Hoàng hôn đang tắt dần trên những dãy núi. Chúng tôi rời vùng đất có truyền thống hiếu học thấm đẫm tận cùng mọi ngõ ngách trong mỗi con người mà lòng băn khoăn, trăn trở. Giờ đây họ, những người nông dân nghèo, những người Phật tử chân chất nơi chùa Côn Sơn đang ước ao, đang mơ về một “mái trường tâm linh”. Nếu “mái trường” Phật pháp này trở thành hiện thực đó sẽ như giọt nước cam lồ tưới xuống những mầm giống Bồ Đề để ngày càng tốt tươi đơm hoa kết trái, mang lại sự an vui, bình yên,thịnh vượng cho Phật giáo sau những năm tháng lụi tàn.

 

Để có kinh phí trùng tu sửa chữa, quý thầy chỉ biết nương nhờ sức gia hộ của chư Phật, chư Đại Bồ-tát, Chư Hiền Thánh Tăng, Long Thần Hộ Pháp, cùng sự sẻ chia ủng hộ của các Phật tử gần xa, và sẽ tiến hành công việc này dựa trên số tiền các Phật tử ủng hộ.

 

 

Kính mong các Phật tử phát tâm, góp sức để công việc trùng tu chùa gầy dựng Đạo pháp nơi đây được thành tựu.

 

 

Mọi công đức xin quý vị gửi vào tài khoản:

 

 

Chủ tài khoản: Thích Tâm Phương - số tài khoản 148 220 501 6692 Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn chi nhánh Hùng Vương - Hà Nội

 

 

Để biết thêm chi tiết, xin liên lạc: Đại đức Thích Tâm Phương, Chánh đại diện Huyện hội PG Hương Sơn,  ĐT:  090 408 9610

 

Bài, ảnh: Minh Tuệ

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này