Đặc sắc lễ hội chùa Tam Thanh - Phật Giáo Việt Nam
16:15 +07 Thứ sáu, 29/03/2024

Đặc sắc lễ hội chùa Tam Thanh

Thứ năm - 14/03/2013 08:48
Đặc sắc lễ hội chùa Tam Thanh

Đặc sắc lễ hội chùa Tam Thanh

(HDPT) - Ngày 24 và 25-2-2013 (tức 15-16 tháng Giêng năm Quý Tỵ), du khách thập phương nô nức tìm về Lạng Sơn trẩy hội chùa Tam Thanh - Nhị Thanh.
 
 





Đây là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở vùng biên ải phía Bắc, với câu ca dao quen thuộc từ xưa:“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”

chua tam thanh10.JPG

Chùa Tam Thanh 

Nô nức trẩy hội chùa nơi biên ải

Từ TP.Lạng Sơn qua cầu Kỳ Cùng về phía Tây khoảng 1km, gặp dãy núi đá hùng vĩ trùng điệp lượn vòng cung ẩn hiện trong mây trời, soi bóng xuống dòng Kỳ Cùng thơ mộng, đó là quần thể di tích chùa động Nhị Thanh, Tam Thanh. Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ vào dịp rằm tháng Giêng, nhân dân và du khách thập phương lại đổ về khu danh thắng Nhị-Tam Thanh vui trẩy hội chùa xứ Lạng.

Chúng tôi đến đây từ sáng sớm tinh mơ ngày khai hội xuân Quý Tỵ, đã thấy đông đúc dòng người vào động lễ Phật, vãn cảnh. Ngay trước Tam bảo, gần cửa động có đặt một tòa sen để hứng từng giọt nước thiêng từ trần hang nhỏ xuống. Khách đến lễ thường múc nước ở đây uống hoặc lấy nước dấp lên mặt, xoa lên người - theo dân gian tương truyền rằng làm như vậy sẽ gặp nhiều may mắn, nhiều tài lộc và luôn khỏe mạnh.

Lễ khai hội bắt đầu diễn ra từ 8 giờ sáng bằng nghi lễ rước kiệu danh nhân Ngô Thì Sĩ (ông là quan Đốc trấn Lạng Sơn vào thế kỷ XVIII, cũng là người đã có công phát hiện ra “bát cảnh” đẹp của Xứ Lạng nức tiếng) từ chùa Nhị Thanh sang chùa Tam Thanh. Đây là năm thứ 4 lễ hội chùa Tam Thanh phục dựng lại hoạt động rước kiệu. 

Những chàng trai, cô gái trong trang phục dân tộc Tày, Nùng cùng biểu diễn các tiết mục hát then với cây đàn tính, hát Sli, hát lượn với lời ca mượt mà, trong sáng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống. Các tiết mục múa cầu mùa, cầu mưa, cấy lúa, trồng bông dệt vải, múa mời nàng Tô Thị xuống dự hội… được đội văn nghệ quần chúng thể hiện sinh động trong tiết trời xuân ấm áp.

Lễ hội chùa Tam Thanh - Nhị Thanh là lễ hội mang tính chất vãn cảnh, cầu tài lộc, may mắn, sức khỏe, cuộc sống ấm no, quốc thái, dân an… hướng tới việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và khách thập phương, đồng thời duy trì phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh công lao to lớn của danh nhân Ngô Thì Sĩ đối với mảnh đất xứ Lạng. 

dong nghit nguoi dan di hoi chua tam thanh.JPG

Rất đông du khách đi chùa Tam Thanh đầu năm

Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử

Từ xa xưa, Tam Thanh được mệnh danh là “đệ nhất bát cảnh” xứ Lạng, một trong 8 thắng cảnh nổi tiếng nơi đây: Quán Trọ Đoàn Thành, Phố chợ Kỳ Lừa, Chân núi Thành Tâm, Bến đá Kỳ Cùng, Chùa động Nhị - Tam Thanh, Hang động chùa Tiên, Thôn xóm Hoành Đường và Chòi canh Dương Trấn.

 Động Nhị Thanh ở cách trung tâm TP.Lạng Sơn khoảng 500m, động dài hơn 1km chạy từ bên này sang sườn bên kia của một ngọn núi đá, chỗ cao nhất 30m, chỗ rộng nhất cũng 30m. Trong động có suối nước ngầm, nhiều cây cầu bắc qua dòng suối. Trần hang rủ xuống cơ man thạch nhũ đủ các hình thù lạ lẫm, nhiều nhũ đá nối liền tạo thành các cột đỡ trần hang. Sâu trong động có một thác nước đổ xuống, chảy vào suối ngầm dưới nền động. Dưới chân thác, xưa kia Ngô Thì Sĩ cho tôn cao hơn để làm sân khấu.  

Vòng bên cánh gà sân khấu, qua khúc ngoặt đến hang Giao Long ta như lạc vào “vườn thạch nhũ”, nhiều cột đá đứng hờ bên mép suối đỡ lấy trần hang, nhiều nhũ đá rủ lòng thòng, cùng những mầm đá cao thấp phía dưới như đang cố vượt lên, có những chỗ ta thấy nhũ đá như bức rèm lớn được tạo hóa vắt hờ lên hai bên thành động, cảnh sắc thiên nhiên thật kỳ vĩ.

 Cách động Nhị Thanh khoảng 800m là động Tam Thanh nằm trong dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh với lối lên cửa là ba mươi bậc đá đục vào sườn núi. Động Tam Thanh gồm hai động Long Châu và Long Hoa mang hình kim tự tháp, vẫn gọi là Thủy Tiên động - nơi các nàng tiên thường xuống tắm. Trong động có chùa Tam Thanh (Thanh Thiền tự) thờ Phật ngày nay còn lưu giữ được nhiều di vật quý, cùng hệ thống tượng thờ khá phong phú. 

Giá trị nhất về mặt niên đại và mỹ thuật là bức phù điêu tượng Phật A Di Đà được tạc vào vách đá phía trên cung Tam bảo. Tượng này được tạc theo thế đứng trong hình một lá đề, khá độc đáo và ít thấy ở các tượng Phật A Di Đà khác trong chùa ở nước ta. A Di Đà cao 202cm, rộng 65cm, mặc áo cà-sa buông chùm xuống tận gót, hai tay chỉ xuống đất trong thế ấn cam lồ.

 Đi qua Tam bảo, hang động ăn sâu vào phía trong lòng núi dài hàng trăm mét với nhiều ngõ ngách. Giữa động Tam Thanh có hồ Âm Ty nước trong vắt. Những tầng thạch nhũ trong suốt trầm mặc soi bóng mặt hồ tạo nên vẻ huyền ảo như mơ như thực. Ngàn năm nay giọt giọt từ trần hang vẫn không ngừng rỏ xuống như sự chảy trôi bất tận của vũ trụ. Cuối hồ Âm Ty có hai cửa mở thẳng lên trời, ánh sáng tự nhiên xuyên qua những  nhũ đá mang hình tiên ông, sư tử, gấu, hải cẩu… bừng lên đầy sinh khí. 

Theo các bậc nhũ đá lên mãi, ta sẽ đứng trên đỉnh Tam Thanh. Từ đây đưa nhìn thẳng hướng Bắc thấy hòn núi kề sát cạnh núi Tam Thanh có cái tên rất đẹp ghi dấu một chuyện tình rất đẹp về lòng chung thủy của người phụ nữ Lạng Sơn: núi Vọng Phu và tượng nàng Tô Thị. Gần trên đỉnh núi mọc lên tảng đá mang dáng hình một người phụ nữ bồng con. Dưới chân núi nơi người phụ nữ đứng hóa đá chờ chồng là thành nhà Mạc rêu phong cổ kính, với ba trăm mét tường hào bền vững dựa vào thế núi theo kiến trúc quân sự thế kỷ XVII-XVIII. 

Theo các tài liệu thư tịch cổ, chùa Tam Thanh có từ thời Lê. Tấm bia niên đại cổ nhất ở chùa được Bình sứ Bắc quân đô phủ, Đô đốc Thiêm sự, Vũ quận công Vi Đức Thắng tạo dựng vào thời Lê - Vĩnh Trị năm thứ hai (1677) có tên là “Trùng tu Thanh Thiền động”. Nội dung bia này ghi chép về việc trùng tu di tích, qua đó ta có thể suy đoán rằng chùa này được lập từ trước đó khá lâu rồi. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn từng viết về di tích Tam Thanh: “Chùa nằm trong động núi đá thuộc địa phận xã Vĩnh Trại, châu Thoát Lãng, cửa mây nhũ đá trong sạch, không bụi trần. Người địa phương cùng người Minh Hương tô tượng Phật phụng thờ, lại có tên nữa là chùa Thanh Thiền”. 

du khach le phat o chua tam thanh5.JPG

Du khách lễ Phật ở chùa Tam Thanh

Ngoài sự nổi tiếng về giá trị danh thắng, chùa Tam Thanh còn nổi tiếng bởi những giá trị văn hóa nghệ thuật hàm chứa trong di tích. Đó là hệ thống văn bia khá phong phú, có giá trị về mặt sử liệu và văn học nghệ thuật do các văn nhân, thi sĩ qua các thời kỳ lịch sử lưu lại. 

Đặc biệt, Đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ có nhiều tác phẩm thơ chữ Hán khắc vào vách đá. Trong đó, một bài thơ tạc vào năm Kỷ Hợi (1779), ca ngợi cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của di tích, được dịch nghĩa: “Thong thả cưỡi lừa chơi động xưa/ Dùng dằng bên động, cảnh càng ưa/ Suối trong, cuội đá, đừng reo gọi/ Núi đứng nàng Tô dãi nắng mưa”. 

Ở một bài khác có những câu: “Thanh tuyền bách thạch giai năng giữ/ Bối lập tiền phong kiến vọng phu”. (Suối trong tuôn chảy trên hàng trăm ngọn đá như đang trò chuyện, quay lưng lại nhìn lên ngọn núi đá phía trước thấy hòn Vọng Phu). 

Ở một tấm bia ma nhai khác, khắc 2 bài thơ ký của 2 vị quan triều Nguyễn: Đoàn Đình Duyệt và Tôn Thất Tố làm khi theo giá vua Khải Định năm 1918 ra tuần thú miền Bắc, nội dung ca ngợi vẻ đẹp của danh thắng này, có câu: Động này là kỳ quan trời đất tạo ra, nơi đây là thắng tích của vùng đất thiêng người giỏi, thực khó mà miêu tả, tô vẽ được…”. 

Đặc biệt chùa Tam Thanh còn có tấm bia chữ Nôm, đây là tấm bia duy nhất được thể hiện bằng loại hình chữ viết cổ của dân tộc ta hiện có ở địa bàn tỉnh Lạng Sơn, chữ do Tuần phủ Thái Bình là Đào Trọng Vận viết năm 1924.

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lạng Sơn, Khu di tích chùa Tam Thanh đã được đầu tư kinh phí trùng tu tôn tạo, xây dựng nhiều hạng mục bổ sung. Nhờ vậy thắng cảnh này ngày càng đẹp, là một địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh thu hút du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái.

 

 

Bài, ảnh: Chu Minh Khôi (GNO)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này