Ghi trên đường về thăm lại chùa xưa - Phật Giáo Việt Nam
07:37 +07 Thứ ba, 07/05/2024

Ghi trên đường về thăm lại chùa xưa

Thứ sáu - 28/12/2012 15:07
(HDPT) - Ngày mồng bốn Tết Đinh Sửu (1997), sau khi dự lễ húy kỵ ở chùa Thọ Quang (Đà Nẵng) xong, khi tôi lên chào Hòa thượng Quang Thể để ra về, Hòa thượng bảo: “Con có đi Huế với Thầy không?” Tôi mừng, vì thế là có dịp về thăm Cố: Hòa thượng Hiếu Quang.
 

*          *         *

Chiếc xe cũ kỹ của Hòa thượng Quang Thể nặng nề leo lên đèo Hải Vân. Khi đến một ngôi miếu cổ, Hòa thượng bảo dừng xe, nghỉ một lát, nhân đó kể lại câu chuyện cũ về ngôi miếu này. Miếu có từ lâu rồi, đâu hồi trước năm 1945. Thời ấy, con đường đèo này còn nhỏ hẹp, hoang vu lắm. Một lần, Quốc sư Phước Huệ từ chùa Thập Tháp (tỉnh Bình Định) ra kinh đô Huế để dạy học. Đến đây thì sương phủ mờ mịt. Ngài đến trước miếu và nói: “Phiền ông cho tôi trú đỡ qua đêm, ngày mai sẽ đi tiếp”. Xong, ngài dọn đồ thờ trong miếu, bẻ cành lá làm chổi quét dọn, rồi trải tọa cụ ngồi tĩnh tọa. Ông thần miếu không có chỗ ở, liền xuống ngôi làng gần đó, đánh thức dân làng và bảo mọi người lên thỉnh Hòa thượng về nghỉ. Dân làng nửa tin nửa ngờ, nhưng cũng đốt đuốc lên núi. Họ quỳ lạy và xin thỉnh Hòa thượng xuống núi, trả lại chỗ cho thổ thần. Ngài mở mắt, nói nhỏ nhẹ nhưng tỏ rõ sự không hài lòng: “Sao thổ thần lại báo hại dân làng phải nhọc công vậy?”. Rồi dân làng võng ngài xuống nhà ông Xã Cư là ông xã trưởng xã ấy thời bấy giờ; ở đấy, ngài tiếp tục tĩnh tọa đến sáng. Sau khi dùng điểm tâm, làng cử sáu tráng đinh thay nhau kiệu ngài qua đèo Hải Vân, ra đến kinh đô Huế…

Kể chuyện xong, lại tiếp tục cuộc hành trình. Từ trên đỉnh Hải Vân, nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn, cảnh đẹp như bức tranh thủy mặc. Xe vẫn chạy và Hòa thượng lại giảng giải: Nơi đây, vào cuối thế kỷ thứ XVII, (năm 1695), Hòa thượng Thạch Liêm người Trung Hoa được chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang kinh đô Huế để mở đại giới đàn cho hơn 3.000 Tăng Ni. Chúa cùng hoàng thất và các quan đều qui-y với ngài. Sau đó, ngài vào Hội An bằng con đường này. Trong rất nhiều bài thơ của ngài Thạch Liêm, có bài Đỉnh Vân Quan, tả cảnh đẹp của Hải Vân với lối độc đạo len lỏi giữa cảnh trời với những sắc xanh đen của cây rừng đá núi, hòa trộn với màu đỏ ối ráng chiều…

Xe đến Huế khi nắng chiều đã tắt. Cảnh vật dần chìm trong bóng tối và trong mờ ảo lung linh ánh sáng của những ngôi nhà và những chiếc thuyền trên sông.

Chùa Hiếu Quang nằm khuất dưới những tàn lá cây vú sữa sum suê. Chùa không lớn và khu vườn không thật rộng, nhưng đẹp bình an.

Sau bữa cơm chiều đạm bạc, Hòa thượng lên viếng Cố. Đã hơn 90 tuổi, nhưng Cố vẫn sáng suốt, duy chỉ đi lại hơi khó khăn; vì vậy, ngài ít khi ra ngoài.

-        Mô Phật, bạch Ôn.ghi-tren-duong-tham-chua-xua

-        Ai đó? Quang Thể đó hả. Ngồi chơi.

-        Dạ, bạch Ôn, Ôn có khỏe không?

-        Khỏe. Mà, không biết sống chi sống dữ rứa !

-        Ôn sống lâu, để chúng con được hầu Ôn.

-        Sống để hành tội mấy ông chớ có ích chi mô.

-        Hòa thượng sống lâu, là phúc cho chúng con.

-        Phúc đức chi mô. Đi đứng lụm khụm có vui chi đâu mà sống cho lâu… Bệnh của ông đã bớt chưa?

-        Bạch Ôn, bệnh của con bớt nhiều rồi. Bạch Ôn, Ôn ngủ có ngon không?

-        Răng mà ngủ chẳng được. Niệm Phật mãi, sao không rước đi cho rồi.

Cố cười, rồi ngâm thơ: Xuân tàn cành lá khẳng khiu – Nụ hoa chớm nở ít nhiều tàn phai – Ngày xuân hết, đêm đông dài – Ngày sau còn dấu gót hài vân du… Dứt câu thơ, Cố hỏi:

-        Phật sự của ông trong Đà Nẵng ra sao rồi? – Bạch Ôn, việc Phật sự cũng bình thường.

-        Bệnh ngứa ngoài da của ông đã hết chưa?

-        Bạch Ôn, bệnh con vẫn còn nhưng con đang uống thuốc.

-        Mong cho ông có sức khỏe để lo Phật sự. Chứ như tui đây, sức tàn chẳng còn làm gì được. Cái thân già này đi đâu cũng phải nhờ cậy người khác, phiền phức lắm.

-        Bạch Ôn, đêm đã khuya, xin thỉnh Ôn vào nghỉ.

-        Nằm hoài đau lưng, thức trắng chớ có ngủ được mô.

Hòa thượng dìu Cố vào liêu rồi trở lại phòng khách đàm đạo với thầy Quang Nhuận. Đêm khuya, cảnh chùa u tịch. Tôi không ngủ được. Không biết vì lạ chỗ, hay vì cuộc trò chuyện giữa Ôn và Cố? Đẩy nhẹ cửa bước ra, dạo một vòng quanh chùa. Cảnh vật chìm trong giấc ngủ dưới bầu trời yên lặng đầy sao. Vài con chim đêm vỗ cánh, vút lên gây ra tiếng xào xạc trong vòm lá rồi mất hút vào bóng tối.

Ngồi bên cạnh ngôi tháp “sinh phần”1 của Cố, lại chợt liên tưởng về cảnh kinh thành Phú Xuân gần 300 năm trước. Quan quân, kẻ hầu người hạ, lính lệ tiền hô hậu ủng, rộn ràng ngựa xe… Rồi tiếng ngựa hí, tiếng quân đi nhịp nhàng của đoàn quân bách thắng khi vua Quang Trung tế cáo đất trời trên đàn Nam Giao trước khi tiến quân ra Bắc. Để chưa đầy mươi ngày sau, làm đúng như lời hứa với tướng sĩ là sẽ ăn Tết khai hạ ở kinh thành Thăng Long…

Đêm đã rất khuya. Sương xuống dày, lành lạnh. Có tiếng còi tàu hỏa rít lên giữa bốn bề vắng lặng. Có tiếng ai hát đâu đây, mơ hồ, xa lắm. Mười ba đời vua với bao nhiêu đổi thay dâu bể. Những vàng son và đau đớn, những thế hệ sinh ra để dựng xây và bảo vệ giang sơn này. Rồi tất cả, cũng chìm trong “dấu xưa xe ngựa”, trong nền cũ của “bóng tịch dương”. Để chứng minh cho sự thật này: Tất cả đều thay đổi. Còn chăng, chỉ nghe trong tiếng gió thì thầm đêm nay những tình tự của thời gian không ngừng trôi chảy.

*          *         *

Một lần thăm lại Huế, là lần cuối cùng được nhìn thấy Cố. Cũng là lần sau rốt được diễm phúc cùng đi với Hòa thượng Quang Thể, về lại dưới mái chùa xưa…

Chú thích:

1. Tháp sinh phần là tháp mộ xây trước khi viên tịch. Ngôi tháp này được xây trước khi Hòa thượng Hiếu Quang thị tịch cả 20 năm. ■

 

ĐT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: hòa thượng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này