Hồ thu trong veo… - Phật Giáo Việt Nam
19:30 +07 Thứ năm, 16/05/2024

Hồ thu trong veo…

Thứ sáu - 19/10/2012 08:02
(HDPT) - Sáng nay khi ngồi yên chơi cùng mặt nước hồ thu, nhìn những cụm mây, hàng cây phản chiếu trên mặt nước lặng yên cùng những sỏi đá, rong rêu… bên dưới hồ ta chợt nhận ra một điều.
 

“Muốn được hạnh phúc thì phải biết cách sống cho có hạnh phúc và phải biết nhận diện ra đúng mặt mũi của nó”. Và để thấy rõ đâu là hạnh phúc đích thực thì ta cần phải biết dừng lại, “chỉ khi có cái gì ngưng lặng thì mới có thể làm cho người khác ngưng lặng được”. Khi mặt hồ gợn sóng, chao động thì làm sao ta có thể nhìn thấy rõ được hình dáng của đám mây, hàng cây… trên mặt hồ, chỉ khi nào nó thật sự lắng yên thì những gì nó phản chiếu mới thật sự chính xác được. 

Ta cũng thế, khi nào ta biết dừng lại những lo âu, tính toán, sợ hãi, mong cầu… thì mới thực sự thấy rõ được mình. Chỉ cần ngồi thật yên là đủ. Thân yên thì tâm sẽ yên và lúc ấy hạnh phúc sẽ tự có mặt không cần phải tìm kiếm chi. Nếu không ngồi yên, không hạnh phúc trong giây phút này thì giây phút kia cũng sẽ như vậy thôi và rồi cuộc đời của chúng ta sẽ là một chuỗi tìm kiếm vô ích.  Sự sống hàng trăm năm của ta nào có bên ngoài những việc làm hằng ngày của ta đâu. 
 
Cho nên nếu khi đang thở mà không biết mình đang thở, đi không biết mình đang đi, khi làm không biết mình đang làm… thì ta chỉ là cái xác biết di động thôi chứ không phải là đang sống thực. Khi sống không ý thức thì tất cả chỉ là một giấc mộng không hơn không kém. Ta cứ tưởng rằng đã có hạnh phúc  nhưng cái hạnh phúc đó chỉ là một thứ hạnh phúc giả tạm, ngoài da, một thứ hạnh phúc không bền chắc do từ ngoại cảnh đưa tới. Nếu hạnh phúc thực sự thì đã dừng lại để tiếp xúc chứ không lan man tìm kiếm mãi như vậy! 
 
Nếu ta không biết sống trong giây phút hiện tại thì ta sống trong giây phút nào đây? Nếu không an trú trong bây giờ và ở đây thì ta sẽ an trú trong bao giờ và ở đâu? Tương lai của ta thực ra chính là bây giờ và ở đây. Này nhé, giả sử bạn đang ngồi trong lớp học mà lại không chú tâm vào lời thầy cô giáo giảng, không  tập trung vào chuyện học hành làm bài vở cứ ngồi đó nghĩ ngợi, tưởng tới tương lai sau này mình sẽ làm cái này cái kia, ngôi nhà mình ở phải như thế này thế nọ, người vợ (chồng) của mình phải hội đủ những yếu tố mình thích… thì chắc chắn lực học sẽ kém và khi ra trường với kết quả thấp thì làm sao xin được một nơi làm tốt. Hay khi bạn đang may một cái áo, tay thì làm nhưng đầu óc lại đang suy nghĩ chuyện này chuyện kia nên ráp nối lộn xộn mặt vải trái với mặt vải phải, cái đường viền cổ tay lại lẫn qua cổ áo… kết quả cuối cùng là cái áo phải bỏ đi hoặc phải tháo ra ráp lại. 
 
Đó có phải là tương lai được làm nên chính từ hiện tại không? Nếu hiện tại ta không có được hạnh phúc thì lấy chất liệu gì để xây  dựng nên hạnh phúc ở tương lai! Bởi thế nếu ngay trong giờ phút này mà ta không có hạnh phúc được trong khi ăn, khi đi, khi làm việc… thì ta đừng có mong cầu hạnh phúc đến trong tương lai. Hạnh phúc không đến từ những gì to tát, cao siêu mà lại nhẹ nhàng đến từ những thứ đơn giản, tầm thường nhất như khi tiếng con thơ cười đùa, một cơn gió mát buổi trưa hè, một cái bánh ngọt sau mấy tuần chỉ ăn cơm với nước rau nhạt,...
 
Có người bảo rằng đôi khi hiện tại đầy khổ đau thì làm sao an trú trong hiện tại được. Xin thưa rằng chính khổ đau làm nên hạnh phúc! Không tin ư, bạn hiền thử quan sát xung quanh mà xem.  Nếu không có bùn thì làm gì có đóa hoa sen thơm ngát, nếu không có rác chuyển hóa thành phân thì làm gì có những luống rau hàng cây lên xanh mơn mởn, nếu không bị đau răng thì làm sao biết được có những cái răng nguyên vẹn là một hạnh phúc, nếu khi mắt không đau thì làm thế nào nhận ra được có đôi mắt sáng đó là cả một kho báu… 
 
Giả sử như giờ phút này ta không có gì là đau khổ cả, chỉ là thực tại bình thường thôi nhưng liệu ta có an trú trong hiện tại để trân quý và tận hưởng những gì mình đang có hay tâm cứ vọng tìm về quá khứ hoặc vọng tưởng đến những điều ở tương lai. Thông thường chúng ta chỉ sống theo thói quen của mình, cứ chạy quẩn chạy quanh theo những tập khí rồi đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh xung quanh. Vấn đề không phải là hiện tại có khổ đau hay không có khổ đau, vấn đề là ta có thật sự muốn được hạnh phúc an lạc hay không. Nếu ta thực sự muốn thì sẽ biết được mình cần phải làm gì và không nên làm gì. “Dục an tất an” mà! Con người có thể an lạc, hạnh phúc mà không cần phải tùy thuộc vào ngoại vật như tiền bạc, danh vọng, địa vị… chi. Các vị tu sĩ có thể ăn rau trái, uống nước suối, sống giản dị một cách an nhiên tự tại mà vẫn có hạnh phúc đó thôi tại sao chúng ta lại không? 
 
Thật ra hạnh phúc vốn ở bên trong, chúng ta muốn được an nhiên tự tại thì phải biết khai thông nguồn hạnh phúc ấy bạn hiền ạ. Để khai thông được nó thì trước hết ta cần phải dẹp bỏ những chướng ngại hay những nguồn hạnh phúc giả tạo đến từ ngoại cảnh mà bản ngã thu thập từ bấy lâu nay. Chẳng hạn, bất cứ ai ăn ngon cũng thấy sung sướng nhưng đó chỉ là cái sung sướng nhất thời, vì bản ngã thúc giục ta đã ăn ngon thì phải tìm kiếm món ăn ngon ấy hoặc ngon hơn để tiếp tục ăn nữa nếu không sẽ khổ sở. Thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật cũng vậy, nó cũng đưa đến sự ưa thích, và đã thích cái này thì sẽ có sự chán ghét cái kia và rồi cái ngã sẽ dẫn dắt ta đến chỗ phán xét, phê phán, phân biệt… này nọ. Bạn hiền biết không, tất cả hạnh phúc đến từ bên ngoài đều có tính cách tạm bợ cả! Sau khi đã hưởng được nó rồi thì cứ phải đi tìm nó mãi. Và chính sự tìm kiếm này đã khiến con người khổ đau và cũng là nguyên nhân thúc đẩy con người trở nên tham lam, ích kỷ, sân hận… Chỉ khi nào chúng ta dẹp được cái tôi thì an lạc, hạnh phúc mới có cơ hội biểu hiện được bạn hiền ạ!
 
Ngồi yên nhìn lại những gì mình đã đi qua trong cuộc đời ta cảm thấy tiếc nuối và tội nghiệp cho chính bản thân mình. Vì sao ư? Vì ta cứ mãi tìm kiếm bên ngoài, những nơi xa xôi mà không thấy tất cả ở trong chính tự thân ta, không thấy được hiện tại chính là chìa khóa để chuyển hóa quá khứ và mở cửa tương lai. Vì ta đã bỏ phí thời gian, bỏ phí tuổi trẻ của ta cho những cuộc đi quẩn đi quanh không lối ra, không có đích đến một cách rõ ràng. Ta thường dùng trí thông minh của mình để đạt được văn bằng này bằng cấp nọ, kế hoạch này dự tính kia… nhưng lại không biết dùng trí thông minh ấy để sắp xếp đời sống hằng ngày như thế nào để ta có thể có những giờ phút đầy niềm vui, thảnh thơi, tiếp xúc được với những mầu nhiệm, với sự sống của đất trời thiên nhiên và của chính bản thân ta trong giây phút hiện tại. Nếu biết sống như thế thì thân và tâm ta sẽ được nuôi dưỡng, trị liệu khỏi bệnh tật, khổ đau, lo lắng… khi ấy sống mới thực là đáng sống. Để làm được điều đó ta cần phải biết thâu lại chủ quyền của mình trong những cái gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây trong mọi lúc mọi nơi bạn ạ.
 
Lúc ngồi yên giữa muôn ngàn tia nắng phản chiếu lấp lánh ta đã thấy được rằng khi dừng lại an trú trong hiện tại thì sẽ khám phá ra được có vô vàn những điều kiện hạnh phúc đang có mặt sẵn đó cho ta từ trong và xung quanh ta đó bạn. Ví dụ trái tim ta đang còn đập khỏe mạnh, hai mắt ta còn sáng cho ta nhìn thấy mọi thứ, đôi chân ta còn khỏe, không khí xung quanh ta trong lành không bị ô nhiễm… Nhờ thấy được như thế mà hạnh phúc lập tức có mặt trong ta, ta không còn dẫm đạp lên nó mà đi một cách oan uổng như trước nữa bạn ạ. Lạ kì lắm bạn, chỉ cần ta có mặt đó thì tất cả những mầu nhiệm của sự sống đều có mặt đó cho ta, từ ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè,…đến mặt trời, sông núi, cỏ cây,… 
 
Bạn biết không, cái năng lượng giúp ta trở về với giây phút hiện tại chính là chánh niệm đó. Bây giờ ta đã biết được rằng khi đối diện với những hoàn cảnh khó khăn, những trường hợp khó xử, những người không dễ thương nếu ta cứ ngồi đó mà phân tích đúng sai, tức giận, lo âu, buồn tủi… hay cố tìm hiểu nguyên nhân vấn đề thì ta lại càng bị nó dẫn dắt theo đường mòn cũ của cái tôi nhỏ bé rồi khổ đau. Nhưng chỉ cần ta dừng lại, quay trở về lắng nghe những cảm xúc trong tâm của chính mình thì sẽ nhận diện được, thấy rõ được những cái gì, điều gì đang thực sự có mặt trong ta.
 
Chỉ cần thấy, cảm nhận và thật sự có mặt với những gì đang xảy ra trong ta thôi thì thực tại sẽ trở nên sáng tỏ và khi ấy ta sẽ không còn bị ràng buộc, lôi kéo bởi những tiếc thương, buồn giận, trách móc... nữa.Và như thế sự chuyển hóa sẽ xảy ra một cách tự nhiên giúp khổ đau vắng mặt, làm nên nụ cười trên môi bởi ta đã nhận ra cuộc đời thật đáng sống đáng trân quý biết bao. Chẳng hạn khi ai đó nói hay làm gì đó trái ý nghịch lòng khiến ta giận. Lúc ấy ta chỉ cần ý thức được biểu hiện của cái giận trong thân ta như thế nào, trong những cảm giác nơi thân hay qua những xúc động của chính mình… Thấy được chúng rồi ta sẽ bớt bị chúng sai xử, không vội nói hay có hành động gì đó với người ta nghĩ đã làm ta khổ để rồi phải hối hận, buồn khổ sau này. Khi ấy ta không cần hỏi tại sao người ấy lại nói lại làm như thế, không cần phân tích chi thêm chỉ cần thực sự có mặt nhận diện thôi là đủ.
 
Thương chào bạn nhé! Chị Hằng vừa có mặt và đang trải cái nhìn dịu dàng, mát mẻ, sáng trong ở muôn nơi. Chị ấy lại vừa ghé ngang qua phòng rủ ta cùng đi dạo nữa bạn ạ. Mà ta thì bạn biết đấy, ta không thể chối từ được trước những lời mời gọi như thế bao giờ!
 
C.T.N
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này