Hương vị cà phê - Phật Giáo Việt Nam
04:42 +07 Thứ ba, 14/05/2024

Hương vị cà phê

Thứ ba - 29/05/2012 20:07
(HDPT) - Ta chỉ khuyên người, một người khát khao hiểu biết, hãy tránh xa rừng quan niệm và sự xung đột giữa các danh từ. Quan niệm không có nghĩa gì, chúng có thể đẹp hay xấu, khôn hay dại, và bất cứ ai cũng có thể chấp nhận hay bác bỏ.
 

Dễ có mấy ai đủ kiên nhẫn để bước vào “tàng kinh các” Phật giáo, ở lại trong đó, học , nghiền ngẫm , thực hành theo , sau năm, bảy , mười năm để rồi bước ra, thở dài mà rằng : “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp , Bá thiên vạn kiếp năng tao ngộ”……..

Chúng tôi hai người, ngồi uống cà phê vào một buổi sáng tinh sương, tại một quán cóc gần nhà .

-         Chà ! Sáng sớm, một ngụm cà phê nóng ngon quá !

Anh bạn tôi nói . Tôi đồng ý, cà phê Sài Gòn lọc bằng vợt vải vậy, mà thơm ngon khó mà quên cho người tha hương .

-         Giống như lúc mình uống cà phê lề đường Nha Trang, nhớ không ?

-         Ừ nhỉ ! Cà phê Nha Trang ! thực cũng khó mà quên .

Để giết thời gian, tôi đố anh bạn :

-         Theo anh, cà phê Sài Gòn và cà phê Nha Trang, cái nào ngon hơn ?

-         Làm sao so sánh , anh bạn ! Anh đố tôi ngặt nghèo rồi .

Tôi trầm ngâm, thực sự là vậy, hương vị cà phê uống nơi nào cũng ngon, nhưng không như nhau, không thể so sánh . Khi ta hớp một ngụm cà phê nóng ấm vào buổi sáng lúc hơi sương còn vương trong không khí, ta “nghe” bằng lưỡi, bằng cả vòm họng, rồi lên mũi . Sau đó, ta nuốt từ từ, từ từ…từng giọt cà phê chảy vào thực quản xuống bao tử, mỗi nơi để lại dư hương nồng ấm của hương vị cả phê. Làm sao mà so sánh chứ , khi lúc ấy, không người uống, không cà phê uống, không hương vị cà phê, mà tất cả chỉ còn là một dòng cảm thọ đơn nhất , không-thời-gian vũ trụ biến mất trong khoảnh khắc ấy. “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông” , Heraclites đã nói vậy, làm sao so sánh ?

Tôi đồng ý :

-         Ừ nhỉ, cũng vì so sánh, cho nên có người mới nói rằng, Đức Phật nhờ thiền mà đạt đến trí tuệ . Và cũng có những Đạo sư triết học nỗi tiếng trên thế giới, họ tuyên bố rằng, họ chẳng bao giờ biết đến giáo lý Phật, nhưng họ cũng nhờ thiền định mà đạt được trí tuệ như Phật vậy .  

-         Ừ ! Cũng đúng . Hemingway nhờ biết viết, nên mới đoạt Nobel văn chương . Vậy, ai biết viết giỏi, sẽ đoạt Nobel văn chương . Nhiều người đã đạt rồi, hầu như năm nào cũng có mà !. Bạn tôi cười cười và nói tiếp :

-         Christophe Coulomb nhờ biết đi biển mà tìm ra Châu Mỹ. Vậy, ai biết đi biển giỏi cũng tìm được châu lục khác ! Úc Châu đó, New Zealand đó , Figi đó !

-         Einstein giỏi toán nên tìm ra định luật tương đối . Vậy, ai giỏi toán cũng tìm được

qui luật …gì ..gì ấy . Đúng thôi !

-         Newton nhìn quả táo rơi, tìm ra qui luật vạn vật hấp dẫn . Vậy, ai nhìn quả xoài, ổi hay mít gì đấy, cũng sẽ tìm ra qui luật khác thôi . Miễn là đừng nhìn sầu riêng, nó rơi trúng có mà đi bệnh viện !

Tôi cũng tức cười :

-         Ừ, mà anh nói đúng . Khi mình tìm kiếm cái chuẩn để so sánh, thì cà phê sẽ không còn là cà phê , và chỗ nào, cũng không là ở đâu cả .

Anh nói :

-         Hai anh em mình uống cà phê mỗi sáng, chỉ 15 – 20 phút thôi, ngồi nhìn thiên hạ mỗi sáng để mừng rằng, mình đã trút được gánh nợ trần gian và may mắn tiếp cận được đến “tàng kinh các” .

-         Thôi, mình rán học và sửa, để kiếp sau, nhọc nhằn bằng sung sướng đi !

“Tàng kinh các” là từ ngữ chúng tôi dựa vào tiểu thuyết Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung, để gọi tủ sách Phật học mà chúng tôi mua, xin, photocopy, download và in lại từ internet.

Chúng tôi ra về, mạnh ai nấy đi . Tôi về mà lòng vẫn còn suy nghĩ miên man ( thất niệm dài dài) .

Tôi chợt nhớ đến quyển Câu chuyện của dòng sông (Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch, NXB An Tiêm 1970), lúc chàng Tất Đạt đi tìm tri kiến giải thoát và gặp Đức Phật :

“Ta chỉ khuyên người, một người khát khao hiểu biết, hãy tránh xa rừng quan niệm và sự xung đột giữa các danh từ. Quan niệm không có nghĩa gì, chúng có thể đẹp hay xấu, khôn hay dại, và bất cứ ai cũng có thể chấp nhận hay bác bỏ. Giáo lý mà người đã nghe, tuỵ vậy, không phải là quan niệm của ta, và mục đích của nó không phải là để giải thích vũ trụ cho những người khát khao hiểu biết. Mục đích của nó hoàn toàn khác biệt. Mục đích ấy là giải thoát khỏi khổ đau. Đấy là những gì Cồ Đàm dạy, không gì khác hơn”.

Tôi lại nghĩ đến ….tôi xưa kia . Ngày xưa, tôi cũng đã từng vồ vập lấy những quyển sách best seller do những triết gia Đông Tây Kim Cổ nỗi danh trên thế giới để mà đọc. Tôi say mê gậm nhấm từng lời văn hoa mỹ, chải chuốt, và bay bổng cùng với những khung trời ngữ pháp hay siêu hình trong lý luận . Ôi, triết học, triết học, quả thật là cao siêu . Lúc ấy, khối kiến thức trong tôi cho rằng, chẳng có gì cao siêu hơn những gì mà những triết gia này đã viết .

Trong lòng tôi, lúc ấy, nhìn về Phật giáo với những nhà sư đi tụng đám người chết, và tụng kinh cầu siêu 7 tuần, 100 ngày là hết . Có chăng, tôi cầu khấn Phật và Bồ tát, Hộ pháp phù hộ cho tôi bình an mà thôi !

Có lúc, tôi đọc một vài câu chuyện Thiền, nói thật ra, tôi cũng chẳng hiểu gì, nhưng tôi cảm thấy có chút gì hiên ngang, bay bỗng, chút gì ngược đời lẫn khôi hài ! Tôi cũng đã từng cao hứng ngâm nga : Bồ Đề vốn không cây ; Gương sáng cũng không đài . Xưa nay không một vật ; Thì bụi bám vào đâu ?(Huệ Năng) . Để đôi khi , tôi buông thỏng với đám bạn : Đời là con số không, sắc không mà bạn . Chỉ để loè bạn rằng, mình có đọc nhiều .

Thực ra, “số không” cái gì mà vợ con đùm đề, nhà cửa xe cộ , nhiều thứ rắc rối phải “cày” hết sức để nuôi, rồi ngán ngẫm : sao mà cực đến thế !

Nhưng tôi thấy chỉ có một câu chuyện mà tôi chẳng thích . Đó là câu chuyện trong đó, ông sư gì ấy, đại khái nói rằng : “Những kiến thức mà người đã đọc và yêu mê say đắm ấy, chỉ là sự nuốt trở lại đờm dãi của người xưa nhổ ra mà thôi ” . Ghê quá đi ! , chẳng lẽ tôi như vầy, kiến thức bách khoa như vầy, mà lại là …..một đống lớn đờm dãi ! Chả lẽ….những gì mà thầy ông ta dạy, cũng là ….đờm dãi ! Thôi chẳng đọc ông nữa, nên đến nay cũng chẳng nhớ ông tên gì và sách nào nữa !

Cũng có lúc, tôi cố gắng đọc kinh, có người khuyên tôi nên đọc Pháp Hoa, người khác Hoa Nghiêm, người khác Duy Ma,….nhưng đụng đâu cũng thấy khó đọc gì ấy, chẳng hiểu gì cả, phép màu huyền hoặc sao ấy , không logic gì hết . Bạn khác bảo chỉ niệm 6 chữ thôi , trời ơi, cả đống sách mà chẳng tìm ra chi, lấy gì chỉ có 6 chữ , mà tên ông Phật gì ấy, tôi cũng chẳng biết ông là ai nữa , làm sao được ? . Một bạn bảo đọc Trung Bộ của Thầy Minh Châu đi , nhưng lật ngay bài đầu tiên, tôi chẳng thế nào đọc được, vì rằng …thấy đất là đất, …lửa, …gió. … (Căn bản pháp môn), thật không sao hiểu được . Thôi , quay về đọc Thiền đi, dễ hiểu hơn, có khi “ngộ” được đấy ! Vì có nhiều sách lắm và vì những bạn tôi nói rằng, anh ta đã “ngộ” được nhiều điều . Ờ nhỉ, nhưng đời có vô lượng điều, vậy chừng nào mới “ngộ” cho hết ? Rắc rối thực !

Cho đến nay, quả thực, vẫn còn những bạn bè cùng trang lứa tôi, vẫn bàn tán về những công án thiền, vẫn còn tấm tắc đồng cảm khen ngợi những đoạn văn triết học siêu hình bay bỗng , bên ly cà phê trong quán xá, bên bàn tiệc với những ly bia ngà ngà , trong các trang blogs , các room trong không gian ảo, nơi mà, chẳng ai biết mình là chú chó, miễn là chú chó biết suy tư ! (Thomas Friedman) . Các bạn già của tôi vẫn tin rằng, có con đường khác sẽ dẫn đến giác ngộ, mà không cần theo Phật . Hoặc giả, có con đường tắt nào đó, sẽ dẫn đến “đại ngộ” mà chẳng cần Kinh, Luật hay Luận gì cả , thiền thôi , như Tất Đạt vậy. Đôi khi , những chàng Tất Đạt tóc hoa râm này còn hăng hái tranh luận ồn ào nhau nữa . Vui như Đào Cốc Lục Tiên trong Tiếu Ngạo Giang Hồ vậy . Kim Dung thế mà hay thật !

Bây giờ, nhìn lại, quả thật, ai trong đời cũng đã từng khát khao kiến thức như chàng Tất Đạt, nhưng cố gắng lắm, có được như chàng Tất Đạt hay không chứ . Mà chàng Tất Đạt ấy, vào lúc cuối chuyện, hồi xưa, tôi cứ tưởng chàng Tất Đạt đã là … Phật rồi !!! .

Dễ có mấy ai đủ kiên nhẫn để bước vào “tàng kinh các” Phật giáo, ở lại trong đó, học , nghiền ngẫm , thực hành theo , sau năm, bảy , mười năm để rồi bước ra, thở dài mà rằng : “Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp , Bá thiên vạn kiếp năng tao ngộ”……..

Một đoạn đầu kinh Lăng Dà chợt hiện về trong trí nhớ tôi :  “ Khi chỉ thấy còn lại một mình mình trong cung điện, vua Vãrana nghĩ : “Vậy, người đang nhìn mọi sự đây là ai ? Ai đã nghe thuyết pháp ? Ai thấy ? Thấy gì ?

Phật và rừng núi báu trong thành biến đi đâu ? Đấy là mộng chăng ? Hay là ảo giác ? Hay cảnh biến hóa của loài càn that bà ? Hay vì ta nhặm mắt ? Hay là nắng quán đèn lòa? Đây là ảo mộng, như con của thạch nữ ? Như ảo giác vòng lửa quay?”

Lại nghĩ: “Bản tính của vạn pháp đều như vậy, chỉ là cảnh giới do tự tâm phân biệt. Kẻ phàm phu mê hoặc không thể hiểu thấu.

Kỳ thực, không có thấy và bị thấy, không người năng thuyết cũng không pháp sở thuyết. Thấy Phật nghe Pháp đều là phân biệt.

Những người thấy các pháp như trên không thể thấy được Phật, không sinh phân biệt mới gọi là thấy Phật.” (Kinh Lăng Dà – Chương 1, Phần 1, Bản Sĩksha-nandã, Việt dịch TN.Trí Hải . )

Quả thực, càng học Phật, càng thấy…kinh tâm , động phách , vì vậy, nên kinh mới nói “mặt đất 6 cách rung động” , lúc này tôi mới thấy cái logic trong cái phi logic !!!

Ôi thôi, giờ đây tôi biết làm sao để nói cho mấy ông bạn già Tất Đạt của tôi kia, biết được hương vị cà phê của cuộc sống ? , vì ngày xưa, tôi cũng đã từng là …..Tất Đạt  ! Không khéo, lại có thêm một ông tiên Đào Cốc  nữa !

Tâm Nhẫn

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này