Nhớ Thầy, Nhớ Chùa, Nhớ Quê Hương, Nguồn Cội - Phật Giáo Việt Nam
08:12 +07 Thứ sáu, 10/05/2024

Nhớ Thầy, Nhớ Chùa, Nhớ Quê Hương, Nguồn Cội

Thứ sáu - 12/10/2012 13:23
(HDPT) - Buổi lễ được bắt đầu với tiếng chuông tỉnh thức và phút mặc niệm để tưởng nhớ công hạnh chư Phật, chư vị Tổ Sư, Thánh Tử Đạo và nhị vị cố TLHT Thích Minh Châu và Thích Mãn Giác
 

Sáng hôm nay 07/10/2012 thành phố Thiên Thần – Los Angeles- vốn bận rộn lại càng thêm bận rộn vì hàng trăm chiếc xe Việt Nam từ khắp các nơi gần xa trên đất nước Hoa Kỳ hướng về Chùa Việt Nam, hội tụ hàng trăm con tim của Tăng Ni Phật Tử, đồng hương Việt Nam trong một ngày thiêng liêng hướng niệm đến hai bậc Thầy tôn kính của Phật Giáo Việt Nam đương đại, trong Lễ Tưởng Niệm và Truy Tán Công Hạnh nhị vị Cố Trưởng Lão Hòa Thượng (TLHT) Thích Minh Châu và Thích Mãn Giác nhân dịp Cúng Tuần Thất thứ 5 Giác Linh TLHT Thích Minh Châu và Huý Kỵ lần thứ 6 Giác Linh TLHT Thích Mãn Giác.

Buổi lễ được bắt đầu với tiếng chuông tỉnh thức và phút mặc niệm để tưởng nhớ công hạnh chư Phật, chư vị Tổ Sư, Thánh Tử Đạo và nhị vị cố TLHT Thích Minh Châu và Thích Mãn Giác, cầu nguyện cho thế giới hòa bình, âm siêu dương thới :

Ba tiếng chuông ngân bầu vũ trụ

Mười phương thế giới thảy đều nghe

Lắng lòng tưởng niệm ân Sư Tổ

Hình bóng Người xưa chợt hiện về

Tiếp theo là phần dâng hoa cúng dường. Đó là hoa từ bi, hoa tâm, hương đức hạnh. Cuộc đời quý Ngài là những đoá hoa, dâng hiến nhiều hương sắc làm tốt Đạo, đẹp Đời, là hoa sen không nhiễm giữa cõi đời ô trược. Đó cũng là đoá hoa lòng của cùa đàn hậu học : Nguyện nguyện kết đoá hoa lành cúng dường.

HT. Thích Như Minh, Viện chủ Chùa Việt Nam, Los Angeles cẩn bạch trong buổi lễ :

“Hai Ngài là thạch trụ Thiền gia của Phật giáo Việt Nam, đã ghi đậm dấu ấn trên con đường hoằng truyền Chánh Pháp trong nước và hải ngoại. Trải suốt những thập niên cuối thế kỷ XX, những năm đầu thế kỷ XXI nhiều biến động của lịch sử Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam, bằng tài đức của mình, hai Ngài đã tận hiến cho sự phát triển của Phật Giáo Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại…

Hôm nay là lần thứ 6 Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ (THPGVNTHK) và Chùa Việt Nam cử hành Lễ Tưởng Niệm và Truy Tán Công Hạnh của nhị vị Trưởng Lão Hòa Thượng, TLHT Hội Chủ THPGVNTHK và làm Lễ Tuởng Niệm TLHT tân viên tịch Thích Minh Châu, nguyên HiệuTrưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh,…”

Hòa Thượng Thích Trí Tuệ, Chùa Huệ Quang Virginia, cung tuyên Tiểu Sử Cố TLHT Thích Mãn Giác. Đại chúng lắng đọng tâm tư dõi theo bước chân, hành trạng của Ngài thuở sinh tiền với những điểm nổi bật :

Xuất gia lúc 10 tuổi, thọ giới Sa Di lúc 16 tuổi

Lúc 20 tuổi , năm Kỷ Sửu, 1948, Ngài tiếp nhận giới bổn Tỳ Kheo trong Đại Giới Đàn do Đại Lão HT Thích Tịnh Khiết làm Đường Đầu, Đại Lão HT Thích Giác Nhiên làm Yết Ma, HT Thích Vĩnh Thừa (Châu lâm) làm Giáo Thọ.

21 tuổi , Ngài được suy cử làm Trụ Tr chùa Thiên Minh, Huế

25 tuổi, Ngài làm giảng sư Phật Pháp tại Đà Lạt

Khoảng 28 tuổi,  Ngài đảm nhiệm chức vụ Hội Trưởng Hội Phật Giáo Dalat, Đại Diện Hội Phật Giáo Cao Nguyên Trung Phần. Đây là những năm tháng Ngài gắn bó với Phật sự, dấu chân hoằng pháp in đậm trên mọi miền và đem lại rất nhiều an ủi cho quần chúng tin Phật đang bị thử thách nguy cơ đàn áp và lôi cuốn đổi đạo của nhà cầm quyền họ Ngô ( thời gian đối diện với đạo luật 10/59)

31 tuổi, năm 1960, đi du học Nhật Bản, chỉ trong vòng 6 năm, Ngài tốt nghiệp Tiến Sỹ Nhật Bản và về nước năm 1965, giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và Huế qua bộ môn Triết Học Ấn Độ và Trung Hoa. Đây là thời gian Ngài thực sự dấn thân vào các hoạt động văn hóa, giáo dục, nhằm giải tỏa và vô hiệu hóa những xuyên tạc ngộ nhận đối xử bất công đối với văn học và Phật giáo nói chung.

Cũng trong năm 1965, Ngài bắt đầu cộng tác chặt chẽ với Viện Đại Học Vạn Hạnh. HT. Thích Minh Châu làm Viện trưởng, Sa Môn Thích Mãn Giác đóng vai trò Khoa trưởng Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương.

Trước 40 tuổi, Ngài giữ trọng nhiệm Phó Viện Trưởng Điều Hành Viện Đại Học Vạn hạnh cho tới năm 1975 và Viện Đại Học Vạn hạnh bị chiếm dụng làm cơ sở nhà nước.

Ngài từng đảm trách các vai trò quan trọng trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) trước năm 1975 như:

- Quyền Tổng Vụ Trưởng Thanh Niên (Tổ Chức Đại Hội Thanh Niên Toàn Quốc)

- Tổng Vụ Trưởng Văn Hóa (Tổ Chức Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc)

- Trưởng Ban Tổ Chức nhiều năm Đại Lễ Phật Đản trọng thể tại Thủ Đô Saigon. 

Năm 1978, với sự bảo trợ của tổ chức Ân Xá Quốc Tế đi chu du thuyết pháp Châu Âu để nói lên thực trạng, khó khăn nhiễu nhương trong nếp sống tu học và hành đạo của Tăng Ni Phật tử tại Việt Nam. Ngài cũng từng vận động sâu rộng ở Nhật Bản, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ không ngừng nghỉ suốt ba thập niên, từ năm 1978, bền bỉ, kiên trì vận động cho nhân quyền và quyền tự do Tôn Giáo tại Việt Nam với phương cách ôn hòa bất bạo động như Ngài Gandhi và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm.

Ngài đã thành lập và phát triển cơ sở Chùa Việt Nam tại Los Angeles, nơi đây, với tấm lòng bao dung, với bàn tay che chở, Ngài đã bảo lãnh và trợ duyên cho việc ăn học tu tập cho biết bao nhiêu Tu Sỹ trong bước đầu đến Hoa Kỳ phải đối diện với vô vàn khó khăn, chuẩn bị hành trang hội nhập cuộc sống mới.

Ngài đã thành lập nhiều cơ sở khác khắp nơi trên Hoa Kỳ thuộc THPGVNTHK đến tổ chức tu tập, sinh hoạt, chứng minh, cố vấn, ban đạo từ, thuyết giảng,…mang ánh sáng Đạo Pháp đến khắp nơi nơi, lợi lạc rất nhiều cho quần chúng, số đông.

Tiếp theo HT Thích Trí Tuệ, HT Thích Phước Thuận, viện chủ Chùa Trí Phước, Santa Ana, Cali cung tuyên Tiểu Sử TLHT Thích Minh Châu. Về Tiểu Sử của Ngài thì đã có hãng phim Sen Trắng Việt Nam thực hiện cũng như mọi người đều theo dõi nghiên cứu suốt 5 tuần vừa qua, kể từ khi Ngài viên tịch, nơi đây chỉ ghi lại những điểm nổi bật, những nét son trong suốt cuộc đời hành hoạt của Ngài :

Trong suốt cuộc đời mình, Ngài là con người làm nên lịch sử, vẽ ra nhiều nét chấm phá, khai sáng, đặt dấu ấn cho biết bao nhiêu Đạo nghiệp quan trọng :

-       Sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc, gốc dòng họ Đinh, Nghệ An, thân phụ của Ngài tiến sĩ Hoàng Giáp năm 21 tuổi (khoa Quý Sửu 1913, niên hiệu Duy Tân thứ 7)

-       Là đệ tử của vị Cao Tăng, Ngài Thích Tịnh Khiết, Đệ Nhất Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, làm việc sát cánh với vị Đại Cư Sĩ nổi tiếng Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

-       Phát động phong trào thanh niên tham gia học Phật.

-       Thư ký Hội An Nam Phật Học.

-       Lập nên đoàn Phật học đức dục và Gia đình Phật hóa phổ, tạo mô hình tiền đề cho gia đình Phật tử Việt Nam.

-       Người Việt nam đầu tiên mở đường du học Ấn Độ, đậu bằng Tiến Sỹ, thủ khoa, đích thân Tổng Thống Ấn Độ đến trao bằng tốt nghiệp và phần thưởng.

-       Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục GHPGVNTN

-       Hiệu Trưởng đầu tiên và nhiều niên  khóa nhất tại Đại Học Phật Giáo Việt Nam, Đại Học Vạn Hạnh, tổ chức hệ thống trường Bồ Đề Phật Giáo, đưa ra đường hướng giáo dục toàn vẹn : hạnh đức, tâm đức, tuệ đức, phát triển thăng bằng toàn diện thể lực, tình cảm, tâm tư, tri thức, trí tuệ, nhân cách,… đào tạo nhiều hiền tài, nguyên khí quốc gia.

-       Tổ chức các đặc san có tầm cỡ và giá trị của Phật Giáo : Viên Âm, Tư Tưởng…

-       Tham dự và đóng vai trò tích cực nhiều diễn đàn, hội thảo quốc tế tại Nga, Lào, Thái Lan, Mông Cổ, Úc, Ý, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc,  Ấn Độ,…, Ngài giữ chức vị  Phó Chủ Tịch Phật ... giáo Châu Á vì Hòa bình ( ABCP), Vice President of the ABCP (Asian Buddhist Conference for Peace), chủ trì tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế tại Việt nam.

-   Thành Lập và làm Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, phiên dịch Kinh Tạng Nikaya từ Pali qua Việt Ngữ cùng với nhiều công trình tổ chức hội thảo, sáng tác, dịch thuật, đặc biệt là dịch kinh tạng Nikaya, Pali Tạng ra tiếng Việt. Hòa Thượng có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn từ tương đương và sáng tạo ra thuật ngữ mới làm giàu cho từ điển Tiếng Việt.

-       Chủ trương và làm gương trong việc hài hòa các Tông Phái sinh hoạt chung trong ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam. Hòa Thượng xuất thân và thọ giới từ Chùa Tường Vân, Bắc Truyền nhưng lại đắp y Nam Truyền và chủ trì trong việc dịch thuật tiếng Pali. Chính 2 cuốn sách “So sánh Trung A Hàm Hán Tạng và Trung Bộ Kinh Pali Tạng”  “ĐẠI THỪA  SỰ LIÊN HỆVỚI TIỂU THỪA” Nguyên tác: Nalinaksha DuttDịch giả: HT Thích Minh Châu thể hiện quan điểm này của Hòa Thượng.

Cả 2 Ngài suốt cuộc đời tận tụy hi hiến  cho nền Giáo Dục, Văn Hoá, Hoằng Pháp mang ánh sang Đạo Pháp khắp muôn nơi. Tất cả những việc làm khác có thể là phương tiện, giai đoạn, nhưng những công việc của nhị vị Hòa Thượng là việc có giá trị về lâu về dài đến muôn đời…Hai vị như là Huynh Đệ hỗ tương cho nhau, người thì đi du học Ấn Độ, về mở trường lớp giảng dạy và mang kinh sách dịch thuật, người thì đi du học Nhật Bản, chuyên sâu về văn chương, nghệ thuật, Triết học Đông Phương, người thì nắm giữ giềng mối uy nghi, người thì tâm hồn rộng mở, khoáng đạt, bay bổng.

Sau biến cố năm 1975, Người ra đi ( HT Mãn Giác) thì gióng lên tiếng nói cho nhân quyền, dân chủ và tự do Tôn Giáo tại Việt Nam, thành lập cơ sở, tạo cho người Việt ly hương có chỗ nương tựa tinh thần và hoằng pháp xứ người, còn Người ở lại cũng chịu đựng lắm nhọc nhằn truân chuyên, thử thách, vinh nhục khen chê,… tất cả đều vì gieo trồng hạt giống Bồ Đề, giáo dục Phật Giáo, góp phần cho Pháp Luân thường chuyển ngộ tâm khai.

Trong thời Chấn Hưng Phật Pháp, ở Trung Quốc thì có Ngài Thái Hư Đại Sư, ở Việt Nam có các Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Phật Học Đường Huế, Các Phật Học Đường Miền Nam, Ấn Quang, Già Lam, Huệ Nghiêm, Hải Đức đã sản sinh ra thế hệ vàng của Chư Tôn Đức Tăng Ni cận đại và hiện đại thật kiệt xuất : Quốc Sư Phước Huệ, Tăng Cang Phổ Huệ, HT Bích Liên, HT Tịnh Khiết, HT Giác Nhiên, HT Đôn Hậu, HT Huyền Quang, HT Trí Tịnh, HT Minh Châu, HT Trí Quang, HT. Mãn Giác, HT Kế Châu, HT Tâm Hoàn, HT Đồng Thiện, HT Mật Thể, HT Mật Hiển, HT Thiện Siêu, HT Thanh Từ, HT Huyền Vi, HT Từ Thông, HT Tâm Thanh, Sư Bà Như Thanh, Sư Bà Diệu Không, Sư Bà Hải Triều Âm, Ni Sư Trí Hải…

Mỗi TLHT Thích Minh Châu và Thích Mãn Giác sáng tác hơn 20 quyển sách rất có giá trị, chỉ xét riêng một việc này thôi cũng là hy hữu rồi. Sách thì cũng tùy theo sách nhưng để viết được một cuốn sách có giá trị đòi hỏi nhiều công phu khảo cứu, sưu tra, nghiên cứu, suy tư, thực nghiệm, kiểm chứng,…Thông thường, thời gian cần khoảng hơn 6 tháng hoặc 1 năm mới có thể hình thành nên 1 cuốn sách có giá trị. Vậy 20 cuốn sách đó đòi hỏi hơn 10 năm ròng rã say mê nghiên cứu, phát minh, sáng tác. Có người cả cuộc đời không có được cuốn sách nào, hoặc có được một quyển giá trị thì cũng quý hoá lắm rồi. Khi còn là sinh viên Vạn Hạnh tôi đã say mê đọc cuốn sách : “Phật Học, Thiền Học và Thi Ca” của Cố TLHT Thích Mãn Giác, sau đó, khi đi Ấn Độ về thăm Việt Nam tôi lại đến các tiệm sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai mua các cuốn sách : “Phật Giáo và Văn Hoá Việt Nam”, “Nhân Bản Phật Giáo”, “Đạo Đức Học Đông Phương” của Ngài để làm tư liệu cho các Luận Án cho các Học Đường tại Ấn Độ. Sách của TLHT Thích Minh Châu như là Sách Giáo Khoa, Sách gối đầu giường, bố cục hết sức chặt chẽ, khoa học, dẫn chứng mạch lạc rõ ràng, ý tứ phong phú đa dạng nhưng liên hệ thiết thực đến cuộc sống.  Ngài Mãn Giác sáng tác đến 5 tập thơ bao gồm hơn 1000 bài thơ, quả là 1 vùng trời thơ bao la, ý tứ phóng nhiệm bay bỗng lại rất hiện thực. Đây không phải theo cách “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” mà rất thật, rất nhân bản, 1 trái tim khắc khoải yêu thương quê hương cố quốc, một khách ly hương tháng ngày vọng cố hương, một kẻ lữ hành đúc kết kinh nghiệm trong hành trình đi qua, một người Thầy, một người Bạn với bao nhiêu nhắn nhủ tâm tình cho những ai hữu duyên đọc hoặc nghe đến, cái ung dung giải thoát của người tu, “nhậm vận thịnh suy vô bố uý”, không ràng buộc bởi vật chất, danh lợi thế gian, hệ lụy thường tình, thấm nhuần văn hoá, nếp sống , tinh thần dân tộc khiến cho chất thơ nhẹ nhàng bay bổng, hoặc nếu có nặng cũng là nặng về tứ trọng ân, yêu thương vạn loại chúng sanh và cuộc sống, có tác dụng giáo dục, nâng đỡ, chuyển hóa cho nhau. Là người có tâm hồn văn thơ, tôi nhiều hôm sa đà thả tâm hồn mình vân du trong thế giới thơ Huyền Không. Vâng, Huyền Không, có như mà không, không như mà có, lung linh, mờ ảo, diệu huyền như sắc tức thị không – chân không diệu hữu. Ngài đã đưa văn nghệ Phật Giáo ảnh hưởng rộng ngoài xã hội chứ không phải chỉ giới hạn trong chùa như trước đó nữa

Huynh Trưởng Trần Tư Tín - Nguyên Tịnh, đại diện Ban Hướng Dẫn trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ phát biểu về mối liên hệ gắn bó giữa nhị vị Hòa Thượng với gia đình Phật tử Việt Nam nói chung. Cố TLHT Thích Minh Châu là người sáng lập Gia đình Phật hóa phổ sau này phát triển trở thành gia đình Phật tử Việt Nam. Ngài còn dạy Nguyên Tịnh : học phải luôn luôn đi đôi với hành, vừa tu vừa học để trở thành một phật tử chân chính, làm tấm gương sáng để xây dựng Gia đình Phật tử Việt Nam và mang Phật Pháp vào trong cuộc sống. HT Mãn Giác thổ lộ với Nguyên Tịnh : “Mỗi sáng chủ nhật,  Hòa Thượng đứng trên lầu nhìn xuống sân chùa, nếu không thấy bóng dáng chiếc áo lam Phật tử thì HT cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó, mất đi một phần sinh khí. Bấy nhiêu đó cũng cho thấy được tấm lòng của Quý Ngài đối với Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Cư Sĩ Trí Không - Trần Quang Thuận chia sẻ những kỷ niệm không bao giờ quên mà Cư Sĩ có được với 2 Ngài. Trước kia, Cư Sĩ cũng là 1 Tu Sỹ và thọ Cụ Túc Giới, Đại Giới Đàn Báo Quốc, Kỷ Sửu, 1949. Tỳ Kheo Trí Không du học 2 năm tại Tích Lan cùng với Sa Môn Thích Minh Châu. Cho  biết về sự tinh nghiêm trong sự tu hành, Cư Sỹ Trí Không kể là : lúc ấy 2 vị Tỳ Kheo trẻ Việt Nam công phu sáng chiều ngày 2 lần và vẫn giữ ăn chay mặc dù môi trường đó không ai bắt buộc phải như vậy. Tỳ Kheo Trí Không đã được học bỗng 1 Trường Đại Học tại Luân Đôn, Anh Quốc nên lưu luyến tạm biệt Sa Môn Minh Châu để lên đường qua đó. Ngày học xong, trên chuyến bay về nước của Thầy Trí Không quá cảnh tại Bom Bay, Ngài Sa Môn Minh Châu đã lặn lội đi bằng xe lửa vượt ngàn dặm đến thăm người bạn học xưa của mình. Tôi cũng có nghe Ngài Minh Châu từng vượt ngàn hải lý đến Pháp để gặp nhạc sỹ Trần Văn Khê – đó là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thắt chặt giải đồng tâm để tạo thành 1 e kíp hoạt động. Sau này, Ngài Minh Châu làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh còn Thầy Trí Không làm Tổng Thư Ký của Viện.

Với tư cách là người cùng thọ giới chung 1 giới đàn năm xưa, cùng học chung tại Tích lan và cùng làm việc chung với HT Thích Minh Châu tại Đại Học Vạn Hạnh, hơn ai hết, Cư Sỹ Trí Không là người xác đáng nhất để hiểu được tâm ý và đường hướng sinh hoạt của Ngài. Cư Sỹ Trí Không xác nhận việc người thế gian, ngoại đạo cáo buộc Ngài Minh Châu là Cọng Sản nằm vùng hoặc cấu kết với Cọng Sản làm sụp đổ đệ nhất, đệ nhị Cọng Hòa, Miền Nam Việt Nam là không có cơ sở. Chính Ngài Minh Châu đã khuyên Thầy Trí Không đừng nên sa đà sâu vào cuộc biểu tình nổi dậy của Phật Giáo năm 1963 bởi vì mỗi người có những thiên chức khác nhau, người làm việc giáo dục thì chuyên lo việc giáo dục và khi Cộng Sản chiếm được miền nam 04/1975, Đại Học Vạn Hạnh là một trong những cơ sở cần phải tịch thu chiếm dụng của Cộng Sản Việt Nam, nếu Ngài theo Cộng Sản thì họ đâu có đối xử như vậy?

Còn về phước duyên gần gũi với Cố TLHT Thích mãn Giác thì : ngay sau khi du học về, TLHT Mãn Giác đón Thầy Trí Không tại sân bay và đưa lên Đà Lạt chơi 2 tuần trườc khi về lại Saigon, có duyên cùng làm việc liên tục với Ngài trong những năm tháng phụ trách tại Đại Học Vạn Hạnh và có duyên gần gũi thăm viếng Ngài tại Los Angeles khi 2 người cùng định cư vùng Cali, Hoa Kỳ.

-       Đặc biệt, đại diện cho hiện tiền chư Tôn Đức Tăng Ni, HT Thích Nguyên Trí, Phó Chủ Tích Nội Vụ, Hội Đồng Điều Hành, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK), Viện chủ Chùa Bát Nhã, Santa Ana truy tán công hạnh của 2 bậc Thầy, nhị vị tiền bối hữu công, GHPGVNTN và ngài khẳng định : coh dù các thế lực vô minh tìm cách đánh phá lộng giả thành chơn, đặt điều xuyên tạc về Quý Ngài hòng làm lung lay niềm tin và tôn kính đối với nhị vị TLHT, thế nhưng là người con Phật chúng ta không ngại trước những thủ đoạn đen tối đó, hôm nay cùng đến đây đảnh lễ, niệm tưởng đến Quý Ngài, luôn luôn trân trọng công ơn trời bể của Quý Ngài và nguyện đi tiếp con đường Quý Ngài đã đi, sao cho Pháp Luân Thường Chuyển, hoằng dương Chánh Pháp tại Hải Ngoại.

-       Sau đó là Khoá Lễ Truy Tiến Giác Linh nhị vị Hòa Thượng, do HT Thích Phước Thuận làm sám chủ và ban kinh sư Huế đưa Giác Linh Quý Ngài trở về với những năm tháng nơi già lam, chiếc nôi Đạo Pháp, Chùa Thiên Minh, Chùa Tường Vân,…

-    Cuối cùng là chương trình văn nghệ với những giai điệu quê hương và Đạo Pháp, tôi thả tâm hồn mình trong âm hưởng 2 nhạc khúc : Xuân Đã Về Chưa? (Sáng tác Huyền Không) và Tình Cha – Hai Ngài đối với chúng ta như những vị Cha tinh thần trong ngôi nhà tâm linh.

Nhìn lớp lớp người thành kính, từ các phương xa về đây trọn một lòng để được tham dự Lễ Tưởng Niệm này tôi hiểu điều như nhà thơ Nguyễn Du đã nói về cái chết ;

“Thác là thể phách, còn là tinh anh”

Đại Thi Hào này, Nguyễn Du – Tiên Điền - Tố Như, có lần tự hỏi :

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”

(Không  biết ba trăm năm lẻ

Thiên hạ ai người khóc Tố Như)

Còn hai Ngài, giờ này đây, biết bao nhiêu người, người cộng sự năm xưa, học trò, đệ tử, Phật tử khắp năm châu khóc tiễn biệt Người, hiểu cảm thông hạnh hai Ngài suốt đời “Lấy từ bi xóa hận thù”

Vui thay chúng ta sống

Không hận giữa hận thù

Giữa những người thù hận

Ta sống không hận thù”

(Kinh Pháp Cú 197, HT. Thích Minh Châu dịch)

và như hình ảnh của voi lâm trận hứng chịu bao nhiêu cung tên :

Ta như voi giữa trận

Hứng chịu cung tên rơi

Chịu đựng mọi phỉ báng

Ác giới rất nhiều người”

(Kinh Pháp Cú 320, HT. Thích Minh Châu dịch)

“bát phong xuy bất động”, trước bao thuận nghịch cuộc sống, hành giả vẫn nhẹ nhàng, an nhiên, tự tại thong dong :

Buông bỏ hết buồn đau hờn giận

Không âu lo, vướng bận viễn vông

Thở vào, mây trắng thong dong

Thở ra, mây nở nụ hồng đẹp xinh.”

 

Hàng trăm, hàng ngàn năm về sau nữa, lịch sử sẽ tô điểm những nét son, bao thế hệ sẽ mãi mãi trân trọng nhắc nhở thông qua sách vở tại các thư viện trên thế giới, phim ảnh, những lời giáo huấn, hai Ngài là hai ngôi sao chói sáng vào thế kỷ XX – XXI, những nhà văn hoá, nhà giáo dục tài ba, những bậc Thầy gương mẫu tận tụy, khai đường mở lối cho lớp lớp người đi theo,…

Cũng với tâm sự một tu sỹ tha hương con cảm nhận được nỗi lòng tha thiết canh cánh như tiếng kêu khắc khoải của đỗ quyên, với “quốc quốc”, tiếng lòng của Người thắm đượm những vần thơ :

 

Ô hay non nước của mình

Mà sao ta phải dứt tình ra đi

 

Ta là hạt cát biển đông

Đêm ngày thao thức mãi trông lối về

Nhìn trăng, thấy rõ đường quê

Mây bay một nẻo, gió về một phương.

 

Thương xuân tuyết trắng trên đầu núi

Nhớ nước làm sao nở nụ cười

(Huyền Không)

Có ai gọi mãi tên tôi

Bao năm xa xứ đứng ngồi không yên

Quê Hương Đạo Pháp chưa quên

Con tim ôm trọn ba miền nhớ thương

(Gọi Tôi - Huyền Không)

 

Kiệt tác : “Nhớ chùa” mô tả nỗi niềm khách tha hương nhớ về chùa quê thuở nào, trong đó có 2 câu thơ bất hũ như ca dao tục ngữ đi vào lòng người bao thế hệ :

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của Tổ Tông’

Con chợt nhớ đến di chúc của TLHT Thích Mãn Giác với : “Mấy lời gửi lại” hiện treo ở phòng kỷ niệm :

“Mỗi khi nghĩ đến Đạo Pháp, tôi thật xót xa cho hoàn cảnh của chúng ta ngày nay. Ở đâu cũng có ngang trái, ở đâu cũng có chia cách, từ bên ngoài đến lòng người. Tôi không còn sức để nghĩ nhiều. Tôi cũng không nghĩ đến sự phải trái của một ai nữa. Tôi chỉ thầm nguyện mong sao cho mọi ngang trái được vượt qua,  mọi ngăn cách được san bằng để người Phật tử chúng ta chung lòng chung sức hàn gắn lại những gì đã vỡ, gầy dựng lại những gì đã mất để trên không phụ ơn Thầy Tổ, dưới mở đường cho thế hệ tương lai. Được như thế thì Phật Giáo mới vững bền và tiền đồ mới xán lạn. Còn không được thì chúng ta còn biết lấy gì để trông đợi nữa đâu?! Sống nếu tôi không thỏa mãn được tâm nguyện này thì cũng xin mong chờ ở sau này nơi các anh em hậu học.

Riêng tôi lúc này nhìn lại đời mình, tự thấy chỉ được một điều an ủi. Đó là từ trước đến sau, tôi chỉ có một tấm lòng với Đạo, với quê hương. Tấm lòng với Đạo cho tôi nguyện dù sống hay chết cũng chỉ ở trong Đạo, phước hay họa thế nào cũng không bao giờ bỏ Đạo. Có gì chân thật như Đạo của Phật nữa đâu! Danh lợi hão huyền một đời cũng đủ cho tôi chứng nghiệm.

Còn tấm lòng với quê hương thì tôi xin ước nguyện cho quê hương được thanh bình, cho mọi người sống trên quê hương được an lành, tự do, no ấm, không còn bị tai trời, ách nước, họa người làm cho điêu đứng.

Đó là tấm lòng, là tâm nguyện một đời tôi xin gửi lại cho những người đã và sẽ còn có duyên cùng tôi trong cuộc đời này .

Los Angeles, ngày 15 tháng 04 năm 2006

Sa Môn Thích Mãn Giác.”

Quả thật chí tình chí nghĩa, cao cả làm sao, tấm lòng của Ngài đối với Tăng già, Đạo Pháp, quê hương thật không sao kể xiết. Trong những ngày cuối đời, khi đang nằm tại bệnh viện, hay tin tại Viện Phật Học Vạn Hạnh tổ chức cuộc hội thảo quốc tế qua chủ đề : “PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC “

Ngài đề nghị gửi tịnh tài cúng dường hỗ trợ và “phơi bày tâm can”, kiếp đúc kết kinh nghiệm một đời viết gửi bài tham luận :

“….Hai, Phật đích thân đến với quần chúng chứ không ngồi đợi quần chúng tìm đến Phật. Phật tìm đến quần chúng để được quần chúng bố thí thức ăn quần áo thuốc thang, và để tạo cơ duyên cho Phật và thánh chúng bố thí giáo pháp lại cho quần chúng.

Thứ hai, nhân loại luôn luôn bày chuyện để làm khó dễ nhau. Xung đột ý thức hệ hơn nửa thế kỷ vừa tan vỡ theo bức tường Bá Linh chưa được mười năm thì mối hận thánh chiến được hà hơi tiếp sức cho sống lại. Vì hai bên xung đối không chịu không lấy ân báo oán mà chỉ lấy mắt đổi mắt, răng đền răng nên tương lai biết đâu có thể có những vùng sẽ chỉ còn những người mù húp cháo, vì bị gãy hết răng, móc hết mắt để làm sáng danh Đấng Tối Cao. Đạo làm cho người gần nhau, nhưng người lại làm cho đạo trở thành tử thù. Cho nên, dù Phật giáo đang xuất hiện như một liều thuốc giải cho căn bệnh thời đại, một hi vọng cho tình huống tuyệt vọng của nhân loại đang tấp tễnh bước vào thế kỷ 21, chúng ta cũng nên để ý đến hai điều này để cho liều thuốc giải đó được hiệu dụng hơn.  Hai điều đó là, 

Thứ ba, người Phật tử Việt Nam phải gia tâm học tập bài học dấn thân hiện đại hóa đạo Phật khởi phát gần như song hành với phong trào cách mạng trong những thập niên đầu thế kỷ trước. Không có quá trình đổi mới hiện đại hóa đó thì cũng không có biến cố 1963, không có biến cố 1963 thì cũng không có Phật giáo hôm nay. Sợi chỉ xuyên suốt quá trình đổi mới hay hiện đại hóa đó là quyết tâm tạo cơ duyên, và dành lấy cơ duyên để phục vụ dân tộc trong ánh sáng của đạo pháp và phục vụ đạo pháp trong điều kiện khế hợp của dân tộc. Uống nước nhớ nguồn, người Phật tử, nhất là các Trưởng Tử Như Lai quyết ghi nhớ và học tập kinh nghiệm, sự nghiệp và những hi sinh của các Tăng Ni Phật tử trong suốt quá trình hiện đại hóa đó. 

Một, ở trong nước, đại khối thanh niên thiếu nữ ra đời sau năm 1975 đang là rường cột của công cuộc xây dựng đất nước, và đại khối quân cán chính, cán bộ công nhân viên đang phục vụ đất nước đã được nhào nặn trong nề nếp suy nghĩ phi tôn giáo, hay xa lạ với tôn giáo, ngay cả các tôn giáo dân tộc như Tam giáo. Ở nước ngoài, hơn 70 phần trăm người Việt xa xứ là Phật tử đang quên dần văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, cũng như đang lo âu trước những bế tắc của xã hội nhưng chưa thấy rõ khả năng đóng góp của Phật giáo để khai thông những bế tắc đó. Nhìn thấy được vấn đề đó tức là nhìn thấy nhu cầu phải triển khai một nội dung thời đại cho việc đem đạo vào đời, phục vụ đời trong ánh sáng đạo pháp vậy. 

4.2. Hai, nội dung thời đại đó phải bao gồm ít ra ba điểm sau đây. 

4.2.1. Một, nêu cao tinh thần hòa hợp hòa giải trên bình diện quốc gia cũng như trong nội bộ Phật giáo. 

4.2.2. Hai, nâng cao ý thức của quần chúng Phật tử về trách nhiệm và sự đóng góp của Phật giáo đối với công cuộc tái thiết đất nước, bảo vệ tổ quốc và xây dựng dân chủ. 

4.3. Ba, thu hút sức ủng hộ của dư luận quốc tế, nhất là Phật giáo quốc tế đối với chính nghĩa Việt Nam, và hạnh nguyện phục vụ đạo pháp và phục vụ dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

Phật đã từ bỏ chức quyền tự lợi thế tục để trở thành một vị Thầy, một gương sáng, trở thành một kẻ lữ hành dấn thân vào đời, đến với quần chúng. Cuộc hội thảo Cơ Duyên và Thử Thách của Phật Giáo Thế Giới và Phật Giáo Việt Nam mà quý vị gia tâm tham dự hôm nay là một hạnh nguyện dấn thân nhập cuộc loại ấy. “

Cùng với việc đọc lại di chúc và bài tham luận “Về một hướng đi của Phật giáo Việt Nam” chắt lọc những tâm tình, kinh nghiệm, trí tuệ cuối đời của Ngài Mãn Giác, trong niềm kính tưởng này, xin mọi người hãy cùng đọc lại lời khai thị của TLHT Thích Minh Châu về : “Đạo Phật và nền trật tự đạo đức mới”, trích lược bài phát biểu tại cuộc hội thảo "Đạo Phật và sự lãnh đạo về hòa bình" tổ chức tại Ulan Bato, Mông Cổ, từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 8 năm 1989 vì mọi điều nêu sau đây có liên quan mật thiết đến mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng và xây dựng thế giới chân thiện mỹ :

“…Đạo Phật đề cao nỗ lực toàn thể cá nhân, hướng tới tạo ra giữa các dân tộc giữa các quốc gia cũng như giữa con người với nhau một bầu không khí thông cảm lẫn nhau, tin tưởng và kính trọng lẫn nhau, loại bỏ mọi thành kiến, như tự ty mặc cảm, tự cao tự đại, rất hại đến nhân phẩm và giá trị con người.

Chúng tôi, những người Phật tử xem là hết sức khẩn thiết xây dựng một nền kinh tế mới, một nền trật tự đạo đức mới có khả năng làm lắng dịu mọi sân hận và mọi biến động, làm lành mạnh hóa không khí chính trị quốc tế hiện tại, chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới nhân đạo hơn và có ý nghĩa hơn.

Vì vậy theo ý chúng tôi, ưu tiên một số dành cho sự xây dựng một nền trật tự đạo đức mới, dựa vào một số nguyên lý căn bản nhân đạo, được cộng đồng thế giới chấp nhận. Và đối với vấn đề hiện đại này, đạo Phật với truyền thống là một đạo hòa bình, có thể có những đóng góp có giá trị.

Các thiếu sót cơ bản của con người hiện đại của chúng ta là chiều hướng đánh mất con người thật của mình, và chạy theo cái Ta giả với những khao khát, thèm muốn cuồng loạn, không bao giờ có thể thỏa mãn. Với một nếp sống văn minh vật chất rất cao, con người hiện đại sống một đời sống vật chất rất phong phú. Nhưng đời sống tinh thần và nguyện vọng tâm lý của con người không được thỏa mãn và bị dao động. Con người hiện đại luôn luôn có cảm giác bất an dao động và mất thăng bằng. Với một tâm lý như vậy rất dễ hướng dẫn nhiều người đi đến ma túy các bệnh viện tâm thần và có khi đi đến tự sát.

Một đời sống đạo đức như vậy sẽ đem lại thiền định nội tâm, và một thiền định nội tâm như vậy sẽ bảo đảm sự sáng suốt của trí tuệ, và một người có trí tuệ có thể nhìn sự vật như Thật. Chính nhờ thái độ như vậy, con người có khả năng làm chủ bản thân, làm chủ sự vật khách quan, chớ không phải nô lệ cho chúng. Thật đáng tiếc, thông điệp Giới-Định-Tuệ của đức Phật đã trở thành nạn nhân của chính con người, đã bị phủ lên trên bao nhiêu lớp màn huyền bí, mê tín, dị đoan, kinh viện, khiến cho tinh thần và lời văn của bản thông điệp trong sáng và giản dị đó đã bị xuyên tạc, bóp mép, trở thành đổi khác, xa lạ với chính ngay con người.

Để kết thúc bài thuyết trình chúng tôi muốn giới thiệu một nền trật tự đạo đức mới, được xây dựng từ những lời dạy Đức Phật, và được áp dụng trong thời điểm hiện tại, nếp sống đạo đức này sẽ làm giảm thiểu những nguy cơ một chiến tranh hạt nhân và mở đầu một kỷ nguyên trong đó hòa bình, an toàn và hòa hợp sẽ trở thành những đặc điểm thường hằng nổi bật nhất, và các giá trị con người được tán dương và tôn trọng:

Hiến dâng đời sống của chúng ta cho hạnh phúc và an lạc của mọi loài hữu tình, phục vụ cho hòa bình, giải trừ quân bị và tình huynh đệ quốc tế.

Sống một đời sống bình dị, lành mạnh và biết đủ, để hiến nhiều thì giờ, nhiều năng lực cho hòa bình và hạnh phúc của mọi loài hữu tình.

Từ bỏ mọi hành động đưa đến xung đột và chiến tranh, thực hiện mọi hoạt động đưa đến hòa bình hòa hợp và thông cảm quốc tế.

Tôn trọng đời sống của mọi loài hữu tình, tôn trọng đời sống hành tình của chúng ta, tôn trọng môi trường sống trong sạch của chúng ta.

Chung sống hòa bình, cộng đồng hợp tác, trong tinh thần hòa hợp quốc tế và tình huynh đệ con người.”

Khi mọi người lần lượt ra về, tôi tiến đến trước án tiền lặng lẽ tâm thành khấu đầu đảnh lễ nhị vị Tôn Sư ba lạy tri ân duyên phước trong kiếp sống con được gặp gỡ trực tiếp và thọ giáo từ Quý Ngài. Qúy Ngài là những người khai sáng và phát triển Đại Học Vạn Hạnh mà con học và trưởng thành từ nời đó, Quý Ngài viết sách dịch kinh mà con được tưới tẩm mưa móc, Quý Ngài là bậc tiền bối hữu công trong GHPGVNTN mà con đang dấn thân phục vụ, Quý Ngài truyền trao ngọn đèn Chánh Pháp từ Phật, Tổ Sư đến thế hệ chúng con. Hôm nay con tưởng niệm Quý Ngài, nhớ mái trường xưa, Thiền Viện Vạn Hạnh, nhớ đến chiếc nôi Đạo Pháp và quê hương Việt Nam. Bài học từ nơi thân giáo cuộc đời của hai Ngài rất nhiều : vô ngã, vị tha, dấn thân, phục vụ, hi hiến, chịu đựng, dồn tất cả năng lực “duy tuệ thị nghiệp” cho giáo dục Phật Giáo, hoằng dương Chánh Pháp. “Ngưỡng vọng chi cao cao”, con khấu đầu đảnh lễ, việc cần làm đã làm xong, Nhị vị Tôn Sư đã xả bỏ ra đi. Trước kia, tại Đại Học Vạn Hạnh, hai Ngài cũng ngồi song song với nhau, bây giờ nơi án tiền này, hai Ngài đang toạ vị cân phân, nơi  miền Tịch Lạc bên kia thế giới, hai Ngài đang gặp lại sau một cuộc vân du Ta Bà thế giới :

Ta từ sinh tử về chơi

Ngồi trên chóp đỉnh, mỉm cười với trăng

Chúng con không còn gặp được nhị vị Tôn Sư  bằng xương bằng thịt nữa nhưng nhị vị đang với trăm ngàn hoá thân vào trong vũ trụ mênh mông, các Ngài đang là mây trắng thong dong, chúng con xin kết tâm hoa cúng dường, pháp âm các Ngài vang vọng mãi mãi ngàn sau làm kim chỉ nam, là chất liệu dựng xây cuộc đời hạnh phúc, cho nhân gian luôn thắm nụ cười :

Ngàn năm mây trắng thong dong

Phiêu bồng hóa hiện mênh mông cuối trời

Còn đây, một đóa hồng tươi

Trên  môi nhân loại nụ cười còn nguyên

   Quả thật “ngôn ngữ trần gian là túi rách” thật khó mà vay mượn chắp vá để mô tả trọn vẹn công hạnh kỳ vĩ của Quý Ngài. Chúng con, hàng học trò của Quý Ngài nguyện tiếp bước con đường Quý Ngài đã đi hoằng dương Phật Pháp, lợi lạc quần sanh, kế vãng khai lai, báo Phật tổ, ân sư công đức. Còn giọt lệ phân ly hôm nay trước án tiền với tấm lòng này xin nhị vị Tôn Sư chứng giám và gia bị cho con đi trọn cuộc lữ mang tâm sự “kẻ lữ hành cô độc” :

Còn đây giọt lệ cuối rơi

Trần gian xin hứng, cuộc đời xin mang

 

Nam mô Việt Nam Phật Giáo Thống Nhất Giáo Hội Tổng Vụ Trưởng, Vạn Hạnh Đại Học Giám Hiệu, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích ­­thượng Minh hạ Châu cập Trưởng Lão Hòa Thượng Thích ­­thượngMãn hạ Giác nhị vị Tôn Sư Giác Linh thùy từ chứng giám

  

Khể thủ

                                                                                         Hậu Học : Thích Minh Tuệ

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này