Những bông hoa đang thiền - Phật Giáo Việt Nam
02:55 +07 Thứ ba, 30/04/2024

Những bông hoa đang thiền

Thứ năm - 24/05/2012 11:46
(HDPT) - Tập thơ 68 bài thơ, dày 84 trang, Những bông hoa đang thiền - Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa ra mắt bạn đọc tháng 3-2012. Những bài thơ vốn người ta phải sống rất chậm, để sinh sôi ra nó và như thế cũng đòi hỏi người đọc cần đọc chậm.
 

 

 

Tôi nhẩn nha xem Những bông hoa đang thiền chậm rãi nở. Từng bài một hiện dần ra một con người tràn ngập yêu và sống, nhưng lại được diễn giải với thứ ngôn từ dung dị và rất trầm tĩnh, an nhiên: Ngồi bên anh/ Im lặng/ Hai bàn tay ngại ngần dan díu/ Mở cánh một loài hoa.

Thế giới quan ở quanh con người ấy vẽ ra nhiều suy cảm sâu sắc, về tình yêu, về mẹ, về quê hương... Cảm giác mang lại ở toàn tập là tác giả ở cái tâm tĩnh khi bộc lộ, tình cảm hay tình cảnh đã trôi qua. Tất cả những mảnh vụn tưởng như rời rạc của sự trải nghiệm giúp người đọc nhận ra bản ngã của một người đàn bà chẳng còn son trẻ, và tên chị là Bình Nguyên Trang.

Sinh ra ở Nam Định, thực ra Bình Nguyên Trang từ lâu đã làm thơ và thơ khá già dặn. Người ta hẳn không quên một cái tên ở Hoa học trò, ở Văn nghệ trẻ một cây bút tuổi khi thiếu nữ, ở độ xanh nhất, lại suy tư: Em nhìn đâu cũng thấy cánh đồng không. Hay Con lạc mẹ đã bao nhiêu năm/ mỗi thiếu thốn dài 365 ngày sống. Thơ vậy thì thật không phải suy tư hồn nhiên của lứa người mới lớn. Và, hôm nay thơ của Trang vẫn cảm giác “già trước tuổi”. Chỉ có điều không giấu được độc giả, đây vẫn là tình cảm, suy tư, dù triết luận vẫn rõ chất nữ tính, đàn bà ăm ắp.

Hãy nghe giọng của chị ở “Độc thoại”: Khi tôi bóc vỏ mình ra/ tôi là hạt mầm/Thắp lên một bình minh màu máu/ Hạnh phúc ở đâu?/ Tình yêu ở đâu?... Đừng bỏ em đi/ người yêu ơi/ Tôi khản giọng/ tôi bóc vỏ mình rồi... Hay trong bài “Dường như”, nhà thơ đứng ở bên ngoài cuộc tình của mình, mà phán xét: Ta đã chơi trò số phận/ Hân hoan đi mỏi mệt quay về/Đã mất nhau, đã còn nhau như thế/ ngay bên thềm một trái tim đau.

Những câu thơ nặng suy tư như thế cứ lặp đi lặp lại trong cả tập thơ. Nó bay lưng chừng một cơn buồn chán trên Cánh đồng mê sảng một đêm buồn tháng Chín. Ở đây có thể là cánh đồng quê hương, có khoai, sắn, có tuổi thơ, kỷ niệm và rơm vàng thật sự, song có thể còn là cánh đồng nào đó ở tâm tưởng, khi ngay dưới cánh đồng lại là: Thổi vào hư không bóng nhân loại tỏ mờ.

Thơ Bình Nguyên Trang ngoài tính suy tưởng, gợi cho người ta về bản ngã, về sự chiêm nghiệm và nhận thức quan niệm về cuộc sống, hạnh phúc. “Trong triển lãm có tên là hạnh phúc”, “Cánh đồng”, “Đào Phai”, “Một giọt huê tình”, “Gương mặt tình yêu”, v.v. có nhiều câu thơ hay, rất gợi.

Thơ Việt Nam đang có sự vận động. Từ thời Lưu Quang Thuận, Lê Đạt, tới lứa Hoàng Hưng và những tác giả trẻ ngày nay, đại diện như Đỗ Doãn Phương, Đinh Thị Như Thúy (hai gương mặt mới, vừa nhận Giải thưởng Thơ hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam), có một sự cố gắng thay đổi khỏi hình thức thời thơ mới và sau là thơ thế hệ chống Mỹ, song sự gặt hái cũng chưa đủ để định ra một trào lưu. Bình Nguyên Trang bộc lộ ở bài thơ Chán niêm luật, là khao khát  Bãi công niêm luật (1), muốn tìm tới sự tự do trong thi pháp, song thực ra cái phá phách không ngoài sự bỏ vần, nhịp vốn định hình từ thơ lứa chống Mỹ. Tôi cho rằng, thơ Bình Nguyên Trang ở hình thức, không muốn cách tân ở xu hướng hậu hay hiện đại nào cả. Thậm chí có những bài như bài thơ vẫn là cách tổ chức trật tự tứ kinh điển. Thậm chí, nếu không có tứ cuối bất ngờ thì bài “Thản nhiên” sẽ nhàm: Rất có thể/ Anh ngàn năm/ không tới/ Em - Loài hoa rất buồn/ Thản nhiên xanh.

Có người đọc tên của tập thơ này, khi thấy từ Thiền, hỏi Bình Nguyên Trang có phải xu hướng phật giáo gửi gắm đâu đó chăng? Những bông hoa đang thiền, tên một bài thơ và tên cho toàn tập ẩn chứa một tứ lạ. Thiền thực tế không chỉ dành cho các nhà sư, hay cho các người tìm tập cõi tu hành. Nó là sự Tĩnh tự - Một trạng thái sống. Có định nghĩa khái quát “Thiền không chỉ là phương pháp, phương tiện, nó là một trạng thái tâm thức không thể định nghĩa, không thể miêu tả và phải do mỗi người tự nếm trải”. Tập thơ của Bình Nguyên Trang có thể sử dụng từ Thiền với ý nghĩa như vậy chăng? Những bài thơ - những đóa hoa - lời của một người đàn bà, diễn giải một tâm hồn trong tâm thức an nhiên, chín chắn nhưng dám sống, khám phá và hướng thiện.

—————————

(1) Những câu thơ đang thiền, trang 174 - Lời bạt của nhà thơ Mai Linh.

THỤ NGUYỄN
 
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này