Phiên bản tranh quý 'Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ' lộ diện - Phật Giáo Việt Nam
04:39 +07 Thứ sáu, 26/04/2024

Phiên bản tranh quý 'Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ' lộ diện

Thứ hai - 26/08/2013 16:50
Phiên bản tranh quý 'Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ' lộ diện

Phiên bản tranh quý 'Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ' lộ diện

(HDPT) - Phiên bản bức tranh quý, được coi là báu vật lưu hy hữu thời Đại Việt đang được trưng bày trong khuôn khổ triển lãm “Ngàn năm áo mũ” diễn ra tại Manzi Art Space, Hà Nội.
 
 











1-1377491562.jpg

Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ (Đại sĩ Trúc Lâm xuất núi) là một họa phẩm được vẽ cuối thế kỷ XIV, miêu tả sự kiện Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành đắc đạo, rời khỏi động Vũ Lâm trở về, vua Trần Anh Tông cùng các quan ra nghênh đón. Họa phẩm này do Trần Giám Như thực hiện vào năm 1336, sau đó được các danh họa thời Minh thêm vào lời bình dẫn, tôn vinh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng họa sĩ vẽ bức tranh là người Việt Nam, bởi căn cứ vào sự việc năm 1420, Trần Quang Chỉ - một thổ quan Việt Nam thời Thuộc Minh - đã viết lời bạt cho bức tranh, và tiếp tục mang tranh tới Bắc Kinh xin lời ký, lời bạt của hai vị quan Hàn lâm triều Minh.

Năm 1922, "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" được hoàng đế Phổ Nghi bí mật đưa ra ngoài và lưu lạc tới năm 1949 mới được đem về lưu giữ tại bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc. Tại Việt Nam, các hình ảnh về bức tranh này thường có dung lượng nhỏ, hoặc chỉ là một phần bức tranh. Phiên bản bức "Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ" trưng bày tại Manzi do nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Đức liên hệ với bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc scan lại nguyên bản, với tỷ lệ 1:1. Vì thế đây là dịp để công chúng chiêm ngưỡng đầy đủ, chi tiết về bức tranh quý này.

"Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ" là bức tranh cuộn được làm theo lối hiện thực, với chiều dài tới 3,1m, rộng 0,4m, được chia thành hai trường đoạn. Trong tranh có 82 nhân vật, có đủ tăng sĩ, nho sĩ và đạo sĩ thể hiện rõ tư tưởng "Tam giáo đồng tôn" thời Trần.

2-1377491562.jpg

Trong trường đoạn thứ nhất, cảnh Đại sĩ xuất sơn, vẽ Phật hoàng Trần Nhân Tông dời núi, ngài ngồi trên kiệu võng, đã xuống tóc, với trán cao, mày dài, ánh mắt sáng ngời thông tuệ, nhân từ. Ngài mặc áo cổ tràng vạt, tay lần tràng hạt, xung quanh là đoàn tùy tùng với người gánh bộ đồ trà, người cầm lọng, người cầm gậy, các nhà sư người Hồ, thiền phái Nam tông. Phía trước Phật hoàng có hạc dẫn đường.

3-1377491562.jpg

Phía sau Đại sĩ là người bạn tâm giao - đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Các lão sư người Hồ với đầu hói, râu quai nón bưng kinh sách, cầm tích trượng, lại có cả vị đại sư do mắt kém mà được dẫn qua cầu đá bị gió lộng thổi bay áo thiền để lộ vòng bạc ở cổ chân của Ấn Độ.

4-1377491562.jpg

Đi cuối đoàn là chú voi trắng được trang hoàng lộng lẫy, cầu kỳ để chở kinh. Chú voi này được gắn các hạt châu, hoa cúc vào đôi ngà, đỉnh đầu thì gắn hình hoa sen cách điệu, còn lưng chú voi phủ thám Ba Tư… Trường đoạn này có nền là mây núi trùng điệp, phía xa là sông Ngô đồng lấp lánh, với hoa lau trắng, thông già, ngô đồng phấp phới bờ sông.

5-1377491562.jpg

Ở trường đoạn thứ hai là cảnh vua quan triều thần nghênh đón Phật hoàng. Hoàng đế Trần Anh Tông với dáng vóc uy nghi, nét mặt nghiêm trang, trên búi tóc có buộc khăn, mặc áo bào kép 5 thân tay thụng, quần dài, chân đi giày cao cổ. Các quân cấm y vệ vác bảo kiếm hộ vệ, lại có một đại quan vác thượng phương bảo kiếm đứng hầu. Bách quan mặc áo gấm tía, tay thụng, mũ chữ đinh kiểu lục lăng có tai mũ quấn cong ra sau.

6-1377491563.jpg

Phía sau là quân lính mang kiệu, lọng, ngựa voi để rước Phật hoàng về kinh trước khi ngài ra Yên Tử. Đoàn người dài được vẽ chi tiết, mang giá trị lịch sử, là nguồn tư liệu quý cho những nghi lễ nghênh đón của thời Trần. Ở đây kiệu lọng ba tầng tay ngai chạm hình rồng mây thời Trần, ngai tựa hình lá đề. Các võ sĩ khiêng kiệu đầu đội mũ lục lăng, quân cấm y vệ thì cầm thiết chùy và côn, thiết giản đứng hầu.

Xung quanh "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" hiện còn rất nhiều tranh cãi về nguồn gốc xuất hiện. Tuy nhiên, việc trưng bày phiên bản đầy đủ của "Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ" là một dịp quý cho công chúng thưởng thức họa phẩm. Không chỉ là một kiệt tác của hội họa, bức tranh còn mang rất nhiều giá trị lớn lao về lịch sử. Từ bức tranh này, các nhà nghiên cứu có thêm nhiều cứ liệu để khẳng định về nhiều vấn đề như trang phục, tôn giáo, nghi lễ triều chính, phong cảnh… để qua đó có thể khẳng định trong lịch sử, cha ông ta đã có nền văn hiến rực rỡ như thế nào.

 

 

Hiền Đỗ (Vnexpress)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này