Phước Hưng-Một Thời Để Nhớ - Phật Giáo Việt Nam
00:44 +07 Thứ bảy, 18/05/2024

Phước Hưng-Một Thời Để Nhớ

Thứ ba - 30/10/2012 05:22
(HDPT) - Kính dâng Cố Hoà Thượng với tất cả tấm lòng thành kính và ngưỡng mộ! Ngài an nhiên thị tịch ngày Rằm Tháng Chín năm Đinh Mão-1987
 

Kính bạch giác linh Hoà Thượng,

Ngày Hoà thượng thâu thần trở về thế giới Niết bàn vô trụ, con đang ở Sài gòn hầu cạnh

Hoà thượng Huệ Quang. Hoà thượng Huệ Quang có nhắc nhở và khuyên con nên về dưới góp phần nhỏ mọn vào tang lễ. Nhưng lúc đó, tâm hồn con bối rối, rã rời. Thế là, Hoà thượng đi với chú Lệ Hạnh xuống Phước Hưng để tham dự Tang lễ.

 

Giờ này, nơi thành phố tất bật ồn ào, con xin hướng về chốn tổ Phước Hưng thiêng liêng, chất chứa ngàn khối chân tình, dâng lên lòng ngưỡng mộ cung kính đối với Giác linh Ngài.

Con thiết tha kính dâng lên Ngài một đoá hoa Vô Ưu, được dưỡng nuôi, chăm sóc và tưới tẩm từ những tháng ngày an cư kiết hạ tại Phước Hưng đạo tràng.

Con thành kính dâng lên Ngài những ngôn từ đơn sơ từ tận đáy lòng để xưng tán bậc thánh trí tuyệt vời, những Điệu Tán Công Phu ngọt ngào với nụ cười hoan hỷ trên môi!  

Đất trời Đồng tháp, cỏ hoa Sa đéc, sông nước Cổ Chiên sẽ khắc sâu trái tim của Ngài. Bởi vì sự hiện diện của Hoà thượng phần nào xoá tan bao nỗi đau thương trầm thống của kiếp nhân sinh!

Kính bạch giác linh Ngài!

Bao nhiêu năm gắn bó với Sa-đéc, sau khi tốt nghiệp khoá Như Lai Sứ Giả ở Pháp Hội, Ngài được Giáo hội bổ nhiệm về trụ trì Phước Hưng Cổ Tự. Từ đó đến nay, hơn nửa đời hành đạo, Ngài chỉ mong mỏi một điều duy nhất là mang ánh sáng Phật pháp đến quảng đại quần chúng, bằng tất cả phương tiện có thể thực hiện được.

 

Hồi đó Kim Huê ruộng đất cò bay mỏi cánh, thành thử đâu thiếu ăn, thiếu mặc thiếu gạo. Nhưng bù lại tất cả chư vị lớn nhỏ trong chùa đều phải đi cày, áp dụng triệt để tinh thần của Tổ Quy Sơn. Còn Phước Hưng, ngoài khu vực chùa và sân chùa ra, không có một miếng đất chọi chim hay làm thuốc. Tuy thuyết pháp giảng kinh rất ăn khách, nhưng Hoà thượng lại chọn con đường đại khai phương tiện, xem thiên văn địa lý, xủ quẻ âm dương, coi ngày tốt xấu hôn quan tang tế, bấm tay xem hướng cất nhà. Một mình Ngài nuôi cả chùa an thân tu hành, thật vất vả vô cùng! Dân Sa đéc hồi đó đồn Ngài là thánh sống, linh thiêng, vì coi đâu trúng đó. Một mình Hoà thượng phương tiện hành nghề, bông trái phía dưới nhà tổ, bên trên chánh điện, ngoài bàn thờ Quán Âm lộ thiên, lúc nào cũng xanh tươi, tươm tất. Còn dưới nhà trù, đồ ăn dư dật, tàu hũ bột ngọt nước tương tràn ngập, mấy lu gạo lúc nào cũng đầy nhóc.

 

Có lần, Hoà thượng xin phép Thầy con để truyền nghề lại cho con coi như thế hệ kế thừa: “nè ông đạo, ra đây tôi chỉ cho mấy chiêu. Ngồi một chỗ bấm tay, xủ quẻ, tạo phước cho bá tánh, có tiền cất chùa nuôi chúng cũng được lắm đó. Thắng tàng à! Thời này mà giảng kinh thuyết pháp, tốn cơm tốn gạo, tốn sức tốn hơi, nhưng chưa chắc thành công à nghen. Khó khăn cực khổ vô cùng tận à”.

Nghe thì thích thú lắm, nhưng bản thân con không có khiếu về những bí kíp mà Hoà thượng muốn truyền trao. Lúc đó, con ham chơi, hơn thích học. Con muốn ngao du đó đây cho qua ngày đoạn tháng vậy thôi. Ngoài ra, con không thích gì hết, kể cả học hành tiến thân.

Kính bạch giác linh Hoà Thượng!

Quả thật, ngoài khả năng hoằng pháp, Ngài còn nổi tiếng về Tử vi phong thuỷ, chú nguyện cho phép để dân thương mại ngoài chợ làm ăn nữa. Chắc chắn Ngài chỉ coi đó là phương tiện tạm thời để dắt dẫn bá tánh đến gần Phật pháp, hầu có cơ hội truyền trao ánh sáng từ bi, trí tuệ và đời sống tâm linh siêu mầu đến mọi người.

Từ sáng sớm đến chiều tối, Ngài luôn bận rộn với công việc cứu đời giúp người. Đời sống của Ngài vô cùng bình dân giản dị, như hơi thở đối với sự sống của con người, như nước sông Tiền mang phù sa vào ruộng đồng bao la của vùng Châu Thổ Cửu Long!

 

Ngoài ra, con còn nhận thấy, Ngài là bậc luôn trân quí tình pháp lữ, cũng như tôn trọng ý kiến của hàng đệ tử, bá tánh bình thường.

Nhớ mỗi lần Hoà thượng Huỳnh Kim từ Sài gòn về giảng dạy cho Trường hạ, Ngài đều sắp xếp thời giờ riêng để hàn huyên tâm sự, sẻ chia những kinh nghiệm hành đạo của người ở thành thị với kẻ ở thôn quê. Một cách tế nhị, thông thường Hoà thượng hay chờ cho đại chúng lên chánh điện công phu hết rồi, Ngài mới đích thân chuẩn bị bánh trà trên bàn rồi cung thỉnh Hoà thượng Huỳnh Kim đến.

 

Chiều hôm đó, sau khi Hoà thượng Huỳnh Kim đăng đàn thuyết pháp xong, Ngài trở về Phước Hưng chờ Hoà thượng Huỳnh Kim đến để đàm đạo. Nhưng sau khi chờ hơi lâu, Ngài đã đi tới đi lui nơi nhà tổ một hồi, bất chợt thấy con đang châm dầu, lau ống khói, luôn tiện Ngài đến bảo con: “Nè ông đạo, làm ơn kiếm dùm coi Hoà thượng pháp sư đi đâu mất rồi. Ông ra sau hè kiếm thử coi”! (năm đó, con được phân công trong Ban hương đăng. Quý Thầy Thiện Hiệp, Thiện Trí lo phần chưng bông trái. Con chịu trách nhiệm châm dầu, lau ống khói đèn, nên được miễn công phu chiều với đại chúng)

Vâng lời Hoà thượng, con đi mới mấy bước ra phía hậu tổ, thì gặp Hoà thượng Huỳnh Kim đi lên. “Bạch Hoà thượng, Hoà thượng Hoá chủ đang chờ Ngài trên nhà tổ”-Con chấp tay cung kính thưa.

Khi hai Ngài ngồi vô bàn uống trà, con nghe Hoà thượng tán thán Hoà thượng Huỳnh Kim hết lời. “Thắng tàng quá! Thắng tàng quá! Hôm nay bổn đạo đông chật cả trong ngoài hội trường. Hoà thượng giảng pháp hay vô cùng. Mấy bà già nghe còn mê thấy mồ, huống hồ đám trai trẻ!”

 

-Ôi, có gì đâu, hồi nhỏ có học một chút chữ nghĩa của Thánh hiền, nay truyền đạt lại cho bá gia, gọi là đền ơn Thầy tổ đó mà. Quan trọng là thuyết pháp có bài bản, cộng với chút ít vốn liếng kinh nghiệm sống, đem ra nói là đủ rồi. Phật tử dưới quê, mình nói theo dân quê mới thích hợp-Hoà thượng Huỳnh Kim phân trần.

 

Tình pháp hữu là thế. Người xưa quý bạn bè, tôn trọng tương đắc nhau dữ lắm. Quả thật, đời sống không có bạn tri kỷ hay không người tâm giao chắc là khô cằn, tẻ nhạt lắm. Phải chăng, một phần ý vị của cuộc đời là điều đó? Khi còn sinh tiền, người trí hết lòng vun bồi chăm sóc tình bạn thật khéo léo để thăng hoa, tiến bước trên đường hoằng dương chánh pháp và siêu thoát luân hồi.

 

Sau đó, con ‘rà rà’ lại gần Hoà thượng, thì được Ngài thương tưởng, truyền chút kinh nghiệm giảng sư thật là quý báu:

“Nè ông đạo, ông muốn sau này trở thành pháp sư nổi tiếng như Hoà thượng Huỳnh Kim không? Muốn vậy, ngay bây giờ, ông phải hết sức cố gắng học thuộc lòng ít nhất 10 bài đầu trong bộ Phật học Phổ thông, để làm vốn liếng căn bản. Rồi sau đó bắt trớn đi lên. Sau này lớn lên, được chùa này chùa nọ thỉnh giảng kinh thuyết pháp, đi đó đi đây, kiếm cơm gạo dư sức à nghen”.

 

Lời chỉ dạy vô cùng giản dị, nhưng chan chứa chân tình, đủ đầy kinh nghiệm của một bậc giảng sư, một cao Tăng Phật giáo được muôn người cung kính. Nhưng, con làm không tới nơi tới chốn, bởi vì con làm biếng học thuộc lòng, vả lại bộ Phật học Phổ thông đâu phải ít!

 

Kính bạch giác linh Hoà Thượng,

Một kỷ niệm khó quên nữa là vào mùa An cư kiết hạ, Hoà thượng Chùa Tổ thâu thần thị tịch. Ngài là chứng minh đạo sư của Tỉnh hội, mà cũng là chứng minh tối cao của Hạ Trường, nên Tăng-Ni, Phật tử xa gần vô cùng kính ngưỡng. Con và huynh Trí Nguyên thay phiên đánh trống, gióng chuông hoà lẫn tiếng niệm Phật vang rền của chư tôn đức Tăng-Ni và quý Phật tử trong trường hạ, khi nhục thân của Ngài từ bệnh viện Sa-đéc trở về.

Những giờ phút đó, mọi người ai cũng bàng hoàng trong đau buồn, thương tiếc. Từ quý Ngài lãnh đạo đến những chú Sa-di như con đều có cùng cảm giác giống nhau. Nhưng có lẽ, người đau buồn nhiều nhất, ngoài đệ tử xuất gia của Chùa Tổ, là Hoà thượng và sư phụ con. Cũng chính nỗi đớn đau vô hạn này, mà quý Ngài có những ý kiến về Tổ chức tang lễ không thống nhất nhau.

Thầy con vì đại thể của Phật giáo Đồng tháp, muốn giữ nhục thân của Hoà Thượng Chùa Tổ lại văn phòng Tỉnh hội cử hành đại lễ thật long trọng, xứng đáng với ngôi vị Chứng minh đạo sư. Trong khi Hoà thượng thì chiều theo ý kiến, nguyện vọng của môn đồ pháp quyến Chùa Tổ. Cuối cùng, ngay đêm đó, toàn bộ Tăng-Ni, Phật tử hạ trường phải tiếc thương tiễn biệt nhục thân của Hoà thượng Chùa Tổ về Kiến Văn.

Sự việc đó đã làm cho sư phụ con rất đau buồn trở về Kim Huê luôn. Bởi vì lúc đó, tất cả đều thuận theo quyết định tối hậu của Hoà thượng.

Sau tang lễ, sau Rằm tháng 7, Hoà thượng đã mấy lần đích thân vào Kim Huê để phân trần, giải thích, xin lỗi sư phụ con một cách chân thành. Rồi hai Ngài kết hợp làm việc trở lại như không có chuyện gì xảy ra. Quả thật, con thấy hành động này sao hay quá!

Theo dòng đời trôi chảy, đến tuổi trưởng thành, nhất là thời gian ở Huệ Quang, được sự chỉ dạy tận tình của Hoà thượng sư bác, con mới nhận ra cái hay tuyệt vời của Hoà thượng.

Quả thật, về mặt tiếp người, giao tế ứng xử, gắn chặt nhiều tình cảm trong giới xuất gia, thì Thầy con khác xa với Hoà thượng. Tuy tính tình Hoà thượng rất bộc trực thẳng thắn, nhưng trái tim của Ngài thì luôn bao dung hoà điệu vào trái tim tha nhân, luôn cùng nhịp đập với những người mất mát tình cảm thiêng liêng thân thương nhất hơn là những nghi lễ có tính cách cộng đồng. Chính vậy mà hình ảnh của Hoà thượng vẫn ăn sâu trong tiềm thức, trong tận đáy lòng con!

Kính bạch Giác linh Hoà thượng,

Lúc đó dân chúng còn khó khăn, bá tánh còn chịu nhiều khổ nhọc với đời sống cơm áo gạo tiền, mọi việc rất vất vả. Sự hiện diện của Ngài như nhân vật trung tâm để sẻ chia, nối kết và vượt qua. Thành phần nào Ngài cũng có thể giao tế, tiếp xúc được. Do vậy, chư tôn đức ở khắp nơi đều hoan hỷ trở về chung một bàn tay vào việc chấn chỉnh, phát huy cho Phật giáo tỉnh nhà.

Những đổ vỡ được dựng lại, những khó khăn được đẩy lùi, những giọt nước mắt được thay bằng tiếng cười, những thiếu thốn được chan đầy bằng tình người mênh mông. Trái tim Ngài đã dung chứa một trời yêu thương, một ân tình nhân bản, một lời mời gọi thiết tha để điểm tô dựng xây Đạo và Đời.

 

Những lần an cư kiết hạ tại Phước Hưng, Phước Ân, hay Hội Khánh, Hoà thượng đều mang lại cho Phật giáo Đồng tháp một sức sống phấn khởi an lành, một hình ảnh diễm lệ tuyệt vời. Trái tim của Ngài là biểu tượng hài hoà, gắn chặt mọi thành phần xã hội với đạo pháp quê hương. Tuy tuổi hạc đã cao và sức khoẻ có phần suy yếu, nhưng hạnh nguyện của Ngài là suốt đời dấn thân phụng sự, làm tất cả công việc bằng nhiệt huyết, khả năng của chính mình cho đến hơi thở cuối cùng.

Ôi, quả thật Ngài đến cuộc đời với tất cả tình cảm đậm đà tha thiết, bằng trái tim gọi mời vạn loài chúng sinh trở về thế giới chân thường bất diệt!

Kính bạch Hoà thượng,

Có duyên may gần gũi, con mới thấy rõ ‘bản ngã’ trong Ngài hầu như vắng mặt. Có chăng chỉ còn là chân không trùm khắp vũ trụ, hoà nhập vào thế giới thường chân của mười phương chư Phật. Lắm khi bản ngã đó hoá hiện thành hình ảnh của ngọn nến trí tuệ bạt ngàn ánh sáng hoà quang trong chốn hồng trần.

Ngài là một con người thanh thoát, một cao tăng siêu tục vượt ngoài mọi nhiễm nhơ tốt xấu của thế tình, trở thành hình ảnh thiên thu trong tận trái tim của muôn triệu tín đồ!

 

Ước vọng phục vụ bá tánh chúng sinh, đắp xây đạo pháp trường tồn, xiển dương chánh pháp Phật đà, là nhu cầu thiết yếu đối với Ngài!

Cuộc đời Ngài đã trải qua vô vàn khó khăn gian khổ, thử thách chông gai, cả về tinh thần lẫn vật chất, nhưng chúng đệ tử chưa bao giờ nghe Ngài than vãn một lời. Khi ai đó muốn tỏ bày lòng thương cảm và sẻ chia, Ngài đều lái sang chuyện khác và nói những điều ra vẻ khôi hài nhẹ nhàng.

 

Con tin chắc Hoà thượng sẽ sống mãi với những tâm hồn chân chính, luôn hiến dâng cái đẹp, cái cao quý cho cuộc đời! Phải chăng, đó chính là nét trong sáng và bất diệt nơi một con người?

Năm tháng trôi qua, nhưng con vẫn nhớ, vẫn luôn phát khởi niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng, vào tâm huyết của Ngài.

Noi gương Ngài, ngọn đuốc trí tuệ sẽ được thắp sáng, tinh thần đoàn kết thương yêu sẽ được nối lại, ánh mắt bao dung tha thứ, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau sẽ được thực hiện một cách cụ thể đối với mọi người!!!

 

Nam Mô Phước Hưng Đường Thượng thượng Vĩnh hạ Đạt Bồ Tát Ma Ha Tát!

Hậu học Thích Thiện Hữu kính lễ!

 

 

Thích Thiện Hữu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này