Trở lại tuổi thơ - Phật Giáo Việt Nam
01:52 +07 Thứ bảy, 04/05/2024

Trở lại tuổi thơ

Thứ hai - 02/04/2012 07:45
Trở lại tuổi thơ

Trở lại tuổi thơ

(HDPT) - Vào những năm 1979, khi đất nước vừa thống nhất, toàn cảnh Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thử thách cám dỗ, khắc phục hậu quả sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt. Miền Bắc bấy giờ thiếu thốn đủ điều từ lương thực cho đến các mặt hàng tiêu dùng khác so với miền Nam.
 

 

...Cuộc đời này vốn là bể khổ, thoát cái khổ này cũng vướng cái khổ khác mà thôi, rượt đuổi mệt sức cũng chỉ đứng trong mê cung khổ. Giờ nhìn lại cái quá khứ từng làm tôi khốn đốn, chẳng thấm thía vào đâu so với cái khổ cuộc đời; cũng như một giọt bụi tóc mà so với cả đại dương vậy, không thể lấy con toán mà thí dụ được. Thiếu thốn ư? Không, tôi vẫn có cái bỏ bụng. Nghèo khổ ư? Không, tôi vẫn được cắp sách tới trường. Không quan tâm ư? Không, tôi vẫn có phần quà nho nhỏ từ điểm 10...

Vào những năm 1979, khi đất nước vừa thống nhất, toàn cảnh Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thử thách cám dỗ, khắc phục hậu quả sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt. Miền Bắc bấy giờ thiếu thốn đủ điều từ lương thực cho đến các mặt hàng tiêu dùng khác so với miền Nam. Quê tôi không ngoại lệ, một vùng trung du miền Bắc yên bình và cái khó vẫn hoàn cái khó.

Tôi và đám trẻ trong làng cùng nhau trải qua thời thơ ấu hồn nhiên, ngây thơ, mơ mộng và có rất nhiều kỷ niệm vui buồn với mảnh đất thân thương này. Mẹ tôi là một nhà giáo, được mẹ dạy dỗ thước mực nên tôi luôn thể hiện là đứa trẻ ngoan hiền, 5 tuổi tôi đã biết giúp mẹ làm việc nhà, nấu cơm nhặt củi, đối với tôi đó là chuyện cỏn con.

Sáng mẹ tôi đi dạy, chiều cũng thế, tôi ở nhà lo toan cơm nước, mẹ về là sẵn cơm ngon canh ngọt, hai mẹ con cùng dùng. Sống trong vòng tay dịu dàng của mẹ nhưng là đứa con trai, tôi vẫn khao khát sự nghiêm khắc, mạnh mẽ của ba; nhưng hình ảnh ba trong tôi rất nhạt nhòa, tôi không biết ông làm gì và ông ở đâu, chỉ biết là ông đi công tác xa thật xa và thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Năm tôi lên 6, gia đình tôi đón một thành viên mới, công việc bận rộn và tăng thêm hơn, nào lo cơm nước, nào giặt tã cho em. Có những lúc nhà không còn củi, rơm để nấu, tôi lủi thủi đi quanh làng kiếm từng cái củi khô, lượm từng chiếc là vàng về đun nước.

Ngôi nhà tập thể do trường cấp cho thật là tệ hại, thiếu bàn tay đàn ông, li ti lỗ thủng nham nhở trên máy ngói ngày càng lớn; mỗi lần mưa là dột tả tơi, mẹ tôi luôn dành cho anh em tôi một chỗ khô ráo, còn mẹ chạy hứng những giọt mưa đang nhiễu tí tách. Năm tháng trôi qua, với tôi công việc rất đơn giản: học tốt và làm tốt; tôi ý thức được khó khăn của gia đình nên tôi rất chăm chỉ, rất ngoan, tôi học tốt và ngày nào ba mẹ tôi cũng có bữa cơm đạm bạc và đầy ấp tiếng cười hạnh phúc.

Nhưng dòng đời không êm đềm như mặt hồ lặng gió, một ngã rẽ cuộc đời làm thay đổi tâm hồn tôi. Giã biệt quê hương, bạn bè, thôn xóm tôi theo ba vào Nam sinh sống và học tập; từ miền quê nghèo lên thành phố phồn hoa, trong tâm mọi người đó là một sự thay đổi tốt, xu hướng đi lên và sẽ sung sướng hơn. Nhưng đối với tôi, chẳng có gì gọi là hạnh phúc sung sướng cả, một mảnh đất xa lạ nhạt nhẽo; làng quê tôi tuy nghèo thật đấy nhưng cuộc sống tự nhiên, giản đơn, đoàn kết và hạnh phúc.

Miền ký ức thơ ấu luôn hiện về trong tôi: khi chạy rong thả diều với đám bạn trên đồi núi, lúc chạy dưới mưa cả làng trên xóm dưới...Nghĩ cố gắng hòa hợp có lẽ cuộc sống mới với tôi sẽ dễ thở hơn, nhưng không, sự thật càng buồn tẻ ghê gớm, tôi trở nên ít nói ít cười. Bước vào đầu năm lớp 9 với nỗi trống vắng hụt hẫng, mặc dù điều kiện kinh tế sung túc khá giả và môi trường học tập tốt hơn nhưng kết quả thật là tồi tệ, tôi không vượt qua kỳ thi tốt nghiệp vì liệt môn Văn. Nếu như ba tôi trách mắng, vụt mấy roi thật đau vào mông, tôi sẽ khóc mà lòng sẽ rất vui; đằng này ba mẹ tôi vẫn bình yên như vại, thể như không có gì xảy ra. Tôi tự chạy lo mọi loại giấy tờ cho kỳ thi lại lần 2, mà nước mắt tôi cứ tuôn trào, những giọt nước mắt chảy ngược vào trong đầy tủi hổ, cô đơn. Lớp cứng rắn mạnh mẽ được cởi ra, phô bày trái tim mềm yếu của tôi đang cần tình yêu của mẹ, cần cái vỗ vai của người cha; tôi thu người vào góc tường được bao phủ bởi màn đêm u tối hãi hùng và không biết làm sao lệ tôi cứ lăng dài trên má. Trong suốt thời gian học cấp III cũng chẳng có gì thay đổi, gia đình không hề đá động đến tôi, tất cả tôi phải tự lo liệu; tôi luôn cảm thấy trống vắng cô độc trong chính gia đình với những người thân yêu của tôi. Tôi như một cái bóng lủi thủi ra vào, sáng đi bộ đến lớp với cái bụng đói meo, có những lúc tôi phải đi bộ 5km đến trường vì không có tiền gởi xe, chiều về lao đầu vào học bài, tôi nhũ với lòng là phải cố gắng học thật tốt, vì chỉ học tốt mới có thể làm ba mẹ tôi vui lòng. Những phần thưởng cho điểm 10 và những dịp Tết đến là những đồng tiền nho nhỏ tôi có, không tiêu xài hoang phí, cuộc sống thiếu thốn hồi nhỏ đã dạy tôi tính tiết kiệm và quý trọng đồng tiền. Tôi dùng số tiền ấy trang trí cho ngôi nhà thân thương cùng góc học tập của mình, những cây cảnh tôi mua về cho mình thưởng thức thay cho quang cảnh công viên, các khu du lịch mà các bạn tôi được đến.

Đứa em tôi tuy lớn mà chưa bao giờ tôi nghe tiếng “anh”  xuất phát từ miệng nó, toàn là mày với tao; tôi la mắng nó thì ba mẹ bảo em nó còn nhỏ biết gì. Tôi không hiểu tại sao ba mẹ tôi lại bênh em tôi như vậy? Ba mẹ tôi không biết rằng những cái nhỏ sẽ tạo ra thói quen, từ thói quen tạo thành tính cách sao? Sau này em tôi sẽ ra sao? Tôi là một người anh bất lực.

Trong lòng nặng trĩu, có lẽ thế tâm lý tôi phát triển không đồng đều; tính tình tôi cọc cằn, không biết diễn đạt tình cảm thế nào. Tôi chỉ có khiếu về môn tự nhiên, luôn đạt điểm cao nên các thầy cô rất quý, tạo điều kiện cho tôi phát huy bản năng của mình; còn các môn xã hội thì dở tệ, thầy cô thả lỏng và ưu ái hơn các bạn khác. Cuối cấp, bài thi toán học kỳ lớp 12 đáng lẽ là 10 điểm, sao tôi chỉ được con 7? Cầm bài tới thắc mắc với cô, cô mỉm cười và nói “Em đi học cần điểm hay cần kiến thức?”. Câu nói này tôi vẫn nhớ đến ngày nay, từ đó tôi đã đột phá chuyên giải các bài toán khó, đôi khi chỉ cần nghĩ nhẩm là ra kết quả ngay; đó cũng là lý do tại sao tôi chọn trường Đại học Khoa Học Tự Nhiên TPHCM là mục tiêu kế tiếp cho việc học của tôi và tôi đạt 9.5 điểm toán bài thi đại học năm ấy. Trong suy nghĩ non nớt, tôi cho rằng học tốt môn nào thì thi đại học môn ấy, thế thôi, không ngờ vì vậy mà tôi phải nghe một câu đanh thép bên tai “sao mày ngu thế, không chọn trường này mà chọn trường kia?”. Tôi hoàn toàn bất ngờ và tim thắt lại, nghẹn ngào không thốt nên lời; tôi tự hỏi những năm tôi học, ông bà sao không lo toan định hướng cho tôi. Đến ngày cuối đăng ký hồ sơ mới hỏi tôi ra sao. Rồi buông ra những lời đay nghiến trách móc như thế, tạm biệt thời học sinh, tâm trí tôi hỗn loạn phân tán, buồn, chán, nản...; tiếp tục ghế vào ghế giảng đường cùng trái tim rướm máu. Bốn năm đại học ngoài những học phí, lý do chính đáng; ba mẹ không biết gì nữa; không ai quan tâm, tôi lạc loài và tự lập hoàn toàn, chỗ ăn chỗ ở tự kiếm tự lo. Ngày nghỉ tôi liền về nhà nhưng không khí gia đình cũng chẳng mấy vui vẻ; một lần tôi mời bạn về chơi, chỉ vì về trễ mà tôi đứng chết trừng với “Mày cút khỏi nhà tao ngay”, mọi người đều nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại. Dòng chảy thời gian êm đềm trôi, tôi ra trường và bắt đầu xây dựng tương lai tốt đẹp riêng tôi. Nén quá khứ vào tận đáy lòng, tôi quyết tự vẽ bức tranh tươi sáng cho mình; nhưng tôi không thể thoát được sự khống chế của gia đình, tôi đi làm gì cũng không được sự ủng hộ của gia đình, làm gì cũng thất bại; tôi chán chê bản thân tôi. Đến tuổi trưởng thành, không hiểu lý do gì mà hai lần tôi muốn lập gia đình đều bị gia đình phản đối. Không biết phải dùng từ nào để thể hiện tâm tình tôi lúc ấy, tôi làm sai điều gì? Tôi có lỗi gì? Nhiều nhiều chuyện không vui cứ đến và tôi phải hứng trọn, tại sao tôi phải đau khổ thế này? Trăm ngàn câu hỏi mà không có câu trả lời, tôi quyết tâm ra đi, tôi ra đi để quên tất cả, để tìm một chân trời mới, để tôi có thể được sống,  để bỏ lại cái quá khứ đau buồn kia và điều quan trọng nhất là tìm ra câu trả lời.

Không gia đình, không nhà cửa, không người thân, tất cả đều không, tôi sống trong tâm hồn đã chết, tôi đi không có nơi để đến. Là người chịu nhiều thiệt thòi, nhưng trời không bao giờ vô tình với kẻ hữu tình, tụ hội đủ nhân duyên, những bước chân vô định hướng tôi đến với chùa Hoằng Pháp. Lúc đầu, tôi dự tính ở đây vài tháng thôi, vậy mà càng ở tôi càng thấy tâm hồn mình thanh thản và rất an lạc; nhờ ngôi già lam này, tôi đã tìm lại được và biết thế nào là yêu thương, cánh cửa hạnh phúc cũng mở ra chào đón tôi. Thấm thoát đã 3 năm rồi, những ngày tháng sống, làm việc, tu học tại chùa; tôi ngộ ra rằng: mỗi con người, số phận sướng khổ đều do nghiệp lực tác động đến. Quả báo nhãn tiền rất công bằng, xấu tốt đều phải do mình thọ nhận, cái nhân do mình đã tạo từ bao đời, nay cái quả đến mình phải chịu lấy, mình làm mình nhận là đúng. Yêu thương, ganh ghét, vui buồn, thịnh suy... chỉ là bào huyễn, là bản ngã; cuộc đời giả hợp, vô thường trong từng sát na. Tất cả chỉ là Chơn Không.
“Thầy là ánh đuốc soi khắp non cao biển lớn
Dang tay nâng đỡ gánh nặng của nhân loại
Bế tắc cuộc đời thầy giúp ta tỉnh giác
Vun trồng cho người cây tâm hoa ngộ trái từ bi”
Hạnh phúc hơn là tôi thường hay được ở bên cạnh, được tháp tùng trong những chuyến đi Phật sự và được nương tựa đức hạnh của sư phụ tôi, thầy Chân Tính; tôi được theo thầy đến nhiều nơi, nhìn thấy nhiều cảnh đời bất hạnh, nghe đến nhiều số phận ngang  trái... tôi nghĩ giữa cuộc đời này nói chung và những số phận kia nói riêng rất cần những tấm lòng như thầy, một tấm lòng luôn hy sinh vì đạo vì đời. Bây giờ tôi mới hiểu ý nghĩa sâu sắc của sông và biển thầy từng nói; sông có rộng mấy cũng chỉ chảy từ lãnh thổ này sang lãnh thổ khác, biển thì cả một đại dương bao la; tâm người lớn bằng sông thì mình chỉ có thể thương những người thân quên biết, chỉ sống cho riêng mình; khi tâm ta là biển thì tình thương ở đó không có biên giới, giới hạn nào cả, tình thương trải khắp muôn loài; cũng như Phật không thị hiện và ta chưa bao giờ thấy Phật, nhưng tình thương của Ngài chính là sự hiện diện của đức Phật nơi nơi. Những gì thầy nói, những điều thầy làm, những nơi thầy đến, luôn ngát thơm hương trầm giải thoát tự tại, không chút tư lợi cho mình. Hành trang mỗi chuyến Phật sự là tâm nguyện hướng chúng sanh đến bờ an vui, là bịch thuốc, chai nước và gói xôi. Một đời phụng sự chúng sanh, đi đến đâu thầy gieo trồng mầm Phật pháp tới đó, gia tài hiện thực của thầy là tấm áo nâu sờn, chuỗi tràng và Phật niệm A Di Đà.

Cuộc đời này vốn là bể khổ, thoát cái khổ này cũng vướng cái khổ khác mà thôi, rượt đuổi mệt sức cũng chỉ đứng trong mê cung khổ. Giờ nhìn lại cái quá khứ từng làm tôi khốn đốn, chẳng thấm thía vào đâu so với cái khổ cuộc đời; cũng như một giọt bụi tóc mà so với cả đại dương vậy, không thể lấy con toán mà thí dụ được. Thiếu thốn ư? Không, tôi vẫn có cái bỏ bụng. Nghèo khổ ư? Không, tôi vẫn được cắp sách tới trường. Không quan tâm ư? Không, tôi vẫn có phần quà nho nhỏ từ điểm 10. Tôi cho tôi là người bất hạnh đau khổ, nhưng quán xét lại tôi thấy mình rất may mắn; tôi may mắn vì tôi được sinh ra trên cõi đời này, vì tôi được nuôi dưỡng nên vóc nên hình, vì tôi vẫn được cài hoa hồng đỏ vào mùa Vu Lan, vì tôi được ba mẹ cho tôi nền tảng tri thức và tôi được rèn luyện cho tôi đức tính chịu đựng...Những việc ba mẹ tôi làm ngày đó, giờ tôi hiểu đều xuất phát từ tấm lòng thương con vô bờ bến của bậc làm cha làm mẹ; ba mẹ muốn tôi nên người, muốn tôi tự lập, muốn tôi đi trên bằng chính đôi chân của mình; tuổi trẻ cùng những háo thắng, tôi đã tự ái, nóng vội và chưa biết bình tĩnh nhìn nhận, gây đau khổ cho tôi. Cái nghèo đã quấn lấy ba tôi suốt tuổi trẻ, ông phải cật lực làm việc ngày đêm, ông muốn tôi, thế hệ con cháu không bị cái nghèo ám ảnh đeo bám; nên ông ít có thời gian trò chuyện và bên tôi, vì thế vô tình tôi và ông xa nhau, không có tiếng nói chung. Khi ấy tôi lập gia đình, thì giờ đây chắc tôi lại lẩn quẩn cái vòng cơm áo gạo tiền, vợ con nheo nhóc, không biết Phật pháp là gì, lại quay về vòng tuần hoàn khổ và khổ, xem ra tôi phải cảm ơn ông. Cha càng nghiêm, con nổi tiếng lành là vậy; là người con Phật, tôi còn thiếu gia đình tôi một lời xin lỗi.

Giờ đây tâm hồn tôi rất thanh tịnh, an lạc. Tôi ước gì mình có thể quay về thời thơ ấu để tôi được gặp thầy sớm hơn, được giác ngộ sâu hơn. Nhưng không bao giờ là quá muộn cho con người đi tìm chân lý, không bao giờ là quá muộn cho thuyền quay về bến đò xưa; tôi sẽ trở về tuổi thơ ở cái tuổi ngoài 30, tôi sẽ giúp ba mẹ tôi hiểu đâu là niềm vui của cuộc sống, tiền tài chưa hẳn là hạnh phúc, là tâm an vui giữa dòng đời đau khổ. Chỉ có giáo pháp nhà Phật là luật pháp tối thượng, không răn đe hình phạt, khiến bao người tỉnh thức, tự nhị thấy bản tâm. Tôi là người hạnh phúc nhất thế gian: ba mẹ tôi cho tôi hình hài và sư phụ cho tôi tri kiến, ba mẹ tôi cho tôi ngôi nhà ấm áp và sư phụ cho tôi ngôi nhà Hoằng Pháp lợi tha, cha mẹ tôi cho tôi  tình yêu và sư phụ cho tôi lòng từ bi...

Cuộc đời tan hợp hợp tan, trăng tròn rồi trăng lại khuyết, ai có thể tránh được điều tử biệt sanh ly! Hôm nay, ngày tôi phải lìa xa ngôi già lam thân thương Hoằng Pháp, giã biệt quý thầy và sư phụ tôn kính, nơi tôi đã hàm ơn, gắn bó tình nghĩa như hình với bóng suốt thời gian qua. Điều làm tôi băn khoăn ray rứt nhất, là tôi không còn được luôn cận kề sư phụ, không được gặp Người hằng ngày, không được Người răn dạy luôn luôn...tôi phải quay về phụng dưỡng cha mẹ trong những ngày gần đất xa trời. Mang những tri kiến học hỏi từ năm tháng theo người đi Phật sự, những bài giảng, những lần sách tấn, tôi xin làm tròn chữ Hiếu, gieo mầm Phật pháp trong tâm cha mẹ tôi và hướng song thân về Tam Bảo, như những gì sư phụ dạy dỗ.

Con cảm ơn cuộc đời, cảm ơn cha mẹ, cảm ơn sư phụ. Cảm ơn Thầy đã hướng con vào con đường giác ngộ, cho con nhận thấy nhân quả, cho con lẽ sống cuộc đời. Con đường thầy đi mãi, đi mãi chỉ vì tha nhân, vì chúng sanh. Tấm lòng nhân ái chứa một chữ Tâm tròn trịa ấy, con xin được ghi tạc trong lòng, xin cho con được cúi đầu khuất phục; dù núi Hải Đăng có mòn, dù biển Vũng Tàu có cạn thì tấm lòng con vẫn xin khắc mãi ơn người, thầy của con, Thượng Chân Hạ Tính trụ trì chùa Hoằng Pháp kính quý.
 
Khánh An
 
(Chùa Hoằng Pháp)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này