Ý nghĩa biểu tượng Di Lặc trong văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Nam Bộ - Phật Giáo Việt Nam
21:28 +07 Thứ hai, 06/05/2024

Ý nghĩa biểu tượng Di Lặc trong văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Nam Bộ

Thứ năm - 20/12/2012 08:03
(HDPT) - Ngày nay, ở Nam Bộ, người ta đang có xu hướng tạc những pho tượng Di Lặc khổng lồ lộ thiên nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo – tín ngưỡng của cộng đồng.
 

I. NAM BỘ – VÙNG ĐẤT ĐI ĐẦU TRONG TIẾP XÚC VÀ TRAO ĐỔI VĂN HÓA VỚI KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

Nam Bộ là vùng đất mới, nhưng lại đi đầu trong các hoạt động trao đổi và tiếp biến văn hóa, xét trong tương quan cả nước. Ngay từ khi cư dân miền ngoài đặt những dấu chân đầu tiên đến vùng đất này vào khoảng thế kỷ XVII, nơi đây bắt đầu diễn ra sự gặp gỡ, tiếp xúc văn hóa giữa các tộc người Việt, Chăm, Khmer và Hoa. Tiếp theo đó và cho tới nay, Nam Bộ lại tiếp tục đi trước cả nước trong việc tiếp xúc và trao đổi văn hóa với khu vực và thế giới. Những cuộc tiếp xúc đó khiến cho Nam Bộ, từ một vùng đất hoang vu, nhiều thú dữ, côn trùng độc hại, thiên tai hạn lụt đe dọa cuộc sống con người, trở thành vùng đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa.

Riêng về phương diện tôn giáo, Nam Bộ không chỉ là nơi tiếp nối truyền thống của các tôn giáo khác từ bên ngoài vào như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin Lành…mà còn là cái nôi của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng bản địa khác như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Cao Đài. Trong đó, mặc dù là tôn giáo ngoại sinh, nhưng với bản chất từ bi, hòa ái, Phật giáo ngày càng bén rễ sâu hơn nơi mảnh đất Nam Bộ. Đặc biệt, sau cuộc chấn hưng Phật giáo nữa đầu thế kỷ XX, Phật giáo Nam Bộ có những thay đổi lớn lao về nhiều phương diện: tổ chức được củng cố; văn hóa giáo dục phát triển; đời sống nội viện ngày càng được cải thiện; các hoạt động mê tín dị đoan có xu hướng tách dần ra khỏi các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Việc xây dựng chùa chiền được cộng đồng đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều cơ sở được tu bổ, xây mới với nhiều kiến trúc và quy mô khác nhau, vừa phong phú vừa đa dạng.

Cùng với sự thay đổi đó là sự thay đổi cấu trúc và thể loại tượng thờ diễn ra trong các cơ sở thờ tự ở Nam Bộ. Nếu trước đây, tại các cơ sở chùa chiền, tượng Phật thường có quy mô nhỉ hoặc vừa phải để phù hợp với kiến trúc thờ tự thì càng về sau, những tượng thờ có xu hướng ngày một to lớn, phong phú, đa dạng hơn. Nhiều loại tượng như tượng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, các Bồ-tát Dược Sư, Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí…với nhiều phong cách, tư thế khác nhau được bài trí trong các ngôi chùa theo một số cấu trúc nhất định. Thông thường, mỗi loại tượng đều có những nét đặc trưng để phân biệt, phần lớn đã được biểu hiện qua hình thái của tượng; mặc dù cũng có nhiều trường hợp chỉ được biểu hiện qua một số dấu hiệu như pháp khí cầm trên tay hay vật cưỡi…Đặc trưng nổi bật trong phong cách tượng Phật , Bồ-tát nói chung là sự nghiêm trang, tịnh mặc.

Trong số đó, tượng Phật Di Lặc nổi lên như là một loại tượng mang phong cách đặc thù nhất trong nghệ thuật tạo hình Phật giáo, xét trên phương diện hình thái. Một loại tượng mà trong dân gian, người ta gọi bằng những cái tên rất dân dã, gần gũi: ông Phật cười, ông Phật mập hay ông Phật bụng bự…

II. DI LẶC – TỪ LỊCH SỬ TỚI TÍN NGƯỠNG – TÔN GIÁO, TỪ ẤN ĐỘ TỚI CÁC NƯỚC PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Trước hết, có thể nói rằng ngài Di Lặc là một trong những trường hợp hiếm hoi trong Phật giáo được cả hai truyền thống Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền công nhận. Theo truyền thuyết, ngài xuất thân trong dòng Bà-la-môn Ấn Độ, xuất gia theo Phật, sau đó nhập diệt, trở về nội viện của trời Đâu Suất. Ở đây, ngài tiếp tực tu tập, thuyết giảng giáo pháp rồi sẽ hạ sinh trở lại nhân gian thành Phật để kế tục sự nghiệp truyền bá chánh pháp của Phật Thích Ca ở cõi Ta-bà này.Là truyền thuyết nên hành trạng của ngài mang nhiều yếu tố huyền nhiệm, hư ảo, phi lịch sử. Nhưng với tín ngưỡng dân gian, chính những yếu tố huyền nhiệm, hư ảo, phi lịch sử ấy lại rất cần thiết, đôi khi là quan trọng nhất. Thực ra,  Di Lặc cũng chưa hẳn là một nhân vật hoàn toàn mang tính truyền thuyết. Đã có nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Di Lặc là một nhân vật lịch sử và là vị sáng tổ của trường phái Yoga (Yogacara), một trong những trường phái nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa. Một số khác lại cho rằng hai nhân vật lại khác nhau, một người là nhân vật huyền sử, người kia là nhân vật lịch sử.

Ở đây, vì chỉ tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của tượng Di Lặc trong tín ngưỡng người Việt ở Nam Bộ, chúng ta tạm thời bằng lòng với các chi tiết về lịch sử nhân vật mà tậo trung chú ý xem hình tượng Di Lặc đã được tiếp nhận và có ý nghĩa như thế nào trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng.

Có thể khẳng định là tín ngưỡng Di Lặc bắt nguồn từ Phật giáo Đại thừa Ấn Độ. Người Ấn tin rằng ngài Di Lặc vừa là Bồ-tát, vừa là Phật; do đó, trong nghệ thuật tạo hình Ấn Độ, tượng Di Lặc được kết hợp cả những yếu tố hình thể của Phật và của Bồ-tát. Sự kết hợp này khiến cho tượng Di Lặc ở Ấn Độ có một nét đẹp tinh xảo làm biểu tượng cho trí tuệ và giải thoát. Điều này phản ánh trên nhiều phương diện của văn hóa Phật giáo Ấn, trong đó nổi bật nhất là phương diện nghệ thuật tạo hình. Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu, tại đây, tượng Di Lặc được biết tới với hình dạng của một vị nam nhân, tóc xoắn buôn dài, vẻ mặt đoan nghiêm, mắt hơi khép, miệng tĩng lự, phía sau đầu có vòng hào quang lớn, cổ đeo nhiều trang sức, hai bàn tay trong tư thế chuyển pháp luân khi ngồi, hoặc đang tạo hình các thủ ấn Vitarka và Varada khi đứng. Điểm lưu ý là, ở Ấn Độ, tín ngưỡng Di Lặc có từ rất sớm. Kết quả khảo cổ học xác nhận nhiều pho tượng Di Lặc có niên đại khoảnh thế kỷ II, III đã được tìm thấy ở Gandhara và các vùng lân cận.

Nếu như người Ấn đến với tín ngưỡng Di Lặc không chỉ bằng niềm tin mà còn bằng ký ức cộng đồng về một nhân vật có thật trong lịch sử, thì ở Trung Quốc, người ta đã tiến tới việc “hợp thức hóa” nguồn gốc của ngài Di Lặc bằng văn hóa cội nguồn Trung Hoa, dựa trên hành trạng của một nhà sư Trung Quốc thời Ngũ Đại (907 – 959) tên là Khế Thử, thường được dân gian gọi là Hòa thượng Túi Vải (Bố Đại hòa thượng). Như vậy, Trung Quốc đã góp phần sáng tạo nên một hình tượng Di Lặc hoàn toàn mới so với Ấn Độ.

Bắt nguồn từ việc đưa chân dung Hòa thượng Khế Thử lên thành một mô thức, ngài Di Lặc ở Trung Quốc được mô tả bằng hình tượng một vị nam nhân đầu hói trọc, béo tròn, bụng to, mặc áo hở ngực đưa cái bụng to tròn ra bên ngoài, tay trái cầm xâu chuỗi ngắn, tay phải xác túi càn khôn, chân không dép, miệng nở nụ cười hiếp mắt. Tượng được tạc trong nhiều tư thế đi, đứng, nằm, ngồi với nhiều hình mẫu khác nhau nhưng đều toát lên vẻ rạng rỡ, vui tươi và bình dị. Điều này thể hiện sự khác biệt trong tâm thức của các cộng đồng khác nhau về việc hình thành một biểu tượng văn hóa, mà ở đây là văn hóa tín ngưỡng Di Lặc.

Từ Trung Hoa, tín ngưỡng Di Lặc lan khắp các khu vực lân cận, và ở nơi nào tín ngưỡng Di Lặc tồn tại thì nơi đó có tượng Di Lặc được tạo lặp để tôn thờ, cúng bái. Vượt ra ngoài biên giới Trung Hoa, tín ngưỡng Di Lặc còn lan rộng khắp nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia theo Phật giáo Đại thừa.

Ở Triều Tiên, Nhật Bản, tượng Di Lặc được tạo hình trong tư thế liên hoa tọa, trầm tư, hai chân vắt thành chữ ngũ, hoặc trong tư thế đứng tay phải bắt ấn Varada, tay trái bắt ấn Abhada. Ở những nơi này, Di Lặc nhiều khi được xem là vị thần trong tín ngưỡng bản địa. Ngoài ra, người ta cũng thấy tượng Di Lặc còn được biểu hiện như một vị Bồ-tát, tay phải buông thõng, tay trái cầm một cái bình. Hình tượng Di Lặc bụng phệ cũng xuất hiện ở Nhật Bản và Triều Tiên với tên gọi Tiếu La-hán.

Ở Việt Nam, tượng Di Lặc hầu như có mặt khắp nơi. Tuy nhiên, Nam Bộ, vùng đất đi đầu trong tiếp xúc, trao đổi văn hóa với khu vực và thế giới, mới thực sự là mảnh đất tiếp hợp và làm phong phú ý nghĩa của hình tượng Di Lặc, xét như một biểu tượng văn hóa tôn giáo – tín ngưỡng Phật giáo.

III. CÁCH BÀI TRÍ VÀ Ý NGHĨA BIỂU TƯỢNG CỦA TƯỢNG DI LẶC TRONG ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG NGƯỜI VIỆT Ở NAM BỘ

Cho tới nay, việc xác định mốc thời gian tín ngưỡng thờ Di Lặc trong cộng đồng người Việt nói chung và ở Nam Bộ nói riêng vẫn còn khá mờ nhạt. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm 1041, Lý Thái Tông có đến núi Tiên Du quan sát việc xây dựng Viện Từ Thị Thiên Phúc. Vì Từ Thị là một tên gọi khác về ngài Di Lặc, điều đó cho thấy, vào thời Lý, tín ngưỡng Di Lặc đã xuất hiện trong đời sống cộng đồng. Điều đáng tiếc là sách không mô tả rõ nhân dạng của tượng, cho nên chúng ta không được biết lúc ấy tượng Di Lặc đã được các nghệ nhân nước ta tạo hình theo hình mẫu nào. Chẳng những thế, tư liệu lịch sử liên quan đến các triều đại từ Trần cho tới đầu Lê Trịnh đều không hé lộ một chút thông tin gì về nhân dạng của ngài Di Lặc trong tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam. Mãi tới thế kỷ XVII, lịch sử ghi nhận việc xuất hiện của các tăng nhân người Trung Quốc ở Bắc Bộ và Trung Phần Việt Nam, dẫn tới việc trùng tu và xây dựng nhiều cơ sở chùa chiền; đồng thời cũng mới ghi nhận sự kiện tượng Di Lặc theo các tăng nhân Trung Quốc dần dần được đưa vào thờ tự trong các ngôi chùa để chính thức trở thành cội nguồn của tín ngưỡng Di Lặc trong cộng đồng người Việt sau này.

Ở Nam Bộ, có lẽ tượng Di Lặc được đưa vào thờ trong chùa muộn hơn nhiều so với ở Bắc và Trung Bộ. Trong các ngôi chùa lâu đời ở Nam Bộ như Giác Lâm, Hội Sơn, Phước Tường, tượng Di Lặc được tôn thờ ở nhiều không giankhác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng. Thế nhưng, đó chỉ là những pho tượng mới xuất hiện sau này, chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách nghệ thuật tạo hình Trung Hoa và tín ngưỡng các vị thần dân gian.

Căn cứ vào hình tướng và việc bài trú tượng Di Lặc trong các chùa Nam Bộ hiện nay, có thể chia tượng thành nhiều loại ứng với những ý nghĩa biểu trưng khác nhau.

Thứ nhất là tượng Di Lặc được bài trí trong điện Phật, được tạc trong tư thế ngồi, tay cầm chuỗi hạt, túi càn khôn, chân phải co lên làm điểm tựa cho tay phải, chân trái xếp bằng và tay trái gác lên đùi. Thâm mình hơi ngửa ra phía sau, ngực trần để lộ ra cái bụng phệ to tròn, miệng nở nụ cười hoan hỷ. Hình tượng này khá phổ biến ở Việt Nam nói chung và Nam Bộ nói riêng. Mặc dù theo truyền thuyết thì ngài Di Lặc chỉ là một vị Bồ-tát bổ xứ, nghĩa là một vị sẽ thành Phật trong tương lai theo huấn thị của Đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, khi được bài trí trong điện Phật thì tượng lại mang ý nghĩa là một vị Phật; do đó, tượng vừa diễn ta sự hoan hỷ, vừa biểu trưng cho từ bi, năng lực thiền định, trí tuệ và giải thoát.

Loại tượng thứ hai xuất hiện trong những thập niên gần đây ở Nam Bộ là tượng Di Lặc ngồi, trên mình có năm chú tiểu đồng đang đùa nghịch. Đứa thì ở trong tay áo phá phách, đứa thì bám trên lưng lôi tai, đứa thì ngồi trên bụng ngoáy mũi, còn đứa khác thì sờ rốn…Nhưng bất kể là chúng phá phách như thế nào, vị Bồ-tát vẫn nở nụ cười an nhiên tự tại. Loại tượng này chủ yếu được bài trí ở trước sân chùa thay cho tượng Quán Thế Âm Bồ-tát. Trong nhiều ngôi chùa ở Nam Bộ, người ta còn thấy tượng Di Lặc và tượng Quan Thế Âm được bài trí song song với nhau trước sân chùa để cho Phật tử, khách hành hương lễ bái. Căn cứ vào nhân tướng của tượng, nhiều người lý giải rằng mỗi đứa bé như thế tượng trưng cho những đối tượng riêng biệt của các giác quan con người, bao gồm sắc, thanh, hương, vị, và xúc. Lẽ ra phải là sáu đứa tiểu đồng ứng với sáu trần, kể cả Pháp; nhưng ở đây Pháp là tổng tướng nên không được biểu hiện; do đó thay vì sáu, người ta chỉ diễn tả bằng năm đứa trẻ mà thôi. Trước sự phá phách của những đứa tiểu đồng, ngài Di Lặc vẫn giữ được thái độ an nhiên, tự tại của mình; điều đó thể hiện năng lực giải thoát hoàn toàn của ngài đối với tạp trần phiền nhiễu. Như vậy, ý nghĩa tượng trưng của tượng trong trường hợp này chính là năng lực giải thoát, sự an nhiên tự tại của con người trước những cám dỗ của sắc trần, phiền não.

Thực ra ý nghĩa biểu trưng đó chỉ có giá trị đối với tầng lớp trí thức. Bởi họ là những người có óc phân tích, có sở thích tìm tòi sáng tạo. Họ chú ý tới tầng sâu của ý nghĩa hơn là bề nổi của cảm tính trực quan; cho nên khi tiếp cận với tượng Di Lặc, họ tìm thấy ở đó những ý nghĩa cao sâu của triết lý Phật giáo như là con đường của sự giải thoát giác ngộ. Trong khi đó, tầng lớp bình dân gần như chẳng bao giờ dùng nhãn quan triết học để tìm hiểu ý nghĩa của bất kỳ tượng Phật hay Bồ-tát nào, vốn trừu tượng khó hiểu. Họ đến với Phật với Bồ-tát bằng niềm tin, tín ngưỡng như nhiều tín ngưỡng khác trong đời sống tâm linh của mình. Chính vì vậy, đối với họ, loại tượng Di Lặc này chỉ đơn giản là mang ý nghĩa của sự hoan hỷ thậm chí là hài hước.

Khảo sát tín ngưỡng Di Lặc trong dân gian Nam Bộ, chúng ta thấy rất rõ điều này. Nếu như đối với các tượng Phật, Bồ-tát khác, người ta luôn luôn thể hiện thái độ kính tin tuyệt đối thì với tượng Di Lặc, ngoài việc kính tin, người ta còn biểu lộ thái độ gần gũi, thân mật. Không ai dám đặt con trẻ nhỏ các tượng như tượng Phật Thích Ca, tượng Bồ-tát Quán Thế Âm hay bất kỳ một tượng Phật, Bồ-tát nào khác. Nhưng đối với tượng Di Lặc, người ta có thể làm việc đó hết sức thỏa mái. Ở Nam Bộ, nhiều bậc cha mẹ, khi ẳm con nhỏ đến chùa, có thẻ đặt con mình trên bụng, trên chân hay tay của tượng Di Lặc mà không hề cảm thấy việc đó là việc làm xúc phạm hay thiếu chuẩn mực. Bởi vì trong tâm thức của họ, ngài Di Lặc là biểu tượng của hoan hỷ. Nhưng không chỉ là hoan hỷ mà còn là lòng nhân hậu, tính khoan dung, độ lượng và sự gần gũi.

Loại tượng thứ ba là tượng Di Lặc trong tư thế đứng. Trong tư thế này, ngài Di Lặc vẫn được biểu hiện dưới hình tướng mô phỏng theo Bố Đại hòa thượng của Trung Hoa. Miệng vẫn nở nụ cười vô tư, thỏa mái, tay trái cầm xâu chuỗi giơ cao, còn tay phải thì chống xuống một cái mõ khổng lồ hình con cá chép cách điệu, chân đứng trên một tòa sen to lớn. Ở một số chùa Nam Bộ, người ta còn thấy tượng Di Lặc đứng trên đầu rồng, trên túi càn khôn, một số khác thì đi chân trần trên đất, đầu hơi ngửa lên trên, đôi khi nhìn xuống thấp. Cũng giống như loại tượng ngồi có năm đứa tiểu đồng phá phách ở trên, loại tượng này ít được thờ phượng trong chánh điện mà chủ yếu được thờ ở giữa hay ở góc sân chùa. Dù trong tư thế đứng như thế nào, người ta vẫn thấy một sự nhất quán trong nghệ thuật tạo hình Di Lặc của Phật giáo. Đó là thân hình béo tròn với một nụ cười an nhiên tự tại. Trong trường hợp này, tượng Di Lặc biểu trưng cho tinh thần nhập thế, một trong những hạnh nguyện mang tính bản chất trong giáo lý Bồ-tát hạnh của Phật giáo.

Ngày nay, ở Nam Bộ, người ta đang có xu hướng tạc những pho tượng Di Lặc khổng lồ lộ thiên nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo – tín ngưỡng của cộng đồng. Chẳng hạn một số tượng Di Lặc ở núi Cấm, Thất Sơn, An Giang, chùa Vạn Phước Bến Tre…Đó là một dấu hiệu tích cực trong tín ngưỡng Di Lặc ở vùng đất này. Tuy nhiên, dù tượng Di Lặc được tạo ra có to lớn đến mức nào cũng phải tuân theo những nguyên tắc của đồ tượng học. Bởi vì giá trị của sự vật hay hiện tượng nói chung và tượng Di Lặc trong tín ngưỡng Phật giáo nói riêng không phải do yếu tố vật chất quyết định mà do giá trị biểu trưng thiêng liêng của nó trong tâm thức cộng đồng.

Sỡ dĩ phải nói điều này là vì, ở Nam Bộ ngày nay, khuynh hướng thờ phượng những biến dạng khác của tượng Di Lặc đã và đang xuất hiện trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng. Theo đó, tượng Di Lặc được biểu hiện bằng đủ các tư thế khác nhau: từ đi, đứng, năm, ngồi cho đến tư thế khom, nghiêng, ngửa người. Vẫn thân hình to béo, vẫn cái bụng phệ no tròn, vẫn nụ cười hoan hỷ đó, nhưng các pháp khí như chuỗi tràng hạt, túi càng khôn không còn nữa, thay vào đó là những đồng tiền, thỏi bạc, gánh vàng cùng các câu chữ chúc tụng như là biểu tượng của sự sung mãn, giàu sang, năm mới. Đây có thể là loại tượng xuất phát từ Trung Quốc, Đài Loan du nhập vài Việt Nam trong những năm gần đây mà Nam Bộ là vùng đất tiếp thu nhanh và mạnh nhất. Nó không đi theo những quy chuẩn của đồ tượng học khiến cho hình tượng Di Lặc mang ý nghĩa hết sức tầm thường.

Vẫn biết rằng, văn hóa là một hệ biểu tượng luôn luôn vận động và biến đổi; do đó, việc hình tượng Di Lặc cùng với ý nghĩa biểu trưng của nó biến đổi trong đời sống tín ngưỡng cộng đồng là một quy luật tất yếu. Song xét về mặt chức năng, văn hóa còn có giá trị định hướng, do đó sự biến đổi này không thể là sự biến đổi tùy tiện, thiếu chuẩn mực, mà phải tuân theo những nguyên tắc nhất định của đời sống mà tại đây, hệ giá trị Phật giáo là nguyên tắc, là cội nguồn cho sự vận động, biến đổi đó. Trong ý nghĩa đó, sự biến đổi hình tượng Di Lặc cùng với ý nghĩa biểu trưng của nó cần phải được điều chỉnh theo hướng chuẩn mực, phải đánh thức ký ức văn hóa cho nó trở về với hệ giá trị Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Làm sao cho một pho tượng Di Lặc được thờ phượng ở Nam Bộ phải khơi dậy được những giá trị kết tinh, trầm tích trong tâm thức cộng đồng như là một ký ức văn hóa tín ngưỡng tâm linh truyền thống Việt Nam nếu không muốn nói là Nam Bộ. Làm sao một pho tượng Di Lặc ở Nam Bộ phải khác với các pho tượng Di Lặc Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hay bất kỳ một dân tộc nào khác, thậm chí là các vùng miền khác trong nước mà vẫn giữ được những giá trị biểu trưng của Phật giáo.

Tóm lại, nếu xem giá trị, chuẩn mực, biểu tượng là nội hàm của văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng, thì nghệ thuật tạo hình tượng Di Lặc ở Nam Bộ cần phải trở về với hệ giá trị Phật giáo như là con đường duy nhất nhằm đảm bảo tính biểu tượng của tượng Di Lặc trong tín ngưỡng Phật giáo. Và đó cũng chính là con đường duy nhất nhằm đảm bảo tính biểu tượng của tượng Di Lặc trong tín ngưỡng Phật giáo. Và đó cũng chính là con đường để thể hiện bản lĩnh văn hóa của Nam Bộ trong việc tiếp hợp văn hóa các khu vực và thế giới vậy.

Theo Văn hóa Phật giáo

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này