Đà Nẵng: Khóa tu “Một ngày An lạc” tháng 11 tại chùa Bà Đa

Đà Nẵng: Khóa tu “Một ngày An lạc” tháng 11 tại chùa Bà Đa
Như thông lệ, ngày 28/12/2020 (rằm tháng 11 năm Canh Tý), tại chùa Bà Đa (Số 2 Đường An Tư Công Chúa, Bắc Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) đã diễn ra khóa tu “Một ngày An lạc” tháng 11 với sự tham gia của đông đảo nam nữ Phật tử.

Đại đức Thích Thông Đạo – UV Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng, Trụ trì chùa Bà Đa đã quang lâm truyền giới Bát Quan Trai cho quý Phật tử tham dự khóa tu. Sau đó Ban tổ chức đã cung thỉnh Đại đức Thích Thanh Tâm – Giảng sư Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN quang lâm chia sẻ pháp thoại với đề tài “Vào ngôi nhà Như Lai” đến đại chúng.

Đại đức Thích Thanh Tâm – Giảng sư Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN chia sẻ pháp thoại tại khóa tu

Đại đức Giảng sư khuyên Phật tử nếu đã dành thời gian đến chùa, tham dự khóa tu thì cần phải tinh tấn vào được Ngôi nhà Như Lai. Theo như tinh thần kinh Pháp Hoa đức Phật dạy:

Chúng sanh ở trong tam giới là một cái nhà do nghiệp mình tạo ra, đó là những nghiệp hữu lậu, tham sân si phiền não. Bây giờ người tu tập muốn nói kinh Pháp Hoa thì đừng ở trong nhà đó, mà phải lấy tâm từ bi làm nhà. Từ là cho niềm vui, bi là cứu nạn khổ. Cho vui khi thấy chúng sanh yên lành, cứu khổ khi thấy chúng sanh đau khổ. Như ba mẹ thấy con vui khỏe mạnh thì cho thêm áo, giầy… làm cho nó vui hơn, hay hoan hỷ với nó, đó là lòng từ. Nhưng khi nó đau ốm thì săn sóc, cho thuốc men, cơm cháo là bi. Đức Phật cũng vậy, đối với chúng sanh đã có nghiệp quả tốt, Ngài dùng Từ để giáo hóa, vì cái tốt trong tam giới chưa phải giải thoát, nên Ngài đem những thiện pháp xuất thế khiến cho họ tiến tu, đó là lòng Từ. Nhưng đối với những chúng sanh bị nghiệp chướng đau khổ trói buộc, thì Phật dùng những pháp môn dạy chúng ta tu để trừ nghiệp chướng, để hết đau khổ, đó là Bi. Nhưng thực hiện lòng từ bi đó không phải một ngày, hai ngày mà thành được. Kinh đã chia ra ba cấp bực từ bi là:

  1. Chúng sanh duyên từ.
  2. Pháp giới duyên từ, hay đồng thể đại bi.
  3. Vô duyên từ hay Vô duyên đại từ.

Chúng sanh duyên từ: Là lòng từ bi còn tướng đối đãi, có duyên mới phát khởi, ví dụ có thấy chúng sanh đau khổ mới phát lòng thương, khi cảnh khổ qua rồi thì tâm từ bi cũng lặn mất. Lòng từ bi có sinh diệt đối đãi ấy, gọi là chúng sanh duyên từ.

Pháp giới duyên từ: Là Phật, Bồ-tát thấy rằng tất cả chúng sanh sinh tồn đều có tương quan mật thiết với nhau. Ví dụ: Một người đi buôn, một người làm ruộng, một thầy giáo, một học sinh, một người nội trợ… Những người này nếu nhìn một cách phiến diệnchúng ta thấy họ không tương quan gì với nhau, vì mỗi người làm một công việc. Nhưng sự thật thì tất cả những người ấy đều có tương quan sinh tồn, giúp đỡ lẫn nhau. Hiểu được như vậy, thì không còn cái tánh bất chấp quyền lợi chung mà bảo vệ quyền lợi riêng rẽ.

Cao hơn tất cả là Vô duyên từ: Là lòng từ bi hoàn toàn không dựa vào một lý lẽ nào để phát khởi, không chờ đợi đối tượng, vô điều kiện. Như mặt trời chiếu sáng, không tính toán lựa chọn chỗ này thì chiếu xuống, chỗ kia không chiếu xuống. Hai đức từ bi sau này bao la như vũ trụ của chư Bồ-tát và Phật, còn Phật tử chúng ta thì chỉ thực hành chúng sanh duyên từ, nhưng đấy cũng là những mục tiêu mà chúng ta mong mỏi hướng đến, để sau này cũng sẽ có được pháp giới duyên từ và vô duyên từ như chư Phật và Bồ-tát.

Tại khóa tu, các Phật tử còn được chư Tăng hướng dẫn tụng kinh, niệm Phật, kinh hành, thực hiện nghi thức cúng quá đường và dùng cơm trong chánh niệm.

Khóa tu “Một ngày An lạc” tháng 11 kết thúc viên mãn và tràn đầy hoan hỷ.

Một số hình ảnh ghi nhận được tại khóa tu:

                          

Tác giả bài viết: Nguyên Hà