Đồng Nai: Tưởng niệm lần thứ 19 cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành

Đồng Nai: Tưởng niệm lần thứ 19 cố Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành
Sáng ngày 15/6/2020 (nhằm ngày 24/4 nhuận năm Canh Tý), môn đồ pháp quyến tổ đình Long Thiền, số 3B đường Bùi Hữu Nghĩa, Hòa An, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 19 của cố đại lão hòa thượng Thượng Huệ Hạ Thành – nguyên tăng thống GHPG cổ truyền Việt Nam, nguyên Phó pháp chủ GHPGVN, nguyên Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Viện chủ tổ đình Long Thiền.

Tham dự lễ tưởng niệm có HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thiện Đức – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký ban Kiểm soát TƯ; HT.Yoshimizu Daichi – Nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Tịnh độ tông Nhật Bản; HT.Thích Huệ Thông – Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng 2 TƯ GHPGVN, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương cùng chư Tôn đức Giáo phẩm thành viên Hội đồng Chứng minh, chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai cùng các tỉnh, môn phong pháp quyến, các cấp chính quyền và đông đảo Phật tử đồng về tham dự.

Về phía chư Ni có: NT.Thích Nữ Tịnh Nguyện – Phó Trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới TƯ; NT.Thích Nữ Huệ Hương – Ủy viên HĐTS, Phó Phân ban Ni giới TƯ, Phó BTS kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Đồng Nai cùng các Ni Trưởng, Ni sư các tỉnh, thành đồng về tham dự.

Trong không khí trang nghiêm, khói hương trầm quyện tỏa, chư Tôn đức Giáo phẩm, HĐCM, chư Tôn đức ban Tổ chức Hội thảo về Phật giáo Cổ truyền VN đã dâng hương tưởng niệm, tỏ lòng thành kính tri ân, tưởng nhớ công đức to lớn của cố HT.Thích Huệ Thành đối với Đạo pháp, sự phát triển của ngôi nhà GHPGVN được vững mạnh, trang nghiêm trong lòng dân tộc.

Đại lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, thế danh Nguyễn Toàn Trung, sinh năm Nhâm Tý (1912) tại xã Phú Hữu, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là TP.Hồ Chí Minh). Hoà thượng sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho học, yêu nước đồng thời có lòng chánh tín Phật pháp, nên từ thuở ấu thơ đã được quy y Tam Bảo với Tổ Pháp Ấn – viện chủ Tổ đình Phước Tường.

Do thấm nhuần tinh thần Phật pháp của gia đình từ thuở nhỏ, và hạt giống xuất trần từ nhiều kiếp đã sẵn có trong con người của Hoà thượng, nên sau thời thuyết giảng của Tổ Pháp Ấn tại Tổ đình Phước Tường, Ngài đã nhận thức được cõi đời là giả tạm, thế sự phù vân chỉ có đạo giải thoát là cứu cánh. Vì vậy Ngài đã đảnh lễ song thân xin phép xuất gia học đạo với Tổ Pháp Ấn tại Tổ đình Phước Tường (Thủ Đức- Gia Định). Hoà thượng được Tổ thế phát và ban cho Pháp huý Hồng Tín, tự Bửu Thành, hiệu Huệ Thành, năm ấy Ngài vừa tròn 12 tuổi. Sau khi xuất gia Hoà thượng đã nỗ lực tinh tấn tu học, dõng mãnh vượt xa các bạn đồng học nên được Tổ và chư huynh đệ yêu mến. Sau những tháng năm chuyên cần tu học, biết được đạo hạnh của Hòa thượng đã vững vàng, nên năm 1931, được Tổ cho thọ giới Sa Di tại chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức), đến năm 1934, thọ Tam đàn Cụ túc tại chùa Phước Thạnh (Tây Ninh).

Trải qua hơn 70 năm tu học hành đạo, Hoằng pháp lợi sinh, truyền thừa chánh pháp và đóng góp vào sự nghiệp của dân tộc, Hoà thượng là bậc thạch trụ tòng lâm, trí đức song toàn. Ngài xứng đáng là nhà mô phạm mẫu mực, làm tấm gương sáng muôn đời cho thế hệ mai sau noi dấu. Theo luật vô thường, đến lúc hoá duyên đã mãn, Hòa thượng đã an nhiên thu thần thị tịch vào lúc 19 giờ ngày 24 tháng 4 Nhuận năm Tân Tỵ, Trụ thế 90 năm, Hạ lạp 70 năm.

Với công đức cống hiến của Hòa thượng vào sự nghiệp đạo pháp và xây dựng bảo vệ Tổ Quốc qua nhiều giai đoạn. Hòa thượng vinh dự được Giáo hội, Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, bằng tuyên dương công đức.

Hòa thượng đã viên mãn sự nghiệp hoằng hoá độ sinh, phục vụ đạo pháp và dân tộc, trở về thế giới Niết bàn, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký ức của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trang sử muôn màu của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận được:

Tác giả bài viết: Thiên Thanh – Hương Đạo