Kiên Giang: Khai Giảng Khóa Thiền Tứ Niệm Xứ

Kiên Giang: Khai Giảng Khóa Thiền Tứ Niệm Xứ
Ngày 24/10/2019 (nhằm ngày 26 tháng 9 âm lịch), tại thiền đường chùa Sóc Xoài tọa lạc tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang đã trang nghiêm khai giảng khóa thiền tứ niệm xứ với sự chứng minh và tham dự của Ngài Hòa thượng Danh Đổng – Ủy Viên thường trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội ĐKSSYN tỉnh, Hiệu trưởng trường Sơ cấp Phật học Pali-Kinh luận giới tỉnh Kiên Giang; Thượng tọa Danh Phản – Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, phó trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh, Phó Chủ tịch Hội ĐKSSYN tỉnh, phó Hiệu trưởng trường Sơ cấp Phật học Pali-Kinh luận giới tỉnh Kiên Giang; thượng tọa Danh Liêm – Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN, phó trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh, Phó chánh thư ký Hội ĐKSSYN tỉnh Kiên Giang cùng với sự tham dự của 94 thiền sinh trong đó có 52 vị Chư Tăng và 42 Phật tử.
Tại buổi khai giảng, tất cả các vị thiền sinh đã thành kính trang nghiêm dâng hương cúng dường đến chư Phật chứng minh đồng thời đảnh lễ đến quý ngài lãnh đạo tỉnh hội.
Hàng năm tại trường Sơ cấp Phật học Pali-Kinh luận giới tỉnh Kiên Giang đặt tại chùa Sóc Xoài sau khóa an cư kiết hạ 3 tháng của chư vị tỳ Khưu Tăng theo giới luật Phật quy định thì tại đây đều tổ chức khai giảng khóa thiền tứ Niệm Xứ không những cho các vị chư Tăng đang theo học tại đây mà còn cho tất cả quý Phật tử địa phương hành thiền cùng với sự hướng dẫn của Thiền sư Danh Hữu Giang phó trụ trì chùa.



Phát biểu tại khóa thiền Hòa thượng Danh Đổng cũng đã chia sẻ kinh nghiệm hành thiền đối với các vị thiền sinh, khi hành thiền chúng ta cần nên chú ý đến hơi thở ra/vào và nhẹ nhàng cảm nhận hơi thở của mình đặc biệt quán thân trong thân, quán tâm trong tâm, làm như thế nào khi mãn khóa thiền chúng ta có thể tìm thấy được sự an vui từ trong thân tâm hướng đến giải thoát mọi khổ đau.
Được biết Tứ niệm xứ là bốn phép quán cơ bản về sự tỉnh giác. Phương pháp thiền quán của Phật giáo nguyên thủy gồm quán thân, quán tâm và các pháp (tức là những ý nghĩ, khái niệm, gom lại là tâm pháp).
Giáo lý Phật giáo khẳng định rằng: Muốn thấu triệt một sự vật hiện tượng nào, nhất thiết phải dùng phương pháp quán niệm. Không có quán niệm thì không thể đánh giá được sự vật chân thật, khách quan được. Quán là dùng trí tuệ để tư duy, soi rọi và phân tích đối tượng, để thấu triệt được bản chất sự vật. Niệm được hiểu một cách đơn giản là nhớ nghĩ đến đối tượng để thực hiện một quá trình quan sát, tư duy. Ở giai đoạn sơ khởi thì niệm là tiền đề cho quán. Nếu không có niệm thì quán không thể xảy ra. Niệm còn có nghĩa là ký ức lưu giữ đối tượng sau khi quán. Nếu đối tượng cho ta một kết quả tích cực, lợi ích cho việc tu tập dẫn đến giác ngộ, thì ta dùng niệm để nhớ nghĩ mà hành trì. Trong giáo lý Tứ diệu đế, Bốn đề mục quán niệm được Thế Tôn tuyên giảng ở phần Đạo đế. Trước hết, đây là một pháp môn tu tập quân bình về chỉ và quán. Gồm có:
1. Quán niệm về thân
2. Quán niệm về thọ
3. Quán niệm về tâm
4. Quán niệm về pháp.

 
Quán Thân bao gồm sự tỉnh giác trong hơi thở, thở ra, thở vào, cũng như tỉnh giác trong bốn dạng cơ bản của thân (đi, đứng, nằm, ngồi). Tỉnh giác trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát 32 phần thân thể, quán sát yếu tố tạo thành thân cũng như quán tử thi.
Quán Thọ là nhận biết rõ những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm, biết chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính, nhận biết chúng là thế gian hay xuất thế, biết tính vô thường của chúng.
Quán Tâm là chú ý đến các tâm pháp (ý nghĩ) đang hiện hành, biết nó là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si (Tâm sở).
Quán Pháp là biết rõ mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, đều vô ngã biết rõ ngũ chướng có hiện hành hay không, biết rõ con người chỉ là Ngũ Uẩn đang hoạt động, biết rõ gốc hiện hành của các pháp và hiểu rõ Tứ diệu đế.
Hình ảnh ghi nhận tại Khóa thiền:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


 


Nguồn tin: Theo http://phatgiaonamtongkhmer.org