TT-Huế: Khai mạc Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

TT-Huế: Khai mạc Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Sáng ngày 14/10/2019, tại khách sạn Hương Giang, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra phiên khai mạc Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2019. Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQVN phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NCA Việt Nam).
Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN; Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường; Ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQVN; Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; Ông Bùi Thanh Hà, Phó ban Tôn giáo Chính phủ; Bà Grethe Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam; Bà Margrethe Volden, Giám đốc NCA khu vực châu Á và Trung Đông cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Về phía GHPGVN có HT. Thích Thiện Pháp – Phó chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự TƯ GHPGVN; HT. Thích Gia Quang – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TTTT TƯ GHPGVN; HT. Thích Quảng Tùng – Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Từ thiện Xã hội TƯ GHPGVN; HT. Thích Khế Chơn – Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT. Thích Hải Ấn – Ủy viên Thường trực HĐTS , Viện trưởng học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; TT. Thích Thanh Huân – Uỷ viên Thường trực HĐTS, phó Văn phòng TƯGH; TT. Thích Minh Nhẫn – Uỷ viên HĐTS, Phó ban TTTT TƯ GHPGVN, Tổng biên tập PSO cùng chư Tôn đức Tăng, Ni đại diện BTS GHPGVN các tỉnh thành, quý vị lãnh đạo Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh thành, chức sắc chức việc các tôn giáo và trên 500 đại biểu đồng về tham dự.

Hội nghị và hội trại toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2019 được thiết kế trên nền tảng ý tưởng “Quay về với tự nhiên”. Ý tưởng này được tạo hứng khởi từ bài viết “Trở về tự nhiên – Một sự phản ứng của nền văn minh”. “Trở về với tự nhiên” là xu hướng chung của con người trong các nền văn minh. Sống hòa mình vào thiên nhiên là mong muốn ngàn năm của con người, là hiện tượng đặc trưng của nền văn minh xanh.

Tại hội nghị, Ông Trần thanh Mẫn đã có bài phát biểu khai mạc. BBT xin trích đăng toàn văn bài phát biểu:

Ông Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc

Phát biểu của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn
tại “Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”

– Kính thưa đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

– Kính thưa đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế,

– Thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế, các vị khách quốc tế, các vị lãnh đạo các tôn giáo,

– Thưa toàn thể Hội nghị,

Hôm nay, trong không khí phấn khởi sau thành công của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9, Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu lần thứ hai tại cố đô Huế xinh đẹp và mến khách. Thay mặt UBTW MTTQ Việt Nam và các cơ quan đồng tổ chức Hội nghị, tôi nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các vị lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức tôn giáo, các vị khách quốc tế cùng toàn thể quý đại biểu đã đến tham dự Hội nghị.

Thưa quý đại biểu,

Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề lớn mang tính chất toàn cầu được cả loài người trên thế giới quan tâm. Nhiều nghiên cứu và báo cáo đã đưa ra đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, có tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế – xã hội và an ninh môi trường thế giới.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc cùng hành động vì khí hậu ngày 23 tháng 9 năm 2019, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông An-tô-ni-ô Gu-tơ-rét đã nêu bật yêu cầu cần cắt giảm phát thải khí nhà kính 45% vào năm 2030; kêu gọi tăng nguồn tài chính chi cho khí hậu, bao gồm việc thực hiện cam kết đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm của các nước phát triển cho ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển vào năm 2020 và củng cố Quỹ Khí hậu Xanh. Tại Hội nghị, các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ, đại diện các nước đã đưa ra những tuyên bố, cam kết mạnh mẽ. Giáo hoàng Phan-xi-cô đã gửi thông điệp kêu gọi loài người sống trung thực hơn, có trách nhiệm hơn và khuyến khích hành động vì khí hậu.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu quan trọng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, nhất là ở một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và làng nghề; tài nguyên thiên nhiên vẫn còn bị khai thác quá mức, thiếu bền vững. Theo các chuyên gia môi trường thế giới, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tính trung bình GDP cứ tăng thêm 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP. Đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, nặng nề đối với Việt Nam khi vừa phải tập trung phát triển kinh tế vừa bảo vệ tốt môi trường; coi bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ngắn hạn và dài hạn, Việt Nam luôn nhất quán mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh và hướng tới người dân – phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe, thể chất của nhân dân.

Thưa quý đại biểu,

Năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức tại thành phố Huế, đại diện lãnh đạo của 14 tôn giáo đã trình bày bản Thông điệp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Lãnh đạo của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã cùng Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (giai đoạn 2015-2020) với 5 nội dung và 7 mục tiêu, giải pháp.

Sau khi Chương trình phối hợp được ký kết, Ban Chỉ đạo Chương trình đã được thành lập với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao của 14 tôn giáo. 63 tỉnh, thành phố đã tiến hành ký kết Chương trình hoặc Kế hoạch phối hợp giữa Mặt trận, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo ở cấp tỉnh. Trong 4 năm qua, với sự tham gia tích cực và hiệu quả của các tôn giáo, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, ngành tài nguyên và môi trường, trong cả nước đã có hơn 1.014 mô hình của các tôn giáo tham gia Chương trình được xây dựng; hàng trăm loại tài liệu được biên soạn; hàng nghìn lớp tập huấn, bồi dưỡng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai… được triển khai ở các địa phương và trong các tôn giáo, tạo sự thay đổi căn bản trong nhận thức của lãnh đạo và tổ chức tôn giáo về vai trò, trách nhiệm cùng toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tôi nhiệt liệt chúc mừng 39 tập thể, 20 cá nhân và 9 mô hình được vinh danh và nhận Bằng khen của UBTW MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày hôm nay.

Tại Hội nghị này, lãnh đạo của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam sẽ cùng các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và cam kết tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp cùng nhau thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình trong những năm tới, góp phần tích cực phát huy vai trò của các tôn giáo ở Việt Nam trong việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tăng cường đoàn kết, sự gắn bó, đồng hành của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với ý nghĩa đó, thay mặt UBTW MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam cùng lãnh đạo các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, tôi chân thành cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để Hội nghị được tổ chức tại Thành phố Huế.

Chúc quý đại biểu mạnh khỏe và ngày càng có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!

Xin chân thành cảm ơn.

Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT có bài phát biểu về “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu – Những vấn đề đặt ra và giải pháp”.

Ông Trần Hồng Hà phát biểu

PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ
TẠI HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC
BIỂU DƯƠNG, PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CÁC TÔN GIÁO
THAM GIA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

– Kính thưa đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

– Thưa đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế,

– Thưa bà Grethe Lochen, Đại Sứ Na Uy tại Việt Nam; bà Margrethe Volden, Giám đốc Tổ chức Bắc Âu (NCA) khu vực Châu Á và Trung Đông,

– Thưa quý vị chức sắc đại diện các tổ chức tôn giáo,

– Thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Huế cổ kính, bên bờ Hương thơ mộng, nơi từng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc, nơi có di sản văn hoá được UNESCO công nhận, đồng thời là Thành phố bền vững về môi trường ASEAN.

Đặc biệt, Hội nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh, toàn Đảng và toàn dân đang hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 vừa được tổ chức thành công tốt đẹp.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, tôi trân trọng trân trọng gửi tới các đồng chí, các vị khách quý và quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Nhân loại đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Chất thải rắn, rác thải nhựa đại dương, khí thải, nước thải đang ngày càng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái; suy giảm các nguồn tài nguyên: nước, đất, biển, đại dương, chất lượng không khí; ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững. [Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, ô nhiễm nguồn nước đối với sức khỏe con người có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có 7 triệu người trên Trái Đất thiệt mạng do ô nhiễm không khí; và cứ 10 người thì có 9 người phải hít thở không khí bị ô nhiễm.]

Suy giảm diện tích đất rừng, thảm thực vật và nguồn nước do khai thác không hợp lý, quá mức làm tăng nguy cơ sa mạc hóa, suy giảm các hệ sinh thái tự nhiên và tài nguyên sinh vật diễn ra ở nhiều nơi. [Theo Sách Đỏ mới được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cập nhật tháng 7/2019 có hơn 28 nghìn loài động thực vật đang bị đe doạ nguy cấp; con số này đã tăng 6% so với năm 2018.]

Thiên tai do tác động của BĐKH, sóng nhiệt tăng cường, mưa bão, hạn hán, thiên tai, ngập lụt diễn ra ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là ở các thành phố ven biển, gây thiệt hại nặng nề đến cuộc sống con người và các hệ sinh thái.

Ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường, suy thoái và suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu nhanh và phức tạp đã và đang là những rào cản to lớn đối với quá trình phát triển bền vững đất nước.

Ô nhiễm nguồn nước nhất là nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, các lưu vực sông [Nhuệ – Đáy, sông Cầu, sông Vu Gia – Thu Bồn, sông Sài Gòn – Đồng Nai] chưa được khắc phục. Ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn khó kiểm soát, xử lý, có nơi ngày càng trở nên trầm trọng.

Ô nhiễm không khí trong các đô thị lớn diễn biến phức tạp tại một số thời điểm và một số nơi, chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt ngưỡng an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Ô nhiễm, suy thoái đất diễn ra ở nhiều nơi.

Lượng phát thải đặc biệt là rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy sử dụng một lần tiếp tục gia tăng; chỉ tính riêng rác thải rắn sinh hoạt cả nước mỗi năm tăng khoảng từ 10-16%, mỗi ngày phát sinh hơn 70 nghìn tấn. Hầu hết rác thải chưa được phân loại tại nguồn, tỉ lệ tái sử dụng và tái chế thấp.

Tình trạng xả thải, đổ thải, chôn lấp chất thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường đã xảy ra ở nhiều địa phương. Sự cố ô nhiễm về môi trường xảy ra ở một số địa phương gây ra hậu quả lớn ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khoẻ của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. [Gần đây là sự cố cháy nổ tại Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông ở Hà Nội vừa qua gây mất an toàn hóa chất, ô nhiễm môi trường gióng lên hồi chuông đáng báo động về tình trạng các cơ sở công nghiệp hoạt động xen lẫn trong các khu dân cư].

Một số loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao vẫn được đầu tư tại các khu vực đầu nguồn nước, khu vực có mức độ nhạy cảm cao về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố môi trường lớn, nghiêm trọng.

Ô nhiễm xuyên biên giới, ô nhiễm theo dòng chảy đang và sẽ tác động đến môi trường, nguồn nước, không khí và tài nguyên biển.

Trong khi đó, BĐKH diễn biến nhanh, phức tạp và ngày càng khó lường. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu. [Chỉ tính riêng, Nếu mực nước biển dâng 1 m và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,5% diện tích các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,8% diện tích Tp. Hồ Chí Minh, 38,9% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập].

Tình trạng thiên tai, khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn, khốc liệt hơn, khó dự báo hơn. Lũ ống, lũ quét xảy ra ở Miền núi phía Bắc, hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có ở đồng bằng sông Cửu Long. [Ngay trong năm 2019, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Nam Trung bộ đã dẫn đến nhiều tỉnh như An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Tiền Giang, Hậu Giang, Ninh Thuận,…phải công bố tình trạng khẩn cấp].

Thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chủ trương nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường; kinh tế, xã hội và môi trường là trung tâm để Việt Nam phát triển bền vững. Đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế, cơ cấu năng lượng, chủ trương thu hút đầu tư. Tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để tăng cường quản lý, thiết lập hàng rào kỹ thuật bảo vệ môi trường. Xây dựng các Chiến lược, Kế hoạch hành động nhằm bảo vệ, phục hồi môi trường tự nhiên. [ như chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí;…]

Đồng hành với nỗ lực của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong những năm qua, các tôn giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tôi vui mừng được biết, trong gần 4 năm qua, kể từ sau Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức năm 2016 cũng chính tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế, các tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả những nội dung, mục tiêu giải pháp trong Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 – 2020.

Qua đó, nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương trong cả nước, nổi bật như các phong trào: Giáo xứ, cơ sở thờ tự “Xanh, sạch, đẹp”cộng đồng, tổ đoàn kết, tổ tự quản tôn giáo tham gia BVMT; phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại các gia đình, cơ sở tôn giáo; hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự; Câu lạc bộ giáo dân tham gia vệ sinh môi trường vào thứ 6 hàng tuần; giáo dân thu gom, phân loại rác thải, bao bì, vỏ chai nhựa… 

Những phong trào nêu trên đã tạo sức lan toả lớn trong xã hội, góp phần vào nỗ lực quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị trong việc chặn đà suy giảm, dần cải thiện, phục hồi các chỉ số thành phần chất lượng môi trường; chủ động thích ứng trước BĐKH. [Qua khảo sát của tổ chức độc lập, tỷ lệ người dân quan tâm đến quản trị, bảo vệ môi trường tăng từ 69% năm 2017 lên đến 74% năm 2018; tỷ lệ người dân quan ngại về vấn đề môi trường đã giảm từ 12% năm 2017 xuống khoảng 7% năm 2018; sự lo lắng của người dân về môi trường từ thứ 2 năm 2016, xuống thứ 5 năm 2018. Đây là các chỉ số đánh giá một cách khách quan những kết quả, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp to lớn của các tổ chức tôn giáo, trong những năm qua.]

Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm sự đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đồng chí Trần Thanh Mẫn đã quan tâm sâu sát trong công tác chỉ đạo.

Đặc biệt, tôi trân trọng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực vượt qua khó khăn của Mặt trận tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức tôn giáo để tham gia hiệu quả mạnh mẽ vào công tác BVMT, ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Những mô hình, cách làm hay mà đại diện các tổ chức tôn giáo chia sẻ tại Hội nghị này sẽ làm phong phú thêm kiến thức, kinh nghiệm và tạo sức lan toả trong toàn xã hội trong những năm tiếp theo.

Tôi trân trọng cám ơn phối hợp hiệu quả của Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hỗ trợ công tác BVMT và ứng phó với BĐKH của các tổ chức tôn giáo.

Thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:

“Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái

Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi”.

Theo Người, bất kể tôn giáo nào cũng đều hướng đến mục tiêu “mưu hạnh phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội.”

Các tôn giáo ngày nay với phương châm “sống tốt đời đẹp đạo” đã tích cực nhập thế, hiện diện và có đóng góp trên nhiều lĩnh vực của xã hội, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, như: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của đạo Tin lành; “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Cao Đài; “Vì đạo pháp, vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo…

Ứng phó hiệu quả với BĐKH, chủ động, tích cực bảo vệ môi trường là những vấn đề quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định sự phát triển của đất nước, cũng như tương lai phồn thịnh và hạnh phúc của các thế hệ người Việt Nam. Điều đó, hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà tất cả các tôn giáo ở Việt Nam cùng với toàn dân tộc đang hướng tới.

Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị đại diện Lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong các hoạt động như sau:

Một là, giáo tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về BVMT, ứng phó với BĐKH trong cộng đồng, tín đồ, tổ chức tôn giáo; trang bị kiến thức, tri thức, kinh nghiệm; tiếp tục nhân rộng, xây dựng mới các mô hình, điển hình tiên tiến cộng đồng giáo dân, tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền. Trong đó, cần chú trọng phát hiện và nhân rộng các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn phục vụ tái chế, tái sử dụng; hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.

Hai là, lồng ghép xây dựng ý thức, nếp sống, văn hoá bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức tôn giáo trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích của xã hội. Vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH; phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó BĐKH.

Ba là, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, gây rối an ninh trật tự.

Thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Phòng ngừa ô nhiễm môi trường, ứng phó BĐKH đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ từ chính sách, đến hành động của các cấp uỷ, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức tôn giáo đặc biệt là sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp.

Tôi hy vọng sau Hội nghị lần này, chúng ta sẽ có nhiều hơn các điển hình tiên tiến, xuất sắc từ trong các tổ chức tôn giáo trên cả nước.

Về phần mình, Bộ TN&MT sẽ tích cực phối hợp với Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để các tôn giáo tham gia đồng hành hiệu quả hơn nữa với Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong công tác về BVMT, ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ TN&MT, tôi trân trọng cảm ơn đồng chí Trần Thanh Mẫn, đồng chí Lê Trường Lưu, các đồng chí Lãnh đạo Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương, các vị chức sắc tôn giáo, các tổ chức quốc tế đã đồng hành, phối hợp, hỗ trợ ngành thực hiện tốt sự nghiệp chung về BVMT, quản lý tài nguyên và ứng phó với BĐKH. Kính chúc các đồng chí, quý vị đại biểu, các vị khách quý mạnh khoẻ, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!

Ông Ngô Sách Thực, Phó chủ tịch UB TƯ MTTQVN báo cáo sơ kết 04 năm thực hiện chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, trên nhiều phương diện. Có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng cùng tham gia thể hiện chung tay bảo vệ môi trường; cách thức triển khai Chương trình phối hợp đồng bộ, bài bản, có nhiều sáng tạo, phù hợp với giáo lý, giáo luật của tôn giáo, đặc điểm tình hình các địa phương và yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Ông Ngô Sách Thực phát biểu báo cáo

 

Các tôn giáo đã xây dựng được nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng. Thông qua thực hiện Chương trình đã khẳng định đường hướng sống “Tốt đời, đẹp đạo” của các tôn giáo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể là đúng đắn, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội; tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguồn tin: Theo PSO