Lễ Hằng thuận tại chùa Thiên Tôn Q5

Lễ Hằng thuận là dấu ấn tâm linh, nét đẹp cần có trong ngày hôn lễ của người Phật tử tại gia. Đây là một nghi thức đã có từ lâu, nhưng bị mai một thời gian dài trong thời Pháp thuộc, đã được HT Thích Thiện Hòa phục hưng vào năm 1970 và gần đây được sự quan tâm của giới trẻ, Lễ Hằng thuận đã được tổ chức hầu hết ở các tự viện trong và ngoài nước.
     Ngày 07/12/2019, Đ Đ Thích Minh Nghĩa - Ủy viên BTS GHPGVN Q5, thừa ủy nhiệm HT Thích Chơn Không - Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Trụ trì chùa Thiên Tôn Q5 – Di tích lịch sử TPHCM, cùng chư Tôn đức đã chứng minh tác lễ Hằng thuận cho 2 cặp đôi bạn trẻ :

    1.Tân lang Tô Hoàng Vĩnh An pháp danh Phước Toàn và Tân nương Trịnh Thị Lụa pháp danh Hạnh Phúc.
    2. Tân lang Hàng Nhật Quang pháp danh Chơn Phúc và Tân nương Trần Thị Yến pháp danh Hạnh Xuân.
và sự tham dự của họ hàng hai bên gia đình, cùng quý Phật tử chúc phúc cho đôi bạn trẻ kết duyên vợ chồng.
     
    

     Đôi bạn trẻ đã được lắng nghe chư Đại đức huấn thị về bổn phận làm vợ, làm chồng, làm dâu, làm rễ và làm cha mẹ trong tương lai theo tinh thần kinh Thi Ca La Việt, (kinh Thiện Sanh, kinh lễ Sáu phương):
 




   “Làm bậc cha mẹ, ai cũng trông mong con cái trưởng thành, chọn nhà nhân đức, dòng dõi tốt lành, kết tóc xe tơ, nên duyên chồng vợ, xây dựng gia đình, duy trì nòi giống, con Lạc cháu Hồng. Do đó, muốn lập gia nghiệp, cần phải có chồng có vợ, vui buồn bên nhau, sớm hôm bầu bạn, chia ngọt sẻ bùi, an ủi giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau và điều quan trọng hơn hết là phải hòa thuận, nhường nhịn lẫn nhau, không được khinh khi bội bạc lẫn nhau. Được vậy, chắc chắn gia nghiệp được thành tựu như ý.”






    “Đôi nhẫn cưới này được làm bằng vàng, chất vàng có đặc tính là tùy duyên bất biến, nghĩa là hình dạng có thay đổi, nhưng tính chất vẫn giữ nguyên vẹn. Đạo vợ chồng cũng thế, thầy mong hai cháu chung sống bên nhau dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa, cũng phải giữ vẹn lòng chung thủy trước sau như một. Cổ nhân có dạy: Ngọc càng dồi càng sáng, vàng càng luyện càng tinh; đừng vì nghịch cảnh, cũng đừng vì danh lợi, tiền của, sắc đẹp,…mà thay lòng đổi dạ.”





 


Tác giả bài viết: Minh Huệ- Huệ Diệu