Điều chỉnh để đến gần với tinh thần giới luật của Đức Phật

Điều chỉnh để đến gần với tinh thần giới luật của Đức Phật
Nhân Đại giới đàn Huệ Hưng PL.2564 diễn ra từ ngày 12 đến 15-10-2020 tại TP.HCM, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng - Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Trưởng BTS GHPGVN TP, Trưởng ban Tổ chức - đã dành cho báo Giác Ngộ cuộc phỏng vấn xoay quanh các vấn đề về Đại giới đàn mang tôn hiệu của một vị cao tăng Việt Nam thời hiện đại.
BTN_0089.JPG
Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn
 
Nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại giới đàn, Trưởng lão Hòa thượng cho biết:
 
- Trong lịch sử, khi Đức Phật còn tại thế, các vị xuất gia đều được Đức Phật ấn chứng để trở thành Tỳ-kheo, tham dự Tăng đoàn do chính Thế Tôn trực tiếp lãnh đạo.
 
Sau khi Đức Phật vào Niết-bàn, trách nhiệm đó được chuyển giao lại cho các vị Trưởng lão. Chư Trưởng lão đại vị cho Đức Phật, luôn tôn kính Đức Phật là bậc Thầy cao cả nhất, đã xây dựng nên quy phạm nhằm giữ gìn tinh thần đó, tiếp tục công việc truyền trao giới thân huệ mạng cho thế hệ nối tiếp qua các thời đại. Đó cũng là nhân duyên hình thành của giới đàn.
 
Để cho giới đàn được thanh tịnh, thường có bước đầu khảo hạch giới tử. Việc này nhằm chọn lựa những người đủ tiêu chuẩn để làm Tỳ-kheo cho gia nhập Tăng đoàn, đồng thời hạn chế những người thiếu căn lành, không thực tâm cầu giải thoát xâm nhập vào đoàn thể người xuất gia, làm tổn hại cho Tăng đoàn và Giáo hội.
 
Chư Tổ, các vị Trưởng lão luôn lưu tâm điều này qua ảnh dụ “sư tử trùng thực sư tử nhục”. Việc khảo hạch giới tử, ở nghĩa nào đó, có thể xem là bước cần thiết để loại trừ cơ hội vi trùng xâm nhập vào cơ thể sư tử để rồi phá hoại cơ thể sư tử. Trong phần khảo hạch, có một nội dung tưởng như đơn giản nhưng rất quan trọng đối với người tu, đó là “tặc tâm xuất gia” - chỉ cho những người không thực tâm cầu giải thoát, tìm cách chen chân vào tổ chức tôn giáo không phải để tu hành mà nhằm gây chia rẽ, phá hòa hợp.
 
Việc khảo hạch dành cho những vị phát tâm thọ giới, sau khi được Giáo hội trực thuộc rà soát thông tin hợp pháp, là dịp để kiểm tra thực tế kiến thức phổ thông, sự hiểu biết về Phật pháp của giới tử. Khảo hạch chỉ được xem là bước sơ tuyển. Trước khi tấn đàn thọ giới, còn một lần “vấn nạn” nữa do các vị giáo thọ thực hiện theo luật để xác định lại xem giới tử có đúng là người hảo tâm xuất gia, có thể trở thành pháp khí Đại thừa hay không; sau cùng còn phải được tác pháp yết-ma, qua quyết định của 7 vị tôn chứng mới trở thành Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thực sự.
 
Vượt qua được các kỳ khảo hạch như thế, tôi tin chắc những vị đắc giới sẽ được chư Phật hộ niệm, như được chính Đức Phật truyền trao giới thể thanh tịnh.
 
Kinh nghiệm của tôi cho thấy khi giới tử có tâm hồn trong sáng, thanh tịnh thì có thể lãnh thọ được Chánh pháp của Đức Phật. Có người dẫu được đăng đàn thọ giới nhưng tâm thiếu sự cần cầu tha thiết thì sẽ không được Phật hộ niệm, không đắc giới. Cho nên, trên bước đường tu, họ sẽ gặp nhiều trở ngại, khó đi trọn cuộc đời tu hành.
 
Bạch Hòa thượng, về cố Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng, tôn hiệu cho Đại giới đàn năm nay tổ chức tại TP.HCM, Hòa thượng có những cảm nhận riêng nào về đạo nghiệp của ngài? Hòa thượng có thể chia sẻ về nhân duyên mà Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP quyết định lấy tôn danh của ngài làm tôn hiệu Đại giới đàn?
 
- Giới đàn kỳ này tại TP.HCM mang tôn hiệu Huệ Hưng. Cố Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng là một vị cao tăng Việt Nam thời hiện đại.
 
Tôi được biết Hòa thượng Huệ Hưng lúc tôi còn là Sa-di. Ngài xuất thân từ Phật học đường Nam Việt, lớp trước của tôi. Cuộc đời và đạo nghiệp của ngài có những điều cao cả, đáng quý, tiêu biểu cho người tu, nên Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP đã chọn tôn danh của ngài làm tôn hiệu cho Đại giới đàn.
 
Mặc dù bối cảnh xã hội thế kỷ XX ở miền Nam hết sức khó khăn, đầy biến động, nhưng Hòa thượng Huệ Hưng mang quyết tâm tu hành rất lớn. Trong cái nhìn của tôi, Hòa thượng là vị đã được Đức Phật hộ niệm. Với tâm yên lặng trong chánh niệm nhờ an trú trong chánh định, thuở sinh tiền, Hòa thượng biết trước nhiều sự việc sẽ đến, nên đã vượt qua nhiều tai nạn để đi trên đường tu đến trọn đời.
 
Tôi có nhiều sự tương đồng với ngài, cũng từng đàm đạo với HT.Thích Huệ Hưng và được Hòa thượng cho biết những điều mầu nhiệm đó là rất tự nhiên, không lý giải được, nên tôi tạm gọi là “tánh linh” nhờ chư Phật hộ niệm, chư vị Long thần Hộ pháp mách bảo mới được như vậy. Với người thọ giới và đắc giới thì chắc chắn được chư Phật hộ niệm, được chư thiên hộ trì.
 
Tôi nhận thấy ở HT.Thích Huệ Hưng có những ứng xử rất chuẩn mực của người tu. Chẳng hạn khi Hòa thượng lỡ nói ra một lời không phù hợp với bạn đồng tu thì ngài phát nguyện tịnh khẩu sám hối, chuyên tâm thiền quán suốt ba năm liền. Hành trạng của ngài có nhiều điều hơn người bình thường. Đến lúc viên tịch, tôi cũng nhận thấy Hòa thượng bình thản trước sự sống và cái chết. Cho nên, HT.Thích Huệ Hưng là biểu tượng đáng tôn kính, xứng đáng làm gương cho các thế hệ Tăng Ni hôm nay soi vào mà tinh tấn tu hành.
 
hình 3.jpg
Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng
 
Trong tình hình hiện nay, hàng năm, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức Đại giới đàn. Với TP.HCM, quan sát những kỳ Đại giới đàn gần đây cho thấy có nhiều sự điều chỉnh, không chỉ với việc cung thỉnh giới sư, tuyển chọn giới tử mà còn thay đổi cả về phương diện tổ chức. Trong Đại giới đàn Huệ Hưng, được biết sự điều chỉnh ấy sẽ được tiếp tục, giản lược hình thức trong phần nghi lễ hành chánh, khánh tiết… Là vị giáo phẩm Giám luật, Chủ tịch Hội đồng Giám luật của Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Hòa thượng có những lưu ý nào liên quan tới việc tổ chức Đại giới đàn nói chung, không chỉ tại TP.HCM mà còn cho các địa phương khác?
 
- Như tôi đã nói, thời Đức Phật tại thế, Ngài là bậc đầy đủ phước đức và trí tuệ, chỉ cần được Ngài ấn chứng thì sẽ trở thành Tỳ-kheo. Sau khi Ngài vào Niết-bàn, các vị Thánh tăng, Tổ sư kế thừa mới nương theo đó thiết lập quy củ Đại giới đàn mà nguyên tắc và mục tiêu chính không ngoài tuyển chọn giới sư xứng đáng đại vị cho Phật để truyền giới, tuyển chọn giới tử có quyết tâm tu hành đưa vào Tăng đoàn.
 
Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh sai biệt, việc tổ chức Đại giới đàn cũng có sự khác nhau ở các phương xứ. Điều đó ảnh hưởng nhiều đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ theo Phật giáo Bắc truyền, có phần nặng về hình thức. Chẳng hạn lễ khai mạc, bế mạc Đại giới đàn là một trong những điểm mới phát sinh sau này.
 
Chúng ta cần lưu ý điều quan trọng của Đại giới đàn là giới sư thanh tịnh, giới tử nhất tâm cầu thọ giới pháp. Thời chúng tôi, trước khi thọ giới, Hòa thượng Thiện Hòa đã bắt buộc tất cả giới tử phải thực hành sám hối suốt ba tháng. Không chỉ vậy, giới sư cũng phải nhập thất tịnh tu trước khi đăng đàn truyền giới.
 
Có trường hợp kỹ hơn nữa, chư vị tiền nhân của chúng ta còn áp dụng việc cho các giới tử bốc thăm (hắc, bạch nghiệp) trước Tổ đường trước ngày thọ giới, nhờ vậy, mới thử thách chí nguyện xuất gia có bền bỉ hay không, và cũng nhờ đó mà lịch sử ghi nhận có nhiều bậc cao tăng ở các thời đại trước.
 
Do tùy duyên nên có tình trạng việc tổ chức Đại giới đàn đây đó còn quá nặng về hình thức, lễ khai mạc hay bế mạc được tổ chức rầm rộ, mời cả chính quyền tham dự. Xét về ý nghĩa, lễ khai mạc Đại giới đàn thực sự chỉ có giá trị thông báo, công bố với quần chúng về sự kiện Đại giới đàn, trong khi đó việc khảo hạch, truyền giới và đắc giới mới là nội dung quan trọng.
 
Khi Giáo hội được thành lập (1981) và trong thời gian tôi lãnh đạo Phật giáo tại TP.HCM, tôi suy nghĩ nhiều về việc kết hợp truyền thống của Đức Phật để lại với sự phát triển của xã hội, thay đổi nhưng không đánh mất nội dung truyền thống.
 
Từ Đại giới đàn Quảng Đức PL.2557 (2013), Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã bắt đầu có sự điều chỉnh trong cách tổ chức, giảm bớt hình thức, trong đó không có sự tham dự của quan khách đại diện chính quyền, đưa Đại giới đàn trở về đúng với sự kiện đặc thù của Tăng. Tôi thấy được việc cắt giảm như thế là phù hợp, vì nếu tổ chức hình thức quá rườm rà, chiếm nhiều thời gian thì các giới sư sẽ mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng của giới đàn. Hình thức tổ chức quá nặng thì cái được là quần chúng biết đến nhiều nhưng lại ảnh hưởng phần quan trọng của nội dung sự kiện đặc thù truyền giới và thọ giới.
 
Sau lễ khai mạc chung, giới sư và giới tử trở về các đàn giới khép kín, để các giới tử được học và thực hành thanh quy, sám hối, tấn đàn tác pháp biệt truyền theo luật. Đối với các giới tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, sau khi đắc giới phải có một tuần chuyên chú học tập luật do chư Hòa thượng giới sư hướng dẫn.
 
Những kỳ kế tiếp như Đại giới đàn Trí Đức PL.2559 (2015) tại chùa Huê Nghiêm 2 và Đại giới đàn Trí Tịnh PL.2561 (2018) tại Việt Nam Quốc Tự cũng theo chiều hướng điều chỉnh đó, nhưng cắt giảm thêm nữa một số nghi thức mang tính quần chúng bên ngoài, chú trọng phần bên trong. Đặc biệt với Đại giới đàn Trí Tịnh, sau khi thọ giới, tất cả tân Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni phải nhập hạ cấm túc an cư ba tháng. Suốt thời gian đó, Ban Trị sự thỉnh chư vị giáo phẩm, luật sư giảng dạy và hướng dẫn về giới luật, quy củ thiền môn. Việc này là bắt buộc, nếu ai không tuân thủ thì sẽ không được trao chứng điệp thọ giới - cơ sở chính để được Giáo hội cấp Tăng tịch (Chứng nhận Tăng Ni thuộc GHPGVN - PV).
 
Với Đại giới đàn Huệ Hưng cũng tính vậy, đáng ra được tổ chức trước mùa an cư vừa rồi để các vị sau khi được thọ giới pháp tham dự liền vào mùa an cư đầu tiên của đời người xuất gia, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoãn và dời thời gian đến hai lần.
 
Điều này tôi căn cứ tinh thần của luật quy định, sau khi thọ giới, các tân Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni phải dành thời gian 3 - 5 năm theo các vị giới sư để học giới luật, tuy nhiên thực tế hiện nay việc này cũng đã giảm đi để có phần thích nghi với thời đại. Giảm nhưng không được bỏ!
 
Đại giới đàn là sinh hoạt đặc thù của Tăng, theo đó không nên mời quan khách là chính quyền tham dự. Phần nữa, các Ban Trị sự, đặc biệt là Ban Tăng sự cần lưu ý về việc dạy giới luật cho các giới tử sau khi thọ giới, tránh tình trạng giới đàn xong ai về chùa nấy, giới điệp vẫn được cấp phát, vô hình trung giảm chất lượng tu hành của người xuất gia, đồng thời do sự thiếu hiểu biết về giới luật dễ dẫn tới việc đáng tiếc là phạm giới mà không nhận thức ra, đánh mất tinh thần cốt lõi của Đại giới đàn.
 
Với người tu, việc đắc giới là nhờ vào chư vị trong Hội đồng Thập sư. Ân đó trọn đời phải nhớ nghĩ, chính điều này là chỗ nương tựa, nâng đỡ cho người tu vững vàng và an lòng vượt lên nghịch cảnh, vì luôn được ở trong ngôi nhà Phật pháp, có Phật, Tổ, Thầy.
 
Những thay đổi, điều chỉnh liên quan tới Đại giới đàn không ngoài mục đích đến gần với tinh thần giới luật của Đức Phật dạy và chư Tổ sư kế thừa, chú trọng chất lượng tu học của Tăng Ni.
 
Tôi nhận thấy khi chúng ta thiên trọng về hình thức bao nhiêu thì phần bên trong, nội dung sẽ yếu kém bấy nhiêu. Bởi Đại giới đàn là dịp tìm người, chọn người, đào tạo con người xứng đáng về cả hai mặt đạo hạnh và trí tuệ để đưa vào Tăng đoàn, kế thừa và hướng dẫn quần chúng đi đúng với Chánh pháp của Phật, lãnh đạo Giáo hội ổn định, kỷ cương.
 
BTN_0051.JPG
Giới tử chí tâm cần cầu giới pháp - Ảnh: Bảo Toàn
 
Nhân dịp Đại giới đàn Huệ Hưng, Hòa thượng có lời nhắn gửi gì đến chư vị giới sư, các giới tử và cả Phật tử ngoại hộ?
 
- Với các giới sư, khi đã nhận lời thỉnh mời của Ban Tổ chức thì tôi mong các vị để tâm vào vấn đề giới pháp của Đức Phật. Đó là điều quan trọng nhất, để truyền trao cho thế hệ kế tiếp, những người sẽ thay mình gánh vác Phật sự trong tương lai.
 
Các giới tử hãy hết lòng cần cầu giới pháp của Đức Phật. Theo đó, giới pháp thanh tịnh của Đức Phật mới tới được với mình, nỗ lực học và giữ gìn tịnh giới sau khi đã thọ. Như vậy, chúng ta mới trở thành Tu nữ, Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni đúng nghĩa. Nếu không như vậy thì dẫu đã qua giới đàn, quý vị cũng chỉ có hình thức mà không thực sự được Đức Phật hộ niệm.
 
Đối với các Phật tử ngoại hộ, tôi mong tất cả hãy giữ gìn và nuôi dưỡng tấm lòng vì đạo, tha thiết với đạo, hộ đạo trong tinh thần Chánh pháp. Vấn đề vật chất, đặc biệt đối với các Đại giới đàn, thực sự không cần thiết lắm như chúng ta tưởng. Bởi đối với người tu hành, sống trong điều kiện nào cũng được, ăn mặc đơn giản, nên sự tốn kém không nhiều như bên ngoài xã hội. Do đó, các vị không nên bận tâm mà cần để lòng vào việc hộ trì Chánh pháp của Đức Phật, làm cho Tăng đoàn được thanh tịnh hơn. Đó là điều tôi mong mỏi, chứ không nhất thiết phải tập hợp, lo lắng sắm sửa vật chất để cúng dường. Vì như đã nói, với người xuất gia, vật chất đầy đủ hay quá đầy đủ là không cần thiết. Đức Phật dạy người tu phải biết uống, ăn vừa đủ, nếu dư thừa thì không tốt.
 
Các Phật tử đừng quá nghĩ và lo sắm các phương tiện vật chất, thay vào đó hãy có tâm hộ đạo để làm sao Phật pháp trường tồn mãi trên thế gian.
 
Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!

 

Mỗi người có một thao thức, nhà chính trị ưu tư tìm một giải pháp cho dân cơm no áo ấm, thì trưởng tử Như Lai muốn cho mạch sống Đạo pháp trường tồn góp tinh ba cho nhân loại, không phải là chuyện quá đáng. Nhất là đất nước ta sau ngày giải phóng, Phật giáo thống nhất được sự giúp đỡ của Nhà nước, chính chúng ta phải giúp chúng ta trưởng dưỡng tâm linh, sự hiện diện Phật giáo trong lòng dân tộc mới khỏi vô bổ”.
 
Trưởng lão HT.Thích Huệ Hưng
(Trích phát biểu của Trưởng ban Tăng sự T.Ư tại kỳ họp Thường trực ngày 12-10-1988)

Tôi nhận thấy khi chúng ta thiên trọng về hình thức bao nhiêu thì phần bên trong, nội dung sẽ yếu kém bấy nhiêu. Bởi Đại giới đàn là dịp tìm người, chọn người, đào tạo con người xứng đáng về cả hai mặt đạo hạnh và trí tuệ để đưa vào Tăng đoàn, kế thừa và hướng dẫn quần chúng đi đúng với Chánh pháp của Phật, lãnh đạo Giáo hội ổn định, kỷ cương".
 
Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng

Tác giả bài viết: Hoàng Độ