Đồng Nai: Lễ cung rước và an vị Xá lợi cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Phước

Đồng Nai: Lễ cung rước và an vị Xá lợi cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Phước
Chiều ngày 14/9/2020 (nhằm ngày 27/7 năm Canh Tý), môn đồ pháp quyến Môn phong Liên tông Tịnh độ Non Bồng đã trang nghiêm và thành kính tổ chức lễ cung rước và an vị Xá lợi cố Trưởng lão HT.Thích Thiện Phước tại Tổ đình Quan Âm tu viện, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Lễ Húy Kỵ đức Tôn sư khai sáng Liên tông Tịnh độ lần thứ 32, mặc dù thời tiết không được thuận lợi, nhưng các phái đoàn Phật tử từ khắp mọi miền vẫn trở về công quả và phát tâm đảm nhận các công tác do Ban tổ chức phân nhiệm, góp phần công đức báo hiếu ân đức của cố Hòa thượng Thích Thiện Phước.

Buổi lễ dưới sự chứng minh của: HT. Thích Giác Quang – Ủy viên Hội đồng Trị sự (HĐTS), Phó trưởng Ban Trị sự (BTS) kiêm Trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Tổ chức lễ tưởng niệm; TT. Thích Thiện Minh; TT. Thích Thiện Hỷ – Phó BTS GHPGVN TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương; TT. Thích Thiện Quý – Ủy viên HĐTS, Phó BTS kiêm Chánh Thư ký Phật giáo TP. Hồ Chí Minh; TT. Thích Minh Trì – Trưởng BTS GHPGVN huyện Trảng Bom; TT. Thích Minh Nhựt – Trưởng BTS GHPGVN Quận Phú Nhuận; Ni trưởng Thích nữ Diệu Thọ; Ni sư TN. Kim Sơn -Trưởng ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh Đồng Nai, cùng chư Tôn đức viện chủ, trụ trì các tự viện trong môn phong, chư Tôn đức Ban Nghi lễ, Ban Kinh sư, và các phái đoàn Phật tử đồng tham dự.

Mỗi năm vào dịp lễ húy kỵ, có hơn 20 vạn Tăng Ni, Phật tử từ hơn 200 cơ sở tự viện các nơi về tham dự, lễ cúng Thầy Tổ như một mùa lễ hội truyền thống.

Mở đầu buổi lễ, chư Tôn đức trong Ban Tổ chức đã cung thỉnh Xá lợi của Hòa thượng Tôn sư (xá lợi tóc và răng) từ điện thờ  đến trung tâm hành lễ chính của Tổ đình Quan Âm. Nơi điện thờ có tranh thờ chân dung của Hòa thượng Thích Thiện Phước, lúc Ngài lưu trú tại Tổ đình Linh Sơn (núi Dinh), tranh được các đệ tử nghệ nhân vẽ bằng sơn dầu, ngoài ra còn có hai tôn tượng được tạc bằng đá ngọc trắng.

Lễ cung nghinh xá lợi là nét đẹp tâm linh, văn hóa Phật giáo để Phật tử được chiêm bái và đảnh lễ. Xá lợi là thành quả công phu tu hành, giữ gìn Giới luật và công năng tu tập thiền quán của Đức Phật, cũng như các bậc cao Tăng dày công với Phật pháp.  Năm 1969, Sư ANando thuộc Giáo hội Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam (là bạn thân của Hòa thượng Thích Giác Quang), về cầu pháp tu hành với Đức Tôn sư Thiện Phước – Nhựt Ý. Sau đó, Sư đi du học ở Sri Lanka có thỉnh hai viên ngọc Xá Lợi của Đức Phật, và Sư đem về cúng dường cho Đức Tôn sư và Ni trưởng Thích nữ Huệ Giác. Ngọc Xá Lợi có màu vàng ánh, nhỏ như hạt cải. Hai viên ngọc Xá lợi lúc nào cũng lung linh theo sự thuyên động của nước trong bát. Ngọc Xá lợi hiện đang được tôn thờ tại tịnh thất Bảo Tạng – Quan Âm tu viện và được cung rước an trí tôn thờ tại điện thờ Hòa thượng Tôn sư, để Phật tử gần xa được chiêm bái, đảnh lễ.

Đức Tôn sư là người ẩn dật tu hành, hay chịu khổ hạnh, giàu lòng nhân ái, thương nước mến dân. Năm 1966, lúc trụ tại Tịnh xá Thắng Liên Hoa, thấy nước nhà chưa hòa bình thống nhất hai miền, nên Ngài lập chí khổ hạnh để cầu nguyện “ngày thời ngồi phía trước hiên chùa, đêm đến tọa thiền sau hiên hậu đường”, thực hành đủ mọi tư thế hành, trụ, tọa, ngọa niệm Phật, mặc cho nắng táp mưa sa, nhưng Tôn sư vẫn điềm nhiên tọa thị để niệm Phật hồi hướng cho tương lai đất nước, cho Đạo pháp và Dân tộc.

Có những lần Ngài quá khổ hạnh nên sanh bệnh, Tăng Ni, Phật tử thỉnh cầu Ngài vào Tịnh thất nghỉ ngơi, thì Ngài dạy “Mọi người còn khổ, còn nghèo đói, còn tha hương (di tản do chiến tranh), đất nước còn gian khó, ta không thể sung sướng an vui được ….” Tôn sư từng dạy: “Với cõi đời nầy, ta là khách của trần. Những lúc khổ đau, phải nên nghĩ, ta đang sống tạm một đêm trên thế gian, rồi ngày mai sẽ ra đi . . .”.

Và rồi thân tứ đại cũng theo sự chi phối của định luật vô thường, với sự khổ hạnh quá lâu dài, nên thân Tôn sư mang nhiều tật bệnh. Năm 1975, khi hóa đạo tại chùa Long Phước Thọ, Ngài thường theo chân Tăng Ni để đôn đốc việc lao động sản xuất, trồng nhiều khoai sắn để có đủ ăn, cũng vừa để đóng tinh thần xây dựng kinh tế nước nhà sau chiến tranh. Có những lúc ban đêm, Tôn sư đích thân đến những rẫy sắn để thăm, động viên tinh thần Tăng Ni, Phật tử. Trong cuộc đời hóa đạo, Tôn sư thường dạy: “… Ta có khổ mới biết thương người khổ, ta có nghèo mới biết thương người nghèo. Nếu là người tu, phải phát nguyện đem tình thương sưởi ấm nhơn loại . . .”.

Sau đó là lễ an vị và cúng tiên thường. Hai lễ này đều do chư Tôn đức Ban Nghi lễ, Ban Kinh sư của môn phong chủ trì, với các cung bậc nhạc lễ, hòa điệu cùng cách dâng lễ thể hiện sự cung kính chư Tổ thật trang trọng. Trong đó, có dâng hương, hoa, trà, bánh và quả, đặc biệt là những lá trầu, cau được tiêm rất đẹp để cúng dường Hòa thượn Tôn sư.

Theo đó, Ban Nghi lễ đọc tiểu sử của cố Hòa thượng Thích Thiện Phước, nhằm nhắc lại những truyền thống yêu nước thương dân. Và Tăng Ni tu học rất đông đúc, Hòa thượng vẫn mở Phật học đường, trung tâm từ thiện xã hội, thành lập các cô nhi viện để nuôi dưỡng trẻ em, người già.

Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm, thắm tình đạo vị với sự tham dự của tất cả chư Tôn đức Tăng Ni trong môn phong.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận được: 

 

Tác giả bài viết: Sakya Thiện Huy