Trong 2 ngày 1-2/12/2024 (1-2/11 Giáp Thìn) Tổ đình Đào Xuyên – thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ khai sáng Sơn Môn ( Hoà thượng Thông Mệnh).
Để tưởng nhớ công đức cao dày của các bậc Tổ Sư đã hiến dâng trọn đời cho Đạo Pháp – Dân tộc và thành lập lên Sơn Môn Tổ Đình Đào Xuyên. Nhân tuần lâm húy nhật cố Giác Linh Hòa Thượng. Tổ Đình Đào Xuyên cùng nhân dân tổ chức thiết lễ trai nghi cơm chay cúng Dàng Tam Bảo, cúng Dàng Lịch đại Chư vị Tổ Sư.
Vào thế kỷ 19 thiền phái Lâm Tế được truyền từ chùa Bà Đá về chùa Đào Xuyên. Văn bia lập năm Bảo Đại 1942 có nói đến hai vị tổ Phổ Văn và Thông Mệnh liên tục truyền pháp suốt 80 năm ở vùng Nam Bắc Ninh. Sư tổ Hoàng Chính, tự Thông Mệnh quê ở Vạn Phúc (Thanh Trì). Ngài mở trường thuyết pháp trên 30 năm, mất 2-11 Kỷ Tỵ, có xá lị ở tháp Vạn Nhân tại vườn chùa.
Chùa Đào Xuyên là nơi khởi nguồn và phát triển mạnh mẽ của phái Lâm Tế ở vùng sông Đuống.
Tổ sư Chuyết Chuyết là Tổ sư khai sơn người có công đưa phái Lâm Tế vào Đại Việt. Sau đó, các tổ sư như Minh Lương, Chân Nguyên, Lân Giác Như Trừng đã đóng góp vào việc phát triển phái này ở Thăng Long. Sư Quốc Giảng, một vị sư thuộc dòng dõi nhà Trần, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển chùa Đào Xuyên. Ngài đã tổ chức thuyết pháp, truyền bá Phật pháp phái Lâm Tế và đưa chùa Đào Xuyên trở thành trung tâm Phật giáo của vùng Nam Đuống. Từ chùa Đào Xuyên, Phật giáo Lâm Tế đã lan rộng ra nhiều chùa khác ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương.
Chùa Đào Xuyên không chỉ là một ngôi chùa cổ kính mà còn là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa Phật giáo đặc sắc. Nơi đây đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá và phát triển phái Lâm Tế ở miền Bắc Việt Nam.
Chùa Đào Xuyên đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật ngày 09/01/1990.