Phút giây huyền vi - Phật Giáo Việt Nam
04:21 +07 Thứ bảy, 20/04/2024

Phút giây huyền vi

Thứ ba - 29/01/2013 02:44
(HDPT) - “Hương Sơn ca vol.3” với 11 ca khúc của tác giả Phật tử Diệu Thiện Cù Lệ Duyên được phát hành đầu năm mới 2013. Vẫn nội dung ca ngợi đạo Phật, người tu hành và đất trời Hương Sơn quán xuyến toàn bộ các tác phẩm nhưng đã có nhiều nét mới thú vị trong album này.
 
Nét mới
Gần tròn một năm trước, khá ngạc nhiên khi cầm trên tay album “Hương Sơn Ca Vol.2”. Không bất ngờ sao được khi tác giả của những nét nhạc diệu vợi ấy lại là Phật tử Diệu Thiện - Cù Lệ Duyên, đã được biết trước đó là một nhà nghiên cứu lý luận âm nhạc có uy tín. Mà khoảng cách giữa lý luận với sáng tác thì lại gần như là khác biệt. Người hoạt động lý luận thường ít sáng tác và khó có những giai điệu được rung động lên từ trái tim.
Vậy điều gì đã khiến cho trái tim đầy lý tính của một nhà lý luận bỗng trở nên bay bổng với những giai điệu mượt mà, mà “rắn chắc” và tràn đầy xúc cảm ấy?
Chắc có lẽ, chỉ tới khi cảm nhận được chân lý nhà Phật, cảm nhận được ánh sáng từ vầng hào quang của sự từ bi, bao dung, độ lượng mới đánh thức những gì còn ẩn chứa trong thẳm sâu tâm hồn người nghệ sĩ và rồi chắp cánh cho những vần điệu thơ nhạc bay bổng lên khắp không gian để rồi lan tỏa vào trái tim những người kính Đạo và yêu nhạc.
Như một lời trọn nghĩa vẹn tình đến hẹn lại lên, giờ lại cầm album “Hương Sơn ca Vol.3” trên tay, lại thả tâm hồn mình để Phật tử Diệu Thiện - Cù Lệ Duyên dẫn dắt vào thế giới của những giai điệu ngợi ca Phật giáo, ngợi ca hình ảnh cao đẹp của người tu hành và phong cảnh của Chùa Hương, một địa danh nổi tiếng trời Nam, để rồi cảm nhận rõ những biến chuyển đi về hướng dân tộc trong chính những ca khúc của tác giả.
Khá bất ngờ bởi nếu như ở “Hương Sơn Ca Vol.2” với một màu sắc trữ tình ngợi ca là một đặc trưng thì ở Vol.3 này có thể coi như một cuộc thể nghiệm với với nhiều sắc màu âm nhạc khác nhau của tác giả.
Những ca khúc được sáng tác như một bản romance (ca khúc nghệ thuật) với sự phát triển giai điệu rộng mở hơn, quãng cũng được mở rộng, đồng thời có những tác phẩm thể hiện rõ sự khác biệt màu sắc âm nhạc giữa hai đoạn nhạc…
Kết hợp với phần phối khí, âm sắc của nhạc cụ dây được khai thác triệt để trong toàn bộ album, bên cạnh đó là âm hưởng của bộ gõ, nhạc cụ điện tử và một vài âm sắc của nhạc cụ dân tộc.
Với những đặc điểm như vậy thì sự xuất hiện của những giọng ca thính phòng trong album cũng là điều dễ hiểu.
Trong ca khúc “Bè trầm” với chất giọng nam trung trầm dầy đầy đặn, Phúc Tiệp đã mở ra một không gian âm nhạc thật quyến rũ: “Tiếng hồn xưa sâu lắng đất trời, ngỡ mùa xuân bừng lên nắng sáng ngời. Khúc Hương ca đường tơ đâu thấy Người, ai xếp nên cung đàn”.
“Bè trầm” qua sự thể hiện của Phúc Tiệp có vị thế như một ca khúc nghệ thuật thực sự, người nghe như được rót vào tai từng giọt âm thanh, mượt như nhung, êm đềm nhưng vững chắc như cánh chim đại bàng bay thật nhịp nhàng, là là trên những thảm xanh của núi rừng điệp trùng.
Tạo sự ngạc nhiên nhiều nhất có lẽ phải kể tới “Hào khí Hương Thiên” qua phần trình bày của giọng bass hiếm hoi của Việt Nam - NSƯT Quốc Hưng. Chất thính phòng càng được khẳng định rõ nhất trong ca khúc, với phần đệm piano phía đầu bài dù trữ tình nhưng chất chứa những niềm xao xuyến, suy tư để rồi sau đó, dàn dây xuất hiện cùng tiếng sáo mục đồng và dàn nhạc đã dẫn dắt vào tiếng hát nam trầm vừa tĩnh lặng vừa vững chắc: “Dấu xưa còn đây, vọng hồn ai sông núi nghiêng mình. Nước non đẹp thay, trọn lòng son giữ vững đất này. Vết xưa còn đây từng bụi cây cày xới đạn bom. Dáng Người vẫn đó con tim ngời sáng lay động đến trời mây”.
Tác giả đã lần đầu tiên khai thác nhịp hành khúc vào trong ca khúc đề tài Phật giáo với những ca từ rắn chắc và dứt khoát để khẳng định sự đồng hành của Phật giáo với những thăng trầm của dân tộc: “Giặc phá tan hoang lửa cháy đêm ngày chìm trong thương đau. Trời mây ngút ngàn khói bay, rừng cây lá cành xác xơ, làm sao đốt lòng son sắt. Khí phách anh hùng dựng xây nước non đẹp tươi” để rồi tiếp tục vẫn trong nhịp hành khúc ấy, khẳng định: “Còn đó dấu xưa ngày ấy tông môn chìm trong gian nguy. Vượt qua muôn ngàn bão giông, chèo lái chiếc thuyền Sắc Không, về nơi bến bờ Chính Giác. Từ bi nhẫn nhục duy trì Tổ ấn Trùng Quang.
Cùng với ca từ, việc triển khai ca khúc với hai đoạn tương phản nhau đã khiến cho “Hào khí Hương Thiên” trở thành một ca khúc lạ khiến người nghe khó có thể quên.
Sự khác biệt mang tính tương phản giữa hai đoạn nhạc trong cùng một tác phẩm còn được tác giả sử dụng để sáng tác nên ca khúc “Kỳ phùng” do Phật tử Tâm Đức - Thanh Quý thể hiện. Ca khúc có yêu cầu kỹ thuật khó bởi có giai điệu mở rộng, màu sắc âm nhạc giữa hai đoạn có sự thay đổi…
Phần đầu gần như tự sự, là sự tĩnh tâm, âm nhạc chỉ với những tiếng sáo mục đồng cùng với bè đệm do dàn dây làm chủ đạo, tiết tấu giản dị: “Qua đông tàn lạnh giá đẹp ngời nắng xuân xóa tan mây mù. Bao nhiêu nỗi ân tình sâu thẳm trào dâng theo nhịp Yến vỹ. Nghe giai điệu thời gian, ngẹn ngào ý xuân, ngất ngây núi rừng. Mây nước bao la cuốn trôi khổ đau tan vào hư vô…”
Đoạn điệp khúc xuất hiện tiết tấu rộn ràng: “Nồng nàn sắc xuân trời Hương, rợp trời én bay ngàn phương… Ngàn năm dấu yêu thời gian, hội xuân tiếng ca rộn vang. Dù cho cách xa trùng dương, ngàn sau muôn đời yêu thương
Quyện cùng phong cách quen
Bên cạnh phần phối khí khá độc đáo, sự phối hợp giữa ba giọng ca Ngọc Ký, Quang Hào và Lê Anh Dũng đã tạo cho “Màu áo nâu sòng” một ấn tượng. Âm hưởng của tiếng đàn nguyệt gảy những cung thanh, rồi tiếng guitar xuất hiện, thêm dàn dây và trống.
Trong nền nhạc ấy bỗng vút lên tiếng sáo mục đồng, tất cả đã tạo một âm hưởng rất gần gũi với âm hưởng của những làn điệu Then nhưng vẫn đậm chất thính phòng đã tạo cảm giác hết sức thú vị để tôn thêm cho 3 giọng hát khi hòa vào nhau.
Lê Anh Dũng mở đầu với “Mang màu đất nâu đậm đà, như màu núi sông hiền hòa, sương gió không nhạt nhòa, nắng ấm chân trời bao la” - tiếp đến Quang Hào: “Ôi màu áo nâu bình dị, xoa dịu nỗi đau cuộc đời, như ngàn tia nắng mặt trời soi sáng tâm con muôn đời” rồi Ngọc Ký “Xua muôn vàn u tối ngập tràn, nâng muôn ngàn kiếp cơ hàn, về chân trời mới huy hoàng ngày mai nắng hồng nhân gian
Và rồi cả ba cùng hòa giọng trong một nét nhạc trên nhịp điệu valse “Bình yên đất nâu đơn sơ… giữ ấm hơi thở quê hương” đã tạo sức quyến rũ cho ca khúc. Trong khi đó, với ca khúc “Hương thu ca”, ca sĩ Thành Lê đã gây bất ngờ khi thể hiện giọng hát kiểu phong cách thanh nhạc những năm nửa cuối TK20 khi rót vào lòng người nghe những lời ca huyền diệu: “Đâu giọt lệ thời gian hòa tan nắng vàng chân trời mênh mang. Đâu bên dòng Yến vỹ hoa thắm tô son sánh cùng nước biếc. Hương mùa thu thay lá ai biết tơ trùng lặng vào thinh không. Nhớ cung đàn xưa ấy câu hò ai đã vút lên trời hồng…
Album “Hương Sơn Ca Vol.3” đánh dấu sự xuất hiện trở lại của những giọng ca đã quen thuộc từ album trước. Phật tử Nguyên Như - Duyên Huyền với “Hương Sơn ngày về”.
Ca khúc bắt đầu nhẹ nhàng như dòng suối chảy ra từ tận sâu nơi núi cao vút trong mênh mông núi rừng, tiếng sáo mục đồng được cất lên, những âm hưởng pha chút màu sắc âm nhạc dân gian Tây Bắc đã tạo nên một không gian âm nhạc hết sức độc đáo, rồi từ đấy giọng nữ cao vút lên thật tự nhiên như hòa thêm vào dòng suối âm thanh đó: “Lắng nghe trong đời, tiếng ru à ơi. Dòng suối mát trong hạnh phúc thay bên Mẹ dấu yêu lỡ sao lìa xa… Lắng sâu trong hồn, tiếng chuông chùa ngân. Ngàn núi biếc  xanh dòng suối uốn quanh lạc cánh chim bay phương trời xa”.
Khá lạ, khi ca khúc bắt đầu từ những hợp âm rải đều đặn từ đàn piano rồi vút vào nhịp đều đều của dàn dây đã tạo nên sự nhịp nhàng khiến người nghe cứ ngỡ như sự chòng chành theo những nhịp chèo khua nước trên dòng suối Yến êm đềm, đoạn điệp khúc được cất lên: “Chơi vơi thuyền ai gió đưa nhịp buồn thắm, ôi nước non xanh biết nơi đâu bến đò xưa, đời như giấc mơ ai biết ngày về…”.
Một giọng hát quen nữa, Phật tử Quảng Thanh - Ngọc Ký với ca khúc: “Phút giây huyền vi”. Hay Phật tử Tâm Đức - Thanh Quý thể hiện ca khúc “Về bến Chân Như” được tác giả Diệu Thiện - Cù Lệ Duyên phổ từ thơ của Thượng Tọa Thích Minh Hiền.
Gần như khi nghe những ca khúc này dễ khiến gợi nhớ tới màu sắc âm nhạc của “Hương Sơn Ca Vol.2”. Vẫn trong màu sắc âm nhạc này, Phật tử Tâm Như - Tân Phương với ca khúc “Đóa hoa dâng Người” còn gợi chút màu sắc mới, tươi trẻ hơn với cách thể hiện gần giống như một ca khúc mang hơi hướng nhạc nhẹ song vẫn giữ được chất romance cũng là một nét thú vị đáng nghe ở ca khúc này.
Bên cạnh đó, album còn giới thiệu 2 bản hợp ca vốn đã trở nên quen thuộc với những người yêu ca khúc Phật giáo trong thời gian gần đây là “Việt Nam Phật tâm ca” và “Hương sen màu nhiệm”.
Nếu như ở “Việt Nam Phật tâm ca” từ sự kết hợp giữa hai giọng hát lĩnh xướng nữ cao trong trẻo cùng nam cao trữ tình, cứng cáp gợi lên một sự nhẹ nhàng, lung linh nhưng đầy vững tâm như đưa ta vào một không gian vừa sáng bừng của chân lý lại vừa mở ra một không gian mênh mông tựa như ánh hào quang của Phật tỏa khắp muôn nơi.
Ở “Hương sen màu nhiệm” một lần nữa, phần phối khí có chất liệu âm nhạc gần gũi với màu sắc âm nhạc dân gian Tây Bắc.
Quả thật, album “Hương Sơn Ca Vol.3” là một trải nghiệm của tác giả với những ca khúc mang đề tài Phật giáo. Ở đây là sự phong phú của nhiều giọng hát, nhiều màu sắc âm nhạc, nhiều hình thức thể hiện và đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa thế giới với những âm hưởng truyền thống Việt Nam.
 

Nguyễn Quang Long

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này