Tiếng chuông trên đảo Trường Sa - sự đồng điệu giữa nhạc và lời - Phật Giáo Việt Nam
07:03 +07 Thứ năm, 25/04/2024

Tiếng chuông trên đảo Trường Sa - sự đồng điệu giữa nhạc và lời

Thứ ba - 20/11/2012 20:37
(HDPT) - Ca khúc Tiếng chuông trên đảo Trường Sa cũng hình thành bởi sự phối hợp của đồng tác giả là Thượng Tọa Thích Minh Hiền và Nhạc sĩ Cù Lệ Duyên.
 
Ca khúc, một trong những thể loại thanh nhạc không thể thiếu hai yếu tố: ca từ và âm nhạc. Lâu nay, bên cạnh các ca khúc do chính nhạc sĩ sáng tác, không ít các ca khúc lại thành công bởi sự phối hợp giữa nhà thơ – người viết ca từ và nhạc sĩ – người viết nhạc, họ chắp cánh cho nhau để tạo nên những tác phẩm âm nhạc có giá trị cả về nội dung cũng như nghệ thuật.
Ca khúc Tiếng chuông trên đảo Trường Sa cũng hình thành bởi sự phối hợp của đồng tác giả  là Thượng Tọa Thích Minh Hiền và Nhạc sĩ Cù Lệ Duyên.
Thượng Tọa Thích Minh Hiền hiện nay là Phó Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáoViệt Nam, Trưởng Ban văn hóa Thành hội Phật Giáo Hà Nội. Nếu ai đã có dịp đến Chùa Hương diện kiến Thượng Tọa trụ trì đều cảm nhận được sự uyên bác, thông tuệ từ vị tu sĩ rất tinh tế và am hiểu về nghệ thuật. Điều đặc biệt, không những là nhà thơ, Thượng Tọa Thích Minh Hiền còn là một nhiếp ảnh gia Phật Giáo.
PGS.TS. Nhạc sĩ Cù Lệ Duyên – Pháp danh Diệu Thiện sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từng học sơ cấp, trung cấp piano tại Nhạc viện Hà Nội. Sau nhiều năm học đại học, cao học, nghiên cứu sinh, chị đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học chuyên ngành Lý luận âm nhạc tại Nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky – Moskva – CHLB Nga. Hiện nay chị là Phó chủ nhiệm Khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Là một nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà lý luận âm nhạc nhưng có lẽ như duyên Phật đã định, PGS TS Cù Lệ Duyên đã có nhiều sáng tác ca khúc về Đạo Phật. Mới đây, Nhà xuất bản Âm nhạc đã cho ra mắt công chúng một album đặc sắc được mang tên Hương Sơn ca vol 2 với những ca khúc do chị sáng tác đưa người nghe bước vào tiên cảnh của Hương Tích, nơi tỏa ánh sáng hào quang Đức Phật: Hương Thiên, Ngọc sáng trời Nam, Cung đàn Hương Sơn, Trảy hội, Hương Xuân, Áo cà sa, Suối Giải Oan, Mẹ Quan Âm, Màu áo Sơn Khê, Chiều Hương Sơn, Dấu lặng cung đàn.
Cũng như duyên Phật đã định, cách đây không lâu, nhạc sĩ Cù Lệ Duyên xem chương trình truyền hình trực tiếp trên VTV1 “Trường Sa biển đảo Việt Nam mến yêu”, giữa chương trình có chiếu phóng sự 5 phút về các chùa ở đảo Trường Sa đã làm chị rất cảm động. Là đệ tử của Thượng Tọa Thích Minh Hiền, được đàm đạo với Thầy, được nghe Thầy giảng về giáo lý Đạo Phật, sau khi xem xong chương trình truyền hình phát sóng về các chùa ở đảo Trường Sa, nhạc sĩ đã thỉnh Thượng Tọa viết lời cho ca khúc Tiếng chuông trên đảo Trường Sa.   
Trường Sa – vùng biển đảo thân yêu luôn trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam. Nơi xa xôi ấy, giữa chốn bốn bề biển mặn và sóng gió vẫn ngày ngày ngân nga tiếng chuông chùa, tiếng chuông của khí phách dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tiếng chuông của niềm tin và hy vọng, tiếng chuông của lòng nhân ái.
Đó cũng chính là những xúc cảm của Thượng Tọa Thích Minh Hiền đã gửi gắm tới Trường Sa bằng những lời ca đầy đạo vị nhưng cũng rất bình dị: Đất Việt Nam muôn đời hồn thiêng khí phách Lạc HồngMái chùa xưa muôn đời chở che đất nước yên bìnhVững niềm tin muôn đời Trường Sa đảo thiêng tuệ giác vô ngần…Trường Sa đó tiếng chuông chiêu mộ hồn nước vọng mãi trong tim. Từ nơi đất Mẹ hiền yêu dấu nhắn gửi câu hát Trường Sa…
Bắt nhịp cùng cảm xúc của Thượng Tọa Thích Minh Hiền, nhạc sĩ Cù Lệ Duyên đã viết nên những giai điệu âm nhạc một cách tự nhiên, tự nhiên như chính suy nghĩ của chị.


Phần 1 của ca khúc có nhịp độ hơi chậm, giai điệu tình cảm, sâu lắng. Với thủ pháp ly điệu, giai điệu của ca khúc gợn lên như những đợt sóng nhỏ của vùng biển đảo. Lối tiến hành giai điệu liền bậc ở âm khu trầm, đặc biệt là sự xuất hiện các quãng bán âm đã khắc họa một không gian thiền tự sâu lắng. Đôi chỗ những nhảy xa, giai điệu chuyển động lên cao tạo nên âm hưởng khoáng đạt và bay bổng như những tiếng chuông ngân xa.
Phần 2 của ca khúc với nhịp độ nhanh hơn, tiết nhịp được chuyển từ 4 phách sang 2 phách. Giai điệu âm nhạc như những hồi chuông hòa nhịp cùng sóng biển để gợi nên niềm tự hào, niềm tin của một dân tộc hiển vinh ngời sáng và yên bình.
Ca khúc Tiếng chuông trên đảo Trường Sa là sự hòa quyện giữa nhạc và lời, là những mạch cảm xúc về Trường Sa yêu dấu. Ca khúc sẽ được phát sóng trên Đài tiếng nói Việt Nam và sắp tới sẽ được trình diễn trong chương trình ca múa nhạc Việt Nam Phật Tâm Ca diễn ra tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, chắc chắn rằng, duyên Phật sẽ đưa Tiếng chuông trên đảo Trường Sa bay xa hơn, cao hơn.
Nha Trang, tháng 10 năm 2012

 

Nhạc sĩ Văn Hảo - Trưởng khoa Âm nhạc, Trường CĐSPTW Nha Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này