Nơi nương tựa của những phận đời bất hạnh - Phật Giáo Việt Nam
21:16 +07 Thứ năm, 28/03/2024

Nơi nương tựa của những phận đời bất hạnh

Thứ hai - 30/04/2012 15:22
Nơi nương tựa của những phận đời bất hạnh

Nơi nương tựa của những phận đời bất hạnh

(HDPT) - Mỗi thân phận bất hạnh, éo le trắc trở sẽ được an bình nơi cửa phật. Đó cũng chính là thiện nguyện của ngôi chùa Bình An, ở khu Nguyễn Cữu Phú, Phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh.
 

 

 

 

 

 

 

Tiếng chuông chùa trầm lắng trong buổi chiều tà như lời cầu nguyện cho những mảnh ghép của nhiều số phận.

Những đứa trẻ lớn lên tại chùa Bình An.

Tiếng cười con trẻ

Đến chùa Bình An trong một buổi chiều, tôi thấy xen lẫn tiếng kinh kệ là tiếng trẻ con vui cười rộn rã khắp một góc sân. Nhìn những đôi mắt trong veo, tinh khôi sáng ngời, mấy ai biết được cuộc đời các em là những phận đời éo le, nghiệt ngã. 27 em sống tại chùa mỗi em mỗi cảnh.

Bé Cuội 3 tuổi, rất đáng yêu, hễ gặp người lạ là cứ sà vào lòng như muốn tìm chút hơi ấm tình thương. Mẹ bé mang bé vào chùa được vài tháng là phải chấp hành án tù vì tội buôn bán ma túy. Mẹ Cuội ra tù cách đây được vài tháng có vào thăm con. Cuội chưa kịp quen hơi mẹ thì mẹ của bé lại phải vào tù thêm một lần nữa.

Với Cuội, người thân yêu nhất không ai khác là các ni cô trong chùa. Đó là những người mẹ đã chăm lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ vẹn tròn, được hưởng những gì tuổi thơ các em cần có với tình thương bao la.

Bé Nhật được các ni cô nhặt vào lúc tờ mờ sáng năm 2009. Lúc đó nghe tiếng khóc, sư thầy lần tìm ra đầu hẻm, nơi dẫn vào chùa và phát hiện có tiếng khóc trẻ sơ sinh yếu ớt. Nhìn kỹ thì thầy thấy một em bé sơ sinh nằm trong cái giỏ giữa hai... con bò! Sư thầy vội vã bế em bé vào trong ủ ấm và cho uống  sữa.

Hiện tại, bé Nhật đang học tại trường mẫu giáo Tân Tạo (Quận Bình Tân). "Hễ đi học thì thôi, còn cứ về tới chùa là bé hát ca líu lo, gặp khách là chắp tay rồi đọc kinh phật làu làu dù giọng còn chưa tròn vành rõ chữ", sư thầy Tùng Tín cho biết.

Theo sư cô Huệ Bình, các em ở chùa Bình An được học hành và vui chơi như bất kỳ trẻ em nào bên ngoài xã hội. Được sự tài trợ của trường anh ngữ Mỹ Việt, các em trong chùa được học tiếng anh miễn phí, một tuần 3 buổi. Khi trưởng thành, các em có quyền lựa chọn hướng đi cuộc đời mình là học theo ngành nghề mình yêu thích, được phép ra đời lập nghiệp chứ không nhất thiết là phải theo con đường tu đạo.

Nỗi niềm mẹ già nơi cửa Phật

Chúng tôi tìm tới khu nhà nơi có 50 cụ già nương nhờ tại chùa. Đây là khu nhà tạm vì chùa đang gấp rút xây dựng khu nhà mới rộng rãi, thoáng mát hơn. ở đây cụ già nhất đã hơn 90 tuổi. Cụ ít tuổi cũng đã ngoài 70.

Nhiều người già tìm đến chùa nương tựa.

Cụ bà tên Lệ cho biết, đã vào chùa ở hơn 2 năm nay, lúc vào bị liệt toàn thân, không ai chăm sóc. "Cũng may có các sư cô cứu giúp, chữa bệnh châm cứu nên giờ tôi có thể ngồi được, tôi mang ơn chùa lắm", cụ Lệ bộc bạch.

Các cụ vào chùa Bình An mỗi người một số phận nhưng đều nghèo khổ. Có cụ thì không con cháu nuôi dưỡng, cụ thì nghèo quá phải nương nhờ nơi cửa Phật tìm những ngày bình yên còn lại của cuộc đời. Cũng có cụ thì bị con cháu bạc đãi.

Đáng thương nhất là cụ bà tên Năm có nhà cửa hẳn hoi nhưng bị con chiếm mất nhà và đuổi đi. Cùng đường, tủi khổ cụ bà này không biết đi đâu. Rồi có người mách cụ hãy đến chùa Bình An nương tựa. Mới đó mà đã 4 năm cụ ở đây. Ngày ngày nghe tiếng kinh kệ lòng cụ thấy yên bình trở lại để sống nốt phần đời ngắn ngủi còn lại.

Người già thường rất cần người chia sẻ, trò chuyện, thăm nom. Vì vậy khi thấy có đoàn khách tới thăm, các cụ vui lắm, cứ nắm tay người đối diện mà nói chuyện. Câu chuyện không có bắt đầu, chỉ kết thúc bằng câu: "Khi nào rảnh mấy cháu tới thăm bà, bà vui lắm". Có cụ khi kể về hoàn cảnh của mình đã khóc. Miệng cười móm mém cụ Lan cầm quả cam mời phóng viên ăn cho bằng được. Cụ bảo: Các con ăn để bà vui, bà để dành từ hôm qua tới giờ đó!".

Trong 50 cụ hiện tá túc ở chùa Bình An thì hơn nửa là có người thân, nhưng con cháu các cụ chỉ thỉnh thoảng vào thăm rồi gửi chùa ít tiền để đó, ai muốn làm gì thì làm vì họ bận gia đình, bận công việc và có lẽ ngại chăm sóc người già.

Tâm niệm của nhà Phật là từ bi hỉ xả. Bởi vậy đã cưu mang ai, thì nhà chùa thì lo đến tận lúc "nhắm mắt xuôi tay". Vì lẽ đó, mỗi khi cụ nào mất, sau khi làm lễ nơi cửa Phật, các cụ được đem đi hoả táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hoà, hài cốt mang về chùa thờ cúng. Tất cả chuyện hậu vận này, nhà chùa lo hết. Đến nay, đã có hàng chục cụ được quy tụ tại chùa, đêm đêm có người hương khói.

Hàng ngày, cùng với sư trụ trì Tùng Tín, hơn mười sư cô khác luôn tay từ sáng đến tối với công việc làm bánh chưng chay, các thức chay, ớt, củ cải dầm... Đây là nguồn thu nhập chính, duy nhất của nhà chùa, để nuôi dưỡng các cụ bà và cho 27 bé đi học tại các trường công lập.

Những phụ nữ éo le

Trẻ luôn được nhà chùa chăm sóc ân cần.

Chùa Bình An còn là nơi tìm đến của những phụ nữ bị bạo hành, khốn khó khi gặp cơn bĩ cực. Nhà đồng đẳng hiện tại có 6 chị em cư trú, có chị phải trốn chồng vào đây ở qua ngày qua tháng vì bị đánh, bị hành hạ. Có chị bị đánh thì vào đây nhưng qua ngày sau lại về nhà và vài bữa bị đánh tiếp rồi lại vào khóc lóc cho số phận! Ni cô Huệ Bình chép miệng "âu cũng là cái nghiệp!".

Chị N.T.A năm nay 24 tuổi, chồng bị tai nạn vừa qua đời khi chị mang thai được 4 tháng. Ba mẹ ly dị từ nhỏ, chị A sống cùng ông Nội và ông cũng không còn. Trong một lần đi khám thai ở bệnh viện Từ Dũ, chị bị kẻ xấu móc hết tiền bạc, A khóc ròng không biết phải làm sao.

Cũng may, chị y tá thấy vậy đưa cho chị địa chỉ ở chùa Bình An và cho ít tiền khuyên chị nên vào đó để được giúp đỡ. Đến nay A đã ở chùa hơn 4 tháng, cái thai trong bụng chị cũng đã hơn 7 tháng. Chị tính sinh em bé xong, gửi lại chùa nuôi, chị sẽ tìm việc làm để tự lo cho cuộc sống của mình. Sư thầy Tùng Tín cho biết khi nào có điều kiện A có thể đến chùa nhận lại con, mẹ con A sum vầy và sống tốt là điều nhà chùa mong muốn và chờ đợi.

Khi vào nhà đồng đẳng, có một chị bận áo nâu sòng cứ nhìn theo chúng tôi cười suốt, cứ tranh thủ lúc nào thấy mọi người không trò chuyện là cầm chùm nho mời ăn. Ni cô Bình cho biết đó là chị T, bị bệnh tâm thần, trước đây không người thân nên phải lê lết đầu đường xó chợ, ăn uống bữa no bữa đói tùy thuộc vào sự giúp đỡ của các chị em tiểu thương chợ Bà Hom. Thấy thương nên nhà chùa mang về cưu mang...

Với sự nỗ lực hết mình nhằm mong muốn mang hơi ấm tình thương đến với những mảnh đời cơ khổ. Chùa Bình An thật sự là nơi an bình cho những mảnh đời bất hạnh.

Nhiều sinh viên, các chị, các mẹ đến làm công quả tại chùa khi có thời gian rảnh với mong muốn góp phần thắp lên ngọn lửa yêu thương cháy mãi. Để nơi đây thật sự là nơi hội tụ của những tấm lòng nhân ái...

Hôm chúng tôi đến, sư thầy và những ni cô tại ngôi chùa này không mở lời cầu mong xã hội, cộng đồng giúp đỡ điều gì, nhưng chúng tôi nghĩ rằng, ngôi chùa này đang cần sự giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất của thập phương bá tánh.

 

Chi Quân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này