Hội phết Hiền Quan- nét dân gian giữ lại (xem clip) - Phật Giáo Việt Nam
23:49 +07 Thứ hai, 13/05/2024

Hội phết Hiền Quan- nét dân gian giữ lại (xem clip)

Thứ tư - 27/02/2013 12:27
Hội phết Hiền Quan- nét dân gian giữ lại (xem clip)

Hội phết Hiền Quan- nét dân gian giữ lại (xem clip)

(HDPT) - Vào các ngày 12 và 13 tháng Giêng hàng năm, Hội phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) lại được tổ chức. Đây là lễ hội truyền thống mang tính lịch sử được nhân dân địa phương tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công đức của Thiều Hoa công chúa - một nữ tướng đã giúp Hai Bà Trưng đánh giặc.
 
 



Tương truyền vào năm 16 tuổi, Thiều Hoa đến tu tại chùa Phúc Khánh (Phúc Khánh Tự), thuộc xã Song Quan, nay là xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, Tỉnh Phú Thọ. Chính tại nơi đây, Bà đã được nuôi dưỡng và rèn luyện văn, võ để trở thành một nữ danh tướng của Hai Bà Trưng. Nghe tin Trưng Trắc dấy binh khởi nghĩa, Thiều Hoa tập hợp được đội quân 500 người, hàng ngày luyện tập võ nghệ, phóng lao, chơi trò đánh phết để rèn thể lực.
 

Các quả phết sơn đỏ được đặt trên bàn thờ trong Hội phết Hiền Quan. Ảnh: QĐND Online

Trong trò đánh phết, quả phết được đẽo từ củ tre đực, có hình tròn, to bằng vốc tay, sơn đỏ. Khi đánh phết, Thiều Hoa công chúa chia quân sĩ làm 2 phe, mang quả phết ra một bãi rộng ven sông, răn dạy quân sĩ vui chơi, rèn luyện sức khỏe. Nếu bên nào đưa được quả phết ra khỏi mốc đã định thì thắng cuộc. Quân sĩ vì thế vừa được vui, vừa thêm mạnh khỏe. Sau đó, Bà về Hát Môn tụ nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng, được Trưng Trắc phong làm "Đông cung tướng quân", lĩnh ấn tiên phong về Luy Lâu đánh Tô Định.

Sau khi đánh tan giặc Hán, Vua Bà phong thưởng các tướng lĩnh, Thiều Hoa không nhận quân chức ở Triều, Bà xin trở lại Song Quan tiếp tục tu hành, cứu nhân độ thế. Sau khi Bà mất, Trưng nữ Vương đã truy phong Bà là "Phụ quốc công chúa" và truyền cho dân làng lập đền thờ Bà. Nhân dân Hiền Quan suy tôn Bà là "Đức Thánh Mẫu đệ nhất đại vương" và thờ cúng Bà rất tôn nghiêm.

Ngoài sắc phong của Hai Bà Trưng, Đức Thánh Mẫu còn được các triều đại sau sắc phong: Thời vua Đinh Tiên Hoàng đi dẹp giặc làm lễ cầu Bà âm phù được linh ứng, sắc phong: "Linh phù hộ quốc đại vương"; Thời vua Lê Đại Hành cầu Bà âm phù bình Tống linh ứng, sắc gia phong: "Linh thính hiển ứng trung đẳng nữ thần"; Vua Trần Thái Tôn đi đánh giặc Nguyên có đến cầu Bà âm phù linh ứng, sắc bao phong: "Linh ứng trợ thuận đại vương"; Thời vua Lê Thái Tổ cầu bà âm phù bình Minh quả kỳ hiển ứng, thiên hạ hoà an, sắc phong: "Anh linh bảo thắng đại vương"; Triều Nguyễn, thời Khải Định năm thứ 2 ngày 18 tháng 3, ngũ tuần đại khánh, sắc phong: "Chinh uyển dực bảo trung hưng tôn Thần".

Màn cướp phết diễn ra vô cùng sôi động. Ảnh: QĐND Online

Hội phết được tổ chức với qui mô ngày càng lớn trong những năm trở lại đây, mang ý nghĩa là một lễ hội trong kết nối các vùng du lịch di sản của tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái. Đến với hội phết Hiền Quan, du khách sẽ được đắm chìm vào không gian văn hóa Đất Tổ những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa Hùng Vương như trọi gà, đánh đu...

Để tưởng nhớ công đức của Thiều Hoa công chúa với dân với nước, trước đó vào ngày mồng 2 Tết, dân làng tổ chức phóng lao vào bia tại đình làng (gọi là đâm lao). Đền thờ, lăng mộ của Bà, chùa Phúc Khánh và Đình làng vẫn được gìn giữ và luôn tu tạo chu đáo. Với giá trị lịch sử như vậy, ngày 12-12-1994, cụm di tích Đình-Đền-Chùa Hiền Quan đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Lễ Hội Phết Hiền Quan gồm bốn phần: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, đánh Phết. Hai hình thức được diễn lại khá sôi nổi và hấp dẫn của hội Hiền là kéo quân và đánh Phết. Cũng như phóng lao, đây là các môn thể thao dân tộc mà Bà Thiều Hoa đã từng luyện quân, tượng trưng cho tinh thần thượng võ, khí thế hào hùng của nghĩa quân lúc bấy giờ.

Trong điều kiện các lễ hội ngày nay ở nhiều nơi bị “biến tướng”, “thương mại hóa” thì Lễ hội phết Hiền Quan vẫn giữ được những nét dân gian truyền thống, hấp dẫn bởi ngoài kéo quân, đánh phết, còn có lễ hội thi nấu cơm, cấy lúa…và đặc biệt, ở lễ hội này, trò kéo quân, đánh phết tuy có đông người, đôi khi là tranh cướp phết ở dưới sông, dưới ruộng bùn…nhưng không có ai bị thương bởi tham gia trò vui lịch sử dân gian này.


 

Clip Hội phết Hiền Quan:

 
 
 

TRUNG KIÊN ( QĐND)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này