Người thầy của Tâm Thư Pháp - Phật Giáo Việt Nam
06:17 +07 Thứ hai, 20/05/2024

Người thầy của Tâm Thư Pháp

Chủ nhật - 10/06/2012 12:37
(HDPT) - Cứ vào Sài Gòn là nhất định tôi đến thăm thầy, thăm thư viện có nhiều sách hay và quý do chính thầy làm thủ thư, ngắm biết bao bức thư pháp do chính thầy sáng tác và uống trà, đàm đạo với thầy. Thầy có cái tên cũng rất ý nghĩa: Chính Trung.
 

Tôi mê thư pháp và trong nhà có đến mấy chục bức thư pháp. Bao nhiêu năm nay, mỗi lần Tết đến, tôi hay đi mua hay xin chữ ở Tây Hồ và các chùa tại Hà Nội. Tôi mải mê ngắm vẻ đẹp của từng con chữ, mỗi nét chữ. Chủ yếu các chữ đó là chữ hán và tôi cảm nhận rất rõ vẻ đẹp và ỹ nghĩa của những tác phẩm này.

Tuy nhiên vài năm gần đây tôi mới biết đến thư pháp tiếng việt. Rồi đặc biệt tôi có duyên lành biết đến một môn nghệ thuật mới – tâm thư pháp. Người đầu tiên giảng cho tôi, chỉ ra cho tôi chính là thầy Chính Trung ở chùa Xá Lợi, TP HCM.

Thầy Chính Trung dành ra các ngày chẵn trong tuần: thứ 2, thứ 4 và thứ 6 đến có mặt tại thư viện chùa Xá Lợi để hướng dấn những ai muốn học tâm thư pháp, để phân tích từng nét chữ, từng ý nghĩa trên con chữ cho bất cứ ai quan tâm. Bạn ngắm các bức thư pháp đã thích, nếu được trực tiếp nghe thầy giảng giải, phân tích nữa thì chắc chắn ban mê luôn. Tâm thư pháp rất rất đặc biệt.

Thầy Chính Trung luôn sẵn lòng giảng cho bạn về hình tượng hóa những con chữ để có tính phổ quát cao, về bút lý, tức cơ sở của bút viết, rằng tại sao lại viết như vậy. Thầy phân tích rõ rằng cần có cả 2 thứ: đúng nghĩa và thể hiện ý tưởng của mình trong từng nét chữ.

 
Thầy Chính Trung giảng cho các trò cách viết thư pháp (tôi nghĩ là sáng tác thì đúng hơn). Rằng viết thư pháp như người quét nhà. Đơn giản vậy thôi. Đưa ngọn bút qua phải để quét về bên trái. Đưa ngọn bút lên trên để quét xuống dưới. Thật tuyệt diệu và dễ hiểu.
 
Thầy Chính Trung nói rằng viết thư pháp chính là việc co duỗi các ngón tay, để thể hiên từng con chữ theo thư pháp. Rằng mỗi nét chữ của tâm thư pháp đều hàm chứa ý nghĩa. Và rằng chúng ta phải thật sự sáng tác bằng tâm. Đúng vậy, khi ngắm các bức thư pháp của thầy tôi thấy khách tham quan phân tích, cảm nhận và suy luận theo rất nhiều góc độ khác nhau!
 
Trong những chữ được tặng, tôi rất thích chữ Nhẫn. Chữ NHẪN của thầy đặc biệt ở chỗ dấu ngã được thầy đặt bên dưới. Và dưới cùng là câu do chính thầy viết: Nhờ ân nhân ngã nhẫn. Hóa ra nhờ ơn của mọi người quanh mình ta mới nhận ra bản ngã của mình, mới biết cái tôi của mình. Hóa ra mình cần đưa mọi người lên trên, còn ta và cái ngã của ta cần đưa xuống dưới cùng. Hóa ra cần khiêm cung và hạ thấp mình xuống. Và không thể không cám ơn bất cứ ai quanh mình đã tạo duyên để ta tu tập. Chính những ai mắng chửi ta, nộ nạt ta, đối xử không tốt với ta là những bậc thầy tuyệt vời. Đó chính là pháp để ta tu tập, nhất là để có hạnh nhẫn.
 
Thầy Chính Trung rất thích uống trà. Thầy thường xuyên trực tiếp pha trà mời các học trò của mình. Biết vậy nên tôi cũng hay mang trà bắc vào tặng thầy. Mỗi lần pha trà và nhìn các trò uống trà, thưởng thức trà thầy rất vui. Thầy bảo các trò rằng, muốn sáng tác được những bức tâm thư pháp hay cần tĩnh tâm, cần thiền, cần toàn tâm và thả tâm mình vào tưng nét chữ.
 
Các học trò đều rất thích trà do thầy pha. Ai cũng khen ngon. Hình như tất cả bởi thầy pha bằng tâm thanh tịnh của mình, bởi thầy thiền khi pha trà, bởi tình cảm thầy dành cho các trò.
 
Thầy Chính Trung luôn tận tâm dạy các trò viết thư pháp. Hàng trăm trò của thầy đã học và đã có những tác phẩm tuyệt vời. Trò của thầy đang sống khắp nơi trên thế giới. Tôi chứng kiến có trò từ Hoa Kỳ bay về thăm thầy. Nhìn cách nói chuyện và ánh mắt của vị khách phương xa, tôi hiểu rằng tâm thầy Chính Trung rất lớn.
 
Lần này vào Sài Gòn, tôi quyết định đề nghị thầy dạy viết thư pháp. Trong 1 buổi sáng tôi đã học được cách cầm bút, học xong 6 nét căn bản, biết các thủ pháp cơ bản và có trong đầu nguyên tắc viết tâm thư pháp. Thật kỳ diệu!
 
Thư pháp là 1 nghệ thuật. Tâm thư pháp phải là nghệ thuật của nghệ thuật. Viết tâm thư pháp quan trọng nhất là tâm người viết. Nếu chúng ta viết bằng tâm, nhất định người xem sẽ cảm nhận được.
 
Khi tôi nói rằng sẽ viết vài nét về chân dụng thầy gửi cho báo Phattuvietnam.net, thầy bảo viết làm gì. Có gì đâu. Rằng thầy chỉ có 1 tài sản duy nhất là tâm thôi. Còn những bức thư pháp mà tôi thấy chỉ là 1 phần của tâm thôi mà!
 
Tôi vui mừng hơn khi biết thầy vừa hoàn thàng bản thảo cuốn sách “Đắc nhân tâm trong tâm thư pháp”. Tuyệt vời! Đây chắc chắn là cuốn sách về đắc nhân tâm theo phong cách Phật giáo rất hay mà biết bao học trò và phật tử cũng như những ai quan tâm đến thư pháp và nghệ thuật đón chờ.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà   

 

 

 

 

 

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này