Nhân duyên trong chuyện cướp - Phật Giáo Việt Nam
23:04 +07 Thứ năm, 16/05/2024

Nhân duyên trong chuyện cướp

Thứ năm - 29/11/2012 19:32
(HDPT) - Nhân duyên và nhân quả là những khái niệm cốt lõi hình thành nên nhân sinh quan Phật giáo. Nhân quả là chân lý của vũ trụ: gieo nhân gì thì gặt quả nấy.
 

Con người làm bất kỳ chuyện gì cũng không thoát khỏi quy luật nhân quả. Nghĩa là hành động nào của họ cũng sẽ tác động đến chính mình và những người chung quanh. Nhân duyên chỉ quá trình tạo ra một sự việc nào đó. Khởi sự từ "nhân", "duyên" sẽ tạo ra "quả". Một ví dụ kinh điển về các khái niiệm này là chuyện trồng một hạt lúa (nhân) thì phải có đất, nước và canh tác (duyên) để đưa đến thu hoạch lúa chín (quả). Dù cách hiểu như trên còn rất thô thiển sao với sự huyền diệu của triết lý nhà Phật, chúng ta hãy thử bàn về nhân duyên và nhân quả trong câu chuyện dưới đây.

Đầu tuần này, nhiều người không khỏi vừa bàng hoàng vừa khâm phục khi đọc tin về vụ cướp táo tợn và tàn bạo tối ngày 24.11. Chưa đến 8 giờ tối, Ngọc Thúy, 28 tuổi, trên đường về nhà ở quận 2 bị một băng cướp chém gần lìa cánh tay để cướp chiếc xe SH đắt tiền. Theo lời kể của Thúy, sau khi bị nạn dù rất đau đớn và mất nhiều máu, cô vẫn ráng sức kêu cứu. Điều đáng nói là tuy có nhiều ánh đèn xe gắn máy, xe hơi quét ngang nạn nhân và đám côn đồ, không một ai trong số những ánh đèn vô cảm đó có hành động gì để giúp cô. May mắn thay, anh Đặng Văn Nỡ đã làm khác. Cũng ngụ tại quận 2, anh đang trên đường về nhà sau khi bán hàng thì gặp "chuyện bất bình". Trước sự dũng cảm của anh, bọn cướp trang bị mã tấu phải chùn bước, bỏ lại chiếc xe định cướp.

Sự việc kết thúc có hậu khi cánh tay của Thúy được các bác sĩ nối liền. Nhưng kết cục này có thể tệ hại hơn nhiều nếu một chuỗi "duyên" không xảy ra. "Duyên" đã xui anh Nỡ đến kịp lúc; "duyên" là sự dũng cảm của anh một mình đối đầu bốn tên cướp tàn bạo; "duyên" là tình người với nạn nhân như anh: "Nghĩ đến cô gái đáng tuổi con mình đang quằn quại trên đường cùng lũ cướp, dù biết chắc là rất nguy hiểm nhưng tôi không nỡ bỏ mặc nạn nhân nên quyết quay trở lại". Nhưng thử hỏi vì sao dù rất nhiều người chứng kiến sự việc, chỉ mình anh Nỡ có được "duyên" này.

Sự việc càng kết thúc có hậu với nạn nhân nhưng rất "nhân quả" đối với bọn cướp khi lực lượng công an đã tóm gọn chúng. Hai trong số tội phạm còn rất trẻ, chỉ 19 tuổi, trong đó có kẻ cầm đầu băng cướp; người "già" nhất vừa 30. Chắc chắn là những kẻ man rợ này sẽ lãnh hậu quả tương xứng với sự tàn bạo của chúng nghiệm đúng với luật nhân quả.

Theo các bài báo, nhờ phối hợp hiệu quả với các đơn vị khác, tổ tuần tra của công an Nhà Bè đã theo dõi bọn cướp và bắt gọn khi cả nhóm "xả hơi" tại một khách sạn ở quận Bình Chánh. Có thể nói, điều này cũng thể hiện quy luật nhân quả. Nhưng mặt khác, người dân cũng rât mong lực lượng công an ở mọi cấp phải đẩy mạnh hoạt động trấn áp tội phạm để chúng không hoành hành khỏng phải chỉ vào thời điểm năm hết Tết đến mà ở mọi lúc, mọi nơi. Một điều mặc nhiên là pháp luật sinh ra để đảm bảo rằng quy luật nhân quả trong vấn đề tội phạm bao giờ cũng đúng: kẻ thủ ác phải đền tội, công lý phải được thực thi.

Và cũng sẽ không thừa nếu nhắc lại ở đây sự cần thiết của việc tích cực hơn nữa trong phòng chống tội phạm của lực lượng công an tại chỗ. Theo hồ sơ công an sở tại, đoạn đường nơi chị Thúy gặp nạn đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ cướp trong thời gian gần đây. Bọn cướp bị bắt ban đầu cũng khai rằng chúng đã thực hiện nhiều vụ khác táo tợn không kém. Chị Thúy đã may mắn gặp được người dũng cảm cứu mình trong vụ cướp này. Nhưng đó chỉ là cái "duyên" của nạn nhân. Lực lượng công an từ người lính đến người chỉ huy cần nỗ lực làm sao để những cái "duyên" như vậy không chỉ đến một cách ngẫu nhiên từ người dân bình thường mà phải đến từ những chiến sĩ công an.

Lực lượng công an muốn được người dân tin yêu, trước hết phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Đó không chỉ là trách nhiệm của họ mà còn là của các cấp quản lý xã hội cao hơn.

Riêng về phía những ánh đèn vô cảm đã bỏ mặc nạn nhân, vì sao như thế? Chẳng phải ai cũng dũng cảm như anh Nỡ trước lưỡi mã tấu của bọn cướp. Họ lo cho sự an nguy của mình. Đến đây, trách nhiệm của ngành công an lại được đặt ra. Nếu người dân được bảo vệ tốt hơn, chắc nhiều người không đến nỗi vô cảm như thế. Điều này còn phải bàn. Nhưng chí ít, có thể đặt câu hỏi đâu rồi những chiếc điện thoại thông minh đắt tiền? Một cú điện thoại cho lực lượng 113 có phải là quá đắt? Vì sao người ta xài điện thoại thả ga để "tám mà không sợ tốn" nhưng lại tiết kiệm một cuộc gọi đến lực lượng chức năng? Nếu như ai đó đã bấm máy gọi thì giờ đây người ấy có thể rất hạnh phúc không kém anh Nỡ vì mình đã góp phần vào "nhân duyên" cứu được một mạng người. 

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này