Nỗi niềm phố cổ - Phật Giáo Việt Nam
10:46 +07 Thứ năm, 16/05/2024

Nỗi niềm phố cổ

Thứ tư - 14/11/2012 13:52
(HDPT) - Quần thể di tích lịch sử văn hoá là một trong những nét độc đáo, góp phần làm nên diện mạo của một Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn hiến.
 
Tuy nhiên, ngay giữa Thủ đô mà tình trạng xâm phạm di tích cũng tồn tại từ nhiều năm nay, khiến cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của những di sản văn hóa gặp không ít khó khăn.

Những cảnh tượng cổng chùa bị biến thành chợ, thành quán ăn, nơi bán giày dép, hoa quả… "Xâm chiếm” mỗi năm một ít đất của chùa, có lẽ đã không còn là chuyện hiếm gặp ở Hà Nội. 
 
 
1. Đền Bà Kiệu trên đường Đinh Tiên Hoàng là một trong những ngôi Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh được dựng sớm nhất ở nước ta, từ đời Lê Thần Tông (1619-1628), nay đã gần bốn trăm năm tuổi. Đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật văn hoá lịch sử quý như bia đá, chuông đồng, hệ thống hai mươi bảy sắc phong thần thuộc nhiều triều đại. Với vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của mình, từ thời Pháp thuộc, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã xếp Đền Bà Kiệu vào danh sách "Cổ tích liệt hạng”. Tuy nhiên từ rất lâu, cửa hàng kinh doanh cặp, túi, vali trên đường Đinh Tiên Hoàng vì lợi nhuận đã lợi dụng mặt tiền của đền để buôn bán. 
 
 
2. Chùa Cầu Đông (38 Hàng Đường) là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội thờ Trần Thủ Độ. Chùa Cầu Đông mang ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vị trí phía Đông của Hoàng Thành Thăng Long. Chùa có nhiều giá trị về kiến trúc và nghệ thuật. Hiện chùa còn lưu giữ được 4 bia đá kèm các niên đại, gần 60 pho tượng cổ mang nét đẹp chuẩn mực của tượng Phật Việt Nam thế kỷ XVII. Trong Thập điện của chùa, còn có pho tượng vào loại quý hiếm trong di sản tạo tác nghệ thuật của người Việt. Chùa cũng từng là cơ sở cách mạng giúp đỡ các cán bộ Việt Minh hoạt động trong thời kỳ khó khăn.
 
Đây là một trong những di tích đã xếp hạng cấm vi phạm. Tuy nhiên, dù treo hai biển cấm đỗ xe cũng như  cấm bán hàng rong bên ngoài nhưng nhiều người dân vẫn tự nhiên vi phạm, coi như không biết. Phản cảm hơn là thùng đựng rác của công ty Môi trường Đô thị được đặt ngay trước tượng Hộ Pháp phía bên ngoài Chùa.
 
 
3. Chùa Thái Cam (44 Hàng Vải) là một di tích có niên đại gần 200 năm. Chùa được xây dựng cùng năm với Đình Thái Cam năm 1822. Chùa thờ Phật và Đức Thánh Trần đã được xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật năm 1990. 
 
Do sự xâm hại của người dân mà cổng chính chùa một nơi nhưng lối vào trong chùa lại nằm trên một con phố khác. Trong chùa hiện có bốn hộ gia đình sinh sống đã gần chục năm nên rất khó để di dời họ khỏi đất chùa. Theo Sư thầy trụ trì chùa Thái Cam Thích Đàm Sơn, nhà chùa cũng đang cố gắng hết sức để đem lại quang cảnh thanh tịnh, tĩnh lặng cho chùa trong thời gian sớm nhất có thể.
 
 
4. Đền Bạch Mã (76 Hàng Buồm) là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long, gắn liền với sự kiện Lý Thái Tổ dời đô với niên đại hơn 1000 năm tuổi. Đây là một trong những công trình kiến trúc đặc biệt, đã được trùng tu tôn tạo qua nhiều triều đại nhưng vẫn mang dấu ấn độc đáo, đặc trưng của phong cách kiến trúc thế kỷ XIX thời Nguyễn. Vào 13 tháng 2 âm lịch hằng năm nơi đây diễn ra lễ hội đền với nhiều hoạt động ý nghĩa như lễ tiến Xuân Ngưu. Đền Bạch Mã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1986. Tuy vậy trước cổng Đền vẫn xuất hiện nhiều cảnh lộn xộn, dù cơ quan chức năng đã có thông báo cấm đỗ xe cũng như bán hàng rong quanh chốn tôn nghiêm này.
 
 
5. Đình Cổ Vũ (58 Hàng Gai) nằm dưới bóng cây đa cổ thụ trên phố Hàng Gai là nơi diễn ra nhiều hoạt động biểu diễn âm nhạc dân tộc cổ như hát bài dân ca, hát xẩm và múa hát cổ dân gian các vùng miền, thu hút được sự quan tâm của nhiều khán giả trong nước cũng như du khách nước ngoài. Đình lưu giữ  nét đẹp về văn hoá văn hoá lịch sử cũng như nghệ thuật đáng quý. Vậy mà, trong thời gian gần đây cổng đình thường xuyên đóng, còn mặt tiền thì bị quán nước của hộ gia đình gần đấy chiếm dụng làm nơi buôn bán.
 
 
6. Quán chùa Huyền Thiên (54 Hàng Khoai) là một trong Tứ quan linh thiêng của Kinh thành Thăng Long xưa, gồm có Trấn Vũ, Huyền Thiên, Đồng Thiên và Đế Thích. Đây là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo vừa là nơi thờ Phật, vừa là đền thờ Mẫu đã được nhà nước xếp hạng. Chùa nổi tiếng trở thành một điểm đến thu hút trong quần thể các di tích nổi tiếng của phố cổ cũng như thủ Đô Hà Nội.  
 
Tuy nhiên từ chục năm nay, chùa đã bị xâm phạm bởi cảnh chợ búa buôn bán huyên náo, bị chiếm dụng mặt tiền thành bãi trông giữ xe… Cổng chính của chùa hầu như đóng. Nhìn từ xa, ẩn sau những tấm bạt, ô che mưa nắng cùng đường dây điện chằng chịt, Quán Chùa Huyền Thiên đang dần rơi vào quên lãng. 
 
 
7. Pháp Bảo Tạng (44 Hàng Cót) là một trong những ngôi chùa mới được xây dựng, trong khoảng những năm 1948 – 1954 khi Pháp còn tạm chiếm, với mục đích giữ gìn nhiều bản mộc in Kinh Phật. 
 
Hiện nay trước cửa chùa tồn tại nhiều quán nước cũng như các quán đồ ăn nhanh phục vụ học sinh trường THCS Thanh Quan nằm đối diện bên đường. Nhiều xe máy, ô tô cũng tận dụng mặt tiền của Chùa làm nơi đỗ xe dù ngay gần đó có một ngõ trông xe.
 
 
Trên đây chỉ là một phần trong số những di tích lịch sử- văn hóa đang bị xâm hại. Việc con người ứng xử chưa xứng tầm với di tích không chỉ làm mất mỹ quan, vẻ uy nghiêm, linh thiêng của di sản, điều đáng quan tâm hơn, nhiều di tích đang chết mòn, bị xâm hại nghiêm trọng và có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Đã đến lúc người dân nên có các hành động cụ thể, tích cực để bảo vệ, tôn tạo lại những tài sản chung của quốc gia, trả lại vẻ đẹp tôn nghiêm cho các di tích lịch sử văn hoá.
 
Phóng sự ảnh của Đức Lộc

 

Đại Đoàn Kết

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này