Sống tự do không phụ thuộc vào tiền bạc là tốt nhất - Phật Giáo Việt Nam
06:06 +07 Chủ nhật, 05/05/2024

Sống tự do không phụ thuộc vào tiền bạc là tốt nhất

Thứ hai - 21/05/2012 20:41
Sống tự do không phụ thuộc vào tiền bạc là tốt nhất

Sống tự do không phụ thuộc vào tiền bạc là tốt nhất

(HDPT) - Gặp nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, ấn tượng đặc biệt nhất về ông ẩn đằng sau cái vẻ dung dị đời thường là cách nhìn nhận vấn đề với lối tư duy sắc sảo, đầy góc cạnh. Nhưng nói tới con đường công danh sự nghiệp thì ông bảo "Tôi chỉ thích tiến bộ trong nghề nghiệp của mình.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phan Cẩm Thượng có thể nói hàng giờ về
các quan điểm nghệ thuật với nhiều góc độ khác nhau
 
Điều cần thiết nhất trong cuộc sống
Trò chuyện với Phan Cẩm Thượng về những điều quan trọng trong cuộc sống, ông chia sẻ: Ai cũng cần tiền bạc và sức khoẻ. Tôi cũng vậy thôi. Tôi nghiên cứu và làm nghệ thuật, nên càng đòi hỏi nhiều hơn hai thứ đó. Nhưng tôi nhớ lời của hoạ sỹ Nguyễn Sáng "Nếu vì nghệ thuật một xu tôi cũng nhặt. Nếu không vì nghệ thuật một triệu tôi cũng không thèm.” Sống tự do và không phải phụ thuộc vào tiền bạc là tốt nhất.
 
Vâng, có lẽ chính vì quan điểm "sống không phụ thuộc vào tiền bạc” mà Phan Cẩm Thượng có thể ung dung tự tại ở ẩn trong chùa mà vẫn viết sách, vẫn nghiên cứu chuyên sâu về mỹ thuật. Trong khi người đời sống, làm việc, để lo tích luỹ, vun vén cho tương lai của con cháu mình, thì Phan Cẩm Thượng sống rất ung dung tự tại với suy nghĩ: "Để cho con hòm ngọc. Không bằng để hòm sách. Trong sách tự có ngọc. Để của cải cho con cháu thì không biết bao nhiêu là vừa, mà lại có thể làm hỏng chúng. Nhưng để lại kiến thức, kinh nghiệm thì chúng hoàn toàn có thể làm giầu và quan trọng là sự tự lập. Sách vở và tranh do tôi sáng tác đó cũng là tài sản.”
 
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, trải nghiệm về sự sống và cái chết qua thời bom lửa chiến tranh, Phan Cẩm Thượng luôn biết trân trọng những giá trị của cuộc sống. Điều cần thiết nhất mà ông có được không phải là của cải vật chất, mà chính là nghị lực và kinh nghiệm sống. Đó chính là thứ tôi luyện để làm nên một Phan Cẩm Thượng như ngày hôm nay.
 
 
Quan điểm về nghệ thuật
Phan Cẩm Thượng cho rằng: Nghệ thuật nằm ở mọi nơi trong cuộc sống – phim ảnh, sách, âm nhạc, đình chùa...và mỗi người có thể cảm nhận theo cách riêng, trình độ riêng của mình.
 
Giới làm nghệ thuật nhận xét "Những nghiên cứu của Phan Cẩm Thượng đã thêm những đóng góp lớn lao cho nền nghiên cứu Mỹ thuật Việt Nam”. Còn bản thân ông tự nhìn nhận thế này: "Riêng tôi chưa thấy mình làm được bao nhiêu, hay là mới thấy là bắt đầu. Phần nghiên cứu cũng có chút thành quả, còn sáng tác thì vẫn còn chưa tốt.”
 
Phan Cẩm Thượng có thể nói hàng giờ về các quan điểm nghệ thuật với nhiều góc độ khác nhau. Dưới cái nhìn của một nhà phê bình nghệ thuật, ông nói về nghệ thuật của Việt Nam như thế này: Về giá trị nghệ thuật và nhân văn, nghệ thuật Việt Nam có nhiều tác giả và tác phẩm có thể đứng hàng thế giới. Nhưng đáng tiếc do nhiều lí do, thế giới vẫn biết rất ít về nghệ thuật Việt Nam và chỉ đánh giá nó trên phương diện trao đổi văn hoá. Nước ta có nhiều nhân tài, cuộc sống ở ta có nhiều vấn đề sáng tác, nhưng người Việt ít nhận thấy điều đó mà hay vọng ngoại ở tận đâu...
 
Văn hoá cần gốc rễ
Nói về thái độ nhìn nhận cuộc sống từ giá trị của nền văn hoá, Phan Cẩm Thượng bày tỏ: Tôi không phải là người nệ cổ, nhưng luôn thấy văn hoá cần gốc rễ. Gốc rễ càng sâu xa, văn hoá hiện đại càng có cơ hội phát triển lành mạnh. Việc nông thôn cổ truyền thay đổi và dần bị đô thị hoá dường như là một quá trình tất yếu của những nước đã và đang đi vào công nghiệp hoá – không riêng gì nước ta. Nhưng đô thị hoá thế nào, môi trường sống và đời sống nhân văn có tốt hơn không, mới là cái đáng nói. Rất nhiều cái tốt đẹp chìm vào quá khứ không thể lấy lại được nữa, đó chính là sự tiếc nuối không chỉ của riêng tôi và còn nhiều người khác nữa. Ví dụ như nghề làm giấy phong sắc đã thất truyền, đó có thể coi là một thành tựu của nhân loại, vì giấy phong sắc để được ba bốn trăm năm mà không hỏng. Vậy mà chúng ta không có cách nào để bảo tồn và phát triển nó. Đó chẳng phải là sự đáng tiếc lắm sao?
 
Chính vì sự nhìn nhận thấu đáo về các giá trị của văn hoá, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng đã dành hẳn thời gian hai năm để đọc tất các tư liệu trong thư viện về khảo cổ học, nghiên cứu mỹ thuật... được biên soạn từ thời Pháp thuộc. Còn trong đời thực, Phan Cẩm Thượng dành nhiều thời gian để sống với các di tích nghệ thuật cổ, đến các đình chùa chơi và thư giãn...và rồi tự lúc nào không hay những giá trị văn hoá của các cổ vật đã ăn sâu vào trong tâm thức của ông. Các nghiên cứu viết về văn hoá Việt như "Văn minh vật chất của người Việt”...là tổng hợp của những tháng năm nghiên cứu tìm tòi không ngừng nghỉ của một nhà nghiên cứu giàu tâm huyết. Nó không chỉ là sự đóng góp quí báu cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay, mà còn có giá trị lâu dài mãi mãi về sau.
 
Hương Trần
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này