Thiên thần hộ mệnh trong lốt người nhặt rác - Phật Giáo Việt Nam
05:39 +07 Thứ năm, 16/05/2024

Thiên thần hộ mệnh trong lốt người nhặt rác

Thứ năm - 06/09/2012 16:10
(HDPT) - Mỗi ngày nghe đài, đọc báo, xem TV hoặc thậm chí là nghe bạn bè kể lại về những cuộc đời khốn khổ ở đâu đó rất gần chúng ta, trong cùng 1 thành phố hay có khi chỉ cách vài cây số, ta thấy tim mình thắt lại.
 

Điều quan trọng không phải là bạn đang làm công việc gì để sống mà là bạn đã làm được việc gì cho cuộc sống. Một người phụ nữ nhặt rác 88 tuổi khiến bao người phải rơi lệ cảm phục khi phát hiện ra suốt 40 năm qua bà đã âm thầm cứt vớt và cưu mang hơn 30 đứa trẻ bị bỏ rơi, cho chúng 1 tổ ấm an toàn đầy yêu thương để có thể bình yên trưởng thành.

Trái tim vĩ đại của người phụ nữ nhặt rác

Phần đông trên thế giới này là những người lương thiện. Vì thế cho nên mỗi khi đi trên đường phố nhìn thấy ai đó hào phóng bố thí cho 1 người ăn xin, chúng ta thấy ấm lòng và yên tâm tự nhủ rằng thế là kẻ đói khát ấy sẽ có chút gì đó cho bữa tối nay.

Mỗi ngày nghe đài, đọc báo, xem TV hoặc thậm chí là nghe bạn bè kể lại về những cuộc đời khốn khổ ở đâu đó rất gần chúng ta, trong cùng 1 thành phố hay có khi chỉ cách vài cây số, ta thấy tim mình thắt lại.

Nhiều lần chúng ta muốn chạy ngay đến bên họ, chia sẻ miếng cơm, manh áo và niềm hạnh phúc giản dị mà mình đang may mắn sở hữu. Nhưng rồi khi còn chưa kịp làm điều đó thì những thứ khác lại cuốn chúng ta đi: công việc bận rộn, cuộc sống hối hả cùng với những bộn bề lo toan thường nhật.

Ta tự an ủi rằng sẽ còn rất nhiều nhà hảo tâm khác biết đến câu chuyện này và dang tay giúp đỡ. Hoặc đôi khi, những vấn đề mà bản thân đang phải đối mặt khiến chúng ta mãi đắn đo. Ta đợi đến khi nào có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn rồi mới làm việc thiện.

 Bà Lou Xiaoying, 88 tuổi, đã cứu vớt được hơn 30 sinh mệnh bé bỏng suốt 40 năm qua.
Bà Lou Xiaoying, 88 tuổi, đã cứu vớt được hơn 30 sinh mệnh bé bỏng suốt 40 năm qua.

Ta đợi đến khi nào có nhiều tiền hơn, giàu có hơn rồi mới giúp đỡ người nghèo. Ta cứ đợi, đợi mãi cho đến khi hoàn toàn quên béng mất việc đó. Thế nhưng, may mắn là trên thế giới này vẫn còn 1 người phụ nữ không bao giờ chờ đợi, tính toán, hay cân nhắc thiệt hơn.

Cụ bà 88 tuổi, Lou Xiaoying, ở thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc chỉ là một phụ nữ nghèo khổ, cả cuộc đời sống bằng nghề nhặt rác. Công việc thấp kém, suốt ngày vật lộn giữa những thứ phế phẩm hôi thối và bẩn thỉu cũng chẳng thể cho vợ chồng bà cuộc sống dễ dàng, dư giả hơn.

Ấy thế mà suốt 40 năm qua, bất cứ khi nào nhìn thấy 1 đứa trẻ bị người ta vứt bỏ, bà vẫn chẳng hề ngần ngại nhặt lấy, đưa về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc và yêu thương như chính con đẻ của mình vậy.

Nhờ có bà mà hơn 30 sinh linh tưởng chừng sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi ở bãi phế thải lại có cơ hội được sống và được làm người.

Mọi thứ bắt đầu từ năm 1972, thời khắc mà bà Lou nhặt được đứa trẻ đầu tiên. Hôm ấy, như mọi ngày bình thường khác, bà phải dậy từ sớm tinh mơ, khi đường phố còn mờ sương và lạnh lẽo để lục tìm trong những đống rác thải mà người ta bỏ lại trên đường, nhặt nhạnh một vài bao ni lông, vỏ lon nước ngọt hay chai lọ rỗng.

Những thứ tưởng chừng như vô giá trị ấy được bà gom góp lại cho đến khi đủ số thì đem bán cho các xưởng tái chế. Cũng có khi bà nhặt được một món đồ còn dùng được, chẳng hạn như những chiếc ghế không nguyên vẹn, vài bộ quần áo cũ, hay 1 gói bánh qui mới gần hết hạn sử dụng.

Chỉ thế thôi cũng là cả 1 niềm vui nho nhỏ với bà. Bà sẽ cẩn thận cất đi, mang về cho chồng và con gái nhỏ của mình. Ngày hôm ấy thật bất ngờ, bà tìm thấy giữa đống rác thứ báu vật vô giá, đó là 1 đứa trẻ.

Đầu tiên, bà hơi giật mình khi thấy có gì đó khẽ ngọ nguậy và phát ra âm thanh ọ ẹ. Mãi mới đủ can đảm lại gần, bà bàng hoàng nhận ra đó là 1 cô bé con. Bé nằm đó, giữa đám rác rưởi và đang khóc không ra hơi, gần như lả đi vì mệt và đói, rõ ràng nó đã bị bỏ rơi, bị vứt đi như một thứ đồ vật không ai cần đến.

Thậm chí người ta còn không mang nó đến gửi ở trại trẻ mồ côi hoặc 1 ngôi chùa nào đó. Có lẽ chính những kẻ sinh ra con bé cũng chẳng thèm quan tâm đến việc đứa trẻ vô tội sẽ ra sao. Nhưng bà Lou thì có.

Sức khỏe kiệt quệ vì căn bệnh thận hiểm nghèo, bà vẫn hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của các con.
Sức khỏe kiệt quệ vì căn bệnh thận hiểm nghèo, bà vẫn hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của các con.

Con bé sẽ chết mất nếu bà không nhanh chóng mang nó về nhà, cho ăn no và quấn trong chăn ấm. Ngay lập tức, bà làm theo điều trái tim mách bảo. Kể từ ấy, vợ chồng bà chăm sóc cho bé như cho chính đứa con ruột của mình.

Nhìn bé lớn lên từng ngày, lanh lợi và khỏe mạnh, trái ngược hẳn với lúc nằm tím tái gần như không còn sức sống trên đường phố hôm nào, họ cảm nhận được niềm hạnh phúc và tự hào không gì sánh nổi.

Thiên thần hộ mệnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi

“Nếu tôi đủ mạnh mẽ để làm 1 công việc như nghề nhặt rác thì tại sao tôi lại không thể cho những sự sống mong manh này cơ hội tái sinh cơ chứ?”, bà Lou nói. Từ đó trở đi, bà chưa bao giờ ngưng thực hiện xứ mệnh của mình.

Bà lần lượt mang về nhà những đứa trẻ xa lạ, có đứa đã yếu ớt đến mức chẳng ai tin rằng nó có thể sống nổi. Ấy thế mà người phụ nữ nhặt rác có tấm lòng lương thiện này vẫn chẳng hề do dự. Với bà, mỗi sinh mệnh đều quí giá như nhau.

Suốt 40 năm qua, bà đã nhặt về và chăm sóc cho hơn 30 đứa trẻ mồ côi bị vứt bỏ khắp thành phố này. Căn nhà lụp xụp của vợ chồng bà vốn đã bé xíu nay càng trở nên chật chội và bừa bộn.

Để bọn trẻ có cuộc sống dễ chịu hơn, không phải quá thiếu thốn, bà thuyết phục bạn bè và người thân lần lượt nhận nuôi chúng. Tất cả bọn họ đều rất nghèo và phần lớn làm nghề nhặt rác giống như bà. Nhưng tấm lòng nhân hậu và vị tha của bà Lou đã khiến họ cảm động.

Rốt cuộc, cả 30 đứa trẻ đều có gia đình, có bố mẹ chăm sóc, yêu thương. Riêng vợ chồng bà cũng chính thức nhận 4 đứa làm con nuôi. Dù gia cảnh khó khăn đến đâu, bà cũng cố cho chúng cuộc sống tốt nhất có thể.

Kể cả khi đã tuổi cao sức yếu, hàng ngày bà vẫn ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối khuya mới về, tiếp tục công việc nhặt rác, chắt chiu từng đồng để cho lũ trẻ bữa cơm no, tấm áo ấm trong mùa đông lạnh giá.

Bọn trẻ cứ thế lớn lên trong khu ổ chuột mà đứa nào cũng khỏe mạnh, bụ bẫm, thông minh lanh lợi lại rất ngoan ngoãn. Còn bà Lou thì ngày một già yếu đi. Bà bị bệnh tim hành hạ triền miên và mới đây lại mắc thêm cả bệnh thận. Chồng bà đã mất cách đây 17 năm, bỏ lại bà 1 thân 1 mình lo cho đàn con thơ dại.

Ở tuổi 88, sương gió nhọc nhằn bao nhiêu năm cuối cùng cũng đánh gục bà Lou. Bà nhập viện vì 1 cơn suy thận trầm trọng. Sự sống của bà giờ chỉ như ngọn nến le lói trước gió. Bà không thể ngồi dậy hay tự đi lại, việc ăn uống cũng rất khó khăn. Ấy thế mà bà vẫn khiến nhiều “bạn cũng phòng” phải ghen tị.

Không phải ai cũng được may mắn có con đàn cháu đống quây quần, túc trực xung quanh như bà. Có điều ít ai biết, chỉ có cô cả, năm nay 49 tuổi là con đẻ của bà, còn lại tất cả đều là con nuôi hoặc những đứa trẻ mà bà nhặt được.

Trong đám đó, đứa bé nhất mới lên 7 tuổi. 7 năm về trước, khi đã ở tuổi 81, tóc bạc, răng rụng và chân tay run rẩy, bà vẫn sẵn lòng đón nhận thêm 1 đứa trẻ nữa. Khi vừa nhìn thấy thằng bé mới được vài giờ tuổi, còn đỏ hỏn nằm trong thùng rác, như 1 thứ phản ứng bản năng, bà lại vội vàng bế nó lên, ôm chặt vào lòng.

Không phải bà Lou không biết mình đã quá già và có thể ra đi bất cứ lúc nào, nhưng người phụ nữ đó không bao giờ có thể, dù chỉ trong ý nghĩ, bỏ lại đứa trẻ lại đó và coi như nó chưa từng tồn tại. May mắn là, các con của bà giờ cũng đã lớn.

Chúng đều rất yêu thương nhau và hiếu thảo với mẹ. Thế là cả gia đình thay phiên nhau chăm sóc thành viên mới. Giờ đây, khi đã gần đất xa trời, bà Lou chỉ còn 1 nỗi day dứt khôn nguôi, ấy là chuyện học hành của bọn trẻ. Con trai út của bà bắt đầu đến tuổi đi học, nhưng nhà quá nghèo để có thể cho bé đến trường.

Câu chuyện về người phụ nữ 88 tuổi sống bằng nghề nhặt rác cứu giúp hơn 30 đứa trẻ bị bỏ rơi là 1 hồi chuông cảnh tỉnh đối với xã hội Trung Quốc, nơi mà luật kế hoạch hóa gia đình được cho là khắt khe nhất thế giới, trong khi những hủ tục, tập quán và quan điểm cũ còn quá nặng nề.

Mỗi cặp vợ chồng ở thành phố chỉ được phép sinh 1 con và thường thì ai cũng mong sinh con trai để có người nối dõi tông đường, làm rạng danh gia tộc.

Nếu lỡ sinh con thứ 2, họ không chỉ phải nộp phạt, thường xuyên bị đưa ra kiểm điểm mà còn bị xã hội gièm pha, chế diễu và đánh mất cơ hội thăng tiến cũng như khó có thể tìm được việc làm tốt.

Thế cho nên mới ngày càng nhiều những câu chuyện đau lòng về trẻ em bị bỏ rơi, thậm chí là bị chính cha mẹ ruột sát hại.

  • Thanh Lam - PNTD

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này