Thợ ngõa sắp... "tuyệt chủng" - Phật Giáo Việt Nam
03:36 +07 Thứ sáu, 17/05/2024

Thợ ngõa sắp... "tuyệt chủng"

Thứ ba - 27/11/2012 22:02
(HDPT) - Tôi gặp cánh thợ ngõa (chuyên xây dựng, trùng tu đình, chùa cổ) Mậu Lương khi họ đang trùng tu chùa Bái Ân, ở phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Họ là một trong số ít cánh thợ chuyên trùng tu xây dựng các công trình đền, chùa, nhà cổ...
 
 
Anh Nguyễn Văn Tám than phiền: Hiện tại ở quanh Hà Nội thợ ngõa “chính cống” sắp “tuyệt chủng” rồi. Ở cái nôi sản sinh ra những cánh thợ giỏi như làng Mậu Lương giờ cũng chỉ còn lại hai người giữ nghề xưa cũ.

Thợ “xịn”

Khi viết bài này, tôi chợt nhớ đến những than phiền của cụ Lê Đình Chuyển, Ban Kiến thiết chùa Khê Tang, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai cách đây ít lâu rằng: “Bây giờ thợ ngõa “chính hiệu” thì ít mà cái đám thợ không có tay nghề thì nhiều. Chùa nào may mắn tìm được cánh thợ “chính hiệu” thì còn giữ được chùa. Không may vớ phải đám thợ lăng nhăng thì chỉ sau khi trùng tu vài ba năm là chùa lại đổ nghiêng đổ ngửa, nát hết cả chùa cổ”.

Cái sự băn khoăn ấy của cụ Chuyển không phải là vô lý khi chùa Khê Tang nằm cách cái nôi của thợ ngõa “xịn” là làng Mậu Lương chỉ non 3km, vậy mà phải mất nửa năm trời các cụ mới đi tìm được cánh thợ này về sửa ngôi chùa cổ có tuổi thọ hàng trăm năm.

Theo nhiều người cao tuổi ở địa phương thì cánh thợ ở làng Mậu Lương có gốc tích từ xã Kim Lủ, huyện Sóc Sơn, xưa kia, đây là vùng đất nức tiếng vì có đội thợ ngõa rất giỏi. Có thời kỳ, đội thợ này được vua giao cho xứ mệnh xây dựng kinh thành Thăng Long. Ngoài ra, vào thời Đông Hán, đội thợ này còn được mời đi xây dựng kinh đô Kiến Nghiệp ở Trung Quốc...

Được người dân chỉ dẫn, sau nhiều ngày lần mò cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cánh thợ Mậu Lương nức tiếng chốn Hà Thành tại chùa Bái Ân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Gặp cánh thợ ngõa của anh Tám, chúng tôi thấy chỉ có hai người hì hụi làm nóc chùa. Tôi thắc mắc: “Sao các anh không gọi thêm anh em làm cho nhanh?”. Anh Tám lên tiếng: “Gọi đông cũng có làm được đâu, phải thợ có tay nghề cao thì mới làm được việc này, tay nghề mà còn phọt phẹt thì chỉ đi xách vôi, vữa, xi măng thôi”.

Hai người thợ lành nghề trong cánh thợ ngõa ngoài anh Tám ra còn có anh Lê Đình Chung. Cả hai anh đều là thợ ngõa Mậu Lương “chính hiệu”. Các anh đi học nghề từ năm mới lên mười tuổi, sau hơn 10 năm học nghề cả hai anh mới có thể tự tay lợp được viên ngói lên nóc chùa mà không bị tụt hay hở mái.

1m2 mái chùa được kê, lợp từ 200 – 260 viên ngói.
1m2 mái chùa được kê, lợp từ 200 – 260 viên ngói.

Chúng tôi đang trong “sách đỏ”

Nhắc đến những người làm thợ ngõa, anh Lê Đình Chung - một trong hai người thợ cuối cùng của làng Mậu Lương giải thích: “Để làm được một ngôi chùa phải qua rất nhiều dây chuyền, đầu tiên là thợ ngõa chuyên làm mộc, dựng cột, làm nóc, lợp ngói. Tiếp đến là thợ vẽ chuyên vẽ các hoa văn, họa tiết trong chùa.
 
Cuối cùng là thợ chạm, đây là đội thợ chuyên chạm khắc những hoa văn trên gỗ như long - ly - quy - phụng, hay tùng - cúc - trúc - mai... Khi thợ ngõa làm xong phần kết cấu cứng của nhà thì bàn giao cho thợ chạm, thợ chạm làm xong lại bàn giao cho thợ vẽ để vẽ những bức họa lên gỗ, tường...
 
Sở dĩ phải phân chia từng cánh thợ theo chuyên môn như vậy bởi vì không phải ai cũng có năng khiếu vẽ, chạm hay xây dựng chùa...

Trước đây, có một số cánh thợ làm kiêm nhiệm là vừa xây dựng vừa chạm khắc hoặc vẽ, nhưng trong số họ phải có người khéo tay, có kiến thức về nghệ thuật và có kinh nghiệm lâu năm trong nghề thì mới có thể làm được.
 
Nhưng những thợ già có nhiều kinh nghiệm nay đã tuổi cao sức yếu, có người thì đã khuất núi nên để lại một khoảng trống lớn trong các cánh thợ. Vì thế, các cánh thợ chỉ cố gắng làm tốt công việc của mình, thợ ngõa thì chỉ xây dựng, lợp chùa chứ không chạm khắc hay kẻ vẽ...”.

Anh Chung tiết lộ: “Một ngày công của thợ ngõa làm chùa từ 600.000 - 800.000đ. Nếu so với thợ xây bình thường thì tiền công của thợ ngõa cao gấp 3 - 4 lần mà công việc thì tất bật quanh năm. Mặc dù vậy nhưng nhiều người không mặn mà gì với việc học nghề cổ.
 
Thợ ngõa chúng tôi sắp “tuyệt chủng” rồi, chúng tôi là những cá thể đang nằm trong “sách đỏ”. Năm mười năm nữa chúng tôi chết đi thì những ngôi chùa ở khắp miền Bắc này chẳng biết lấy ai sửa chữa, hoặc có người sửa chữa thì cũng làm biến dạng kiến trúc cổ và công trình không đảm bảo chất lượng”.

1m2 gánh trên 200 viên ngói

Việc trùng tu, sửa chữa các ngôi cổ tự không hề đơn giản chút nào khi mà người thợ phải dựng nhà với kết cấu vững chắc nhất để mái nhà chịu được một lực rất lớn. Nếu tính ra thì một mét vuông mái nhà phải gánh từ 200 - 260 viên ngói, nếu tính trọng lượng thì có thể nặng tới trên 160kg.

Theo anh Chung thì muốn có kết cấu vững chắc, phần kết cấu chính gồm cột, kèo... phải được làm bằng gỗ táu mật, hoặc gỗ mít cổ thụ, hai loại gỗ này có có thể tồn tại tới trên 100 năm mà không bị mối, mọt. Nếu dùng dỗ lim làm cột thì tuổi thọ chỉ được 60 - 70 năm.
 
Riêng phần mái gỗ tốt nhất là làm bằng gỗ xoan ngâm vì loại gỗ này chất lượng rất tốt, tính chịu lực cao. Nếu gỗ xoan không ngâm thì chỉ vài năm là bị mọt ăn hết, nhưng nếu ngâm cẩn thận thì gỗ xoan có thể tồn tại được trên 100 năm giống như gỗ táu mật hay gỗ mít.

Nhớ lại việc khắc phục những công trình bị hư hại do thợ rởm làm, anh Chung kể: “Cách đây ít lâu chúng tôi nhận công trình đến Thánh Dực ở phường Thụy Khuê, trước đó đã có một cánh thợ khác nhúng tay sửa ngôi chùa, họ đã đánh tráo những loại gỗ tốt làm đình chùa bằng gỗ rởm, chẳng hạn như thay vì làm cột bằng gỗ táu mật thì họ làm bằng táu muối, vì thế chỉ sau bốn năm những chiếc cột làm bằng táu muối bị mối ăn rỗng hết, không thể chịu được lực đè khoảng 50 - 100 tấn từ mái ngói.

Khi nhận công trình, chúng tôi phải làm lại hoàn toàn theo đúng lề lối cũ vì thế rất tốn kém, mất công sức, tiền của. Nếu nhà được làm theo đúng lề lối cũ, thợ làm nghiêm túc thì cứ sau 20 năm mới phải đảo lại ngói, còn cấu trúc nhà thì cả trăm năm mới phải trùng tu, sửa chữa”.
Hai người thợ ngõa cuối cùng của làng Mậu Lương.
Hai người thợ ngõa cuối cùng của làng Mậu Lương.
Anh Chung cho biết: “Khi làm phần nóc chùa thì tuyệt đối không được dùng thép để đúc mà chỉ được đổ một lớp bê tông làm đệm, sau đó gắn ngói hình lòng máng (ngói bò) vào. Phải làm như vậy vì sau khoảng 20 năm nếu kết cấu chùa có sự biến dạng khiến nóc bị nứt, gãy thì người thợ chỉ việc kê thêm đệm vào phía dưới của viên ngói bò và bịt trát xi măng vào là được. Nếu làm nóc bằng cách đổ bê tông cốt thép thì khi kết cấu chùa biến dạng sẽ không còn cách nào khắc phục mà phải đập phá toàn bộ nóc chùa để làm mới gây thiệt hại về tiền của lớn. Cách đổ bê tông cốt thép là không đúng qui định của việc xây dựng chùa cổ”.
 
Quách Dương

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: trùng tu

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này