Khi người mắc bệnh nan y ở giai đoạn cuối phải xử lý thế nào? - Phật Giáo Việt Nam
05:02 +07 Thứ tư, 17/04/2024

Khi người mắc bệnh nan y ở giai đoạn cuối phải xử lý thế nào?

Chủ nhật - 15/03/2020 09:29
Khi người mắc bệnh nan y ở giai đoạn cuối phải xử lý thế nào?

Khi người mắc bệnh nan y ở giai đoạn cuối phải xử lý thế nào?

(HDPT) - Muốn cho cận tử nghiệp của bệnh nhân được tốt đẹp, thì những thành viên trong gia đình cũng như những người đến thăm, tuyệt đối, không nên nói điều gì làm cho bệnh nhân khởi sanh phiền não, mà chỉ dốc lòng khuyên bệnh nhân niệm Phật.
 

Hỏi: Kính Bạch Thầy, Phật tử mắc bệnh nan y giai đoạn cuối hay có thân nhân cao tuổi thì cả gia đình nên có thái độ như thế nào cho đúng chánh pháp và hợp với phong tục Việt Nam, không mê tín, không mang tội bất hiếu và lại thích hợp với môi trường xã hội và y tế của Úc? Ví dụ tắt máy trợ sinh để kéo dài đời sống thực vật của thân nhân có phải là bất hiếu không? Gia đình có nên cởi mở bàn về vấn đề này cũng như hậu sự khi người bệnh còn minh mẫn không? Khi cha mẹ cao tuổi muốn bàn về việc đó, thì con cái có nên né tránh không? Con cháu đồng ý bàn về việc đó có phải là bất hiếu không?

Đáp: Trong câu hỏi của Phật tử chúng tôi thấy Phật tử đã nêu ra năm vấn đề mà Phật tử muốn biết. Qua năm vấn đề đó, chúng tôi xin được lần lượt trả lời đại khái như sau:

1. Phật tử thắc mắc, nếu Phật tử có người thân mắc phải chứng bệnh nan y ở giai đoạn cuối hoặc thân nhân cao tuổi thì cả gia đình nên có thái độ như thế nào cho đúng chánh pháp và hợp với phong tục Việt Nam, không mê tín, không mang tội bất hiếu và lại thích hợp với môi trường xã hội và y tế của Úc?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đối với người mắc phải chứng bệnh nan y ở giai đoạn cuối, nếu bác sĩ đã bó tay không còn phương cách nào chữa trị được nữa, thì thân nhân phải nên chuẩn bị tinh thần và sắp xếp mọi việc cho phần hậu sự. Tuy nhiên việc làm này chỉ những người trong gia đình bàn thảo với nhau thôi, tuyệt đối không cho người bệnh nặng sắp lâm chung biết. Điều quan trọng hơn nữa, là những thành viên trong gia đình không nên làm cho người bệnh trái ý nghịch lòng. Bởi ở giai đoạn cuối này, bệnh nhân phải chịu đựng sự đau nhức hoành hành của thân xác. Đồng thời, tinh thần của bệnh nhân luôn bị bấn loạn rất hoang mang lo âu sợ hãi. Vì thế, người cận kề chăm sóc không nên có thái độ hoặc lời nói làm cho bệnh nhân phải tức tối buồn giận. Điều này, rất ảnh hưởng cho cận tử nghiệp không tốt của bệnh nhân. Muốn cho cận tử nghiệp của bệnh nhân được tốt đẹp, thì những thành viên trong gia đình cũng như những người đến thăm, tuyệt đối, không nên nói điều gì làm cho bệnh nhân khởi sanh phiền não, mà chỉ dốc lòng khuyên bệnh nhân niệm Phật. Nếu phải nói, thì nên nói những lời hòa ái tốt đẹp đem lại lợi ích cho bệnh nhân. Tốt hơn hết là nên hướng dẫn khuyên bệnh nhân nên nhiếp tâm niệm Phật cùng với những người trợ niệm. Đây là việc làm rất cần thiết mà những người thân trong gia đình không nên coi thường. Nếu thân nhân trong gia đình hết lòng thương bệnh nhân và muốn cho bệnh nhân sau khi bỏ báo thân sanh về cảnh giới an lành, thì chỉ còn có cách là cùng nhau trợ lực nhiếp tâm niệm Phật mà thôi.

Còn đối với người thân cao tuổi thì bổn phận làm con cháu ta phải hết lòng phụng dưỡng, vì đó là chúng ta đã thể hiện được tấm lòng báo hiếu thâm ân đối với các đấng sanh thành giáo dưỡng. Một mặt, là phải lo cung phụng về phần vật chất trong vấn đề ăn mặc... Mặt khác, là ta cũng phải giúp cho ông bà cha mẹ về phần tinh thần. Phần tinh thần là nên khuyên ông bà cha mẹ tin kính Tam bảo, tu tâm, dưỡng tánh, chí thành niệm Phật... Nhất là ta không nên có thái độ hay lời nói làm cho ông bà cha mẹ phải buồn khổ giận tức vì ta. Đó là một cách báo ân theo tinh thần hiếu đạo mà từ ngàn xưa tổ tiên ta đều quan tâm đề cao thức nhắc con cháu. Bởi tri ân và báo ân là hai đức tánh căn bản của đạo làm người. Mất đi hai đức tánh đạo đức căn bản nầy, thì ta không còn xứng đáng làm người nữa.

Nếu như ông bà cha mẹ già yếu bệnh hoạn mà trong nhà con cháu không thể sớm hôm lo phụng dưỡng được, thì con cháu cũng có thể đưa họ vào trong nhà dưỡng lão. Điều nầy xứ nào cũng có. Riêng ở Úc, thì vấn đề nầy cũng rất tiện lợi cho việc lo lắng chăm sóc. Bởi con cháu vì bận rộn với công ăn việc làm hoặc không có khả năng chăm sóc phụng dưỡng được, nên bất đắc dĩ phải làm như thế thôi, chớ tận thâm tâm, thì không ai muốn như thế cả. Ở nhà, làm sao có đủ phương tiện để lo chăm sóc chu đáo được? Tuy nhiên, như đã nói, đây là một việc làm bất đắc dĩ, kỳ thật theo phong tục của người Việt Nam chúng ta thì, tình trạng nầy xưa nay ít có xảy ra.  Phần nhiều là con cháu để ông bà cha mẹ trong nhà để lo báo đáp phụng dưỡng mà thôi. Đó là một truyền thống văn hóa hiếu đạo cao đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam vậy.

2. Phật tử hỏi: Tắt máy trợ sinh để kéo dài đời sống thực vật của thân nhân có phải là bất hiếu không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xin thưa, việc rút ống dưỡng khí tức tắt máy trợ sinh cho bệnh nhân để cho bệnh nhân được ra đi an ổn, điều đó không có gì gọi là bất hiếu cả. Tuy nhiên, thường thì người ta có quan niệm hễ còn nước là còn tát. Đồng ý là như vậy. Nhưng khi nước đã cạn hết rồi thì còn lấy đâu nữa mà tát. Nghĩa là, khi ta biết rõ bệnh nhân không thể nào kéo dài sự sống được nữa thì, dẫu có kéo dài thêm mạng sống như người thực vật thì cũng chỉ làm đau khổ cho bệnh nhân thêm mà thôi. Thật chẳng có ích lợi gì! Thật tình, đâu có ai nhẫn tâm muốn nhìn thấy cảnh tượng người thân yêu thương của mình phải nhắm mắt xuôi tay mà ra đi. Ai cũng muốn kéo dài duy trì thêm mạng sống cho người thân của mình. Nhưng nghiệp trần đã mãn, thì còn kéo dài thêm chi nữa. Thế nên, theo tôi, thì việc tắt máy trợ sinh như Phật tử đã hỏi, thì không có gì gọi là bất hiếu cả. Phật tử đã nói sống mà như người thực vật, thì thử hỏi sống để làm gì? Sự sống đó có khác gì như đã chết rồi, chỉ chưa có đem chôn đó thôi.

3. Gia đình có nên cởi mở bàn về vấn đề này cũng như hậu sự khi người bệnh còn minh mẫn không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc bàn hậu sự cho bệnh nhân khi họ còn minh mẫn, theo tôi, thì đây là điều rất cần thiết. Nhưng khi bàn thảo con cháu không nên tranh cãi hơn thua mà tất cả phải tôn trọng thuận theo ý kiến tối hậu của bệnh nhân. Tuy nhiên, vấn đề nầy còn tùy theo quan niệm của người bệnh cũng như của những thành viên trong gia đình. Mặc dù chết là một sự thật, không ai có thể trốn tránh được. Nhưng người ta vẫn sợ khi nói đến cái chết. Ngược lại, khi xưa ông bà ta, có người còn lo sắp xếp việc hậu sự cho bản thân mình trước. Như sắm sẵn cái cổ thọ để trong nhà và quần áo mặc để tẩn liệm... Bởi "sanh ký tử quy" tức sống gởi thác về, là một sự thật mà ta cần phải chấp nhận. Hiểu được lẽ sanh tử thường nhiên, nên có người họ không sợ hãi trước cái chết. Vì đó là con đường cuối nẻo đường trần ai cũng phải đến. Có lo sợ cũng không tránh khỏi. Đó là một đức tính tâm lý đáng kính phục. Có bàn thảo di chúc sắp xếp hết mọi việc, thì người ra đi mới được an thoát nhẹ nhàng. Những thân nhân trong gia đình cứ y theo lời di chúc của bệnh nhân mà thực hiện cho đúng không được trái lời. Vì trái lời di chúc của bệnh nhân rất có ảnh hưởng đến hương linh của người mới mất. Thay vì được vãng sanh như ý muốn, nhưng trái lại vì một niệm sân hận giận tức mà phải bị sa đọa. Điều nầy rất quan yếu mà những người thân trong gia đình phải hết sức thận trọng. Đó cũng là một phương cách mà con cháu trả hiếu cho ông bà cha mẹ vậy.

4. Khi cha mẹ cao tuổi muốn bàn về việc đó, thì con cái có nên né tránh không?

Như đã nói, đây là một việc nên bàn thảo kỹ càng có gì phải tránh né. Vấn đề hậu sự lo phần tang lễ cho cha mẹ cũng là một vấn đề hết sức hệ trọng. Do đó, cần phải có sự thống nhứt giữa cha mẹ và con cái. Bởi đây cũng là một phần có tác động ảnh hưởng đến hương linh của người quá cố. Nếu mọi việc tang lễ trên dưới đều nhất trí thuận hòa không có gì mâu thuẫn chống trái, thì tốt đẹp biết bao. Tuy đây là việc lo hơi xa, nhưng cũng rất là cần thiết. Người xưa nói: "Nhơn vô viễn lự, tắc hữu cận ưu". Nghĩa là người không lo xa, ắt có buồn gần. Đã có lợi ích như thế, thì con cái cần nên góp phần thảo luận chớ sao lại tránh né? Chẳng những không tránh né mà con cái còn phải tích cực góp phần vào công việc lo chung nầy. Được thế, mới phải đạo làm con vậy.

5. Con cháu đồng ý bàn về việc đó có phải là bất hiếu không?

Câu hỏi này như đã trả lời ở câu hỏi trên, không có gì là bất hiếu mà trái lại còn là chí hiếu nữa.

 

Thích Phước Thái (Theo phatgiao.org.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: bệnh nhân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này