Campuchia huyền bí - Phật Giáo Việt Nam
05:01 +07 Thứ tư, 24/04/2024

Campuchia huyền bí

Thứ bảy - 22/12/2012 20:22
(HDPT) - Trong các lộ trình trên mặt nước Mê Kong ở NôngPênh thì chuyến ngược dòng Tonglesap là quan trọng nhất, bởi từ dưới mặt nước lênh đênh, chúng tôi có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ nhất của kinh thành bao gồm hoàng cung lộng lẫy và những ngôi chùa Phật giáo cổ kính nhất…
 








Campuchia huyền bí

Trong quá trình tiếp cận Mê Kong, tôi thường rất chú ỳ đến những đoạn giáp ranh giữa hai phần lãnh thổ nào đó hoặc là những dòng sông biên giới. Đoạn cuối cùng trên lãnh thổ Lào là một ví dụ. Mê Kong tới đây phình rộng ra thành nhiều dòng chảy song song, tạo nên khúc “Bốn ngàn hòn đảo” và “thác khôn” trước khi nhập làm một để chảy vào Campuchia. Một trong những nhánh song song đó trở thành dòng sông biên giới dài khoảng 25 cây số, nơi mà cuộc săn lùng cá heo của chúng tôi đã thất bại và suýt bỏ mạng vì gặp cơn giông nhiệt đới đột ngột ở giữa dòng như đã kể.

Rời bến Vơn Khăm khi bóng đã xế chiều, chúng tôi chạy xe trên con đường đất đỏ dài khoảng 10 cây số song song với biên giới để tới thăm đoạn chót cùng trên đất Lào của “đại lộ Đông Dương huyền bí” tức đoạn cuối Quốc lộ 13 của Lào nối với đoạn đầu Quốc lộ 7 của Campuchia. Ngày xưa, người Pháp đã xây dựng con lộ này để nối Sài Gòn, Nông Pênh, Công Pông Chàm, Krache, Stungtreng, Pakse, Xavannakhet, Viêng Chăn tới Luang Prabang, Sầm Nứa, Thanh Hóa rồi ra Hà Nội. Chúng tôi đã từng chạy dọc Quốc lộ 13 dài trên 1.000 cây số vừa được nâng cấp từ Bắc xuống Nam song song với dòng chảy của Mê Kong nên muốn tận mắt chứng kiến đoạn tận cùng của nó.

Một lý do khác khiến nó khá nổi tiếng bởi vùng cực Nam Lào và Đông Bắc Campuchia này thường được nhắc tới trong các truyện trinh thám rùng rợn của nhiều nhà văn Việt Nam thời thuộc Pháp. Đó là địa bàn hoạt động của bọn lục lâm thảo khấu giang hồ, bọn buôn thuốc phiện lậu, là đường đi của voi rừng, hổ báo và của những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Nếu như không có nhiệm vụ thám sát dòng Mê Kong bí ẩn chắc chắn chúng tôi chẳng tới nơi hẻo lánh hoang vu đầy mạo hiểm này làm gì: con đường 13 nổi tiếng huyết mạch giao thông của toàn nước Lào kết thúc ở một bìa rừng biên giới, cô tịch và thanh vắng đến rợn người. Không ai có việc gì để phải tới chốn này ngoài đoạn người Mê Kong ký sự “điên khùng”.

Không thấy con đường số 7 của Campuchia ở đâu mặc dù trên bản đồ nó được vẽ nối liền với Quốc lộ 13. Khi được hỏi, liệu có thể tới Nông Pênh từ đây được không, nhà nghiên cứu Bun Chom cùng đi, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình quốc gia Lào nói: “Có thể, nhưng phải bằng đường sông, thậm chí có thể tới Sài Gòn, nhưng đường bộ thì không, bởi đoạn cực Bắc con đường số 7 từ biên giới tới Stungtreng đã hoàn toàn hư hỏng không được sửa chữa, hoàn toàn hoang vu và không an toàn”. Đã lường trước điều này nên chúng tôi an tâm trở về Viêng Chăn bằng đường bộ, vả lại còn phải ghé thăm ghi hình cao nguyên sương mù Boloven và một vài miền đất lưu vực tả ngạn Mê Kong ở Nam Lào.

Kinh thành tráng lệ trên bờ Mê Kong

Hoang cung CamPuChia

Hoang cung CamPuChia

Trên suốt chiều dài của dòng chảy xuyên qua 5 nước, Mê Kong chỉ lướt qua có 2 kinh thành và đều là những đô thị đầy bí ẩn, trong đó nguy nga tráng lệ nhất là Nông Pênh. Cũng giống như Viên Chăn, Nông Pênh rõ ràng là một kinh đô Phật giáo rất điển hình bởi hệ thống chùa chiền, tu viện dày đặc, quần chúng Phật tử thuần hậu và tầng lớp tu sĩ đông đảo. Là một trong những thành phố đẹp nhất vùng Đông Nam Á, Nông Pênh có hai đặc điểm nổi bật là hệ thống kiến trúc Phật giáo phong phú và đầu mối giao thủy lớn nhất của toàn hệ thống Mê Kong mà người ta vẫn gọi là “ngã tư Nông Pênh”. Cả hai đã trở thành những mục tiêu lớn nhất của Mê Kong ký sự trong phần nói về Nông Pênh của chúng tôi. Vậy là phải giã từ biên giới Lào-Campuchia hẻo lánh, từ biệt dòng sông hiu quạnh, chúng tôi trở lại Viêng Chăn để bay về Sài Gòn và chuẩn bị cho chuyến đi Campuchia đầy háo hức.

Khi phi cơ hạ thấp độ cao, vùng đất bao quanh Nông Pênh hiện ra dưới cánh bay như một biển nước mênh mông hoặc như một đầm hồ cực lớn. Thì ra nước Mê Kong tràn bờ lấp đầy vùng đất thấp ngoại vi thủ đô. Chúng tôi lập tức có cảm giác là chỉ từ trên cao như thế này bạn mới có thể thấy hết được quyền năng vô cùng của tạo hóa và sức mạnh khủng khiếp của Mê Kong. Cũng từ trên cao này, bạn sẽ thấy được kinh thành của vương quốc cổ xưa thiêm thiếp trong vòng tay thương yêu của Mê Kong vĩ đại và hình dung được giai điệu từ bi ngân lên từ những tháp chuông ven sông kỳ diệu và ấm áp như thế nào. Đó là vào một buổi chiều cuối thu, tức cuối mùa nước nổi, khi xe vào tới nội ô thì thành phố cũng đã lên đèn. Nông Pênh hiện ra trước mắt du khách với phong thái ung dung tự tại của một thành phố mang cả hai phong cách Á-Âu ưa nhìn và dễ chịu. Đoàn người lướt qua những đại lộ sang trọng, tấp nập và những con đường thưa vắng xen đầy các tòa nhà kiểu thế kỷ XX, xen kẽ những ngôi chùa yên tĩnh cổ kính, những ngọn tháp thuộc kiểu Khơ Me như chúng ta vẫn thường thấy trên màn ảnh. Cảm giác về cuộc sống đô thành càng rõ khi chúng tôi thâm nhập vào các đại lộ thuộc khu vực hoàng cung bên bờ Tonglesap, một chi nhánh nổi tiếng của Mê Kong gần ngã tư sông. Đêm thu Nông Pênh thật mênh mông và khoáng đạt, đặc biệt mặt nước bao la in bóng những lâu đài vua chúa và tôn giáo ở tả ngạn dòng Tonglesap thật sự lung linh huyền ảo đến mê hồn.

Ngã tư Nông Pênh hùng vĩ

Đài Độc Lập

Đài Độc Lập

Từ thượng nguồn tới đây, Mê Kong đã trải qua hành trình 4.500 cây số, vậy mà chúng tôi chưa gặp bất cứ đoạn nào mặt nước lại mênh mông, hoành tráng như ở chốn này kể cả ở Stungtreng, nơi ba dòng sông lớn gặp nhau là Xe6xan, Xekong và Mê Kong. Bề mặt ngã tư sông được nhìn từ trên bờ giống như một hồ nước khổng lồ thông với bốn đại trường giang vậy. Đó là dòng Mê Kong từ Đông Bắc chảy về, dòng Tonglesap từ Tây Bắc hợp lại ở gần hoàng cung. Sự hợp lưu vĩ đại này tạo thành một biển nước bao la rồi lập tức phân lưu thành hai dòng chảy xuôi về phía Việt Nam là dòng Bát Sát thượng, tức bản thân dòng chính Mê Kong, ở về phía Đông Nam Nông Pênh, chảy qua Niếc Lương để vào Tân Châu, tức sông Tiền; và Bát Sát hạ về phía Tây Nam Nông Pênh chảy vào Châu Đốc, tức sông Hậu. Riêng sông Tonglesap chảy từ Biển Hồ xuống, vào mùa lũ lại chảy ngược lên Biển Hồ, để gánh bớt tai họa cho miền hạ lưu, làm cho mặt Biển Hồ rộng lên gấp ba lần diện tích mùa cạn. Đó là sự điều tiết tài tình mà Mê Kong đã trù tính trong đoạn cuối hành trình kỳ lạ của nó. Đó cũng chính là vai trò kỳ diệu của Ngã tư Nông Pênh trong cách hành xử tinh quái của dòng sông vĩ đại. Lúc chúng tôi có mặt ở Nông Pênh thì Tonglesap vẫn chảy xuôi vì đang là tháng 11 dương lịch.

Du khách tới thủ đô thường chì chiêm ngưỡng Ngã tư Nông Pênh trên bờ, nên khắp mặt nước bao la chỉ thấp thoáng đôi ba chiếc tàu vận tải hàng hóa, không thấy thuyền du lịch. Kinh nghiệm làm phim mách bảo rằng lang thang bằng du thuyền trên mặt nước mênh mông sẽ cho ta cái nhìn trọn vẹn vào bề sâu của sông nước và cảm giác bồng bềnh lãng mạn sẽ khơi dậy trong ta niềm say đắm dạt dào trước cảnh vật bao quanh mà từ bất cứ một góc nhìn tĩnh lặng nào cũng đều không thể có được. Vậy là chúng tôi thuê một chiếc ca nô và thả cho nó tung hoành khắp chốn. Đi theo hướng dẫn đoàn lần này là một quan chức cao cấp của Đài Truyền hình quốc gia Campuchia tên là Bun My, nói rất giỏi tiếng Việt, bạn thân của Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình quốc gia Lào Bun Chôm. “Bun” vốn là tên của người Lào. Cha của Bun My vốn là một người gốc Lào, quê ở vùng Đông Bắc Campuchia. Cha con anh đã từng lánh nạn Pôn Pốt sang Việt Nam, bản thân Bun My đã sống ở Châu Đốc sáu năm và từng theo học ở Việt Nam. Chúng tôi đã dành nửa ngày để dạo khắp bốn cửa sông và thâm nhập sâu vào mỗi dòng chảy để có khái niệm tổng quát về cả vùng “Ngã tư Nông Pênh” rất nổi tiếng này. Đó quả thật là một cuộc du ngoạn êm đềm và bay bổng hiếm có trên suốt lộ trình làm phim, bởi cùng lúc du khách có cảm giác như đang lênh đênh ở giữa dòng, đang bơ vơ ở giữa biển và đang lãng đãng trên mặt hồ mênh mông giữa mây trời sông nước và gió lộng bao quanh. Từ điểm giữa Ngã tư nhìn vào bờ, bạn sẽ thấy bộ phận kinh thành tráng lệ nhất là phần đất nằm giữa hai nhánh Tonglesap và Bát Sát hạ. Riêng khu vực hoàng cung thì nằm trọn vẹn trên bờ hữu của Tonglesap. Bun My chỉ tay về phía hoàng cung rồi cho biết:

“Cách đây gần 40 năm, khi tôi mới 7 tuổi, cửa sông Tonglesap, tức rìa của Ngã tư nằm ngay trước hoàng cung, nay thì cửa sông đã lui về phía hạ nguồn khoảng 1 cây số khiến hoàng cung không còn nằm trên Ngã tư nữa. Đó là quá trình bồi lở và tích tụ phù sa của Mê Kong. Không hiểu sau một thế kỷ nữa, tất cả sẽ xê dịch như thế nào”.

Ngược dòng Tonglesap

Chợ mới Campuchia

Chợ mới Campuchia

Đại bộ phận phố phường của thủ đô bị kẹp giữa hai dòng chảy Bát Sát hạ và Tonglesap. Ở Tonglesap chỉ bờ hữu mới thực sự phồn vinh còn bờ tả là khu đô thị mới, chủ yếu gồm các công trình hiện đại, các khu công viên giải trí như kiểu Phố Đông ở Thượng Hải hoặc như Thủ Thiêm tương lai của Sài Gòn vậy. Trong các lộ trình trên mặt nước Mê Kong ở Nông Pênh thì chuyến ngược dòng Tonglesap là quan trọng nhất, bởi từ dưới mặt nước lênh đênh, chúng tôi có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ nhất của kinh thành bao gồm hoàng cung lộng lẫy và những ngôi chùa Phật giáo cổ kính nhất. Trước lúc ngược dòng, chúng tôi đã từng ngắm nhìn hoàng cung, chùa Bạc, chùa Ụ Nà Lôm, các lâu đài cung điện nguy nga và ghi hình chúng từ bên bờ tả của dòng chảy một cách thật say sưa và ấn tượng. Nông Pênh có hai cây cầu lớn bắc trên hai nhánh của Mê Kong là “cầu Đầu đường” hay còn gọi là “cầu Sài Gòn” (vì muốn đi Sài Gòn phải qua cầu đó); bắc trên sông Bát Sát hạ là cầu Tonglesap cách cửa sông 2km. Chính cây cầu Tonglesap này khiến chúng tôi suýt mất mạng. Đang say sưa với cảnh đẹp kinh thành ven bờ thì ca nô bị nước cuốn đâm sầm vào mố cầu giữa sông làm người và đồ nghề văng xuống nước, tàu bị bể, may mà không ai bị thiệt mạng. Lúc này là tháng 11 nên nước từ Biển Hồ đang chảy về Nông Pênh tuy chưa mạnh nhưng cũng đủ để tạo nên một phen kinh hoàng và cảnh sát giao thông đã phải tới lập biên bản.

Thăm chùa Ụ Nà LòmChùa bạc

Nông Pênh có hàng trăm ngôi của đẹp, là những lâu đài tôn giáo thật sự. Từ dưới du thuyền trên mặt nước Tonglesap nhìn lên, hàng loạt lâu đài cung điện giăng ngang nhấp nhô hình tháp lộng lẫy như một miền hư ảo trong cổ tích. Trong rừng tháp rực rỡ đó có hai tòa bảo điện lừng danh là ngôi chùa hoàng gia Phật Ngọc, tức chùa Bạc và ngôi chùa cổ kính Ụ Nà Lòm. Chúng tôi đã dành cho ngôi chùa cổ nổi tiếng và đẹp nhất kinh thành này cả một buổi sáng, vì đây lạ trụ sở của Giáo hội Phật giáo Campuchia và là nơi trụ trì của một nhân vật lỗi lạc được toàn xã hội cung kính, đó là Xămđéc Tép Vông, Vua sãi Phật giáo Campuchia, người đã từng nhiều lần làm lễ ban phước cho Quốc vương Xihanuc tại chùa Bạc trong hoàng cung.

Ụ Nà Lòm là một bức tranh ngoạn mục về nghệ thuật kiến trúc gồm tới 44 đôn thể trong một khuôn viên rộng lớn trên bớ Tonglesap. Chùa được xây dựng lần đầu vào năm 1443. Thời Pôn Pốt, cùng với khoảng 6.000 ngôi chùa khác, Ụ Nà Lòm bị tàn phá nặng nề, nhưng rồi sau nạn diệt chủng nó đã hồi sinh kỳ diệu. Không có bất cứ một sự phục hưng nào nhanh chóng lạ lùng như hệ thống chùa chiền sau cơn thảm họa. Người ta có cảm giác như toàn bộ sinh lực còn lại sau họa thảm sát kinh hoàng đã dồn cả vào việc xây lại chùa chiền, như thể con người không thể sống xa nơi cửa Phật vậy! Trong chùa có pho tượng Phật làm bằng đá quý của Miến Điện được phục chế lại sau khi bị lính Pôn Pốt đập phá. Họ còn lột sạch lớp bạc bọc ngoài của một bức tượng lớn khác. Khi chúng tôi ghi hình cảnh chùa thì Vua sãi Xămđéc Tép Vông đang làm lễ trước hàng trăm vị cao tăng trong nước, sau đó ngài dành trọn một giờ để tiếp đoàn làm phim. Vị Vua sãi 78 tuổi đã hết sức ân cần hỏi thăm công việc của chúng tôi, rất tâm đắc với việc làm phim về dòng sông Mê Kong và hỏi han rất kỹ về tình hình thượng nguồn, đặc biệt là về đời sống của Phật tử ven bờ. Khi được nghe chúng tôi mệnh danh Mê Kong là “Dòng sông Phật giáo”, ngài đã tỏ ra rất hoan hỷ. Vua sãi Xamđéc Tép Vông nói, ngài rất mãn nguyện vì đã được đi thăm Việt Nam và coi chúng ta như một người bạn tốt đáng tin cậy, vì đã giúp dân tộc ông thoát khỏi họa diệt chủng bởi Khơ Me đỏ. Vị tiền nhiệm của ông chính là Vua sãi Xămđéc Chuôn Nạt bị Pôn Pốt sát hại hiện có tượng thờ trong chùa và tro xương được cất giữ trong ngôi tháp màu xám ngay tại khuôn viên.

Vua sãi Xămđéc Tép Vông còn rất minh mẫn, ngài tiếp chúng tôi bằng cả tấm lòng cởi mở, chân tình, thân mật và bình dị ngay giữa sảnh đường chính điện. Một điều thật đáng trân trọng là lúc đó khán phòng có khoảng 100 nhà sư và khách quý, tất cả đều tuyệt đối im lặng và biểu lộ lòng tôn kính cao nhất đối với giáo chủ, trong đó có người bạn Bun My của chúng tôi. Anh là một Phật tử gương mẫu, một nhà nghiên cứu uyên thâm về triết học, đã từng khảo sát về tình hình tôn giáo ở Ấn Độ và châu Âu, nói giỏi các thứ tiếng Lào, Việt, Anh, Pháp xuất thân từ một gia đình trí thức gia giáo, Bun My nói: “Trong thời Pôn Pốt, tôi đã từng đi bán kem ở Châu Đốc lấy tiền ăn học và được mọi người giúp đỡ, quý mến, Việt Nam đã trở thành một phần cuộc sống của tôi”.

 

Trần Đức Tuấn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này