Di tích- danh thắng Yên Tử: Kho di sản văn hóa đặc sắc - Phật Giáo Việt Nam
21:59 +07 Chủ nhật, 28/04/2024

Di tích- danh thắng Yên Tử: Kho di sản văn hóa đặc sắc

Thứ ba - 23/10/2012 08:39
(HDPT) - Đó là tôn danh của vùng núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều (Quảng Ninh), nơi có đỉnh cao nhất so với mực nước biển là 1.068 mét cũng là nơi tọa lạc của Chùa Đồng- ngôi chùa nhiều huyền thoại trong hệ thống chùa tháp của "Đất tổ Phật giáo Việt Nam”.
 
Mới đây, khu di tích lịch sử-văn hóa và danh thắng Yên Tử được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Việc nâng tầm quan trọng của hệ thống các di tích tại đây, từ Chùa Bí Thượng (chùa Trình) đến Chùa Am Hoa và hàng chục đài tháp, bia, tượng cổ kính cùng với đường Tùng, rừng Trúc, suối Giải Oan, thác Ngự Dội, vườn Ngự Dược, tượng đá An Kỳ Sinh…chính là cơ sở để di sản được bảo tồn và phát huy ngày một tốt hơn.

 


 

 

" Phúc địa, danh sơn”

 

 

Đó là tôn danh của vùng núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều (Quảng Ninh), nơi có đỉnh cao nhất so với mực nước biển là 1.068 mét cũng là nơi tọa lạc của Chùa Đồng- ngôi chùa nhiều huyền thoại trong hệ thống chùa tháp của "Đất tổ Phật giáo Việt Nam”. Từ thế kỷ thứ X, đạo sĩ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến đây tu hành, đắc đạo và hiện còn hóa thân  tượng đá trầm ngâm đứng đó. Từ đỉnh cao này, dõi về phía Đông thấy Vịnh Hạ Long trùng trùng đảo đá như những con rồng chầu vào vùng Than. Dõi về phía Nam là thành phố Cảng Hải Phòng có dòng sông Đá Bạc, Bạch Đằng lững lờ lượn qua như dải lụa mềm. Dõi về phía Tây là đồng bằng trù phú của Hải Dương, Bắc Ninh. Phía còn lại, phía Bắc, là điệp trùng sóng núi nhuộm màu ngàn xanh. Từ đỉnh cao này, cảm giác, nếu có một lão Đại Hồng Chung ngân lên tiếng gọi Thiền thì cả vùng duyên hải và đồng bằng Bắc bộ  cùng nghe thấy.

 

 

Phải chăng, cũng chính sự linh thiêng huyền bí được tôn danh này đã khiến vị Hoàng đế-Thi sĩ Trần triều là Trần Nhân Tông trút bỏ long bào ở tuổi 40 để đến với Trúc lâm Yên Tử tọa thiền, rồi trở thành Tổ thứ nhất của dòng Thiền thuần Việt từ thế kỷ XIII mà đến nay vẫn đang được tiếp nối. Trong thời gian tu khổ hạnh ở núi Yên Tử, Trần Nhân Tông đã chọn am Ngọa Vân trên núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử làm nơi tĩnh thiền và cũng là nơi ông đã trút hơi thở cuối cùng để nhập cõi Niết Bàn.

 

 

Với những di tích kiến trúc độc đáo có được cùng với một kho tàng tư liệu Hán Nôm quý báu gồm hoành phi, văn bia, câu đối, đại tự, sắc phong… chúng ta có thể khẳng định Đông Triều không chỉ là quê gốc mà còn là một Trung tâm văn hóa tâm linh đặc sắc của nhà Trần- một triều đại có đóng góp nhiều nhất trong lịch sử dân tộc. Người anh hùng dân tộc, vị chỉ huy toàn tài đánh thắng 2/3 lần xâm lược của giặc Nguyên-Mông, vị Phật hoàng và dòng Thiền nhập thế do ông xây dựng nên là minh chứng rõ ràng nhất về sự độc đáo Việt Nam, là giá trị lịch sử-văn hóa nổi bật mà không phải quốc gia nào cũng có được.

 

 

Năm 1962, khu di tích Đền thờ và lăng miếu các vua Trần đã được Bộ Văn hóa xếp hạng đặc cách là Di tích cấp  quốc gia. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu đề nghị xếp hạng Khu di tích này là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt.

 

 

Quần thể di sản mang tầm  quốc tế

 

 

Quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là minh chứng cho một thời kỳ lịch sử - văn hóa rực rỡ, một thời kỳ văn hiến của nước Đại Việt ta. Những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể có được là những giá trị nổi bật thể hiện ý thức tự chủ, không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc giữ nước và dựng nước. Sức mạnh ấy không những là nền tảng tinh thần cho các thế hệ nối tiếp, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

 

So với các tiêu chí về giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới thì Quần thể Di sản Văn hóa và Danh thắng Yên Tử cũng đáp ứng được một số tiêu chí. So sánh với Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Trung tâm Chính trị với loại hình kiến trúc Kinh thành thì ở đây là sự đa dạng của các loại hình kiến trúc khác nhau: kiến trúc lăng mộ, đền, miếu, chùa, tháp…cũng cổ kính, cũng đặc sắc về mỹ thuật. Bên cạnh đó, đây còn là Trung tâm Phật giáo của Đại Việt, nơi sáng lập ra một Thiền phái thuần Việt, do một ông vua người Việt sáng lập.

 

Quần thể Di sản Văn hóa và Danh thắng Yên Tử gồm 2 cụm di tích chính là Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử và Khu Di tích Lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, có tổng diện tích khoảng trên 20.000ha, nằm trọn trên địa bàn thành phố Uông Bí và huyện Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh. Cùng với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, những bản kinh văn, văn bia cùng các tác phẩm văn học của các bậc thiền sư vốn là các tài danh, các trí thức lớn cũng để lại cho hậu thế một di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá.    Hàng năm, Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Có hàng vạn lượt tín đồ Phật tử và du khách khắp nơi đổ về cả trong và sau dịp lễ hội. Lượng du khách đến với danh thắng Yên Tử mỗi năm một nhiều hơn. Năm 2011,  đạt 2,4 vạn lượt khách; 9 tháng của năm 2012 này đã là 2,6 vạn lượt khách.

Ngô Tiến Cảnh - Nguồn: Đại Đoàn Kết

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này