Hồng hạc ở nơi Đức Phật Đản sinh - Phật Giáo Việt Nam
03:24 +07 Thứ sáu, 29/03/2024

Hồng hạc ở nơi Đức Phật Đản sinh

Thứ năm - 26/09/2013 09:21
Hồng hạc ở nơi Đức Phật Đản sinh

Hồng hạc ở nơi Đức Phật Đản sinh

(HDPT) - Chúng tôi đã có những cảm nhận khá thú vị khi có mặt tại Lâm Tỳ Ni vào một buổi chiều tà trong chuyến du lịch đến Nepal.
 
 
 


 

 

Tôi đã được nếm trải cảm giác mong ngóng, chờ đợi đến nao lòng một chuyến tàu ở nơi cách nhà hàng vạn cây số. Con tàu đó sẽ dừng ở nhà ga Arga - Ấn Độ chưa đầy 5 phút rồi ngược lên biên giới Nepal để chúng tôi tìm đến thánh địa linh thiêng Lâm Tỳ Ni - nơi Đức Phật Đản sinh. 
 

 

Đường vào Lâm Tỳ Ni

Thuộc quận Rupendehi của Nepal, Lâm Tỳ Ni là vùng đất nằm dưới chân dãy núi Hy Mã Lạp Sơn. Theo hầu hết các sử liệu Phật giáo ghi chép, vào ngày trăng tròn tháng Vesak năm 623 trước Tây lịch, hoàng hậu Maya Devi đã hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa - con đầu lòng - trong khu vườn mang tên Lâm Tỳ Ni trên đường về lại quê nhà để sinh con theo tục lệ thời bấy giờ.

Sau khi Đức Phật nhập diệt, vào năm 250 TCN, hoàng đế Asoka của triều đại Maurya đã đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni và để lại sắc dụ khắc trên một trụ đá cao 6,5m: “Hai mươi năm sau khi lên ngôi, Thiên ái Thiên tử - Quốc vương Piyadasi - đã đến đây chiêm bái. Bởi vì chính nơi đây, Đức Phật - bậc Thánh giả của dòng họ Thích Ca – đã giáng trần. Quốc vương ban lệnh khắc một pho tượng bằng đá và dựng thạch trụ này ghi dấu nơi Đức Phật đản sanh”. Những thế kỷ sau đó, Lâm Tỳ Ni đã trở thành niềm ao ước và điểm đến của những hành giả và học giả Phật giáo trong đó có nhà sư Huyền Trang - (nguyên mẫu của nhân vật Đường Tăng trong phim Tây du ký).

Trụ đá vua A Dục

Khi chúng tôi có mặt, khu vườn Lâm Tỳ Ni rợp bóng cây cổ thụ trong ánh chiều tà. Mỗi gốc cây có vài ba nhà sư tướng mạo dị thường đang trong tư thế thiền định. Cội cây bồ đề cổ thụ nhất tập trung hàng chục nhà sư người Tạng khoác cà sa màu áo nâu đỏ ngồi thành một vòng tròn, tay lần tràng hạt, miệng lầm rầm đọc kinh.

Tại đền thờ hoàng hậu Maya còn lưu giữ viên đá ghi dấu nơi đản sinh thái tử Tất Đạt Đa. Chúng tôi chắp hai tay trước ngực đi một vòng quanh khu di chỉ, bên dưới các nhà khảo cổ vẫn đang miệt mài làm công tác bảo tồn (từ năm 1997, khi Unesco công nhận Lâm Tỳ Ni là Di sản văn hóa thế giới thì công tác khai quật, tôn tạo liên tục được thực hiện).

Trụ đá vua A Dục đứng uy nghiêm ngay bên cạnh đền thờ hoàng hậu Maya. Khách hành hương thành kính đi vòng tròn quanh hàng rào sắt bao quanh, ngắm nhìn bút tích của vua được khắc trên trụ đá cách đây trên 20 thế kỷ. Ngay cả khi Mặt Trời đã dần xuống núi, từng đoàn du khách vẫn nối đuôi nhau đến viếng khu thánh tích, mọi người lần lượt được nhà sư ngồi bên cội bồ đề làm lễ ban phước lành.

Dòng người vẫn nối nhau vào thánh tích trong buổi chiều tà

Các nhà sư ngồi thiền quanh cội bồ đề

 

Các đạo sĩ ngồi lần tràng hạt trong khuôn viên Lâm Tỳ Ni

Lòng thư thái, chúng tôi bách bộ trên con đường mòn quanh những ao, hồ tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng. Trong ánh hoàng hôn, từng đàn chim ríu rít gọi nhau về tổ. Tiếng giun, dế, ếch nhái bắt đầu kêu râm ran…

Khung cảnh lúc này khiến chúng tôi có cảm giác thân thiết như đang ở một miền quê đất Việt. Chúng tôi đi qua hàng loạt các ngôi chùa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Myanmar… được biết, để có một Liên hiệp quốc Phật tự ở Lâm Tỳ Ni như ngày hôm nay là nhờ vào công sức mấy chục năm âm thầm thực hiện ước nguyện hồi sinh vùng thánh địa của thượng tọa Huyền Diệu - vị sư trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tự, đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo thế giới tại Nepal.

Âm thanh giúp chúng tôi nhận ra ngôi chùa Việt Nam khi trời đã nhá nhem tối là câu niệm Phật của người Việt: "Nam mô A di Đà Phật". Ra mở cửa cho chúng tôi là một người đàn ông gầy gò. Ông tự giới thiệu là họa sỹ từ Việt Nam sang đây làm công quả và lấy chốn thanh tịnh này làm nơi sáng tác đã 3 tháng nay. Đáng tiếc là chúng tôi không được diện kiến thượng tọa Huyền Diệu vì thầy đang tiếp một đoàn Phật tử ở Ấn Độ nhưng bù lại, chúng tôi bất ngờ được xem hồng hạc múa.

Chim hồng hạc trong khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự

Chuyện về sư thầy Huyền Diệu bảo vệ và chăm sóc hồng hạc - loài chim cao nhất thế giới, đang trên đà tuyệt chủng - báo chí đã ca ngợi nhiều nhưng chúng tôi không ngờ mình lại đến đúng thời điểm hồng hạc đang có mặt tại khuôn viên chùa. Những chú hồng hạc lông xám, có chiếc đầu đỏ trông thật đài các. Khi thấy chúng tôi, hồng hạc đồng loạt kêu lên vài tiếng và bất ngờ xòe đôi cánh, xoãi lông đuôi ra múa, tưng bừng và rộn rã một hồi lâu rồi lại cặm cụi cúi đầu kiếm ăn. Chúng thân thiện với con người đến mức khách lạ như chúng tôi có thể đứng chụp ảnh ngay kề bên mà vẫn bình thản rỉa lông, chuốt cánh.

Nghĩ đến các đạo diễn, nhiếp ảnh gia ở Việt Nam luôn phải ngụy trang, đứng nấp cả tháng trời mới ghi được cảnh hồng hạc ở Tràm Chim (Đồng Tháp Mười), chúng tôi thấy mình thật may mắn. Không biết đến bao giờ ở Việt Nam, động vật hoang dã được bảo vệ như ở nơi đất Phật đản sinh này?

 

Mai Chi; Ảnh: Doãn Hoàng (VTV)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này