TT.Thích Chơn Không: Kinh Tam Bảo Thông Dụng - Phật Giáo Việt Nam
15:07 +07 Thứ bảy, 20/04/2024

TT.Thích Chơn Không: Kinh Tam Bảo Thông Dụng

Thứ năm - 01/11/2012 18:23
(HDPT) - Các tự viện trong miền Nam thường lễ tụng vào các ngày 14 và 29 hoặc 30 âm lịch để sám hối tội lỗi nghiệp chướng do cố ý hoặc vô tình tạo ra trong đời này cũng như nhiều kiếp về trước...
 
LỜI GIỚI THIỆU
(TÁI BẢN LẦN 2)



NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

 
Kính bạch chư Tôn đức,
Kính thưa quý Phật tử,

 
Bộ kinh TAM BẢO THÔNG DỤNG này có tất cả là 09 kinh,  mỗi kinh chuyển tải một nội dung tu tập riêng,  đều nhằm mục đích mang đến hạnh phúc an lạc cho hành giả ngay trong đời sống hiện tại và giải thoát giác ngộ ở tương lai, nếu ta thành tâm thọ trì đọc tụng và ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày.
Theo lời dạy của liệt vị Tổ sư tiền bối: KinhPhật, bộ nào tụng cũng tốt cả, người tu theo pháp môn nào cũng có thể thọ trì đọc tụng, vì kinh nào cũng có công năng thù thắng là: phá trừ si mê lầm lạc, mở khai tâm trí sáng suốt cho nhân loại và chúng sinh. Thông thường,  quý Phật tử Việt Nam từ xuất gia cho đến tại gia đều trì tụng các kinh như: Di Đà,  Hồng danh, Vu lan, Báo hiếu, Phổ môn, Kim cang,...Tuy nhiên,  nhiều người lại có quan niệm: phải chọn bộ kinh phù hợp với pháp môn tu tập, hoặc với tâm tư nguyện vọng hoặc hoàn cảnh mỗi nơi mỗi lúc. Do đó, chúng tôi tùy duyên soạn và dịch bộ kinh Tam bảo Thông dụng này, để đáp ứng long mong mỏi của đa số chư Tăng Ni Phật tử. Xin giới thiệu sơ lược ý nghĩa của các kinh như sau:
    Kinh A Di Đà (Amitabha sutra), gọi đủ là kinh Phật thuyết A Di Đà, gọi tắt là kinh Di Đà. Nội dung: Đức Phật miêu tả cảnh giới Cực Lạc, đời sống, hào quang, tuổi thọ của Đức Phật Di
Cực kỳ trang nghiêm thù thắng, để xây dựng niềm tin (tín), hướng dẫn phương pháp hành trì (hạnh) và khuyến khích mọi người phát tâm cầu nguyện sinh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, để không còn sinh tử luân hồi trong lục đạo (nguyện). Tín hạnh nguyện là tôn chỉ mục đích của kinh Di Đà cũng là tôn chỉ mục đích của pháp môn Tịnh độ. Khi gia đình Phật tử có người lâm chung, thường thỉnh chư Tăng Ni và Phật tử tụng kinh Di Đà để cầu siêu.
2.    Kinh Bốn mươi tám lời nguyện của Đức Phật A Di Đà được trích từ  kinh Vô Lượng Thọ. Nội dung: Đức Phật Di Đà trình bày 48 lời đại nguyện độ sanh và những tiêu chuẩn điều kiện thành lập quốc độ của Ngài. Nếu có lời đại nguyện nào bất thành, Ngài thề không thành Phật. Các hành giảt u pháp môn Tịnh Độ thường thọ trì đọc tụng 48 lời nguyện này.
3.    Kinh Hồng danh, gọi đúng danh xưng là Nghi thức sám hối Hồng Danh, nghi thức này do Pháp sư Bất Động nước Tây Hạ đời Tống biên soạn. Ngài lấy tư tưởng kinh Hoa Nghiêm để soạn phần “Dẫn nhập”, trích 53 danh hiệu Phật trong kinh Ngũ thập tam Phật – từ Đức Phật Phổ Quang cho đến Đức Phật Nhứt Thiết Pháp Tràng Mãn Vương; trích 35 danh hiệu Phật trong kinh Quán Dược Vương Dược Thượng và danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Tổng số có 89 danh hiệu Phật, và phần kết là các bài kệ nói về hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền được trích từ phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện trong kinh Hoa Nghiêm.
    Các tự viện trong miền  Nam thường lễ tụng vào các ngày 14 và 29 hoặc 30 âm lịch để sám hối tội lỗi nghiệp chướng do cố ý hoặc vô tình tạo ra trong đời này cũng như nhiều kiếp về trước.
4.    Kinh Vu lan bồn, Vu lan bồn là phiên âm từ chữ Phạn: Unlambana, người Trung Hoa dịch là giải đảo huyền, nghĩa đen là cởi trói người bị treo ngược, nghĩa bóng là cứu vớt những kẻ đau khổ nặng nề như tội nhân bị treo ngược, thường gọi tắt là kinh Vu lan. Nội dung: Miêu tả Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi chứng được đạo quả A la hán liền cảm nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục khó nhọc của cha mẹ, nên dùng đạo nhãn tìm khắp thế gian thì thấy vong linh của mẹ bị đọa đày trong địa ngục, Ngài liền đến thăm và dâng bát cơm cho mẹ, nhưng mẹ không dùng được. Ngài hết sức đau xót và liền trở về tinh xá thỉnh Phật chỉ bày phương pháp cứu độ thân mẫu thoát cảnh địa ngục, sinh lên thiên đường hưởng phước thanh nhàn tiêu dao tự tại. Bài kinh này thường đọc tụng vào tháng bảy âm lịch để cầu an lục thân quyến thuộc và cầu siêu cửu huyền thất tổ.
5.    Kinh Báo hiếu công ơn cha mẹ, thường gọi tắt là kinh Báo hiếu. Nội dung: Đức Phật trình bày công lao khó nhọc của cha mẹ đối với con cái. Nhất là ân đức hy sinh cao cả của mẹ dành cho con, để dạy bổn phận làm con đối với cha mẹ phải hiếu thảo. Chư Tăng Ni và Phật tử thường đọc tụng để cầu an hoặc cầu siêu cho cha mẹ cũng như cửu huyền thất tổ.
6.    Kinh Thập thiện nghiệp đạo, thường gọi tắt là kinh Thập thiện. Nội dung:
    Điều ác phải tránh, để xây dựng tư cách con người và gieo nhân lành để được sinh lên thiên đường.
7.    Kinh Thi ca la việt, Thi ca la việt là phiên âm chữ Phạn: Sigalavada, người Trung Hoa dịch là Thiện Sanh, có nghĩa là sinh ra các điều lợi ích tốt lành, kinh này còn có tên là Lễ Sáu phương. Ở đây, chúng tôi dùng bản Hán dịch của Tam tạng Pháp sư An Thế Cao nên gọi là kinh Thi Ca La Việt mà không dùng từ kinh Thiện Sanh vì trùng tên với bản Hán dịch của Ngài Phật Đà Da Xá và Trú chật Niệm. Nội dung kinh Thi Ca La việt, nói về sáu mối quan hệ đạo đức trong gia đình và xã hội, như: bổn phận của con cái đối với cha mẹ và cha mẹ đối với con cái, bổn phận của học trò đối với thầy cô và thầy cô đối với học trò, bổn phận vợ đối với chồng và chồng đối với vợ,... Những lời dạy quý báu này đã trải qua 26 thế kỷ, nhưng vẫn còn giá trị cho đến nay.
        * Kinh: Vu lan, Báo hiếu, Thập thiện và Thi Ca La Việt là các bài kinh Phật dạy phương pháp tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tư cách làm nguời rất phù hợp với giới trẻ. Nên đọc tụng các kinh này vào mùa nghỉ hè và vận động các cháu sinh viên học sinh tham gia tụng niệm, để học đạo làm người.
    Kinh Phổ môn, nếu gọi cho chính xác là phẩm Phổ môn thuộc kinh Diệu pháp Liên hoa. Tuy nhiên, theo thói quen chẳng ai gọi dài dòng như vậy mà gọi một cách vắn tắt là kinh Phổ môn.
Phổ môn có nghĩa là mở rộng cửa phương tiện cứu khổ ban vui.
    Nội dung: miêu tả hạnh nguyện của Quán Thế Âm Bồ tát, Ngài có ba mươi hai ứng thân, mười hai lời thện guyện, tùy duyên thuyết pháp độ sanh, công hạnh không thể nghĩ bàn, Ngài có thần lực giải thoát tám tai nạn lớn, đáp ứng hai điều mong cầu của chúng sinh về sự cũng như về lýï. Nếu chúng sinh nào thành tâm lễ bái xưng niệm danh hiệu của Ngài thì đều được thành tựu sở nguyện. Nên chư Tăng Ni và Phật tử thường tụng kinh Phổ môn để cầu an hoặc cầu nguyện.   
9.    Kinh Kim cang, gọi đủ là kinh Kim cang Bát nhã Ba la mật, gồm có ba mươi ba mục, mỗi mục là môn vấn đề khác nhau. Nội dung: Đức Phật giảng dạy phương pháp hàng phục vọng tâm, tăng trưởng trí tuệ, xa lìa bốn tướng, không vướng sáu trần. Đây là bài kinh gối đầu giường của các hành giả tu thiền. Chư Tăng Ni và Phật tử cũng thường tụng kinh Kim cang để tiêu tai giải nạn, giải trừ oan gia nghiệp chướng.
Ngoài các bài kinh thường trì tụng nêu trên, trong quyển Tam bảo Thông dụng này còn có các Nghi thức, các bài kệ, bài chú thông dụng, các ngày lễ vía vv..
Được sự hộ niệm của Tam bảo và sự phát tâm công đức của quý nam nữ Phật tử xa gần, trong lần tái bản này chúng tôi có bổ sung vài chi tiết và sửa các lỗi của hai lần in ấn trước. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không sau tránh khỏi những điều sơ suất ngoài ý muốn, kính mong các bậc cao minh và chư thiện hữu tri thức từ bi chỉ giáo.

NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT





 
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
 
Kính bạch chư tôn đức,
Kính thưa quý Phật tử,

Chúng tôi kính nghe cổ đức có dạy : “Khán kinh giả minh Phật chi lý”, nghĩa là : xem kinh để hiểu lý Phật dạy. Nhưng muốn hiểu lý, trước phải hiểu nghĩa, có hiểu nghĩa lý thì mới có thể ứng dụng những lời dạy quý báu đó vào đời sống hằng ngày, mang đến lợi ích thiết thực cho mình và người, trong hiện tại cũng như tương lai. Cùng ý nghĩa nêu trên, Đại sư Hám Sơn, một vị cao tăng tiền bối đã dạy rằng:
 
Tụng kinh việc dễ, nghĩa khó thông
Tụng không hiểu nghĩa, luống uổng công
Hiểu được, không làm, thêm phí sức
Ngày trì vạn quyển cũng bằng không !

 
Do đó, trong những thập niên gần đây việc tụng kinh nghĩa ngày càng phổ biến. Nay để cúng dường chư tôn đức Tăng Ni các tự viện, cũng như quý Phật tử tại gia có nhu cầu tụng kinh nghĩa và cũng để chánh pháp được truyền bá sâu rộng trong quần chúng, nên chúng tôi dự kiến ấn tống 10.000 quyển KINH TAM BẢO THÔNG DỤNG (DỊCH NGHĨA) Do chúng tôi soạn dịch. Nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ, nhờ sự hộ niệm của chư tôn đức Tăng Ni và sự phát tâm dõng mãnh của quý Phật tử trong và ngoài nước, nên kết quả rất khả quan. Cụ thể in được 12.000 quyển.
 
Về nghi thức, để quý Phật tử sơ cơ khỏi phải bận tâm lật qua lật lại khi đọc tụng, nhứt là các khóa lễ có đông người tham dự, nên chúng tôi soạn đủ các bài thông dụng, như kệ : nguyện hương, khen Phật, quán tưởng, đảnh lễ Tam bảo, chú Đại bi, v.v… quý vị có thể tụng theo thứ lớp từ đầu đến cuối khóa lễ.

Về nội dung, căn cứ vào nội dung quyển kinh Tam bảo diễn nghĩa do Thượng tọa Thích Chơn Định (thầy Lệ Tập – cố trụ trì Bổn tự) ấn tống vào năm 1994, trong quyển kinh này chúng tôi có bổ sung nghi thức tụng: Kinh Bốn mươi tám lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, kinh Mười điều thiện, kinh Lễ Sáu phương, kinh Kim cang, niệm Phật tiếp dẫn, cúng ngọ, cúng dường quá đường, cúng vong, các bài kệ và các bài sám thông dụng, v.v… Gặp những bài kinh bài kệ nào chưa dịch tiếng Việt thì chúng tôi dịch ra, có thể nói đây là một bản kinh thuần tiếng Việt, đầy đủ nghi thức của mỗi khóa lễ, rất tiện lợi khi thọ trì đọc tụng.

Trong lúc biên soạn, chúng tôi đã tìm đọc các bản dịch xưa để phối kiểm và có nghi vấn gì thì chúng tôi tra cứu lại bản chữ Hán trong Đại tạng. Khi xem bộ Tạp chí Bát nhã âm do Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu hội xuất bản vào năm 1935…, hầu hết các bản Việt dịch kinh: Di Đà, Hồng danh, Vu lan, Báo hiếu, Bốn mươi tám lời nguyện của Đức Phật A Di Đà, v.v... đều ghi dịch giả Đỗ Phước Tâm, nhưng trong thực tế hiện nay các bản Việt dịch nói trên, có bản ghi dịch giả: Hòa thượng Thích Huệ Đăng, lại có bản ghi dịch giả : cư sĩ Đỗ Phước Tâm. Chúng tôi có đem vấn đề này trình với Hòa thượng Thích Trí Quảng (Trưởng Ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Chứng minh Đạo sư Môn hạ Tổ đình Thiên Thai) thì được ngài giải thích: “Tổ Huệ Đăng là người yêu nước trong phong trào Cần vương, bị chánh quyền thuộc địa Pháp lưu ý, nếu để pháp hiệu của Tổ thì khó ấn hành, nên Tổ phương tiện đề tên cư sĩ Đỗ Phước Tâm pháp danh Minh Chánh - Chủ nhiệm Tạp chí Bát nhã âm, là đệ tử của Tổ”. Do đó, để tưởng nhớ công đức phiên dịch của Tổ cũng như các dịch giả tiền bối khác, dưới mỗi đề kinh, chúng tôi có ghi pháp hiệu của các ngài đã phát tâm dịch thuật.

Ngưỡng mong Tam bảo từ bi gia hộ chư thiện tri thức có duyên được thọ trì đọc tụng quyển kinh này liền phát tâm bồ đề cầu đạo vô thượng, hiện tại phước huệ trang nghiêm, thân tâm an lạc, đến khi mạng chung liền được sanh về cõi Phật. Nguyện đem công đức pháp thí này, hồi hướng pháp giới chúng sanh, kẻ còn người mất đều được ân triêm lợi lạc.

Thành tâm cảm tạ và cầu nguyện chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, chư thiện hữu tri thức, quý nam nữ Phật tử trong và ngoài nước phát tâm ấn tống kinh này được: sáu căn thanh tịnh, bốn đại an hòa, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Để tránh mọi sự hiểu lầm có thể xảy ra, quyển KINH TAM BẢO THÔNG DỤNG (DỊCH NGHĨA) được in lần này chỉ để ấn tống, chứ không phát hành. Xin chư tôn đức từ bi chứng minh và hỷ xả cho mọi sơ sót khi soạn dịch.
Nam mô Công Đức Lâm Bồ tát Ma ha tát.

 
    Chùa Thiên Tôn - Q5, Mùa Phật đản PL.2549 – DL.2005
    Kính lễ,
    Tỳ kheo Thích Chơn Không
    (thầy Lệ Hoa)
 

     Ý NGHĨA TỤNG KINH

Tụng là đọc rõ ràng thành tiếng, có âm điệu ngân nga trầm bổng, theo nhịp mõ tiếng chuông, khi nhặt khi khoan một cách hài hòa đạo vị.

Kinh là những lời dạy quý báu của Đức Phật và của chư thánh đệ tử truyền lại, được kiết tập lại thành pho, thành bộ,  có lớp lang mạch lạc, có chủ đề, có nội dung lẫn hình thức của một văn bản hoàn chỉnh, phù hợp với căn cơ trình độ của mọi người và phù hợp với chân lý các pháp, với sự thật khách quan của vạn vật. Tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người lãnh hội, thể nhập khác nhau mà mang đến những lợi ích lớn nhỏ khác nhau.

Tụng kinh là đọc lại những lời dạy của Đức Phật một cách thành kính tha thiết trong khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh. Những lời Phật dạy là những khuôn vàng thước ngọc, nghĩa lý mầu nhiệm sâu xa. Chúng ta tụng chỉ một hai lần thì không sao lãnh hội hết được, nên cần phải tụng đi tụng lại nhiều lần. Tụng kinh là để ôn lại và nghiền ngẫm những lời đạo đức tốt đẹp, những chân lý cao siêu mà Đức Phật muốn truyền đến mọi người, càng tụng nhiều lần ta càng thấm thía hơn những lời Phật dạy, tỏ rõ sâu xa hơn những giá trị chân lý của cuộc đời, như cổ nhân đã nói :

Sách xưa chẳng chán trăm lần đọc,
Đọc kỹ suy cùng ý vị sâu.

 
Tuy nhiên, đọc tụng và tư duy chỉ là phần lý thuyết, điều cốt lõi mà Đức Phật mong muốn ở chúng ta là phải nỗ lực tu tập hành trì, tức là đem những lời dạy quý báu của Đức Phật ứng dụng vào đời sống hằng ngày của chúng ta. Do đó, trong mỗi giờ mỗi khắc chúng ta phải kiểm soát và tự điều chỉnh mọi tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi cử chỉ sai lầm của mình, để ba nghiệp lần lần thanh tịnh an lạc giải thoát giác ngộ.

Mặt khác, sự tụng niệm còn có sức mạnh cảm hóa tha nhân, thức tỉnh lòng người, cải tà quy chánh, bỏ dữ làm lành, tách khỏi bến mê, quay về bờ giác. Ngoài những lợi ích thiết thực cụ thể vừa nêu, sự tụng kinh còn có những tác động vô hình, cảm ứng nhiều điều mầu nhiệm lạ thường không thể giải thích được. Cho nên trong các thời khóa tụng niệm, liệt vị tổ sư tiền bối có soạn thêm các lời tán thán, hồi hướng và cầu nguyện.

Tóm lại, sự tụng kinh có nhiều lợi ích to lớn không thể nghĩ bàn, như Tổ Thiên Thai Trí Giả nhờ tụng kinh Pháp hoa mà nhập định, nhiều lần thấy Pháp hội Linh sơn uyển chuyển hiện ra trước mắt, như Đức Lục tổ Huệ Năng khi còn là cư sĩ do nghe thương khách tụng kinh Kim Cang mà minh tâm kiến tánh và hãy còn nhiều vị Tăng Ni cư sĩ trong quá khứ cũng như hiện tại nhờ thọ trì đọc tụng, nghiền ngẫm tư duy những lời kinh tiếng kệ mà ngộ đạo. Do đó chúng ta không nên xem thường các thời khóa tụng niệm, hãy lập nguyện tu hành, chớ có xao lãng. Cuối cùng, chúng tôi xin được kết thúc bằng hai câu đối của người xưa đã dạy:
Sớm trống tối chuông nhắc nhở khách trần qua biển khổ,

Câu kinh hiệu Phật thúc giục người tục thoát sông mê.

   

CÁCH THỨC HÀNH LỄ

Trước khi làm lễ, hành giả nên súc miệng, rửa mặt, rửa tay, thay quần áo sạch sẽ, mặc lễ phục, khi nghe hồi linh (kiểng) báo hiệu lần thứ nhất, nếu là Phật tử thì lần lượt đến xá Tổ rồi lên Chánh điện. Khi nghe hồi linh (kiểng) báo hiệu lần thứ hai thì đứng sắp hai hàng đối diện, chắp tay trang nghiêm trước bàn Phật. Còn chư Tăng (chư Ni) khi nghe hồi linh (kiểng) thứ nhất, mặc y hậu đồng vân tập trước bàn Tổ xếp hai hàng đối diện chắp tay trang nghiêm. Vị Duy na chập chuông 2 cái, đánh 3 tiếng (2 tiếng trước nhặt, tiếng thứ 3 khoan). Vị cầm khánh đánh 2 hồi khánh, hồi đầu đại chúng cùng xá chào nhau, hồi sau thì quay vào xá Tổ, rồi dứt tứ. Duy na rung hồi linh (kiểng) thứ hai, đại chúng đồng kính cẩn bước lên Chánh điện, cũng sắp hai hàng đứng trước quý Phật tử. Duy na chập chuông 2 cái, đánh 3 tiếng, rồi chập 1 cái. Chủ lễ bắt đầu nguyện hương. Sau khi nguyện hương xong, Duy na chập chuông 2 cái, đánh 3 tiếng. Vị cầm khánh đánh 2 hồi, đại chúng xá chào nhau và xá Phật, đánh tiếp 4 tiếng khánh, chập một tiếng, Chủ lễ bắt đầu xướng kệ khen Phật, vị cầm khánh đánh vào các chữ 2, 4, 6, 7, ... tương tự như đánh mõ (xem phần minh họa ở những trang sau). Khi kết thúc khóa lễ, đại chúng cũng sắp xếp thành 2 hàng đối diện nhau. Vị Duy na chập chuông 2 cái, đánh 3 tiếng (2 tiếng trước nhặt, tiếng thứ 3 khoan). Vị cầm khánh đánh 2 hồi rồi dứt tứ, đại chúng xá chào nhau và xá Phật. Sau tiếng khánh dứt tứ, quý Phật tử tạm thời đứng yên tại chỗ đưa tiễn chư Tăng (chư Ni) rời Chánh điện. Sau khi rời Chánh điện, chư Tăng (chư Ni) đến trước bàn Tổ, đánh chuông đánh khánh xá chào nhau và xá Tổ như lúc ban đầu.
Thông thường trong khóa lễ có đông người tham dự, thì có : Chủ lễ, Duy na, Duyệt chúng, v.v… mỗi vị có mỗi nhiệm vụ khác nhau, nhưng cùng phối hợp với nhau điều hành khóa lễ.
Chủ lễ là vị chủ trì điều hành khóa lễ, có nhiệm vụ :
1.    Thay mặt đại chúng dâng hương cầu nguyện.
2.    Quyết định sẽ tụng bài kệ, bài kinh nào và tụng đến đoạn nào thì chuyển qua tụng Bát nhã.
3.    Khi cần ra hiệu lệnh, vị Chủ lễ nên dùng thủ xích (khúc gỗ dài từ 8 – 10 cm) để ra hiệu cho Duy na, Duyệt chúng biết được ý định của mình. Ví dụ như : vỗ 1 cái nghĩa là nhắc Duy na thực hiện những quy định, những thói quen chung để đánh chuông báo hiệu cho đại chúng biết. Vỗ 2 cái nghĩa là nhắc Duyệt chúng đánh mõ cho ăn khớp nhịp tụng. Vỗ 3 cái, yêu cầu đánh mõ nhanh lên. Vỗ 4 cái yêu cầu dừng mõ đột xuất, do đánh quá nhanh hoặc lý do khác.
4.    Xướng, là lớn tiếng đọc trước để đại chúng họa theo, đây là nhiệm vụ rất quan trọng của vị Chủ lễ, do đó vị Chủ lễ cần chú ý khi xướng, giọng điệu phải : uy nghiêm, rõ ràng, nhấn mạnh các tiếng 2, 4, 6, 7, ... để Duyệt chúng dễ đánh mõ và phải chọn “tông” thích hợp, để đại chúng hòa theo. (Đại chúng hòa ở tiếng thứ 4 trở đi). Vì nếu bắt giọng quá cao, tụng mau mệt, nếu bắt giọng quá thấp thì tụng không ra tiếng và cũng rất mau mệt.
Duy na là vị phụ tá Chủ lễ, có nhiệm vụ đánh chuông gia trì báo hiệu cho Duyệt chúng và đại chúng biết : 1 bài kệ sắp kết thúc, hoặc 1 đoạn kinh vừa trọn ý, hoặc chuyển câu niệm danh hiệu chư Phật, Bồ tát, ... Ví dụ : khi niệm tứ thánh, đến số lần niệm cần chuyển qua danh hiệu khác thì Duy na đánh chuông. Điều cần nhất là phải đánh đúng lúc và chính xác. Trước khi dứt câu khoảng 4 chữ, nên đánh chuông báo hiệu, không để nhầm lẫn số lần tụng niệm khiến đại chúng lúng túng.
Để có tiếng chuông ngân nga, thanh thoát, Duy na cầm dùi chuông nghiêng khoảng 45 độ mà đánh vào cạnh vành chuông. Nên chọn chỗ có âm thanh tốt nhất, vì vành chuông có chỗ dày chỗ mỏng, chất đồng có chỗ tốt chỗ xấu, nên âm thanh có chút ít khác biệt. Khi đánh không được quá mạnh tay, cũng đừng quá nhẹ, mà đánh vừa phải thì tiếng chuông ngân nga dịu dàng dễ nghe.

Duyệt chúng (nghĩa là vui lòng đại chúng) là vị đánh mõ gia trì, có nhiệm vụ :
1.    Giúp Chủ lễ điều hòa nhịp độ tụng niệm.
2.    Đánh mõ phải đúng nhịp xướng của Chủ lễ, tuyệt đối không đánh sớm hay trễ nhịp. Nếu vị Chủ lễ xướng nhanh thì đánh nhanh, xướng chậm thì đánh chậm, để đại chúng họa theo rồi từ từ đánh nhanh lên theo nguyên tắc “tiền bần hậu phú”, tụng khoảng 20 đến 30 tiếng thì đạt nhịp độ cần thiết. Đánh mõ nên đánh đều tay nhịp nhàng thong thả. Đánh mõ, không được đánh lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh lúc nhẹ và không được đánh gấp hoặc sai nhịp khiến cho đại chúng khó tụng niệm.
3.    Chú Đại bi và kinh Bát nhã là 2 bài rất quen thuộc với đại chúng, nên đánh mõ nhanh, còn bài kinh chính, nên đánh với tốc độ vừa phải.
Về cách vô chuông mõ, TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ lễ nghi của cả 3 miền đất nước, nên cách vô chuông mõ hết sức phong phú đa dạng. Sau đây là cách vô chuông mõ được sử dụng ở nhiều tổ đình và tự viện :
chập chập    cốc cốc   cốc         
Boong    Cốc        
Boong    Cốc        
Boong    Cốc         
Cốc    Cốc Cốc    Cốc   Chập            
Phụ chú : ký hiệu = chập chuông, = nhịp mõ
    = đánh chuông, = đánh mõ
    / = đánh khánh, // = 2 tiếng khánh
Sau khi vô chuông mõ xong, Chủ lễ bắt đầu xướng, Duyệt chúng đánh mõ vào các chữ 2, 4, 6, 7, ... đánh đều đặn đến hết bài kệ, hoặc bài kinh. Riêng chữ áp chót, đánh liền 2 tiếng mõ, chữ cuối cùng thì đánh 1 tiếng mõ rồi dừng lại. Ví dụ :
Kim   lư  vừa  bén  chiên đàn,
                    
Khắp xông pháp giới đạo tràng mười phương,
                                
Hiện thành mây báu kiết tường,
                        
Các  Phật  rõ  biết  ngọn  hương  chí  thiền,
                                
Pháp thân  toàn  thể  hiện  tiền,
                        
Chứng minh hương nguyện phước liền  ban  cho,
                                
Nam  mô  Hương Vân Cái   Bồ   tát,
                            
Nam  mô  Hương Vân Cái   Bồ   tát,
                            
Nam mô Hương Vân Cái   Bồ   tát   Ma  ha   tát.
                                    
Đối với bài sám, có thể phối hợp mõ nhỏ và khánh, cứ 1 tiếng mõ thì 2 tiếng khánh liền nhau, cứ như thế mà đánh cho đến gần hết bài sám, riêng đến 3 chữ cuối cùng, mõ và khánh cùng đánh 1 lúc dứt tứ. Ví dụ :
Muốn đi    có    một đường này,
        //        //        //
Nhứt tâm  niệm Phật  khó   gì   thoát   ra, . . .
    //        //        //        //    
Chúng con  sám  hối  nguyện cầu,
//        //        //        //
Nguyện về   Cực   lạc    hồi   đầu    Tây phương.
    //        //                
                    /    / /    /
Có những bài sám dài như : Thái Bình, Hồng Trần, Tống Táng, v.v… nên đánh mõ và khánh nhanh hơn bình thường.
Cách câu bảng và kiểng cúng dường quá đường
    Nhịp     nhịp    CỐC     CỐC     CỐC
    Lôi thất và hồi bảng : 3 lần.
    CỐC   CỐC CỐC      keng keng
            CỐC    KENG
            CỐC    KENG
            CỐC    KENG    
                KENG    KENG    KENG    KENG    chập.
Bắt đầu tụng bài cúng dường. Sau khi thọ trai xong, nhịp bảng 2 cái, đánh 2 tiếng kết thúc bữa thọ trai.
Về cách trổi chuông trống bát nhã : Mỗi miền có mỗi cách thực hiện khác nhau, mà TPHCM là nơi tụ hội đầy đủ cách đánh của cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Tuy nói chuông trống bát nhã, nhưng trống khởi trước, chuông điểm theo sau. Bởi lẽ trống gọi là trống bát nhã, chuông gọi là chuông u minh. Sau đây xin giới thiệu cách đánh chuông trống bát nhã của chư tôn đức Tăng Ni miền Nam. Có thể nói đây là cách đánh rất rôm rả, giàu nhạc điệu, làm phấn chấn tinh thần cho người nghe lẫn người thực hiện :
- Bên trống và bên chuông xen kẽ nhau :
    Chập chập    nhịp nhịp            
    Thùng    boong        
    Thùng    boong        
    Thùng    boong        
    Lôi thất    lôi thất          
    (7 tiếng nhỏ)    (7 tiếng nhỏ)        
    MHBNBLMĐ    Boong        
(MHBNBLMĐ : Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, 8 chữ này tương ứng với 8 tiếng trống trong mỗi lớp trống. Mỗi hồi trống có thể chia ra 3 đoạn, mỗi đoạn có 6 lớp trống. Hai đoạn đầu, đánh 12 lớp trống, mỗi lớp 8 tiếng. Trước thưa sau nhặt. Vừa dứt mỗi lớp thì điểm 1 tiếng chuông).
    MHBN    Boong        
(Đoạn cuối, đánh 6 lớp trống, mỗi lớp 4 tiếng ứng với 4 chữ Ma ha Bát nhã. Vừa dứt mỗi lớp liền điểm 1 tiếng chuông. Đánh nhanh, đánh dồn dập đến cuối hồi).
- Sau 3 hồi, hoặc chỉ 1 hồi, thì dứt tứ :
    Chập chập        
    Cắc cắc        c c
    Thùng    boong        
    Thùng, thùng    boong, boong        
    Thùng    boong        
Chuông trống bát nhã được cử lên lúc nào ? Chuông trống bát nhã được cử lên khi bắt đầu và khi kết thúc khóa lễ. Có khi nào chuông trống bát nhã được cử lên ở giữa khóa lễ ? Đôi khi ở giữa khóa lễ cũng có cử chuông trống bát nhã, trong các lễ vía chư Phật và Bồ tát, hoặc lễ cầu an cầu siêu, nếu có dâng sớ như :
- Cử 3 hồi trước khi xướng danh hiệu chư Phật hoặc chư Bồ tát để rước vía.
- Cử 1 hồi sau khi đọc sớ vừa xong.
Ngoài ra, trong các buổi lễ được tổ chức long trọng như lễ khánh thành, lễ trai tăng, v.v… có thỉnh chư tôn đức chứng minh hoặc vị chủ trì cuộc lễ khi các ngài quang lâm nên cử 1 hồi chuông trống bát nhã để chào mừng. Hoặc có các phái đoàn đến dự lễ cũng phải cử 1 hồi chuông trống bát nhã để đón rước.
Tóm lại, chuông mõ khánh v.v... là những pháp khí, những nhạc cụ giúp cho khóa lễ thêm phần trang nghiêm trọng thể. Đặc biệt trợ duyên cho việc tụng niệm được đồng đều mạch lạc, mang lại sự khoan khoái vui thích cho người tụng lẫn người nghe. Ngược lại, nếu vận dụng các pháp khí không thuần thục, không hài hòa sẽ làm cho đại chúng khó tập trung tinh thần. Do đó, vị Chủ lễ, Duy na, Duyệt chúng, v.v… phải dành thời gian để tập dượt cho nhuần nhuyễn. Trong đó phải có một vị rành rẽ hướng dẫn thực tập và bổ sung thêm các chi tiết khác cho hoàn bị. Vì phạm vi của một bộ kinh để tụng, chúng tôi không thể trình bày hết được.

 
  
 Tỳ kheo Thích Chơn Không
    (Thầy Lệ Hoa)



 




 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này