Nghi Thức Tụng Kinh Kim Cang - Phật Giáo Việt Nam
02:13 +07 Thứ bảy, 20/04/2024

Nghi Thức Tụng Kinh Kim Cang

Thứ năm - 01/11/2012 15:52
(HDPT) - Bạch Đức Thế tôn ! Trang thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thời phải trụ tâm như thế nào, nên hàng phục tâm mình như thế nào.?...
 

 NGHI THỨC
TỤNG KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT

(KINH KIM CANG)
 
NGUYỆN HƯƠNG
(Tùy khóa lễ, có thể lược bớt)
 
(Vị Chứng minh hoặc Chủ lễ mật niệm :)
CHƠN NGÔN TỊNH PHÁP GIỚI :
Án lam. (7 lần)
CHƠN NGÔN TỊNH BA NGHIỆP :
Án ta phạ bà phạ, thuật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ, bà phạ thuật độ hám. (3 lần)
 
(Duy na chập chuông 2 cái, đánh 3 tiếng, chập  ¦¦ ¦¦ ¦  ¦
Vị Chứng minh hoặc Chủ lễ cầm 3 cây hương, quỳ ngay thẳng, kính cẩn, niệm lớn : )
Nam mô Ta Bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tác đại chứng minh. ¦ (1 xá)
Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, tác đại chứng minh. ¦ (1 xá)
Nam mô Tây thiên Đông độ, Việt Nam Lịch đại Chư vị Tổ sư, tác đại chứng minh.
¦ (1 xá)
          Hương thơm giăng bủa,
        Thánh đức tỏ tường.
        Tâm Bồ đề rộng lớn khó suy lường
        Tùy chỗ phóng hào quang,
        Lành tốt phi thường,
        Kính lễ pháp trung vương. ¦
 
          Ngưỡng bạch chư Phật ba đời trong mười phương thế giới :
        Tại chùa . . . . . . . , nay đệ tử chúng con thành tâm sắm sửa hương đăng hoa quả, phát nguyện thọ trì đọc tụng kinh Kim cang Bát nhã, cầu nguyện Tam bảo ở khắp mười phương, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật từ bi gia hộ đệ tử chúng con và tất cả chúng sanh, xa lìa bốn tướng, không vướng sáu trần, tâm không chỗ trụ, ý chẳng nhiễm nhơ,tinh tấn tu hành, sớm thành Phật quả. ¦
              (Nếu có cầu an, cầu siêu, thì cầu nguyện thêm)
             

 
Hương xông đỉnh báu,
Giới định tuệ hương,
Giải thoát, giải thoát tri kiến
                                          quý khôn lường,
Ngào ngạt khắp muôn phương,
Thanh tịnh tâm hương,
Đệ tử nguyện cúng dường.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ tát
Ma ha tát. (3 lần) ¦¦ ¦
 
 
 
 ] œ

KỆ PHÁP VƯƠNG
              Đấng Pháp vương vô thượng,
              Ba cõi chẳng ai bằng,
              Thầy dạy khắp trời người,
              Cha lành chung bốn loài.
              Quy y tròn một niệm,
              Dứt sạch nghiệp ba kỳ,
              Xưng dương cùng tán thán
              Ức kiếp không cùng tận. ¦
 
QUÁN TƯỞNG
       Phật, chúng sanh, tánh thường
rỗng lặng,
       Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
              Lưới Đế châu ví đạo tràng,
Mười phương Phật bảo hào quang
 sáng ngời,
       Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,
       Cúi đầu xin thệ nguyện quy y.
¦  (1 xá)

ĐẢNH LỄ TAM BẢO
Chí tâm đảnh lễ : Nam mô Tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam bảo. ¦ (1 lạy)
Chí tâm đảnh lễ : Nam mô Ta Bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương lai Hạ sanh Di Lặc tôn Phật, Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Đại hạnh Phổ Hiền Bồ tát, Hộ pháp Chư tôn Bồ tát, Linh sơn Hội thượng Phật Bồ tát. ¦ (1 lạy)
Chí tâm đảnh lễ : Nam mô Tây phương Cực Lạc Thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát, Thanh tịnh Đại hải chúng Bồ tát.
¦¦ ¦ (1 lạy)


KỆ KHEN LƯ HƯƠNG
           Lư hương vừa ngún chiên đàn,
Khói thơm ngào ngạt muôn ngàn cõi xa,
           Lòng con kính ngưỡng thiết tha,
Ngửa mong chư Phật thương chứng minh
Nam mô Hương Vân Cái Bồ tát
Ma ha tát. (3 lần) ¦
 
  CHƠN NGÔN TỊNH KHẨU NGHIỆP :
Tu rị tu rị, ma ha tu rị tu tu rị, tát bà ha. (3 lần) ¦
CHƠN NGÔN TỊNH BA NGHIỆP :
Án ta phạ bà phạ, thuật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ, bà phạ thuật độ hám. (3 lần) ¦
CHƠN NGÔN AN THỔ ĐỊA :
Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, án độ rô độ rô, địa vĩ ta bà ha. (3 lần) ¦
CHƠN NGÔN PHỔ CÚNG DƯỜNG :
Án nga nga nẵng tam bà pha phiệt nhật ra hồng. (3 lần) ¦

PHỤNG THỈNH TÁM VỊ KIM CANG
Phụng thỉnh Thanh Trừ Tai Kim Cang.
Phụng thỉnh Bích Độc Kim Cang.
Phụng thỉnh Huỳnh Tùy Cầu Kim Cang.
Phụng thỉnh Bạch Tịnh Thủy Kim Cang.
Phụng thỉnh Xích Thinh Hỏa Kim Cang.
Phụng thỉnh Định Trì Tai Kim Cang.
Phụng thỉnh Tử Hiền Kim Cang.
Phụng thỉnh Đại Thần Kim Cang. ¦
 
PHỤNG THỈNH BỐN VỊ BỒ TÁT
Phụng thỉnh Kim Cang Quyến Bồ tát.
Phụng thỉnh Kim Cang Sách Bồ tát.
Phụng thỉnh Kim Cang Ái Bồ tát.
Phụng thỉnh Kim Cang Ngữ Bồ tát. ¦
 
VĂN PHÁT NGUYỆN
                Cúi lạy tam giới tôn,
                Quy mạng mười phương Phật,
                Nay con phát nguyện rộng,
                Thọ trì kinh Kim cang.
                Trên đền bốn ơn nặng,
                Dưới cứu ba đường khổ,

                Nếu có ai thấy nghe,
                Đều phát lòng Bồ đề.
                Hết một báo thân này,
                Sanh qua cõi Cực Lạc.
VÌ SAO THANH TỊNH
             Vì sao được sống lâu,
             Thân Kim cang bất hoại ?
             Lại vì nhân duyên nào,
             Được sức đại kiên cố ?
             Vì sao nhờ kinh này,
             Cuối cùng đến bờ kia ?
             Mong Phật chỉ vi mật,
             Rộng vì chúng sanh nói. ¦
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
(3 lần) ¦
KỆ KHAI KINH (2)
Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu,
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu.
Nay con nghe thấy chuyên trì tụng,
Nguyện tỏ Như lai nghĩa nhiệm mầu.
Nam mô Kim cang Bát nhã Hội thượng
Phật Bồ tát Ma ha tát. (3 lần) ¦

PHẬT NÓI
KINH KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT
(KINH KIM CANG)
                Dịch chữ Hán : Pháp sư Tam tạng Cưu Ma La Thập
                                                        nước Dao Tần, đời Đông Tấn.
                Dịch chữ Việt : Hòa thượng Thích Trí Tịnh.
 
1) PHÁP HỘI NHÂN DO : Ta nghe như vầy : Một lúc nọ, Đức Phật ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc tại nước Xá Vệ cùng với chúng đại tỳ kheo một nghìn hai trăm năm mươi người câu hội.
Lúc đó, gần đến giờ ăn, Đức Thế tôn đắp y cầm bát vào thành lớn Xá Vệ mà khất thực.
Trong thành ấy, Đức Phật theo thứ tự ghé từng nhà khất thực xong , trở về Tinh xá, dùng cơm rồi cất y bát, sau khi rửa chân xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi. ¦
2) ÔNG TU BỒ ĐỀ THƯA HỎI : Bấy giờ, ông trưởng lão Tu Bồ Đề, ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bên vai hữu, gối bên hữu quỳ sát đất, cung kính chắp tay mà bạch cùng Đức Phật rằng :
Hy hữu thay Đức Thế tôn ! Đức Như lai khéo hay hộ niệm các vị Bồ tát và khéo hay phó chúc  cho các vị Bồ tát !
Bạch Đức Thế tôn ! Trang thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thời phải trụ tâm như thế nào, nên hàng phục tâm mình như thế nào.?
Đức Phật dạy : Hay thay ! Hay thay ! Này Tu Bồ Đề ! Đúng như lời của ông vừa nói. Đức Như lai khéo hay hộ niệm các vị Bồ tát và khéo hay phó chúc cho các vị Bồ-tát.
Nay ông nên lóng nghe. Ta sẽ vì ông mà nói. Trang thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phải trụ tâm như thế này, phải hàng phục tâm mình như thế này.
– Vâng, bạch Đức Thế tôn ! Con xin vui thích muốn nghe. ¦
3) ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG : Đức Phật bảo ngài Tu Bồ Đề : Các vị đại Bồ tát phải hàng phục tâm mình như thế này : Bao nhiêu những loài chúng sinh, hoặc là loài noãn sinh, hoặc loài thai sinh, hoặc loài thấp sinh, hoặc loài hóa sinh, hoặc loài có hình sắc, hoặc loài không hình sắc, hoặc loài có tư tưởng, hoặc loài không tư tưởng, hoặc loài chẳng phải có tư tưởng mà cũng chẳng phải không tư tưởng thời Ta đều diệt độ đó mà làm cho vào nơi Vô dư Niết bàn.
Diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sinh như thế, mà thiệt không có chúng sinh là kẻ được diệt độ.
Tại sao vậy ? Này Tu Bồ Đề ! Nếu vị Bồ tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả thời chẳng phải là Bồ tát. ¦
4) DIỆU HẠNH VÔ TRỤ : Tu Bồ Đề ! Lại nữa, vị Bồ tát, đúng nơi pháp, phải nên không có chỗ trụ trước mà làm việc bố thí.
Nghĩa là không trụ trước nơi hình sắc mà bố thí, không trụ trước nơi thinh, hương, vị, xúc pháp mà bố thí.
Này Tu Bồ Đề ! Vị Bồ tát phải nên bố thí như thế, chẳng trụ trước nơi tướng. Tại vì sao ?
Vì nếu vị Bồ tát không trụ trước nơi tướng mà bố thí thời phước đức nhiều không thể suy lường.
Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ sao ? Có thể suy lường được cõi hư không ở phương Đông chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Không thể suy lường được.
– Tu Bồ Đề ! Có thể suy lường được cõi hư không ở phương : Nam, Tây, Bắc, cõi hư không ở bốn hướng cạnh và cõi hư không ở trên, dưới chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Không thể suy lường được.
– Tu Bồ Đề ! Vị Bồ tát không trụ trước nơi tướng mà bố thí, thời phước đức cũng lại như thế, không thể suy lường được.
– Tu Bồ Đề ! Vị Bồ tát chỉ phải nên đúng như lời Ta đã dạy đó mà trụ. ¦
5) THẤY CHƠN THIỆT ĐÚNG LÝ : Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ sao ? Có thể do nơi thân tướng mà thấy Như lai chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Không thể do nơi thân tướng mà đặng thấy Như lai. Bởi vì sao ? Vì Đức Như lai nói thân tướng đó chính là chẳng phải thân tướng.
Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề : Phàm hễ có tướng đều là hư vọng cả. Nếu nhận thấy các tướng đều là không phải các tướng, chính là thấy Như lai. ¦
6) CHÁNH TÍN RẤT HY HỮU : Ông Tu Bồ Đề bạch cùng Đức Phật rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Như có chúng sanh nào đặng nghe những câu giảng giải như vậy, có sinh lòng tin thiệt chăng ?
Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề : Ông chớ nói lời ấy ! Sau khi Đức Như lai diệt độ, năm trăm năm cuối sau, có người trì giới tu phước có thể sinh lòng tin nơi những câu trong bài này mà cho đó là thiệt. Thời phải biết rằng người ấy chẳng phải chỉ vun trồng căn lành nơi một Đức Phật, hai Đức Phật, ba, bốn, năm Đức Phật, mà người đó đã vun trồng căn lành từ nơi vô lượng nghìn muôn Đức Phật rồi.
Như có ai nghe những câu bài này sinh lòng tin trong sạch nhẫn đến chừng trong khoảng một niệm. Tu Bồ Đề ! Đức Như lai đều thấy đều biết những chúng sinh đó đặng phước đức vô lượng dường ấy. Tại vì sao ?
Vì những chúng sinh đó, không còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, không có tướng pháp, cũng không có tướng phi pháp. Tại vì sao?
Vì những chúng sinh đó nếu trong lòng chấp tướng thời chính là chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.
Nếu chấp tướng pháp thời chính là chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả và vì nếu chấp tướng phi pháp thời cũng chính là chấp ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, vì thế cho nên chẳng nên chấp pháp và chẳng nên chấp phi pháp.
Cũng bởi nghĩa đó Đức Như lai thường dạy rằng : Này các ông tỳ kheo, các ông phải biết pháp của Ta nói ra đó dụ cũng như thuyền bè, đến pháp còn phải xả bỏ huống nữa là phi pháp !  ¦
7) VÔ ĐẮC VÔ THUYẾT : Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ thế nào ? Đức Như lai có chứng đặng quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng ? Đức Như lai có nói pháp chăng ?
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Như con hiểu ý nghĩa của Phật nói, thời không có pháp nhất định nào gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cũng không có pháp nhất định nào mà Đức Như lai có thể nói được.
Bởi vì sao ? Vì pháp của Đức Như lai nói đều không thể vin lấy, không thể nói được, chẳng phải pháp, chẳng phải không phải pháp. Tại vì sao ?
Vì tất cả Hiền Thánh đều do nơi pháp vô vi  mà có từng bậc khác nhau. ¦
8) Y PHÁP XUẤT SINH CÔNG ĐỨC : Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ thế nào ? Như có người đem bảy thứ báu đầy cả cõi tam thiên đại thiên thế giới để làm việc bố thí, phước đức của người đó đặng có nhiều hay chăng ?
Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn rất nhiều ! Tại làm sao ? Vì phước đức đó chính là không phải thật phước đức, cho nên Đức Như lai nói là phước đức nhiều.
Còn như có người nơi trong kinh này nhẫn đến thọ trì một bài kệ bốn câu v.v… lại giảng nói cho người khác thời phước đức này, trội hơn phước đức trước.
Bởi vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Tất cả các Đức Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của các Đức Phật đều từ kinh này mà có ra.
Này Tu Bồ Đề ! Phật pháp nói đó chính chẳng phải là Phật pháp. ¦
9) NHẤT TƯỚNG KHÔNG CÓ TƯỚNG : Tu Bồ Đề ! Vị Tu đà hoàn có thể tự nghĩ là mình chứng đặng quả Tu đà hoàn chăng ?
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn không thể đặng !
Bởi vì sao ? Vì vị Tu đà hoàn gọi là bậc Nhập lưu, mà chính không nhập vào nơi đâu, chẳng vào sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, đó gọi là Tu đà hoàn.
Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ thế nào ? Vị Tư đà hàm có thể tự nghĩ rằng mình chứng đặng quả Tư đà hàm chăng ?
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn không thể đặng !
Bởi vì sao ? Vì vị Tư đà hàm gọi là bậc Nhất Vãng Lai, mà thiệt không có vãng lai, đó gọi là Tư đà hàm.
Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ thế nào ? Vị A na hàm có thể tự nghĩ rằng mình đặng quả A na hàm chăng ?
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn không thể đặng !
Bởi vì sao ? Vì vị A na hàm gọi là bậc Bất Lai, mà thiệt không có tướng bất lai cho nên gọi là A na hàm.
Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ thế nào ? Vị A la hán có thể tự nghĩ rằng mình đặng đạo A la hán chăng ?
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn không thể đặng !
Bởi vì sao ? Vì thiệt không có pháp chi gọi là A la hán.
Bạch Đức Thế tôn ! Nếu như vị A la hán nghĩ thế này : Ta đặng đạo A la hán, thời chính là chấp trước tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.
Bạch Đức Thế tôn ! Đức Phật dạy rằng con đặng môn Vô tránh tam muội  là bậc nhất trong mọi người, là bậc A la hán ly dục thứ nhất.
Bạch Đức Thế tôn ! Nếu con tự nghĩ rằng : Mình đặng đạo A la hán thời chắc Đức Thế tôn chẳng nói Tu Bồ Đề là người ưa hạnh tịch tịnh. Bởi Tu Bồ Đề thiệt không móng niệm, mới gọi Tu Bồ Đề là ưa hạnh tịch tịnh. ¦
10) TRANG NGHIÊM TỊNH ĐỘ : Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề : Ý của ông nghĩ thế nào ? Thuở xưa hồi ở chỗ Đức Phật Nhiên Đăng, Đức Như lai có chỗ đặng nói pháp chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Không ! Hồi ở chỗ Đức Phật Nhiên Đăng, nơi pháp Đức Như lai thiệt không chỗ đặng.
– Này Tu Bồ Đề! Ý của ông nghĩ thế nào? Bồ tát có trang nghiêm Phật độ chăng?
– Bạch Đức Thế tôn ! Không, tại vì sao ? Vì trang nghiêm Phật độ đó, chính chẳng phải trang nghiêm, đó gọi là trang nghiêm.
– Này Tu Bồ Đề ! Vì thế các vị đại Bồ tát phải nên sinh tâm thanh tịnh như vầy : Chẳng nên trụ trước nơi sắc mà sinh tâm, chẳng nên trụ trước nơi thinh, hương, vị, xúc và pháp mà sinh tâm, nên không chỗ trụ trước mà sinh tâm thanh tịnh kia.
– Này Tu Bồ Đề ! Ví như có người thân như núi chúa Tu Di, ý của ông nghĩ thế nào ? Thân của người đó có lớn chăng.? 
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Rất lớn ! Bởi vì sao ? Vì Đức Phật nói chẳng phải thân, đó gọi là thân lớn. ¦
11) PHƯỚC ĐỨC VÔ VI THÙ THẮNG : Tu Bồ Đề ! Như trong sông Hằng có bao nhiêu số cát, số sông Hằng lại đồng như số cát đó. Ý của ông nghĩ thế nào ? Số cát trong những sông Hằng đó, chừng có nhiều chăng ?
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Rất nhiều ! Nội những sông Hằng đã là nhiều vô số rồi, huống nữa là số cát trong sông ?
Này Tu Bồ Đề ! Nay Ta nói thật mà bảo ông. Nếu có trang nam tử, người nữ nhân nào đem bảy thứ báu đầy cả ngần ấy Hằng hà sa số cõi tam thiên, đại thiên để làm việc bố thí, người đó đặng phước có nhiều không ?
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Rất nhiều.
Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề : Nơi trong kinh này, nếu có trang thiện nam, người thiện nữ nào thọ trì nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v… và giảng nói cho người khác nghe, thời phước đức này hơn phước đức trước kia ? ¦
12) TÔN TRỌNG CHÁNH GIÁO : Này Tu Bồ Đề ! Lại nữa, tùy chỗ nào giảng nói kinh này nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v… phải biết chỗ đó, tất cả trời, người, a tu la v.v… trong đời đều nên cúng dường như là tháp miếu thờ Đức Phật. Huống nữa là có người nào hay thọ trì đọc tụng trọn cả kinh này !
Này Tu Bồ Đề ! Phải biết người ấy thành tựu pháp tối thượng hy hữu bậc nhất.
Còn nếu kinh điển này ở tại chỗ nào, thời chỗ đó chính là có Đức Phật, hoặc có hàng tôn trọng đệ tử của Phật.   ¦
13) THỌ TRÌ ĐÚNG NHƯ PHÁP : Bấy giờ ông Tu Bồ Đề bạch Đức Phật rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Tên gọi kinh này là gì.? Chúng con phải phụng trì thế nào ?
Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề rằng : Kinh này tên là “Kim cang Bát nhã Ba la mật”; ông nên theo danh tự ấy mà phụng trì.
Bởi vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Đức Phật nói Bát nhã Ba la mật, chính chẳng phải Bát nhã Ba la mật, đó gọi là Bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ thế nào ? Đức Như lai có chỗ nói pháp chăng ?
Ông Tu Bồ Đề bạch Phật rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Đức Như lai không chỗ nói pháp.
– Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ thế nào? Bao nhiêu vi trần trong cõi tam thiên đại thiên, thế là nhiều chăng ?   
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Rất nhiều.
Này Tu Bồ Đề ! Những vi trần ấy, Đức Như lai nói chẳng phải vi trần, đó gọi là vi trần. Đức Như lai nói thế giới chẳng phải thế giới, đó gọi là thế giới.
Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Có thể do ba mươi hai tướng mà thấy Như lai chăng ?   
– Bạch Đức Thế tôn ! Không – Chẳng có thể do ba mươi hai tướng mà đặng thấy Như lai.
Bởi vì sao ? Đức Như lai nói ba mươi hai tướng chính chẳng phải tướng, đó gọi là ba mươi hai tướng.
– Tu Bồ Đề ! Như có trang thiện nam, người thiện nữ nào đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí.
Nếu lại có người theo trong kinh này mà thọ trì, nhẫn đến bài kệ bốn câu v.v… mà giảng nói cho người khác nghe, thời phước của người này nhiều hơn người trên..¦
14) VẮNG LẶNG LÌA TƯỚNG : Bấy giờ, ông Tu Bồ Đề nghe Đức Phật nói kinh này, thời ông hiểu thấu nghĩa thú  của Kinh, nên ông buồn khóc mà bạch với Đức Phật rằng :
Hy hữu thay Đức Thế tôn ! Đức Phật nói kinh điển rất sâu xa dường ấy, từ ngày đặng huệ nhãn đến nay, con chưa từng được nghe kinh điển như thế này.
Bạch Đức Thế tôn ! Nếu lại có người nào đặng nghe kinh này mà có lòng tin thanh tịnh, thời chính là sinh thiệt tướng.
Phải biết người ấy thành tựu công đức hy hữu bậc nhất.
Bạch Đức Thế tôn ! Thiệt tướng đó chính chẳng phải tướng, cho nên Đức Như lai gọi là thiệt tướng.
Bạch Đức Thế tôn ! Nay con đặng nghe kinh điển thế này, con tin hiểu thọ trì, chẳng đủ lấy làm khó.
Nếu khoảng năm trăm năm rốt sau ở đời tương lai, mà có chúng sinh nào đặng nghe kinh này rồi tin hiểu thọ trì, thời người ấy chính là hy hữu bậc nhất.
Bởi vì sao ? Người ấy không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sinh, không có tướng thọ giả.
Vì sao thế ? Vì tướng ngã chính là không phải tướng, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, chính là không phải tướng.
Bởi vì sao ? Vì rời lìa tất cả tướng chính đó gọi là chư Phật.
Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề : Đúng thế ! Đúng thế ! Lại như có người đặng nghe kinh này mà lòng không kinh hãi, không e sợ, không nhút nhát, thời phải biết người đó rất là hy hữu.
Bởi vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Đức Như lai nói môn Ba la mật thứ nhất, chính chẳng phải môn Ba la mật thứ nhất, đó gọi là môn Ba la mật thứ nhất.
Này Tu Bồ Đề ! Môn Nhẫn nhục Ba la mật, Đức Như lai nói chẳng phải Nhẫn nhục Ba la mật, đó gọi là Nhẫn nhục Ba la mật.
Bởi vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Như ta thuở xưa bị vua Ca Lợi chặt đứt thân thể. Trong lúc đó Ta không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sinh, không có tướng thọ giả.
Vì sao vậy ? Vì thuở xưa, trong lúc thân thể bị chặt rời rã đó, nếu ta có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, thời lẽ ra Ta nóng lòng hờn giận.
Này Tu Bồ Đề ! Ta lại nhớ hồi thuở quá khứ, trong năm trăm đời Ta làm vị Tiên nhẫn nhục.
Trong bao nhiêu đời đó, Ta không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sinh, không tướng thọ giả.
Tu Bồ Đề ! Vì thế nên Bồ tát phải rời lìa tất cả tướng, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chẳng nên trụ trước nơi sắc mà sinh tâm, chẳng nên trụ trước nơi thinh, hương, vị, xúc, pháp mà sinh tâm. Nên sinh tâm không trụ trước vào đâu cả.
Nếu như tâm có trụ, chính là không phải trụ; cho nên Đức Phật nói tâm của Bồ tát chẳng nên trụ trước nơi sắc mà bố thí.
Này Tu Bồ Đề ! Bồ tát vì lợi ích cho tất cả chúng sinh nên phải bố thí như thế. Đức Như lai nói tất cả các tướng, chính là không phải tướng, lại nói tất cả chúng sinh, chính là chẳng phải chúng sinh.
Này Tu Bồ Đề ! Đức Như lai là bậc nói lời chân chính, lời chắc thiệt, lời đúng đắn, lời không phỉnh phờ, lời không sai khác.
Này Tu Bồ Đề ! Pháp của Đức Như lai chứng đặng, pháp ấy không thiệt không hư.
Này Tu Bồ Đề ! Nếu tâm của Bồ tát trụ trước nơi pháp mà làm việc bố thí, thời như người vào chỗ tối tăm liền không thấy đặng chi cả.
Nếu tâm của Bồ tát, không trụ trước nơi pháp mà làm việc bố thí, thời như có người mắt sáng, lại có ánh sáng của mặt trời chiếu đến liền thấy các thứ hình sắc.
Này Tu Bồ Đề ! Về đời đương lai, nếu có trang thiện nam, người thiện nữ nào có thể thọ trì đọc tụng kinh này, liền được Đức Như lai dùng trí huệ của Phật đều biết rõ người ấy, đều thấy rõ người ấy, thảy đều đặng thành tựu công đức vô lượng vô biên..¦
15) CÔNG ĐỨC TRÌ KINH : Này Tu Bồ Đề ! Nếu có trang thiện nam, người thiện nữ nào vào khoảng buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí, vào khoảng buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí, vào khoảng buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng để bố thí; trong vô lượng trăm nghìn muôn ức kiếp đem thân mạng bố thí như thế.
Lại như có người nào nghe kinh điển này mà sinh lòng tin không trái, thời phước của người này hơn phước của người trứơc kia, huống chi là biên chép, thọ trì, đọc tụng, nói cho người khác nghe !
Này Tu Bồ Đề ! Tóm tắt mà nói đó, thời kinh này có vô biên công đức không thể nghĩ bàn, không thể cân lường đặng.
Đức Như lai vì người phát tâm Đại thừa mà nói, vì người phát tâm Tối thượng thừa mà nói.
Như có người nào có thể thọ trì, đọc tụng giảng nói rộng ra cho người khác nghe, thời Đức Như lai đều biết rõ người ấy, đều thấy rõ người ấy, thảy đều đặng thành tựu công đức không thể lường đặng, không thể cân đặng, không có ngằn mé, không thể nghĩ bàn đặng.
Những người như thế chính là người gánh vác pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Đức Như lai.
Bởi vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Vì nếu người nào ham ưa pháp Tiểu thừa chấp trước tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, thời ở nơi kinh này, người ấy không thể nghe nhận, đọc tụng và giảng nói cho người khác nghe được.
Này Tu Bồ Đề ! Nếu những nơi chỗ nào mà có kinh này, thời tất cả Trời , Người, A tu la… trong đời đều nên cúng dường.
Phải biết chỗ đó chính là tháp thờ Đức Phật, đều phải cung kính lễ lạy đi nhiễu quanh  đem các món hoa hương mà rải trên chỗ đó. ¦
16) SẠCH TRỪ NGHIỆP CHƯỚNG : Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Như trang nam tử, người nữ nhân nào thọ trì đọc tụng kinh này, hoặc lại bị người khinh tiện; tội nghiệp đã gây ra trong đời trước, người ấy đáng lẽ sẽ phải đọa vào ác đạo, nhưng bởi trong đời nay bị người khinh tiện, nên tội nghiệp đã gây ra trong đời trước đó liền được tiêu diệt, người ấy sẽ đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu Bồ Đề ! Ta nhớ lại hồi thuở trước Đức Phật Nhiên Đăng ra đời vô lượng vô số kiếp về quá khứ, Ta gặp đặng tám trăm bốn nghìn muôn ức na do tha các Đức Phật, lúc ấy Ta thảy đều hầu hạ cúng dường, không có luống bỏ qua.
Về đời mạt thế sau này, nếu lại có người hay thọ trì đọc tụng kinh này, thời công đức của những người ấy, đặng công đức cúng dường các Đức Phật của Ta trong thuở trước sánh không bằng một phần trăm, một phần nghìn muôn ức, cho đến tính đếm thí dụ đều chẳng bằng được.
Này Tu Bồ Đề ! Về đời mạt thế sau này, nếu có trang thiện nam, người thiện nữ nào thọ trì đọc tụng kinh này, công đức của những người đây đặng, nếu Ta nói đủ hết cả ra, hoặc có kẻ nghe đó, trong lòng liền cuồng loạn nghi ngờ không tin.
Này Tu Bồ Đề ! Phải biết rằng vì nghĩa lý của kinh này không thể nghĩ bàn được nên quả báo cũng không thể nghĩ bàn được. ¦
17) RỐT RÁO KHÔNG NGÃ : Bấy giờ, ông Tu Bồ Đề bạch với Đức Phật : Bạch Đức Thế tôn ! Trang thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, phải trụ tâm như thế nào, phải hàng phục tâm mình như thế nào ?
Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề : Trang thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đó, thời phải sinh tâm như vầy : Ta phải diệt độ tất cả chúng sinh, diệt độ tất cả chúng sinh xong, mà không có một chúng sinh nào thiệt diệt độ.
Bởi vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Nếu Bồ tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả, thời chính là, chẳng phải Bồ tát.
Vì cớ sao ? Này Tu Bồ Đề ! Vì thiệt ra không có pháp chi phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cả !
Tu Bồ Đề ! Nơi ý ông nghĩ thế nào ? Ở chỗ Đức Phật Nhiên Đăng, Như lai có pháp chi đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Không, như chỗ con hiểu nghĩa lý của Đức Phật nói, thời Đức Phật ở nơi Đức Phật Nhiên Đăng không có pháp chi đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Đức Phật dạy rằng : Đúng thế ! Đúng thế ! Này Tu Bồ Đề ! Thiệt không có pháp chi Đức Như lai đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu Bồ Đề ! Nếu có pháp Đức Như lai đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, thời Đức Phật Nhiên Đăng bèn chẳng thọ ký cho Ta rằng :
“Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.
Bởi thiệt không có pháp chi đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, cho nên Đức Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Ta mà nói lời này :
“Ông ở đời sau sẽ được thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.
Bởi vì sao ? Vì Như lai đó chính là nghĩa các pháp như như.
Nếu có người nói rằng : Đức Như lai đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu Bồ Đề ! Thiệt ra không có pháp chi mà Đức Phật đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu Bồ Đề ! Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của Đức Như lai chứng đặng trong đó không thiệt không hư, vì thế Đức Như lai nói tất cả pháp đều là Phật pháp.
Này Tu Bồ Đề ! Tất cả pháp mà Đức Phật nói đó, chính chẳng phải tất cả pháp, cho nên gọi là tất cả pháp.
Này Tu Bồ Đề ! Ví như thân người cao lớn.
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Đức Như lai nói thân người cao lớn, chính là chẳng phải thân cao lớn, đó tạm gọi là thân cao lớn.
Này Tu Bồ Đề ! Bồ tát cũng như thế.
Nếu nói lời như vầy : Ta sẽ diệt độ vô lượng chúng sinh, thời vị đó không gọi là bậc Bồ tát.
Bởi vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Thiệt không có pháp chi gọi là Bồ tát.
Vì thế, Đức Phật nói tất cả các pháp không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả.
Này Tu Bồ Đề ! Nếu Bồ tát nói như thế này : Ta phải trang nghiêm Phật độ, thời vị ấy không gọi là bậc Bồ tát.
Bởi vì sao ? Vì Đức Như lai nói trang nghiêm Phật độ, đó chính chẳng phải trang nghiêm, đó tạm gọi là trang nghiêm.
Này Tu Bồ Đề ! Nếu Bồ tát thông đạt được lý không ngã, không pháp đó,  thời Đức Như lai gọi là thiệt phải bậc Bồ tát. ¦
18) XEM ĐỒNG MỘT THỂ : Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Đức Như lai có nhục nhãn chăng ?
Bạch Đức Thế tôn ! Đúng thế, Đức Như lai có nhục nhãn.
– Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Đức Như lai có thiên nhãn chăng.?
– Bạch Đức Thế tôn ! Đúng thế, Đức Như lai có thiên nhãn.
– Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như lai có huệ nhãn chăng.?
– Bạch Đức Thế tôn ! Đúng thế, Đức Như lai có huệ nhãn.
– Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Đức Như lai có pháp nhãn chăng.?
– Bạch Đức Thế tôn ! Đúng thế, Đức Như lai có pháp nhãn.
– Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào? Đức Như lai có Phật nhãn chăng?
– Bạch Đức Thế tôn ! Đúng thế, Đức Như lai có Phật nhãn.
– Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Như bao nhiêu cát trong sông Hằng. Đức Phật có nói là cát chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Đúng thế, Đức Như lai nói là cát.
– Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Như bao nhiêu cát trong một sông Hằng, có những sông Hằng, bằng số cát như thế, cõi Phật như bao nhiêu số cát trong những sông Hằng đó, như thế chừng có nhiều chăng ?
Bạch Đức Thế tôn ! Rất nhiều.
Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề : Bao nhiêu thứ tâm niệm của tất cả chúng sinh trong ngần ấy cõi nước, Đức Như lai đều biết rõ.
Bởi vì sao ? Vì Đức Như lai nói các thứ tâm đều là chẳng phải tâm, đó gọi là tâm.
Vì cớ sao thế ? Này Tu Bồ Đề ! Tâm quá khứ chẳng thể đặng, tâm hiện tại chẳng thể đặng, tâm vị lai chẳng thể đặng..¦
19) THÔNG HOÁ PHẬT GIÁO : Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Như có người đem bảy thứ báu đầy cả cõi tam thiên đại thiên để dùng bố thí.
Do nhân duyên như thế, người ấy đặng phước có nhiều chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Đúng thế, người đó do nhân duyên ấy đặng phước rất nhiều.
– Này Tu Bồ Đề ! Nếu phước đức là có, thì Đức Như lai chẳng nói là đặng phước đức nhiều.
Do vì phước đức là không, nên Đức Như lai mới nói đặng phước đức nhiều. ¦
20) LÌA SẮC LÌA TƯỚNG : Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý ông nghĩ thế nào ? Có thể do sắc thân cụ túc để thấy Đức Phật chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Không. Chẳng nên do sắc thân cụ túc để thấy Đức Như lai.
Bởi vì sao ? Vì Đức Như lai nói sắc thân cụ túc, chính chẳng phải sắc thân cụ túc, đó gọi là sắc thân cụ túc.
– Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý ông nghĩ thế nào ? Có thể do nơi các tướng cụ túc mà thấy Đức Như lai chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Không. Chẳng nên do các tướng cụ túc mà thấy Đức Như lai.
Bởi vì sao ? Vì Đức Như lai nói các tướng cụ túc chính là chẳng phải cụ túc, đó gọi là các tướng cụ túc. ¦
21) CHẲNG PHẢI NĂNG THUYẾT SỞ THUYẾT : Này Tu Bồ Đề ! Ông chớ nói rằng Đức Như lai nghĩ thế này : ta nên có chỗ thuyết pháp, ông đừng nghĩ như thế.
Bởi vì sao ? Vì nếu người nào nói rằng : Đức Như lai có thuyết pháp, thời là hủy báng Đức Phật, không hiểu đặng nghĩa lý của Phật nói.
Này Tu Bồ Đề ! Thuyết pháp đó chính là thiệt không có pháp chi nói được, đó gọi là thuyết pháp.
Bấy giờ, ông Huệ Mạng Tu Bồ Đềà bạch Đức Phật rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Trong vị lai, chừng có chúng sinh nào nghe nói pháp này mà sinh lòng tin chăng?
Đức Phật dạy rằng : Này Tu Bồ Đề ! Chúng sinh kia chẳng phải chúng sinh, cũng chẳng phải là không phải chúng sinh.
Bởi vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Những chúng sinh đó, Đức Như lai nói chẳng phải chúng sinh, đó gọi là chúng sinh.  ¦
22) KHÔNG PHÁP CHI CÓ THỂ ĐẶNG : Ông Tu Bồ Đề bạch với Đức Phật rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Đức Phật chứng đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là không có chỗ chi đặng ư ?
Đức Phật dạy rằng : Đúng thế ! Đúng thế ! Này Tu Bồ Đề ! Ta ở nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nhẫn đến không có chút pháp chi có thể gọi là đặng, đó mới gọi là Vô thượng Chánh giác. ¦
23) TỊNH TÂM HÀNH THIỆN : Lại nữa, này Tu Bồ Đề ! Pháp đó bình đẳng không có cao thấp, đó gọi là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Do vì không ngã, không nhân, không chúng sinh, không thọ giả, tu tất cả pháp lành liền đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu Bồ Đề ! Pháp lành đã nói đó, Đức Như lai nói chính chẳng phải pháp lành, đó gọi là pháp lành. ¦
24) PHƯỚC ĐỨC TRÍ HUỆ KHÔNG CHI SÁNH BẰNG : Này Tu Bồ Đề ! Như trong cõi tam thiên đại thiên có bao nhiêu núi chúa Tu Di, nếu có người góp cả bảy thứ báu lại bằng những núi Tu Di đó, đem dùng mà bố thí.
Nơi Kinh Bát nhã Ba la mật này, nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v… nếu có người thọ trì đọc tụng, giảng nói cho kẻ khác nghe, thời phước đức của người bố thí trước sánh không bằng một phần trăm, một phần nghìn muôn ức, cho đến tính đếm thí dụ đều chẳng bằng được. ¦
25) HÓA ĐỘ KHÔNG NGƯỜI ĐƯỢC HÓA ĐỘ : Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Các ông chớ cho rằng Đức Như lai nghĩ như vầy : Ta phải hóa độ chúng sinh.
– Này Tu Bồ Đề ! Ông đừng nghĩ như thế. Bởi vì sao ? Vì thiệt không có chúng sinh nào Đức Như lai độ cả.
Nếu có chúng sinh mà Đức Như lai độ đó, thời Đức Như lai còn có tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả.
– Này Tu Bồ Đề ! Đức Như lai nói có ngã đó chính chẳng phải có ngã, mà kẻ phàm phu lại cho là có ngã.
– Này Tu Bồ Đề ! Phàm phu đó, Đức Như lai nói chính chẳng phải phàm phu, đó tạm gọi là phàm phu. ¦
26) PHÁP THÂN KHÔNG PHẢI SẮC TƯỚNG : Này Tu Bồ Đề ! Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Có thế do nơi ba mươi hai tướng mà xem là Đức Như lai chăng ?
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Đúng thế ! Đúng thế ! Do nơi ba mươi hai tướng mà xem là Đức Như lai.
Đức Phật dạy rằng : Này Tu Bồ Đề ! Nếu do nơi ba mươi hai tướng mà xem là Đức Như lai đó, thời Vua Chuyển Luân Thánh Vương chính là Đức Như lai rồi !
Ông Tu Bồ Đề bạch với Đức Phật rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Theo như con hiểu nghĩa lý của Đức Phật nói thời chẳng nên do nơi ba mươi hai tướng mà xem là Đức Như lai.
Bấy giờ Đức Thế tôn liền nói kệ rằng :
      Nếu dùng sắc thấy Ta,
      Dùng tiếng tâm cầu Ta,
      Người ấy tu đạo tà,
      Chẳng thấy được Như lai. ¦
27) KHÔNG ĐOẠN KHÔNG DIỆT : Này Tu Bồ Đề ! Nếu ông nghĩ thế này : Đức Như lai vì chẳng do nơi tướng cụ túc, mà đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
– Này Tu Bồ Đề ! Ông đừng nghĩ như vầy : Đức Như lai vì chẳng do nơi tướng cụ túc, mà đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Này Tu Bồ Đề ! Nếu ông nghĩ như vầy : Người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nói các pháp đều đoạn diệt. Ông đừng nghĩ như thế ?
Bởi vì sao ? Vì nơi các pháp người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không nói tướng đoạn diệt.  ¦
28) CHẲNG NHẬN LẤY CHẲNG THAM : Này Tu Bồ Đề ! Nếu Bồ tát đem bảy thứ báu đầy cả những cõi nước bằng số cát sông Hằng để làm việc bố thí.
Nếu lại có người biết lý vô ngã của tất cả pháp mà đặng thành nhẫn trí. Vị Bồ tát này đặng công đức hơn phước đức của vị Bồ tát trước.
Bởi vì sao ? Này Tu Bồ Đề ! Vì các vị Bồ tát không nhận lấy phước đức.
Ông Tu Bồ Đề bạch với Đức Phật rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Tại sao các vị Bồ tát không nhận lấy phước đức ?
– Này Tu Bồ Đề ! Vị Bồ tát phàm có làm việc phước đức thời chẳng nên tham trước, vì thế nên nói là chẳng nhận lấy phước đức. ¦
29) OAI NGHI VẮNG LẶNG : Này Tu Bồ Đề! Nếu có người nói: Đức Như lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm, thời người ấy không hiểu nghĩa của Phật nói.
Bởi vì sao ? Vì Như lai đó, không từ nơi nào lại, mà cũng không đi về đâu, nên gọi là Như lai ! ¦
30) NGHĨA LÝ NHẤT HIỆP TƯỚNG : Này Tu Bồ Đề ! Như có trang thiện nam, người thiện nữ đem cõi tam thiên đại thiên đập nát ra vi trần. Nơi ý ông nghĩ thế nào ? Các vi trần đó có nhiều chăng ?
Ông Tu Bồ Đề bạch rằng : Bạch Đức Thế tôn ! Rất nhiều.
Bởi vì sao ? Vì nếu những vi trần đó là thiệt có, thời Đức Phật chẳng nói là những vi trần.
Vì cớ sao thế ? Vì Đức Phật nói những vi trần chính chẳng phải những vi trần, đó gọi là những vi trần.
Bạch Đức Thế tôn ! Cõi tam thiên đại thiên của Đức Như lai nói, chính chẳng phải thế giới đó gọi là thế giới.
Bởi vì sao ? Vì nếu thế giới là thiệt có ấy, thời là một hiệp tướng.
Đức Như lai nói một hiệp tướng chính chẳng phải một hiệp tướng, đó gọi là một hiệp tướng.
– Này Tu Bồ Đề ! Một hiệp tướng đó bèn là chẳng thể nói được, chỉ nơi kẻ phàm phu tham trước việc ấy thôi. ¦
31) TRI KIẾN KHÔNG SINH : Này Tu Bồ Đề! Như có người nói: Đức Phật nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến. Nơi ý của ông nghĩ thế nào ? Người ấy hiểu nghĩa lý của Phật nói chăng ?
– Bạch Đức Thế tôn ! Không. Người ấy không hiểu nghĩa lý của Đức Phật nói. Bởi vì lẽ sao ? Đức Thế tôn nói ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, chính chẳng phải ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến, đó gọi là ngã kiến, nhân kiến, chúng sinh kiến, thọ giả kiến.
– Này Tu Bồ Đề ! Nơi tất cả pháp, người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác phải biết như thế, thấy như thế, tin hiểu như thế, chẳng sinh pháp tướng.
– Này Tu Bồ Đề ! Pháp tướng nói ra đó, Đức Như lai nói chính là không phải pháp tướng, đó gọi là pháp tướng. ¦
32) ỨNG HÓA KHÔNG PHẢI CHÂN THẬT : Này Tu Bồ Đề ! Như có người đem bảy thứ báu đầy cả vô lượng vô số cõi nước để làm việc bố thí. Như có trang thiện nam, người thiện nữ nào phát tâm Bồ đề thọ trì kinh này, nhẫn đến một bài kệ bốn câu v.v… tự mình thọ trì đọc tụng, lại giảng cho kẻ khác nghe, thời phước đức của người này hơn người trước.
Giảng nói cho người khác nghe như thế nào ? Không chấp lấy nơi tướng, như như chẳng động.
Bởi vì sao ?
              Tất cả những pháp hữu vi,
Khác nào mộng huyễn, khác gì điển sương
              Như bóng nước, như ảnh tượng.
Xét suy như thế cho thường chớ quên !  ¦
33) TIN NHẬN VÂNG LÀM : Đức Phật nói kinh này xong, ông Trưởng lão Tu Bồ Đề cùng với các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, tất cả trời, người, a tu la v.v… trong thế gian nghe những lời của Đức Phật nói, thảy đều rất vui mừng tin nhận, vâng theo tu hành. ¦ ¦
CHƠN NGÔN KIM CANG :
Án, hô rô, hô rô, xã duệ, mục khế, tá ha. (7 lần)
CHƠN NGÔN PHỔ HỒI HƯỚNG :
Án, Ta ma ra, Ta ma ra, Nhĩ ma nẵng, tát cót ra. Ma ha chức ca ra hồng. (7 lần)
Một hồi hướng : cùng tột chơn như, mỗi tâm khế hiệp.
Hai hồi hướng : Phật quả Vô thượng Bồ đề, mỗi niệm viên mãn.
Ba hồi hướng : tất cả pháp giới chúng sanh, đồng sanh cõi Tịnh. ¦

 
KỆ KHEN NGỢI
Công đức Kim cang,
Diệu lý khó bàn.
Như lai vì chúng rộng tuyên dương
Nhận được, ngộ chân thường.
Dùng các hoa hương.
Cúng dường Pháp Trung Vương.
Nam mô Kỳ viên Hội thượng Phật Bồ tát Ma ha tát. (3 lần) ¦ ¦
 
KINH TÂM
    MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Bồ tát Quán Tự tại, khi thực hành sâu xa pháp Bát nhã Ba la mật đa, thì Ngài soi thấy Năm uẩn đều Không, nên qua hết thảy khổ ách.
Này Ông Xá Lợi Tử ! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc; Sắc tức là Không, Không tức là Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều như thế.
Này ông Xá Lợi Tử ! “Tướng Không” của mọi pháp : Không sinh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên trong Chơn không - Không có Sắc, không có Thọ, Tưởng, Hành, Thức; Không có Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý; - Không có Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp; Không có Nhãn giới, cho đến không có Ý thức giới; Không có Vô minh, cũng không có cái hết Vô Minh; Cho đến không có Già Chết, cũng không có cái hết Già Chết; - Không có Khổ, Tập, Diệt, Đạo; - Không có Trí huệ, cũng không có chứng đắc.
Vì không có chứng đắc, nên Bồ tát nương theo Bát nhã Ba la mật đa, tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, đạt đến Niết bàn. Chư Phật trong ba đời cũng nương vào Bát nhã Ba la mật đa, được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Nên biết : Bát nhã Ba la mật đa là chú Đại Thần, là chú Đại minh, là chú Vô thượng, là chú Vô đẳng đẳng trừ được hết thảy khổ chơn thật không dối.
Vì vậy, ngài nói bài chú Bát nhã Ba la mật đa liền nói chú rằng : Yết đế, Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề Tát bà ha. ¦
THẦN CHÚ VÃNG SANH
          Nam mô A di đa bà dạ, Đa tha dà đa dạ, Đa điệt dạ tha. A di rị đô bà tỳ, A di rị đa tất đam bà tỳ. A di rị đa tỳ ca lan đế, A di rị đa tỳ ca lan đa. Dà di nị dà dà na, chỉ đa ca lệ ta bà ha. (3 lần) ¦¦ ¦
KỆ KHEN PHẬT DI ĐÀ (1)
           Tướng Phật Di Đà sánh chẳng qua,
           Sắc vàng sáng ánh tốt hơn hoa,
           Bạch hào chiếu dịu năm non cả,
           Thanh nhãn trong ngời bốn biển xa,
           Trong sáng hóa ra vô số Phật,
           Hiện hàng Bồ tát cũng Hằng sa,
           Lợi sanh Bốn tám lời từ nguyện,
           Chín phẩm Liên đài độ chúng ta. ¦
Nam mô Tây phương Cực Lạc Thế giới, Đại từ Đại bi, Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật. ¦
Nam mô A Di Đà Phật. (10 lần) ¦
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát. (3 lần) ¦
Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát. (3 lần) ¦
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát (3 lần) ¦
Nam mô Thanh tịnh Đại hải chúng
Bồ tát. (3 lần) ¦¦ ¦
 
SÁM ĐẠO TRÀNG
      Nguyện Tam bảo từ bi chứng giám,
      Chốn đạo tràng lễ sám thành tâm.
             Chúng con mê muội lỗi lầm,
Nghiệp dày phước mỏng vô tâm hững hờ.
      Nay tỉnh ngộ thờ ơ đâu lẽ,
      Nguyện Bồ đề con sẽ nêu cao.
             Ba thừa cửa pháp thẳng mau,
Nhứt tâm tịch tịnh lẽ nào chẳng thông.
      Chúng con nguyện gia công cố gắng,
        Đường phước duyên sốt sắng tuân hành,¦
             Bao nhiêu diệu pháp tinh anh, (*)
Vô vi an lạc tịnh thanh miệt mài.
      Chí thành khẩn, hôm mai dồi luyện.
      Chơn tinh thần, tỏ hiện càng xinh,
             Làu làu bổn nguyện công trình.
Chúng sanh nên Phật oai linh rạng ngời.
      Ngôi Tam bảo khắp nơi truyền bá,
      Giòng Thích Ca một dạ kiên tâm,
             Đưa nhau thoát cõi mê lầm,
Mười phương chư Phật ơn thâm diệu huyền
             Bồ đề tịch diệt Phổ Hiền,
Chứng ngôi bất thối cần chuyên tu hành.
             Nguyện đồng về cõi Lạc thành,

Tây phương cửu phẩm vãng sanh sen vàng

             Về nơi Tịnh độ đạo tràng,
Di Đà thọ ký, Lạc bang mau về.  ¦¦ ¦
 
 

(*Bản cũ :
Bao nhiêu diệu pháp thơm thanh,
Vô vi tịnh lạc đấu tranh vắn dài.

KỆ HỒI HƯỚNG
           Tụng kinh là hạnh tốt lành,
Vô biên phước đức sẵn dành chúng sinh.
           Nguyện cho tất cả hàm linh,
Sớm về cõi Tịnh nghe kinh diệu huyền,
           Nguyện tiêu ba chướng não phiền,
Cầu chơn trí huệ, phá xiềng vô minh.
           Nguyện trừ tội chướng điêu linh,
Hạnh lành Bồ tát thường tinh tấn làm.
           Nguyện sanh cõi Tịnh siêu phàm,
Hoa sen Chín phẩm sẽ làm mẹ cha.
           Hoa nở thấy Phật hiện ra,
Vô sanh chứng ngộ, bạn ta Thánh Hiền.
           Nguyện đem công đức hiện tiền,
Hướng về khắp cả các miền gần xa.
           Con và cha mẹ ông bà,
Chúng sanh giác ngộ chan hòa Pháp thân
¦¦ ¦
 ] œ
PHỤC NGUYỆN
Nam mô A Di Đà Phật, ¦
Phục nguyện :       
                Tâm không tức là Phật.
                Tỏ ngộ pháp vô sanh.
Ra khỏi mộng Nam kha ghét thương,
Bước lên cảnh Tây phương an lạc.  ¦
       Vừa rồi, chúng con một dạ chí thành, phúng tụng chơn kinh, có bao công đức, hồi hướng phương Tây, trang nghiêm cõi Tịnh,  trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu ba đường khổ. ¦
Duy nguyện :
Cầu an chư Phật tử : . . . . . . . . . . . .
Phước huệ song tu, thân tâm an lạc, thường được kiết tường, xa lìa khổ ách, tinh tấn tu hành, sớm thành đạo quả. ¦
Thứ nguyện :
Cầu siêu chư hương linh ...
Và cửu huyền thất tổ,
Nội ngoại hai bên,
Chiến sĩ trận vong,
Đồng bào tử nạn,
Nương nhờ Tam bảo,
Bước đến đạo tràng,
Nghe kinh nghe kệ,
Sớm thoát đường mê,
Sanh về Cực Lạc. ¦
 
Phổ nguyện :
Cửa thiền nghiêm tịnh,
Đại chúng an hòa.
Tín chủ được tam đa,
Đàn na thêm ngũ phước.
Âm siêu dương thới,
Pháp giới chúng sanh,
Đồng thành Phật đạo.
Nam mô A Di Đà Phật. ¦¦ ¦

BA TỰ QUY Y
­   Con về nương Phật,
     Nên nguyện chúng sanh,
     Tỏ ngộ đạo lớn,
     Phát tâm vô thượng. ¦ (1 lạy)
­   Con về nương Pháp,
     Nên nguyện chúng sanh,
     Thấm nhuần tạng kinh,
     Trí huệ như biển. ¦ (1 lạy)
­   Con về nương Tăng,
     Nên nguyện chúng sanh,
     Hòa hợp đại chúng,
     Tất cả vô ngại. ¦¦ ¦  (1 lạy)
 


 
 
  
 
 
 

KINH ẤN TỐNG
ĐỂ TẶNG, KHÔNG ĐƯỢC BÁN

 

Thượng tọa THÍCH CHƠN KHÔNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này