Chùa Am (Vĩnh Phúc) – Điểm du lich tâm linh - Phật Giáo Việt Nam
18:21 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Chùa Am (Vĩnh Phúc) – Điểm du lich tâm linh

Thứ năm - 27/12/2012 10:40
(HDPT) - Chùa Am được xây dựng vào năm Bính Tý niên hiệu Chính Hòa (năm 1696) và được ghi rõ trên cây hương đá dựng giữa sân chùa. Việc xây dựng kéo dài trong vòng 15 năm, đến năm Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh (1710) mới hoàn chỉnh. Khi đó kiến trúc chùa gồm có: Cổng chùa, sân chùa và hai tòa chính điện.
 
 
Từ khi xây dựng đến nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt là vào thời Nguyễn, vì vậy kết cấu và qui mô kiến trúc có thay đổi, thể hiện rõ nhất ở hai lớp kiến trúc khác nhau, không đồng nhất về kiểu dáng và qui mô. Chùa được xây dựng vào giai đoạn mà cả Đạo giáo và Nho giáo cùng phát triển. Do ảnh hưởng của tam giáo nên hệ thống tượng thờ trong chùa mang ý nghĩa của cả Đạo giáo và Nho giáo. Song đạo Phật vẫn là chủ yếu và được thờ ở tòa chính điện. 
 
Khác với kiến trúc chùa thường gặp, trong diện tích 1800m2 gồm: Cổng tam quan, cổng chùa chính, tòa tiền đường và hai tòa chính điện. Ngăn cách giữa các công trình là sân Thiên tỉnh như những cánh cửa lớn mở vào khoảng không để ánh sáng thiên nhiên chiếu rọi vào chùa khiến không gian chùa sáng và thoáng đãng hơn. 
 
Tam quan chùa hướng về cổng đông làng Quan Tử. Trước tam quan là khoảng sân lát gạch vuông. Tam quan xây kiểu chữ “Môn” gồm 3 gian 2 dĩ, từ sân lên nền tam quan xây bậc tam cấp. Kiến trúc mái kiểu hai tầng bốn mái. Trên tầng có treo chuông đồng và khánh đồng đều là di vật quý, có giá trị lịch sử và điêu khắc.
 
Qua cổng tam quan là sân lát gạch vuông xây tường bao loan. Từ khu vực này vào mới là khu vực chính của chùa trước đây. Hiện nay còn lại dấu vết của cổng tam quan xưa. Giữa sân có cây hương đá khắc dòng chữ “Hương chúc bảo đài”. Cuối sân ngoại là cổng chính, hai bên có cổng phụ là hai bức cánh phong xây vuông, có hai cột trụ cao. Trên phần thân cột có khắc câu đối nay đã bị bong mất một nửa nên không đọc được. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì đây là các câu đối mà các nhà khoa bảng xưa kia làm để ca ngợi cảnh chùa. Phần ngọn cột trụ được đắp nổi hình tứ quí “long, ly, qui, phượng” ở bốn mặt, đỉnh ngọn có hình tượng rùa đội đài sen; bên trên là búp sen cách điệu, nhìn xa giống như hình ngọn lửa tỏa ra bốn hướng trông rất đẹp mắt
 
Khu chùa chính gồm ba tòa xây theo kiểu chữ “Tam”: Bái đường gồm năm gian hai dĩ có kiến trúc kiểu hai tầng mái tạo cảm giác thông thoáng và cao ráo cho mái chùa. Đây là tòa có kiến trúc đẹp và lớn nhất. Với hệ thống 28 cột kết hợp với hệ thống xà cao thấp theo kiểu dân gian tạo nên một bộ khung bền chắc đỡ hai tầng mái xòe rộng. Tiếp giáp với hai mái là các đường gờ nóc được đắp cao tạo thành đường gấp khúc, lượn cong theo chiều dốc của mái và đến điểm cuối cuộn cong lại cách điệu bởi một đầu rồng tạo nên đầu đao chùa duyên dáng, mềm mại. Nhìn toàn bộ mái chùa ta thấy có ba lớp cánh sen tỏa ra trên không gian thoáng đãng. Cũng chính từ kiến trúc của tòa nhà này mà nhìn từ xa trong mùa nước ngập trắng xung quanh, ngôi chùa nổi lên như bông hoa sen. Nền chùa được lát gạch hoa, toàn bộ cột đều được kê trên bệ đá chống mối mọt, phía trước là năm ô cửa bức bàn, hai bức đầu hồi xây sát tường bao; cách tòa chính điện là một sân thiên tỉnh. Gian chính giữa treo bức đại tự sơn son “Vĩnh Phúc Tự” được làm dưới triều vua Bảo Đại, phía dưới có bàn thờ các hậu thần làng, hai gian bên cạnh đặt tượng Hộ pháp, Đức ông thánh hiền. Hai góc sát tường đặt hai tấm bia đá ghi lại nhiều thông tin về chùa.
 
Chính điện gồm hai tòa, mỗi tòa có 3 gian. Điều đặc biệt là toàn bộ hệ thống chân cột của tòa chính điện thứ nhất đều bằng đá xanh do nhân dân làng Quan Tử cung tiến. Tòa chính điện thứ hai có hai động lớn, được đắp bằng đất rất công phu, có cửa vòm như hang đá. Trên mỗi cửa động đều đắp tượng Thị Kính bằng đất, đặt trên bệ bằng xi măng.
 
Điều độc đáo nhất của chùa Am không chỉ là ngôi chùa có kiến trúc rộng với cảnh quan đẹp mà còn là nơi hội tụ của nhiều tôn giáo và loại hình tín ngưỡng, biểu hiện qua hệ thống các ban thờ, tượng phật ở trong chùa. Cũng giống như nhiều ngôi chùa khác, việc thờ cúng ở chùa còn kết hợp với các phong tục làng xã và với các hình thức tín ngưỡng dân gian thờ vạn vật hữu linh, thờ thần nông nghiệp.
 
Tượng phật ở đây gồm 31 pho đồng thời cũng là 31 tác phẩm có giá trị về nghệ thuật tạc tượng và điêu khắc gỗ dân gian. Tòa trên cùng là tượng tam thế tượng trưng cho chư phật thuộc về ba thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Lớp thứ hai là hai pho tượng Tọa sơn ngồi tĩnh tâm trên tòa sen. Tượng tạc bằng gỗ liền bệ. Đây là hai pho tượng Phật có kích thước lớn nhất trong tòa chính điện. 
 
Tượng Ngọc Hoàng là tượng mới song cũng đặc tả được dáng bệ vệ với tư thế ngồi thiết triều, đầu đội mũ bình thiên, mình mặc áo bào cân đai. Phía trước là tượng Nam Tào và Bắc Đẩu. Đây là một bộ tượng đặc trưng của Đạo giáo. Hai bên giáp vách chính điện là hai dãy tượng gồm 8 pho. Tám pho tượng này thể hiện mỗi người một vẻ, một dung mạo riêng. Các nghệ nhân tạc tượng đã khéo léo khắc họa được bề sâu nội tâm của những nhân vật đã vượt ra ngoài cõi thoát tục mà trở thành Phật.
 
Các pho tượng còn lại như tượng Kim đồng Ngọc nữ, tượng Quan âm, Thích ca, tượng Hộ Pháp, Đức ông… nhìn chung vẫn giống ngôi chùa khác và mang một vẻ riêng tạo nên một hệ thống tượng thờ hoàn chỉnh.
 
31 pho tượng của chùa Am rất phong phú về kiểu dáng, chất liệu bằng gỗ hoặc bằng đất. Ở đây không chỉ là tượng Phật mà còn có cả tượng thiên thần, nhân thần và phúc thần. Mỗi pho tượng có kiểu cỡ và kích thước khác nhau xong mỗi pho tượng đều thể hiện được chức năng vị trí của mình. Kết hợp với kiến trúc, các pho tượng đã làm tăng ý nghĩa và giá trị của ngôi chùa.
 
Chùa Vĩnh Phúc là di tích có giá trị đầy đủ về các mặt lịch sử, khoa học, nghệ thuật văn hóa. Lịch sử của ngôi chùa đã gắn liền với lịch sử văn hiến của làng Quan Tử. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân thôn Quan Tử và vùng phụ cận đã hàng trăm năm nay. Đến nay, chùa Am vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ bảo quản tốt và đang được đầu tư mở rộng. Cùng với đền thờ Trần Nguyên Hãn và đền thờ Đỗ Khắc Chung, chùa Am đã và đang trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn ở vùng đất văn hiến này./.
 

website du lịch Vĩnh Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này