Chùa Kim Phong ngôi danh lam ở Quảng Bình - Phật Giáo Việt Nam
09:36 +07 Thứ sáu, 19/04/2024

Chùa Kim Phong ngôi danh lam ở Quảng Bình

Thứ hai - 29/04/2013 07:24
Chùa Kim Phong ngôi danh lam ở Quảng Bình

Chùa Kim Phong ngôi danh lam ở Quảng Bình

(HDPT) - Lại có giai thoại kể rằng: thầy Ân Khả đến tu ở chùa này từ năm 1964, đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa, ứng với triều Khang Hy (1662 – 1723) bên Trung Quốc.
 
 

Chùa Kim Phong (chùa Núi Vàng), tục gọi là chùa Non, tọa lạc trên đỉnh núi Thần Đinh, cạnh bìa rừng của dãy Trường Sơn, tiếp giáp vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy, cách trung tâm thành phố Đồng Hới 20 km, cách trung tâm huyện Quảng Ninh 20 km, cạnh sông Long Đại trong xanh uốn lượn mềm mại, xưa nay được coi là một danh thắng: sơn hòa, thủy hòa, thiên địa chí hòa…

1. Các sách ghi chép về chùa Kim Phong

Chùa Kim Phong là một trong những ngôi chùa cổ trên đất Quảng Bình được các sách Ô Châu cận lục của Đương Văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh địa dư chí, và các sách từ điển di tích văn hóa Việt Nam… đều có ghi chép lại.

Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An mô tả: núi Thần Đinh chót vót, khí thế nuốt phăng bốn trăm châu. Lý do đặt tên núi thần chưa rõ, nhưng hẳn núi này hội tụ đầy đủ yếu tố của thần linh và lực lượng siêu việt của thần linh được tôn thờ…

Chùa Kim Phong ở độ cao trên 300m, gần trên đỉnh núi,  vùng đất xây dựng chùa khá rộng và tương đối bằng phẳng. Cạnh chùa có đất để trồng hoa, sườn núi có độ sâu thẳm, cửa động nhỏ hẹp, nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. Trong động có hai tầng, đá xếp đặt hệt như bàn ghế, có những viên đá hệt như tượng Phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rũ xuống. Phía trước động ấy, về phía tả lại có một động thạch nhũ, với sắc màu ẩn hiện, có chỗ như cái tán vàng, có chỗ như hình chú voi. Ở phía hữu có hai động, gọi là động Chuông, động Trống (những cột thạch nhũ ở trong động rũ xuống, khi gõ vào chúng phát ra âm thanh như tiếng chuông, tiếng trống, nên người ta gọi là động Chuông, động Trống). Ngoài ra động có giếng đá, nước chảy không bao giờ cạn, tục gọi giếng Tiên.

Theo gia phả họ Trần ở xã Đức Ninh (thành phố Đồng Hới), chùa Kim Phong được xây dựng vào năm Chính Hòa thứ 21 (1701) đời vua Lê Hy Tông (1680 – 1705). Chùa có ba gian, do sư thầy Ân Khả trụ trì. Cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn diễn ra ác liệt trên đất Quảng Bình, nhất là vùng đất gần chùa Kim Phong, chùa không ai trông coi nên đã hư hỏng nặng. Năm 1809, đời vua Gia Long thứ 7, Đại sư Trần Gia Hội, quê làng Đức Phổ, ở chùa Thiên Mụ (Huế) ra vận động nhân dân trong vùng xây dựng lại, hết 1.100 quan tiền, có 13 mẫu ruộng và 2 mẫu tự điền do nhà vua cấp. Chùa do hai ông Lê Văn Trúc (người làng Cổ Hiền) và ông Trần Chí (người làng Đồng Tư) đứng ra phụ trách xây dựng. (Lại có tư liệu nói rằng: năm Minh Mạng thứ 6 (1825), sư trụ trì là Trần Gia Hội dựng tạm chùa tranh; năm Minh Mạng thứ 10 (1829), quan hư Lê Văn Trúc quyên tiến tu bổ cho lợp bằng ngói).

Xung quanh ngôi chùa cổ này hiện có nhiều giai thoại rất hấp dẫn mà người dân trong vùng hiện còn truyền tụng. Chuyện kể rằng: thời Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên, Nội tán Đào Duy Từ (1571 – 1634) ra giữ chức Thống suất đạo Lưu Đồn, thường lên chơi núi Đầu Mâu. Một hôm, Đào Duy Từ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, hiệu là Hoàng Phủ, dặn ông đến chùa Thần Đinh sẽ trao cho pho sách thần. Đúng hẹn, Đào Duy Từ tìm đến chùa quả gặp Hoàng Phủ. Ông hỏi thăm thì Hoàng Phủ nói: “Nhân lúc rảnh rỗi đến đây chơi, còn thì ở Bích Động”. Nói rồi thì biến mất. Truyền thuyết còn nói Đào Duy Từ có làm bài ký bằng quốc âm về chùa Kim Phong được người đời truyền tụng (nhưng nay vẫn chưa tìm thấy).

Lại có giai thoại kể rằng: thầy Ân Khả đến tu ở chùa này từ năm 1964, đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa, ứng với triều Khang Hy (1662 – 1723) bên Trung Quốc. Thầy là người đức độ, tài trí, được Tăng Ni Phật tử trong vùng yêu mến. Trước khi viên tịch, thầy cắt một ngón tay út bỏ vào trong tráp để lại cho chùa. Lạ thay ngón tay tươi mãi, không hề bị thối rữa. Sau này thầy đầu thai vào đất nước Trung Hoa và tái sinh trong hình hài vua Càn Long (1736 -1796). Tương truyền, vua Càn Long cũng thiếu một ngón tay út. Ông đã linh cảm tiền kiếp có duyên nợ với chùa Non trên núi Thần Đinh bên Đại Việt nên gửi một quả chuông sang tặng khắc mấy chữ “Thần Đinh chung”. Khi thuyền trở chuông này đi vào cửa biển Nhật Lệ không may bị bão tố nhấn chìm, sau này một ngư dân ở huyện Bố Trạch tên là Đặng Văn Triêm trong một lần kéo lưới đã vớt quả chuông lên được, đem cúng vào chùa Thần Đinh.

2. Dự án tôn tạo, trùng tu chùa cổ Kim Phong.

Chúng tôi lên núi Thần Đinh thăm chùa Kim Phong vào một ngày tháng 9 năm 2004. Ở đây khí hậu mát mẻ, trong lành mặc dù ở dưới chân núi thì khí hậu nóng bức. Rừng nguyên sinh ở đây hầu như vẫn còn nguyên vẹn, ít bị con người tàn phá. Sườn núi tuy dốc nhưng có thảm thực vật dày, nên không thấy có dòng chảy trên mặt, mà khi mưa nước thấm vào tầng đất, tạo nên môi sinh, môi trường trong lành. Điều đặc biệt lý thú là gần chùa có giếng Tiên, nước từ trong khối đá chảy ra quanh năm không bao giờ cạn.

Ngôi chùa cổ này hiện chỉ còn lại nền móng với diện tích khoảng 128m, những mảng tường còn lại phủ đầy rêu phong, có ngôi miếu thiêng hiện vẫn được người dân hương khói; và dưới chân núi vẫn còn dấu tích nền móng ngôi nhà thiền sư với diện tích 74m; có những bậc thang đá men theo sườn núi, dài khoảng 375 mét dẫn lối lên chùa, nhưngcũng đã hư hỏng nhiều.

Đứng ở sân chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh chúng ta có thể thu cả biển trời sông núi, từ Phá Hạc hải đến thành phố Đồng Hới và trung tâm huyện lỵ Quảng Ninh, vào trong tầm mắt mình. Với cảnh non nước hữu tình như vậy, các thi nhân ngày xưa khi qua đây đã để lại nhiều bài thơ về vịnh rung động lòng người.

Năm 2004, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo các ngành như Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Văn hóa – Thông tin, Sở Thương mại – Du lịch, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân đã đi khảo sát núi Thần Đinh và ngôi chùa cổ Kim Phong để lập dự án trùng tu tôn tạo, bao gồm: trùng tu ngôi chùa cổ Kim Phong với diện tích 128m; nhà thiền sư dưới chân núi 74m; phục hồi tôn tại lại bậc thang đá dẫn lối lên chùa; các bậc đá xếp thành vườn xung quanh chùa; phục hồi giếng Tiên, hang Động Chuông, hang Động Trống. Dự án cũng đặc biệt quan tâm đầu tư về việc bảo tồn và phát triển rừng sinh thái núi Thần Đinh với diện tích 500ha; đầu tư vệ sinh môi trường, bảo đảm khu sinh thái xanh, sạch đẹp với số vốn đầu tư khá lớn.

Hy vọng việc tôn tạo, trùng tu ngôi chùa cổ Kim Phong sớm được hoàn thành để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân địa phương, phục vụ khách hành hương trong và ngoài tỉnh, cũng như phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến thăm vùng đất này.

 

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này